Đ
Đồng Ngân

Digital marketing project manager @ Công ty TNHH Thương Mại và Đào Tạo Dương Gia Phát

7 Yếu tố giúp doanh nghiệp xác định USP

Tại sao doanh nghiệp cần xác định USP?

Trong cuốn sách “Purple Cow – Con bò tía” của Bậc Thầy Marketing – Seth Godin cũng có đề cập đến sự cần thiết của lợi điểm bán hàng độc đáo qua hình ảnh sau: “Đàn bò sau khi bạn ngắm nhìn chốc lát đã trở nên kém thu hút. Do vậy, một con bò tía lúc này sẽ trở nên thú vị (dù chỉ tạm thời trong một thoáng), bởi bản chất của con bò tía là tạo ra sự độc đáo.”

Với sự phát triển của Thương mại điện tử như hiện nay, chúng ta sẽ dễ nhìn thấy nhiều sản phẩm và dịch vụ tương tự nhau tràn ngập trên Internet. Vì vậy, mỗi thương hiệu cần phải có một đề xuất bán hàng độc đáo cho sản phẩm/dịch vụ của mình để thu hút khách hàng mục tiêu. Nếu một thương hiệu mà không có yếu tố khác biệt thì rất có thể sẽ mất doanh thu và khó giành được thị phần.

Ví dụ:

Chúng ta hãy xem xét hai chuỗi cửa hàng pizza và đánh giá USP của họ: Domino’s tự khẳng định mình là chuyên gia giao hàng bằng cách đảm bảo bánh pizza tươi trong vòng 30 phút. Trong khi đó, USP của Papa John nhấn mạnh chất lượng của các nguyên liệu làm bánh pizza của họ, do đó mang lại hương vị ngon hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Mặc dù cả hai thương hiệu đều bán cùng một sản phẩm, nhưng chính USP của họ cho phép họ đạt được lợi thế cạnh tranh và phục vụ một đối tượng cụ thể.

7 Yếu tố giúp doanh nghiệp chọn được USP phù hợp

7 Yếu tố giúp doanh nghiệp xác định USP

Một chức năng, thuộc tính hay một lợi ích đặc biệt nào đó chỉ được xem là điểm khác biệt (USP) khi đáp ứng một số tiêu chí sau:

Important (Tính quan trọng)

Để xác định USP, hãy tập trung vào điểm mà bạn tin rằng sẽ thực sự quan trọng với khách hàng. Ví dụ, một trường Đại học chuyên về các khối ngành kinh tế, họ truyền thông điểm mạnh của mình là có tỉ lệ Tiến sĩ và Giáo sư giảng dạy nhiều hơn so với các trường khác. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên quan tâm đến khối ngành kinh tế chú ý đến giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn và hiểu biết sâu về xu hướng thị trường, chứ không chỉ là về học hàm của họ. Đó chính là điểm mạnh và hấp dẫn mà trường đại học có thể tận dụng để thu hút và giữ chân sinh viên.

Distinctive (Tính độc đáo)

Những điểm bán hàng độc đáo ban đầu có thể hấp dẫn, nhưng thường sẽ mất đi tính độc đáo theo thời gian. Ví dụ, trước đây giao hàng miễn phí được coi là một ưu điểm đặc biệt, nhưng hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng chính sách này. Vì vậy, bạn không chỉ cần tạo ra điểm bán hàng độc đáo, mà bạn cũng cần phải đảm bảo rằng nó không bị lạc hậu hoặc có thể được cải tiến bởi các đối thủ khác trên thị trường.

Superior (Tốt hơn nữa)

Tương tự như “Distinctive”, khái niệm “Superior” đề cập đến việc điểm bán hàng độc đáo của bạn có thực sự vượt trội hơn so với đối thủ hiện tại hay không, hay chỉ là một chút và có thể bị thay đổi bằng một lựa chọn khác tốt hơn và dễ dàng thực hiện hơn.

Communicable (Dễ truyền thông)

Để xác định một Unique Selling Point mạnh mẽ và dễ truyền thông, bạn cần tập trung vào những điểm mạnh cụ thể, dễ hiểu và có thể chứng minh được. Tránh những ý tưởng quá trừu tượng, khó kiểm chứng hoặc vô hình.

Giả sử bạn là chủ một nhà hàng ẩm thực Ý. Thay vì chỉ nói rằng “Nhà hàng của chúng tôi tạo ra trải nghiệm ẩm thực tốt nhất”, điều này quá trừu tượng và khó truyền đạt. Thay vào đó, bạn có thể chọn một USP cụ thể và dễ hiểu như “Nhà hàng của chúng tôi sử dụng nguyên liệu hữu cơ từ các nông trại địa phương, đảm bảo mọi món ăn đều tươi ngon và lành mạnh”.

Thông điệp này rõ ràng, dễ hiểu và có thể chứng minh được. Bạn có thể cung cấp bằng chứng về việc sử dụng nguyên liệu hữu cơ từ nông trại địa phương thông qua tài liệu, hình ảnh hoặc video về quá trình chế biến thực phẩm tại nhà hàng của bạn. Điều này giúp xây dựng niềm tin từ phía khách hàng và tạo ra một USP mạnh mẽ và dễ truyền đạt.

Preemptive

Ta có thể hiểu đơn giản “Preemptive” là việc bạn nắm giữ và bảo vệ một điểm mạnh hoặc một lợi thế cụ thể mà không để cho đối thủ có cơ hội chiếm lấy hoặc thay thế được nó.

Hãy xem xét về cảm xúc khi mua sản phẩm của Apple. Apple đã tạo ra một USP mạnh mẽ bằng cách kết hợp công nghệ tiên tiến với trải nghiệm người dùng tuyệt vời và tạo ra một cảm giác sang trọng, đẳng cấp khi sử dụng sản phẩm của họ. Không chỉ là sở hữu một chiếc điện thoại hoặc máy tính, mà mỗi sản phẩm Apple còn mang đến cho khách hàng một trải nghiệm đặc biệt của sự sang trọng và phong cách. Điều này tạo ra một USP mà không chỉ là về tính năng của sản phẩm, mà còn là về cảm xúc và trải nghiệm mà khách hàng có khi sử dụng sản phẩm của Apple. Chính USP này đã giúp họ giữ vững vị thế của mình trên thị trường trong thời gian dài.

Affordable (Giá cả vừa phải)

Đây là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng. Bạn phải đảm bảo rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có giá cả phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng. Bên cạnh đó, bạn nên tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm thông qua các chương trình khuyến mại, voucher, rút thăm trúng thưởng,…

Profitable (Khả năng sinh lời)

USP mà bạn chọn cho sản phẩm/dịch vụ phải mang đến lợi nhuận tốt nhất cho bạn, sau khi trừ đi các khoản đã đầu tư và phát triển nó.

Bạn nên đảm bảo USP của mình đáp ứng 5/7 yếu tố trên, trước khi tiến hành triển khai các hoạt động truyền thông và quảng bá cho sản phẩm/ dịch vụ của mình.

Nguồn: https://duonggiaphat.vn/usp-trong-marketing-la-gi/