Mentor – Mentee #3: Nhìn cùng một hướng
Làm sao để “nhặt” được mentor/mentee trên đường, sau đó trở thành bạn bè trong cuộc sống, rồi thành đồng nghiệp ngồi cùng công ty?
Câu chuyện lần này được kể về hành trình gần một thập niên biết nhau của Trần Huỳnh Minh Nhân – Senior Brand Manager, Coffee & Beverages Nestlé và Nguyễn Thị Yến Xuân – eBusiness Manager, Nestlé Nutrition. Điều đặc biệt nhất, sau nhiều năm, cả hai từ mentor – mentee nay trở thành… đồng nghiệp.
Trong cuộc đời, sẽ luôn có những người dù không đứng trên bục giảng, trong thâm tâm ta vẫn xem họ là những “người thầy”, đó có thể là người đã dìu dắt ta từ những ngày đầu, cũng có thể là người cho ta một bài học quý giá nào đó về bản thân hay sự nghiệp. Hãy cùng Brands Vietnam đi tìm câu chuyện về “Những người dẫn đường, đưa tôi vào ngành Mar” trong series Mentor – Mentee.
* Hai bạn có thể chia sẻ cơ duyên biết nhau?
Yến Xuân: Năm 2017, mình là sinh viên đại học năm cuối, đang trong quá trình thi Management Trainee (MT) nên rất muốn tìm kiếm, kết nối với những anh chị đã có kinh nghiệm thi và thành công MT ở các công ty lớn, tình cờ khi đó có một người bạn chung giới thiệu mình với anh Nhân. Mọi chuyện rất nhanh, khoảng hai ngày sau, sáng Chủ Nhật đã có kèo cà phê. Lần đầu gặp, anh Nhân mặc áo KitKat và chia sẻ rất nhiều về Nestlé, về chương trình MT.
Anh không chia sẻ quá nhiều về kiến thức trong buổi đó mà là về mặt chuẩn bị, về tinh thần của cuộc thi để xem mình có thật sự phù hợp với MT hay không, đây vốn là những phần mà các bạn sinh viên thường không nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng tới MT. Hôm đó sau khi gặp xong, ngay lập tức mình và anh Nhân có thêm một "session bonding" đâu đó 6 tiếng (cười).
Minh Nhân: Mình từng là MT của Nestlé, làm đại sứ cho một vài cuộc thi về Marketing, nên cũng đã hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong khoảng 5-6 năm. Bản thân mình là một người tương đối “tâm linh”, theo thần số học thì mình có số 3, nghĩa là sứ mệnh của mình là dẫn dắt, hỗ trợ và luôn mang tinh thần muốn chia sẻ cho những người cần. Mình nghĩ đó là tính cách của mình.
Không có lý do gì đặc biệt cả, mình chỉ là cảm thấy chương trình MT tỷ lệ chọi rất cao và số lượng được chọn rất ít, nên với những bạn có đam mê và mình thấy được bạn ít nhiều có khả năng thì cũng muốn hướng dẫn các bạn, ít nhất là trong giai đoạn đầu để vào được vòng trong. Còn với Xuân thì thực ra là mình cũng đang rảnh rỗi, và có “credit” qua người bạn chung nên đồng ý đi gặp.
* Không phải lúc nào career path của cả hai cũng giao nhau, điểm bắt đầu có thể là do cơ duyên, nhưng điều gì khiến cho Xuân lựa chọn là mình vẫn còn muốn học thêm từ người này, hay với Nhân là vì sao vẫn còn muốn dành thời gian cho người này?
Yến Xuân: Từ phía mình thì có hai điểm quan trọng nhất: Thứ nhất là mối quan tâm trong cuộc sống, thứ hai là cách lựa chọn. Đầu tiên, về tính cách, mình cũng khá hợp với anh Nhân. Tính cách của mình cũng khá mạnh mẽ, không quá nữ tính, tức là khi làm việc thì mọi người nhìn nhận mình giống như bạn nam hơn là một bạn nữ. Sau đó là hướng đi trong công việc và cuộc sống cũng khá giống anh Nhân.
