Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #10: Ralph Lauren – Đế chế tỷ đô khởi nguồn từ chiếc cà vạt bản rộng

Fashion Icon #10: Ralph Lauren – Đế chế tỷ đô khởi nguồn từ chiếc cà vạt bản rộng

Từ một cậu bé nhập cư người Do Thái bị bắt nạt, bằng tài năng và nỗ lực không ngừng nghỉ, Ralph Lauren đã từng bước vươn lên để trở thành một trong những tượng đài của lĩnh vực thời trang trên toàn cầu.

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

Từ cậu bé Do Thái bị bắt nạt cho đến chiếc cà vạt mang tính biểu tượng

Ralph Lauren sinh ngày 14/10/1939 tại New York, là con út trong một gia đình Do Thái nhập cư từ Nga đến Mỹ với ba người con trai và một cô con gái. Để tránh bị bạn bè đồng trang lứa tại Mỹ bắt nạt vì xuất thân, ông và người anh trai George đã đổi tên từ Lipschitz sang Lauren. Ông cũng là một trong số những nhà thiết kế nổi tiếng có nguồn gốc Do Thái, cùng với Calvin KleinRobert Denning.

Hình ảnh Ralph Lauren đang làm việc tại văn phòng của ông vào năm 1971.
Nguồn: Vanity Fair

Sau khi tốt nghiệp trường Trung học DeWitt Clinton vào năm 1957, ông quyết định bỏ học sau hai năm đăng ký chuyên ngành ngành kinh doanh tại Baruch College thuộc CUNY (City University of New York). Từ năm 1962 đến 1964, ông thực hiện nghĩa vụ quân sự trong Quân đội Hoa Kỳ. Trên thực tế, Lauren chưa bao giờ được đào tạo chính thống về lĩnh vực thời trang.

Sau khi giải ngũ, ông đến New York và trở thành trợ lý bán hàng tại Brooks Brothers. Không lâu sau đó, Lauren làm việc tại công ty sản xuất cà vạt Rivetz với vị trí nhân viên bán hàng. Đến năm 1967, khi làm việc tại nhà sản xuất cà vạt Beau Brummell, ông đã đưa ra quyết định táo bạo, đó là thuyết phục chủ tịch của công ty phát hành dòng sản phẩm cà vạt của riêng ông với nhãn hiệu Polo. Đây cũng được xem là cột mốc đầu tiên trên hành trình xây dựng sự nghiệp thời trang của ông.

Thiết kế cà vạt của Lauren được xem là sự phá cách, khi mà các cà vạt vào lúc bấy giờ có kiểu dáng đơn giản, bản hẹp và không có nhiều màu sắc đa dạng. Trong khi đó, những chiếc cà vạt này có thiết kế bản rộng với nhiều màu sắc rực rỡ và được sản xuất thủ công bằng những chất liệu cao cấp, với sự hỗ trợ tài chính của nhà sản xuất quần áo Norman Hilton ở Manhattan.

Vào thời điểm này, Lauren làm việc tại phòng trưng bày tại tòa nhà Empire State và tự đi giao hàng cho các cửa hàng. Sự nỗ lực của ông nhanh chóng được đền đáp khi chỉ vào năm đầu tiên khi ra mắt dòng cà vạt Polo, Lauren đã thu được 500.000 USD khi phân phối cho các nhà bán lẻ như Paul Stuart, Neiman Marcus và Bloomingdale’s. Sau đó, ông phải mua lại bản quyền cho cái tên “Polo” từ Brooks Brothers. 

Ralph Lauren đã gặt hái thành công với chiếc cà vạt bản rộng đầy màu sắc.
Nguồn: Vanity Fair

Từng bước xây dựng đế chế thời trang tỷ đô

Năm 1968 đánh dấu lần đầu tiên Lauren ra mắt dòng trang phục dành cho nam có tên “Polo”. Chỉ một năm sau đó, cửa hàng Bloomingdale's ở Manhattan kinh doanh độc quyền dòng trang phục dành cho nam giới của Lauren. Đây cũng là lần đầu tiên mà Bloomingdale's mở một khu vực bán hàng riêng của một nhà thiết kế trong cửa hàng  (in-store boutique).

Hình ảnh Ralph Lauren đeo chiếc cà vạt bản rộng huyền thoại đang làm việc tại cửa hàng Bloomingdale's.
Nguồn: Vanity Fair

Đến năm 1971, Lauren tiếp tục ra mắt dòng áo thun may đo dành cho nữ giới, với sự xuất hiện lần đầu tiên của logo chú ngựa chơi polo được thuê trên cổ tay áo. Cũng trong năm này, Lauren thiết lập kỷ lục khi là nhà thiết kế đầu tiên có cửa hàng độc lập tại Beverly Hills, California.

On another level, it’s just a great shirt with lots of color.

Năm 1972, Lauren trình làng chiếc áo polo với 24 màu sắc khác nhau và vẫn được công chúng yêu thích cho đến ngày nay. Thiết kế của chiếc áo polo này được phát triển dựa trên những chiếc áo tennis do René Lacoste cải tiến vào những năm 1920.

