Marketer Lê Ân
Lê Ân

Digital Marketing @ Blogger A Piece of Marketing

“Giải mã” thuật toán đấu giá và bộ từ khóa của Google Search Ads

Theo báo cáo của WebFX, hiện nay có khoảng 58,5 triệu nền tảng đang sử dụng Google Ads để tăng lượt tiếp cận đến khách hàng tiềm năng. Chị Trang Dang, Founder & CEO của Ru9, cũng chia sẻ: “Với Google Ads, doanh thu của chúng tôi tăng gấp 3 lần hàng năm”. Những con số biết nói này đã chứng minh cho “sức hút” và chất lượng của Google Ads trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.

Tuy nhiên, để tạo ra một chiến dịch quảng cáo Google Search Ads hiệu quả, bạn cần hiểu rõ cách thức hoạt động của nền tảng này. Hiểu được thuật toán và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quảng cáo sẽ giúp bạn xây dựng chiến lược phù hợp và tối ưu hóa ngân sách.

Bài viết này sẽ đi sâu phân tích về Google Search Ads Auction (hệ thống đấu giá quảng cáo) và lý giải tại sao xây dựng tệp từ khóa lại đóng vai trò quan trọng trong thành công của chiến dịch.

Nắm vững kiến thức cơ bản về phiên đấu giá (auction) trong Google Search Ads

Có 6 yếu tố Google sẽ dựa vào để xếp hạng và hiển thị quảng cáo đến đúng người dùng:

  1. Giá thầu (Bid): Khi bạn đặt giá thầu, bạn cho Google Ads biết số tiền tối đa bạn sẽ trả cho một lần nhấp chuột vào quảng cáo của mình. Thực tế, bạn thường trả ít hơn và có thể thay đổi giá thầu bất cứ lúc nào.
  2. Ngưỡng Xếp hạng quảng cáo (Ad Rank threshold): Để có được quảng cáo chất lượng cao, quảng cáo phải đáp ứng chất lượng tối thiểu để hiển thị ở một vị trí quảng cáo cụ thể.
  3. Bối cảnh tìm kiếm của người dùng (Context of a person’s search): Trong đấu giá quảng cáo, ngữ cảnh rất quan trọng. Xếp hạng quảng cáo được tính toán dựa trên các cụm từ khóa mà người dùng nhập, vị trí của người dùng tại thời điểm tìm kiếm, loại thiết bị họ đang sử dụng (ví dụ: điện thoại di động hoặc máy tính để bàn), thời gian tìm kiếm, bản chất của các cụm từ tìm kiếm, các quảng cáo và kết quả tìm kiếm khác hiển thị trên trang…
  4. Thông tin bổ sung cho quảng cáo (Asset impact): Khi tạo quảng cáo, bạn có thể thêm liên kết đến trang web và hình ảnh.
  5. Tính cạnh tranh của một phiên đấu giá (The competitiveness of an auction): Nếu hai quảng cáo cạnh tranh cho cùng một vị trí có xếp hạng quảng cáo tương tự, thì mỗi quảng cáo có cơ hội như nhau để giành được vị trí đó. Khi khoảng cách về Xếp hạng quảng cáo giữa hai quảng cáo tăng lên, quảng cáo có thứ hạng cao hơn thì có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn, nhưng cũng có thể phải trả chi phí cho mỗi lần nhấp chuột (CPC) cao hơn để chắc chắn giành chiến thắng.
  6. Chất lượng quảng cáo theo thời điểm đấu giá (Auction-time ad quality): Google Ads xem xét mức độ liên quan và hữu ích của quảng cáo và trang web mà nó liên kết đến người nhìn thấy chúng. Nhờ quan sát điểm chất lượng (Quality Score) bạn có thể theo dõi và cải thiện quảng cáo Google Ads.

Nguồn: Gwendolyn Guarino

Chất lượng quảng cáo theo thời điểm đấu giá được quyết định bởi 3 yếu tố sau:

  • Tỷ lệ nhấp chuột dự kiến (Expected clickthrough rate): Đây là dự đoán về tần suất người dùng sẽ nhấp vào quảng cáo khi nó được hiển thị, đồng thời có ảnh hưởng đến vị trí hiển thị của quảng cáo. Tỷ lệ nhấp chuột (CTR) cho biết nội dung nào thu hút sự chú ý của người dùng. Bằng cách nhấp chuột, hàng triệu người đã góp phần quyết định quảng cáo nào phù hợp nhất cho từng lượt tìm kiếm.
  • Trải nghiệm trang đích quảng cáo (Ad landing page experience): Trang đích có độ liên quan đến từ khóa tìm kiếm, phù hợp với nhu cầu của người dùng và giúp họ đạt được mục tiêu tìm kiếm thì sẽ nhận được điểm chất lượng tốt hơn. Trang đích phải thể hiện rõ ràng giải pháp, dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp, các lợi ích khi sử dụng dịch vụ và tin cậy đối với người dùng.
  • Độ liên quan của quảng cáo (Ad relevance): Độ liên quan của quảng cáo là thước đo mức độ phù hợp giữa quảng cáo với nội dung tìm kiếm của người dùng. Điều này giúp đảm bảo chỉ hiển thị những quảng cáo hữu ích, đồng thời ngăn chặn các doanh nghiệp đơn giản là chi tiền để xuất hiện trên các tìm kiếm không liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.

Tại sao xây dựng bộ từ khóa lại đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của Google Search Ads?

Mỗi ngày, người dùng tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ trên Google Search bằng nhiều cụm từ khác nhau. Khi người dùng tìm kiếm bằng một cụm từ có trong danh sách từ khoá bạn đã cài đặt, quảng cáo của bạn có khả năng hiển thị trên trang kết quả của người dùng.

Ví dụ, Anna đang làm việc cho một công ty bán phần mềm quản lý công việc của đội nhóm. Cô ấy có thể thêm “phần mềm quản lý dự án” vào danh sách từ khóa cho chiến dịch quảng cáo Google Ads. Khi người tìm kiếm nhập “phần mềm quản lý dự án” vào Google, quảng cáo của Anna có thể xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm.

Trong chiến lược từ khóa, bạn có thể sử dụng 3 loại từ khóa khác nhau.

  • Exact match: Quảng cáo có thể hiển thị trên các tìm kiếm có cùng nghĩa hoặc cùng mục đích với từ khóa. Loại từ khóa này giúp kiểm soát tốt ai nhìn thấy quảng cáo của bạn nhưng lại hạn chế lượt hiển thị so với các kiểu khác. Ví dụ, các tìm kiếm “phần mềm quản lý dự án”, “phần mềm quản lý dự án xây dựng” hay “phần mềm công nghệ” sẽ không kích hoạt quảng cáo của Anna, chỉ có tìm kiếm “phần mềm quản lý dự án” mới hiển thị.
    • Ưu điểm: Kiểm soát cao nhưng hạn chế về số lần hiển thị.
    • Cách thiết lập: Thêm dấu ngoặc vuông xung quanh cụm từ – [phần mềm quản lý dự án].
  • Broad match: Quảng cáo có thể hiển thị trên các tìm kiếm liên quan đến từ khóa của bạn, bao gồm cả những tìm kiếm không chứa chính xác các từ khóa đó. Kiểu này giúp thu hút nhiều khách truy cập hơn, tiết kiệm thời gian xây dựng danh sách từ khóa và tập trung ngân sách vào các từ khóa hiệu quả. Ví dụ, các tìm kiếm “phần mềm quản lý”, “quản lý công việc”, “quản lý dự án” hoặc “top công cụ triển khai dự án”... có thể kích hoạt quảng cáo này.
    • Ưu điểm: Tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn, tiết kiệm thời gian.
    • Cách thiết lập: Đây là kiểu mặc định nên bạn không cần thiết lập gì thêm – phần mềm quản lý dự án.
  • Phrase match: Quảng cáo có thể hiển thị trên các tìm kiếm bao gồm nghĩa của từ khóa. Nghĩa của từ khóa có thể được ngầm hiểu, và tìm kiếm của người dùng có thể là dạng cụ thể hơn của nghĩa đó. Kiểu từ khóa này giúp bạn tiếp cận nhiều lượt tìm kiếm hơn so với kiểu khớp chính xác (Exact match) nhưng ít hơn so với kiểu rộng (Broad match). Ví dụ, tìm kiếm “phần mềm quản lý dự án” sẽ kích hoạt quảng cáo này cho “phần mềm quản lý dự án marketing”, “quản lý dự án phần mềm” hoặc “mua phần mềm quản lý dự án”...
    • Ưu điểm: Đảm bảo khái niệm cốt lõi của từ khóa xuất hiện trong cụm từ tìm kiếm nhưng vẫn đạt được số lần hiển thị nhiều hơn so với kiểu khớp chính xác.
    • Cách thiết lập: Thêm dấu ngoặc kép xung quanh cụm từ – “phần mềm quản lý dự án”.

Nguồn: Adzooma

Những lưu ý hữu ích khi xây dựng bộ từ khóa cho Google Search Ads:

  • Xác định danh sách từ khóa phù hợp: Điều này có thể giúp hiển thị đúng quảng cáo cho đúng đối tượng khách hàng. Từ khóa nên khớp với các thuật ngữ mà người dùng sẽ sử dụng để tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Đặt mình vào suy nghĩ của khách hàng: Khi xây dựng danh sách từ khóa, bạn hãy suy nghĩ toàn diện về tất cả các thuật ngữ khác nhau mà người dùng tiềm năng có thể sử dụng để tìm kiếm doanh nghiệp.
  • Sắp xếp từ khóa theo chủ đề và cài đặt theo ad group: Nhóm các từ khóa theo chủ đề giúp bạn dễ dàng quản lý và duy trì tài khoản, đồng thời cho phép tạo quảng cáo có liên quan đến nội dung tìm kiếm hơn.
  • Báo cáo thuật ngữ tìm kiếm (search term report): Báo cáo giúp nhà quảng cáo xem những truy vấn nào đã kích hoạt quảng cáo của họ xuất hiện trên mạng tìm kiếm.
  • Sử dụng từ khóa phủ định (negative keywords): Từ khóa phủ định ngăn các truy vấn đủ điều kiện kích hoạt quảng cáo cho một tìm kiếm không liên quan. Thêm từ khóa phủ định có thể giúp giảm lưu lượng truy cập không mong muốn và giữ cho quảng cáo của bạn tập trung vào đúng nhu cầu của khách hàng.

Nắm vững cơ chế đấu giá quảng cáo và xây dựng từ khóa phù hợp liệu đã đủ?

Một quảng cáo hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc hiểu rõ về cơ chế đấu giá quảng cáo và xây dựng từ khóa phù hợp, mà còn là sự kết hợp của nội dung quảng cáo. Nội dung quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của người dùng, khuyến khích họ nhấp chuột và thực hiện hành động mong muốn. Một nội dung hay sẽ khơi gợi sự tò mò, truyền tải thông điệp rõ ràng, và tạo dựng niềm tin với khách hàng tiềm năng.

Cùng đón chờ bài viết tiếp theo của mình chia sẻ về các mẹo khi viết nội dung cho Google Search Ads tại A Piece of Marketing nhé.

Nguồn: Blog A Piece of Marketing