Mối quan tâm hay ưu tiên trong cuộc sống thì điểm chung giữa hai anh em là sự nghiệp, đó cũng là một sự khác biệt với nhiều bạn bè cùng tuổi. Từ khi ra trường tới giờ thì gần như 100% năng lượng của mình dành cho công việc. Hai anh em sẵn sàng làm tới khuya, có thể là người cuối cùng rời văn phòng để cố gắng đi nhanh hơn mỗi ngày. Một điều dễ thấy tiếp theo là cả hai anh em sẽ luôn muốn tiến về phía trước, tức là khi đang ở một vị trí nhiều người cho rằng đã là rất tốt rồi thì mình vẫn tiếp tục nghĩ về đích đến tiếp theo mình muốn là gì và sẽ chia sẻ với anh Nhân về những điều đó.
Điểm thứ hai là về cách lựa chọn, ở thời điểm hiện tại, có những bạn sẽ chọn dành 50% năng lượng cho công việc ở công ty và 50% còn lại thì sẽ có thể làm thêm (freelancer) hoặc xây dựng gia đình, tận hưởng cuộc sống. Thế nhưng, cả mình với anh Nhân đều dành 100% để ưu tiên cho công việc, mình sẽ muốn xây dựng sự nghiệp đi theo chiều sâu ở một tập đoàn nhiều hơn, thiết lập mối quan hệ trong mảng mình làm. Đó là lựa chọn trong mảng sự nghiệp cũng khá giống nhau. Nếu có những suy nghĩ quá khác nhau về mặt định hướng thì có thể những điều đó sẽ mang mình đi xa khỏi nhau. Trộm vía một cách nào đó, hai anh em có những mục tiêu giống nhau nên giúp cho hai anh em có thể đi cùng nhau đến hiện tại.
Minh Nhân: Gặp nhau là có duyên, nhưng phải nói thêm, như Xuân đã kể, sau lần gặp đầu tiên thì nhóm bạn chúng tôi có đi ăn, nên cuộc gặp kéo dài thành 6 tiếng từ sáng Chủ Nhật tới xế chiều (cười) vì nói mãi không hết chuyện. Nói chuyện hợp là bước đầu để bonding, nhưng để giữ mối quan hệ tôi nghĩ phải hợp được về “vibe” (tính cách, cách nhìn trong cuộc sống). Về mặt sự nghiệp, hai anh em cũng có con đường cũng gần gần giống nhau. Mình từng làm Brand Management của KitKat, sau đó qua Thuỵ Sĩ làm gần một năm về Digital, rồi quay về và làm ở Ecom 3 năm trước khi quay lại Brand, nhưng công việc vẫn có 50% là CRM, Digital, Ecom… Vô tình và may mắn là Xuân sau khi chuyển qua nhiều phòng ban ở các công ty khác nhau lại cũng làm E-commerce.
* Được biết là Xuân và Nhân từng làm hai công ty “đối thủ”, trong suốt khoảng thời gian đó thì các bạn duy trì mối quan hệ thế nào để cân bằng?
Anh Nhân giúp mình hiểu là mình phải tin vào bản thân trước đã, rồi dần dần mọi người sẽ thấy mình xứng đáng với vị trí đó.
Yến Xuân: Tụi mình có một người bạn chung và thời điểm còn làm công ty đối thủ thì hai anh em cũng hạn chế gặp nhau thường xuyên, khoảng một quý gặp một lần ở một địa điểm quen thuộc (cười lớn). Cả hai cũng rất tôn trọng về lựa chọn xây dựng sự nghiệp của nhau và không hỏi về công việc. Tụi mình sẽ chỉ nói về những băn khoăn chung trong xây dựng sự nghiệp, hay những dự định trong cuộc sống, hoặc đơn giản là ăn uống, "bàn tán" chuyện thiên hạ thôi.