Những chiếc áo polo đầy màu sắc này vẫn được công chúng yêu thích cho đến ngày nay.
Nguồn: Vanity Fair

Được biết, cảm hứng để Lauren ra mắt chiếc áo polo mang tính biểu tượng bắt nguồn từ buổi tham gia trận đấu polo cùng với một người bạn. Lúc bấy giờ, polo (mã cầu) được coi là môn thể thao đồng đội dành riêng cho giới thượng lưu. Do vậy, chiếc áo polo dành cho nam được ra mắt đính kèm với logo cầu thủ polo ở ngực áo. 

Đến năm 1979, Lauren giới thiệu bộ sưu tập “Polo Western” mang phong cách cao bồi cùng với tagline “made to be worn”. Với bộ sưu tập này, ông đã sử dụng hình ảnh một chàng cao bồi Mỹ vừa lý tưởng vừa chân thật để quảng bá. Ông còn xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo cho “Polo Western” với những bộ trang phục đã truyền cảm hứng cho ông để ra đời bộ sưu tập này. 

Hình ảnh bộ sưu tập “Polo Western” mang phong cách cao bồi.
Nguồn: Ralph Lauren

Năm 1981, bộ sưu tập “Santa Fe” lấy cảm hứng từ tinh thần nghệ thuật và tự do của chính thành phố này chính thức ra mắt. Năm này cũng đánh dấu lần đầu tiên Ralph Lauren mở cửa hàng mới nằm ngoài thị trường Mỹ, cụ thể là tại Luân Đôn.

Năm 1983, ông giới thiệu bộ sưu tập nội thất “Ralph Lauren Home”. Đến năm 1991, hình ảnh chú gấu mặc áo polo xuất hiện trên các bộ trang phục thuộc bộ sưu tập “Polo Bear” của Ralph Lauren, vốn được truyền cảm hứng từ sở thích sưu tầm gấu Steiff của Lauren ngày bé.

Bộ sưu tập thời trang “Polo Bear” được truyền cảm hứng từ sở thích sưu tầm gấu Steiff của Lauren ngày bé.
Nguồn: Ralph Lauren

It’s not fashion; it’s real stuff. 

Năm 1992, Lauren trình làng bộ sưu tập trang phục polo thể thao “Stadium” có tông màu đậm cùng với hoạ tiết đồ họa bắt mắt. Bộ sưu tập này nhanh chóng nhận được sự đón nhận nhiệt liệt từ công chúng và các tín đồ thời trang. Một năm sau đó, ông tiếp tục phát hành bộ sưu tập dành cho nam giới “Double RL” với sự kết hợp độc đáo giữa chất liệu vải denim, trang phục cổ điển, đồ thể thao và phụ kiện. Được biết, bộ sưu tập “Double RL” được lấy cảm hứng từ quần áo bảo hộ lao động và quân trang.

Hai năm sau, tức là năm 1995, ông ra mắt thêm nhãn hiệu con “Purple” với thiết kế được lấy cảm hứng từ nghệ thuật may đo đến từ châu Âu. Cùng lúc đó, ông cũng giới thiệu dòng sơn màu “Ralph Lauren Paint” với hơn 400 màu sắc riêng biệt. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, thương hiệu đã không còn sản xuất và kinh doanh dòng sơn màu này.

Ralph Lauren nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực thời trang.
Nguồn: Vanity Fair

Năm 1997, ông chính thức đưa nhãn hiệu thời trang Ralph Lauren lên sàn chứng khoán sau khi đạt cột mốc doanh thu ấn tượng là 1 tỷ USD. Đây được xem là cột mốc đánh dấu sự thành công không thể phủ nhận của đế chế thời trang Ralph Lauren, đồng thời khép lại một thiên niên kỷ không thể mỹ mãn hơn đối với Lauren.

Niềm đam mê đặc biệt với ô tô, điện ảnh và sự tận tâm giúp đỡ các bệnh nhân ung thư

Bên cạnh những cống hiến không ngừng nghỉ đối với thời trang, Lauren còn có niềm yêu thích rất lớn đối với điện ảnh, bằng chứng là trang phục của thương hiệu đã nhiều lần xuất hiện trong các bộ phim và sự kiện điện ảnh đình đám.

Năm 1974, những bộ trang phục dành cho nam giới của thương hiệu Ralph Lauren đã xuất hiện trong bộ phim kinh điển “The Great Gatsby”. Đáng chú ý, bộ vest hồng của nam tài tử Robert Redford (đảm nhận vai nam chính Jay Gabby) do chính Lauren thiết kế riêng.