Cột mốc quan trọng với mình là năm 2020, sau khi rời công ty cũ (vốn là đối thủ của Nestlé) và chuyển sang một mảng khác – công nghệ, nhưng cái duyên lần nữa lại tới. Tập khách hàng của công ty mình và Nestlé lại giao nhau, thời điểm đó anh Nhân cũng vừa qua Ecom nên có dịp kết hợp trong một vài dự án. Khi vào công ty mới và nhận một mảng mới, vì có khá nhiều bỡ ngỡ nên mình chủ động hẹn với anh Nhân để trao đổi thêm về công việc, đó cũng là thời điểm mà mối quan hệ phát triển nhanh hơn (scale up relationship) vì khi đó, career path của hai anh em cũng khá giao nhau và cũng không có mâu thuẫn nào, thay vào đó còn có lợi cho cả hai công ty.
* Việc có một người mentor hỗ trợ Xuân như thế nào trong career path, đặc biệt là trong mảng ecom thì có rất nhiều thứ phải học vì nó thay đổi quá nhanh?
Yến Xuân: Không phải từ 2020 mà phải tính từ thời điểm 2017 – thời điểm bắt đầu với MT, người mentor có ý nghĩa về tinh thần rất lớn với mình. Bởi vì mình bắt đầu ở một tập đoàn đa quốc gia, tức là mình phải làm việc với rất nhiều stakeholder (bên liên quan) và không biết làm thế nào để có thể cư xử một cách chuyên nghiệp nhất. Sau này khi mình ở những vị trí cao hơn, mỗi khi cần đưa ra những quyết định lớn thì người mentor như anh Nhân hoặc những mentor khác sẽ đưa cho mình những lời khuyên đúng đắn nhất vào thời điểm đó.
Ví dụ như khi mình được đề nghị lên làm Manager ở công ty thứ hai – công ty công nghệ, một lĩnh vực rất khác biệt. Sau chỉ một năm, mình tiếp tục được đề nghị vị trí Online Channel Head, mọi thứ diễn ra khá nhanh với một người trẻ như mình. Với lần đầu tiên làm manager, trên mình vẫn còn một người để giúp mình “fighting” với các bên khác, nhưng lên Head thì mình buộc phải trưởng thành hơn. Nhiều người cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề đều hơn mình rất nhiều, giờ tự dưng lại phải làm chung với một con bé 9x cùng cấp bậc thì họ cũng sẽ ít nhiều cảm thấy xung đột, nên bài toán khó nhất là bảo vệ được nhân viên, đội ngũ và kênh bán hàng của mình.
Tại thời điểm đó mình đã có những điều mình muốn làm, nhưng mình không hoàn toàn tự tin đó là những quyết định đúng, anh Nhân chính là người nói “Em cứ làm đi xong rồi xem mọi thứ như thế nào”. Thật ra bản thân những quyết định của mình sẽ mang lại lợi ích cho công ty, chỉ là mình sợ do cảm thấy bản thân quá nhỏ bé.
Khi cơ hội tới sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Một là bạn thật sự ở mức giỏi hơn yêu cầu và bạn bắt lấy cơ hội đó, hai là mình cứ nắm bắt lấy cơ hội và mình học dần.
Anh Nhân sẽ là người không bao giờ nói đúng hay sai mà sẽ kể một câu chuyện khác về trải nghiệm thời điểm vừa đi làm, anh cũng phải làm với những nhà phân phối, những người lớn tuổi hơn anh… Mình có nhớ anh Nhân từng nói đại ý là nếu những quyết định của mình thật sự mang lại giá trị và qua thời gian nó chứng minh rằng điều đó đúng, dần dần mọi người sẽ tin tưởng và không còn vấn đề gì với tuổi của mình nữa và họ sẽ thấy là mình đang ngồi ở đúng vị trí.
Hoặc trong sự nghiệp của mình có những khoảnh khắc như trước khi mình vào Nestlé, phải làm với những mảng mới về digital cũng như là về CRM, mình sẽ luôn có những phần lo sợ, không biết mình có thích hợp với vị trí này hay không thì mình cần có một người có thể đẩy mình về mặt tinh thần để mình có thể tự tin và bắt lấy cơ hội đó.
Cuộc sống sẽ có những thăng trầm, những lúc mình hơi “trầm” thì sẽ luôn có người bên cạnh mình. Anh Nhân giúp mình hiểu là mình phải tin vào bản thân trước đã, xong rồi dần dần mọi người sẽ thấy là mình xứng đáng với vị trí đó.
* Nhưng tới giờ thì cả hai đã trở thành đồng nghiệp ngồi cùng một văn phòng, thậm chí chỉ cách nhau … 1 căn phòng làm việc? Đó có phải là cơ duyên lần nữa không?
Minh Nhân: Nói về vị trí hiện tại của Xuân ở Nestlé trước nhé. Thực ra trước đó Nestlé cũng từng mở một vài vị trí và mình có nói chuyện với Xuân, nhưng đúng là mọi chuyện cần “thiên thời địa lợi nhân hoà”. Tới cuối năm 2022, Nestlé có vị trí E-Business Manager, cần 3 mảng khác biệt là Ecom + Digital + CRM. Xuân trước kia có làm Ecommerce nhiều, digital và data CRM thì vừa bắt đầu thôi. Bạn có những thế mạnh nhưng cũng có nhiều thứ phải học.
Về chuyên môn, khách quan là mình quan sát cô bé này trong một khoảng thời gian tương đối dài (5 năm) và nhận thấy ở Xuân có sự chuyên nghiệp trong công việc và tinh thần sẵn sàng học hỏi, trước đó mình từng hướng dẫn và trao đổi với Xuân trong công việc, mình nghĩ là Xuân đủ khả năng để ứng tuyển. Thứ hai là lý do chủ quan (cười), bọn mình là bạn bè trong cuộc sống, nên gặp cơ hội tốt thì đương nhiên là mình muốn giới thiệu cho bạn để giúp bạn phát triển nhanh hơn.
Giờ đây, hai anh em đã ngồi cùng một văn phòng. Hiện tại, hai anh em cũng thường xuyên xuất hiện cùng nhau trong các buổi chia sẻ nội bộ cũng như các chương trình khác của Nestlé vì cùng làm chung nhiều mảng.
Tóm lại, mình nghĩ khi cơ hội tới sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Một là bạn thật sự ở mức giỏi hơn yêu cầu và bạn bắt lấy cơ hội đó, hai là mình cứ nắm bắt lấy cơ hội đó rồi học dần. Mình có nói Xuân là mình cứ phải bắt lấy đã, mọi thứ còn lại mình có thể học được, còn nếu mình cứ lo sợ thì nhiều khi mình sẽ để vụt mất nhiều cơ hội tốt.
* Thường khi nhắc đến mối quan hệ mentor – mentee, mọi người sẽ nghĩ người mentor là người “cho” nhiều hơn, hai bạn nghĩ thế nào về quan điểm này?
Minh Nhân: Lúc mình ở Thụy Sĩ, có một khái niệm gọi là “Reverse mentorship”, khái niệm đó rất hay và mình và luôn tâm niệm là nếu trở về Việt Nam, nếu có những bạn nào có thể đi cùng mình trong dài hạn thì mình sẽ rất sẵn sàng. “Reverse mentorship” chỉ đơn giản là ai cũng có thể đưa lời khuyên ngược lại cho mình. Ở Thuỵ Sĩ, mình cũng là mentor cho một số lãnh đạo cấp cao của bên đó để cập nhật kiến thức về mặt digital, về mặt kỹ thuật… Ngược lại, họ sẽ có thể đưa lại cho mình lời khuyên về career path. Hoặc ví dụ như có các bạn Gen Z trong team, các bạn chưa có kinh nghiệm không có nghĩa là các bạn không thể reverse mentor lại cho các anh chị đi trước. Bởi các bạn có mối quan hệ với các bạn sinh viên, hiểu được insight của gen Z mà các anh chị đi trước không ở trong thế hệ đó họ sẽ không biết, hay cả những trend trên TikTok… Đó là một mối quan hệ win-win chứ không chỉ là một chiều.
Tại sao mentor – mentee luôn là người đi trước hướng dẫn cho người đi sau? Rất có thể hôm nay bạn là mentee, nhưng tháng sau bạn trở thành đồng nghiệp của mình, hoặc chúng ta làm việc ở hai mảng khác nhau, nền tảng khác nhau thì hoàn toàn có thể chia sẻ những điều khác, ví dụ như mạng lưới quan hệ, kiến thức chuyên môn của lĩnh vực đó để mentor học hỏi. Đó là sự mạnh khoẻ của “reverse mentorship” mà mình nghĩ mối quan hệ nào cũng nên có.
Một khi mình đã chấp nhận là mentor, nghĩa là mình hiểu rằng mình muốn giúp đỡ ai đó, khi họ vượt qua khó khăn, hoặc có một số bước phát triển thì mình cũng vui. Điều quan trọng là mình đừng kỳ vọng cho đi rồi sẽ nhận lại được gì, vì khi mentee không giúp được gì cho mình thì bỗng dưng mình sẽ thất vọng và đem lại tác dụng ngược cho mối quan hệ.
Mình nghĩ là năng lượng và niềm hạnh phúc mình có được khi có những bạn mentee là mình nhìn họ phát triển về mặt sự nghiệp và thậm chí họ trở nên giỏi hơn mình thì mình càng vui thôi.
Sẽ có một số bạn mình chỉ giúp đỡ một vài lần trong cuộc sống, những lúc họ cần, nhưng cũng sẽ có những trường hợp giống như Xuân, khi Xuân ở công ty công nghệ, cũng đã có nhiều chủ đề có thể chia sẻ với nhau, cho đến khi Xuân vào dù chung một công ty nhưng khác Business Unit thì vẫn có những kiến thức có thể chia sẻ như kiến thức, giúp nhau được trong con đường lâu dài. Việc chia sẻ với một người mentee cùng tần số như “dopamine” cho mình trong công việc lẫn cuộc sống.
Yến Xuân: Mình sẽ nói về một góc độ khác ngoài chuyện trao – nhận giữa cá nhân của hai người mentor – mentee, đó là mình có thể lan rộng tinh thần của mentor – mentee, như cách anh Nhân đã hỗ trợ mình, khi mình nhận lại thì mình cũng muốn cho đi. Ở thời điểm mình chưa quen biết ai, mình đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và mình mong được lan rộng tinh thần đó, nó sẽ thể hiện ngay ở cách mình cư xử với những bạn nhân viên cùng team.
Tinh thần đó được mình duy trì ở tất cả những công ty và vị trí mình từng làm, mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trong team, cũng như đưa ra lời khuyên về lộ trình, mục tiêu công việc cho các bạn.
Mentor – mentee cũng giống như câu chuyện tìm một người bạn đồng hành lâu dài: Phát triển cùng nhau và chia sẻ khó khăn cho nhau.
Bản thân mình tin rằng việc cho đi và nhận lại luôn có hai chiều, mình trao đi những phần chia sẻ, trải nghiệm của mình cho các bạn thì điều mình nhận lại là các bạn dần tiến bộ, và các bạn sẽ thực hiện công việc tốt hơn, khiến kết quả chung được phát triển, đồng thời, mối quan hệ giữa mình và team cũng tốt hơn. Lúc mình rời khỏi công ty công nghệ, có một bạn nhân viên chia sẻ rằng bạn không đủ tự tin để nhận những công việc mình giao lại, khi đó, mình quyết định cho bạn một số lời khuyên. Một năm sau, bạn gửi lại cho mình một tin nhắn rất dài để cảm ơn vì bạn nhận ra giá trị trong những lời khuyên đó và bạn rất trân trọng điều đó.
Mình nghĩ rằng đồng nghiệp cũng có thể trở thành bạn bè, nên mình cố gắng lan rộng tinh thần chia sẻ giữa mentor – mentee không chỉ trong công việc, mà còn là ở cả những khía cạnh khác trong cuộc sống.
* Một câu hỏi nhạy cảm, nhưng với người có nhiều mối quan hệ mentor – mentee như Nhân, có lần nào phải kết thúc một mối quan hệ, và làm sao để kết thúc mối quan hệ một cách tốt đẹp?
Minh Nhân: Càng lớn, mình sẽ càng ít làm mọi thứ lùm xùm lại. Tại vì mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, chỉ là mình nhận ra hoặc không nhận ra, mỗi thời điểm sẽ có những kỳ vọng khác nhau, và họ sẽ có những hành động khác nhau để đạt được những mục tiêu đó, việc này rất bình thường, đừng “đấu tố”. Biết đâu được thời điểm nào đó lại quay lại với nhau, nên hãy nhẹ nhàng hóa và quản lý sự kì vọng trong một mối quan hệ. Sẽ có những thời điểm mình cần nhau, sẽ có những thời điểm mình tạm không cần nhau hoặc không thể đi chung nữa thì mình có thể tạm xa. Trong cuộc sống luôn có những trường hợp như vậy nên đừng đặt mọi thứ quá nặng nề.
* Hai bạn sẽ chia sẻ gì với độc giả Brands Vietnam để tìm thấy và đồng hành lâu dài cùng mentor/mentee?
Yến Xuân: Chân thành, đừng vụ lợi. Giống như anh Nhân nói vậy, nó sẽ là mối quan hệ hai chiều. Tức là không phải là lúc nào cũng là tôi xin lời khuyên của bạn mà không chia sẻ lại gì hết, tại vì cả hai người đều sẽ là những người học từ nhau và cả hai người đều sẽ cùng đi lên. Ngoài ra, hãy biến những gì mentor chia sẻ thành những kết quả có thể nhìn thấy, vì đó chính là lúc người mentor cảm thấy được giá trị khi họ dành thời gian cho bạn. Điều thứ hai là hai người phải cùng nhìn về một mục tiêu trong cuộc sống, mình nghĩ đó là điều quan trọng tại vì nếu mà nó quá khác nhau, giống như anh thì thích lý trí – em thì thích tình cảm, thì chắc là sẽ không bao giờ gặp nhau được tại vì nó sẽ không cùng vibe với nhau.
Minh Nhân: Mentor – mentee cũng giống như bất kì mối quan hệ nào khác. Vấn đề đầu tiên là chia sẻ, đói thì ăn, yêu phải nói, muốn gì thì phải nói cho người khác biết. Việc chia sẻ là công cụ và nền tảng cơ bản cho một mối quan hệ lâu dài, chia sẻ là để biết mình muốn gì và có gì, từ đó mới có thể thông cảm cho nhau, phải biết về những giá trị mình có của nhau mới có thể tìm ra điểm matching với nhau, tôi có thể cho bạn lời khuyên ở góc độ này và ngược lại.
Và cuối cùng là câu chuyện quản lý sự kì vọng, cần hiểu rằng có những cái nên có kì vọng vừa đủ để giúp mối quan hệ đó có thể khoẻ mạnh và đi cùng nhau lâu dài. Mentor – mentee cũng giống như câu chuyện tìm một người bạn đồng hành lâu dài: Phát triển cùng nhau, chia sẻ những khó khăn của nhau. Họ đi trước, họ là mentor, không phải là họ không có lúc buồn hay tâm trạng xuống dốc, nếu mình không giúp được gì thì có thể đơn giản là lắng nghe hay đi nhậu, sẽ có rất nhiều cách để mình duy trì và phát triển một mối quan hệ.
★★★
Lời người viết: Khi bài viết này lên sóng, hai nhân vật đang làm cùng một công ty, lần đầu tiên sau rất nhiều năm quen biết. Là người “se duyên” cho cả hai, chứng kiến rất nhiều cột mốc trong sự nghiệp lẫn cuộc sống, tôi sẽ là người ích kỷ nếu giữ câu chuyện này cho riêng mình. Mong bạn đọc của Brands Vietnam cũng sẽ tìm thấy một (vài) điều cho chính bản thân để tìm thấy mentor/mentee trong công việc, nhưng đồng thời cũng là một người bạn trong cuộc sống.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
* Nguồn: Brands Vietnam