Nam diễn viên Robert Redford mặc trang phục của Ralph Lauren trong bộ phim kinh điển “The Great Gatsby” ra mắt vào năm 1974.
Nguồn: Paramount / Getty Images

Đến năm 1977, nữ diễn viên Diane Keaton đã mặc một số trang phục của Ralph Lauren trong bộ phim kinh điển từng đoạt giải Oscar “Annie Hall”. Bà Joan Juliet Buck – nữ tác giả sách kiêm diễn viên đã chia sẻ với Vogue rằng những trang phục trong bộ phim vừa có sự dịu dàng, vừa có tính cá nhân hoá và nguyên bản. 

Trong bộ phim đình đám “The Wolf of Wall Street” được phát hành vào năm 2013, nam tài tử Leonardo Dicaprio cũng đã mặc chiếc áo polo màu trắng đến từ Ralph Lauren.

Nam tài tử Leonardo Dicaprio trong bộ phim “The Wolf of Wall Street” được phát hành vào năm 2013.
Nguồn: Paramount Pictures

Ralph Lauren cũng được biết đến là có sở thích sưu tầm những chiếc xe ô tô đắt tiền. Năm 2011, Lauren đã tổ chức buổi triển lãm “L’Art de L’Automobile” tại Paris, gồm 17 chiếc xe được lựa chọn từ bộ sưu tập xe ô tô đồ sộ của ông. Cùng thời điểm diễn ra buổi khai mạc triển lãm, ông cũng xuất bản một quyển sách 160 trang về lịch sử và vẻ đẹp cũng những chiếc xe này.

Năm 2017, lần đầu tiên Lauren tổ chức buổi ra mắt bộ sưu tập mới tại gara ở nhà riêng của ông. Bộ sưu tập này được lấy cảm hứng từ sự năng động và vẻ đẹp từ những chiếc xe ô tô đắt tiền của ông ấy.

Ralph Lauren có sở thích sưu tầm những chiếc xe ô tô đắt tiền.
Nguồn: Vanity Fair

Không chỉ vậy, Lauren cũng rất nhiệt tình đóng góp cho các bệnh nhân ung thư vú. Vào năm 1989, ông cùng với bà Katharine Graham – nhà xuất bản của The Washington Post để đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ung thư vú Nina Hyde, với trụ sở tại Bệnh viện Đại học Georgetown.

Năm 2000, Lauren ra mắt bộ sưu tập “Pink Pony” nhằm ủng hộ các bệnh nhân ung thư. Theo đó, 25% số tiền thu được từ mỗi sản phẩm bán ra sẽ được quyên góp cho quỹ dành cho các bệnh nhân ung thư.

Đến năm 2003, ông hợp tác với Trung tâm Ung thư Tưởng niệm Sloan Kettering và Bệnh viện Đa khoa phía Bắc để mở Trung tâm Chăm sóc Ung thư Ralph Lauren tại New York, nhằm cung cấp các dịch vụ sàng lọc và điều trị ung thư chất lượng cao.

Oprah Winfrey: “Anh ấy đã trở thành một biểu tượng, một câu chuyện thành công có thật của một người Mỹ”

Trong suốt sự nghiệp thời trang, Lauren đã được vinh danh rất nhiều lần bởi những cống hiến của ông. Năm 1976, ông nhận được giải thưởng COTY dành cho trang phục nữ và giải thưởng COTY Hall of Fame đối với trang phục nam. Ông chính là nhà thiết kế đầu tiên giành chiến thắng ở hạng mục nam và nữ trong cùng một năm.

Ralph Lauren nhận được giải thưởng CFDA lần thứ hai với hạng mục Menswear Designer với sự trao tặng của Oprah Winfrey.
Nguồn: Larry Busacca / Getty Images

10 năm sau, Lauren xuất hiện trên trang bìa của tạp chí TIME, cùng một bài viết dài về cách ông xây dựng đế chế thời trang trong quãng thời gian chưa đến 20 năm, tính từ khi chiếc áo polo huyền thoại ra mắt.

Năm 1991, ông được nữ diễn viên huyền thoại Audrey Hepburn công bố trao giải thưởng CFDA Lifetime Achievement, nhằm ghi nhận những cống hiến của ông đối với lĩnh vực thời trang. 

Đến năm 2007, Lauren lần thứ hai nhận được giải thưởng CFDA với hạng mục Menswear Designer với sự trao tặng của Oprah Winfrey.

Buổi trình diễn thời trang tại Central Park nhân dịp 50 năm thành lập thương hiệu Ralph Lauren.
Nguồn: Ralph Lauren

Đến năm 2018, nhân dịp 50 năm thành lập thương hiệu, Lauren đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang tại Central Park, với sự tham gia của hơn 600 người nổi tiếng, bao gồm Oprah Winfrey, Bruce Springsteen, Hillary Clinton

Cuối cùng, giống như Lauren đã phát biểu khi nhận giải Thành tựu Trọn đời vào năm 1991, ông đã thành công bởi sự kiên trì với niềm tin của bản thân và không bao giờ bỏ cuộc. Cũng giống như lời Oprah Winfrey đã nói, ông đã trở thành một biểu tượng, một câu chuyện thành công có thật của một người Mỹ mà không ai có thể phủ nhận.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp