Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

Năm 2023, sự gia tăng vượt bậc của lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam đã tạo nên một bước phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch, và dự báo sẽ tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng thuận lợi trong năm 2024 sắp tới. 

Từ những tháng đầu năm, lượng khách đông đảo đến tham quan và nghỉ dưỡng tại các điểm đến tiếp tục cho thấy hy vọng về năm 2024 sẽ là một năm đầy tiềm năng để khôi phục lại nhu cầu du lịch. Vậy, liệu ngành du lịch sẽ tiếp tục phát triển như thế nào? Điều gì là cơ hội để chinh phục người tiêu dùng của ngành dịch vụ này?

Để mang đến những thông tin mới nhất về ngành du lịch tại Việt Nam, Cốc Cốc đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu từ 30 triệu người dùng trên nền tảng, đồng thời thực hiện các cuộc khảo sát trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo này sẽ cung cấp cho một cái nhìn tổng quan về nhu cầu du lịch hiện tại trên thị trường Việt Nam, cũng như những thấu hiểu về hành vi du lịch của người dùng Việt. 

2023 – Một năm nhìn lại 

Nhìn lại năm 2023, du lịch Việt Nam đón hơn 108 triệu lượt khách nội địa, tăng 5,8% so với kế hoạch và 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần năm 2022. Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 17-18 triệu lượt khách quốc tế, và phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, trở lại dấu mốc như trước dịch.

Ghi nhận dữ liệu trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, số lượt người dùng tìm kiếm về các chuyến bay nội địa có xu hướng tăng vào dịp Tết (tháng 1-2) và dịp hè (tháng 5-8). Trong khi nhu cầu bay quốc tế thường rơi vào đầu năm (tháng 2-3) và cuối năm (tháng 10-11).

Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

Xu hướng du lịch của người Việt trong năm 2024

Theo kết quả khảo sát, có hơn 50% đáp viên duy trì tần suất đi du lịch tối thiểu 1 lần/năm. Tuy nhiên, số liệu của năm 2024 cho thấy người Việt có xu hướng đi du lịch thường xuyên hơn, với tỉ lệ du lịch từ 3 lần/năm trở lên đạt 22,4% – con số cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. 

Bên cạnh đó, khảo sát cũng ghi nhận rằng người Việt dần lên kế hoạch rõ ràng hơn cho chuyến đi. Hơn 60% số đáp viên của năm 2024 cho biết họ đã có kế hoạch rõ ràng về thời gian du lịch, so với khoảng chỉ 44% của năm 2022. Cụ thể hơn, với du lịch trong nước, gần 1/ 2 đáp viên cho biết họ cần dưới 1 tuần để lên kế hoạch cho chuyến đi. Trong khi đó, 25% sẽ cần hơn 2 tháng để chuẩn bị cho chuyến du lịch nước ngoài của họ. 

Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

Mối quan tâm tới các địa điểm nước ngoài tăng lên đáng kể so với năm trước, tăng từ 14,1% lên 21,5%, dù số đông vẫn lựa chọn du lịch trong nước. Theo khảo sát đối đối với người dùng Cốc Cốc, Đà Nẵng – Đà Lạt – Hà Nội là Top 3 điểm đến trong nước được yêu thích nhất. Hà Nội từ vị trí #7 trong các năm trước đã “thăng hạng” vượt bậc trong bảng xếp hạng năm nay. Bên cạnh đó, Hàn Quốc – Nhật Bản – Mỹ là những điểm đến nước ngoài hấp dẫn nhất đối với người dùng, đặc biệt các điểm du lịch ở khu vực Châu Á đang được quan tâm hơn cả. 

Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

  • Về điểm đến: Hai xu hướng chính được quan tâm nhất là điểm đến nổi tiếng với dịch vụ đầy đủ và kế tiếp là khám phá cảnh quan thiên nhiên với tỉ lệ xấp xỉ. Trong đó, du lịch biển vẫn luôn là #1 lựa chọn của người dùng trong 3 năm liên tiếp với gần 40% đáp viên yêu thích. 
  • Về loại hình: Du lịch tham quan, khám phá và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái là hai loại hình được ưa chuộng nhất bởi người Việt với ~50% lựa chọn.
  • Về tiêu chí lựa chọn: Tiêu chí quan trọng nhất đối với người đi du lịch là sự an toàn, kế đến là yếu tố thời tiết, khí hậu. Hơn 40% nữ giới cân nhắc review, đánh giá từ người trải nghiệm trước, trong khi chỉ 23% nam giới coi trọng yếu tố này. Tiêu chí này cũng được nhóm tuổi dưới 25 đánh giá cao. 
  • Về phương tiện di chuyển: Máy bay và xe khách/xe du lịch là 2 lựa chọn phổ biến nhất, Trong đó, máy bay được ưu tiên di chuyển cho các chuyến du lịch nước ngoài/dài ngày. Xe khách/xe máy lại đặc biệt dành cho các chuyến du lịch ngắn ngày

Người dùng cũng cho thấy sự yêu thích của họ đối với các dịch vụ bổ sung trong chuyến du lịch như ẩm thực, mua sắm… Theo đó, có thể thấy nữ giới tích cực hơn nam giới trong việc sử dụng các hoạt động bổ sung, tất cả các hoạt động thì đều có tỉ lệ nữ giới lựa chọn cao hơn nam giới. Đặc biệt là khám phá ẩm thực, tìm hiểu văn hóa lịch sử và mua sắm. Bên cạnh đó, khi xét theo tuổi, độ tuổi 18-24 tỏ ra hào hứng với tất cả các hoạt động hơn những nhóm tuổi còn lại.

Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

Xu hướng du lịch dài ngày tiếp tục tăng lên qua các năm, gần 1/2 đáp viên khảo sát năm 2024 có dự định đi du lịch từ 5 ngày 4 đêm trở lên. Trong khi vào năm 2022, phần lớn đáp viên lựa chọn du lịch ngắn ngày thay vì dài ngày, thì năm 2024, tỉ lệ này đã đảo chiều. Đặc biệt, tỉ lệ đáp viên đi du lịch trong ngày đã giảm từ 1/4 xuống chỉ còn 1/10. 

Theo đó, mức chi tiêu trung bình của phần lớn người dùng là từ 2-5 triệu đồng cho mỗi chuyến đi. Lứa tuổi trẻ đặc biệt là 25-34 chi tiêu mạnh hơn với ~70% chi tiêu từ 5 triệu trở lên cho mỗi chuyến đi, trong khi lứa tuổi 35-44 thường hạn chế chi tiêu cho du lịch hơn. Với độ tuổi 45+ mức chi tiêu cho du lịch quay trở lại với mức ngân sách phổ biến ở khoảng 2 triệu đến dưới 10 triệu.

Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

Gần 70% đáp viên cho biết họ quan tâm nhiều hơn đến các chuyến du lịch tự túc trong khi số ít còn lại lựa chọn Tour qua các đại lý. Lý do quan trọng nhất là bởi những người du lịch tự túc thích một lịch trình tự do và có thể đi mọi nơi họ muốn. Trong khi đó, đối với những người chọn Tour, họ lại mong muốn cảm giác an toàn và tiết kiệm thời gian. 

Xu hướng đặt trước phương tiện và nơi lưu trú vẫn tiếp tục từ 2023 sang 2024. Đáng lưu ý khi khách du lịch ngày càng có thói quen đặt trước dịch vụ ăn uống, tỉ lệ này tăng từ 25% lên 34% trong năm 2024. 

  • Với phương tiện: Tỉ lệ đặt vé qua trang chính hãng đã tăng lên đáng kể so với hai năm trước, chiếm gần 72% kết quả khảo sát. Đối với người dùng mua vé máy bay qua đại lý thì việc thanh toán tiện lợi và uy tín của đại lý là 2 yếu tố chính để giữ chân được họ.
  • Với nơi lưu trú: Khách sạn vẫn là lựa chọn phổ biến nhất, nhưng homestay và resort cũng đang dần trở nên phổ biến hơn so với 2023. Có 57,4% lựa chọn đặt phòng qua các kênh trung gian và 42,6% lựa chọn đặt phòng trực tiếp với nơi lưu trú.

Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

Những nguồn tin truyền miệng từ người thân, bạn bè cho đến review, đánh giá từ cộng đồng là nguồn cảm hứng đáng kể cho kế hoạch du lịch của người Việt. Khá thú vị khi có 17,8% đáp viên của năm nay cho biết họ sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực khi lên lịch trình. 

Vượt qua những thách thức

Những tác động từ nền kinh tế vĩ mô như lạm phát, giá cả tăng cao cũng tạo ra những rào cản nhất định tới ngành du lịch nói chung và nhu cầu du lịch của người dân nói riêng. 65% số đáp viên cho biết lạm phát có ảnh hưởng tới quyết định đi du lịch của họ, tỉ lệ này tăng thêm 3% so với 2023.

Cụ thể, có tới hơn 46% đáp viên cho biết chi phí là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng tới quyết định của họ, đặc biệt đối với của độ tuổi dưới 25 và phần lớn nữ giới. Trong khi đó, hơn phân nửa đáp viên độ tuổi 25-34 – những người trẻ bận rộn cho biết họ không thể đi du lịch trong thời gian tới bởi hạn chế về thời gian, công việc

Tuy vậy, một điểm sáng đối với ngành du lịch khi khảo sát chỉ ra rằng dù tỉ lệ đáp viên gặp vấn đề về tài chính cá nhân và cảm thấy chi tiêu du lịch đang tăng lên so với 2023, nhưng tâm lý ưu tiên cho du lịch không vì thế mà giảm xuống. Năm 2023, có 1/3 ưu tiên những mối quan tâm khác ngoài du lịch nhưng tới 2024 tỉ lệ này chỉ còn 1/4 . Bên cạnh đó, tỉ lệ người phải dùng đến các biện pháp cắt giảm chi tiêu cho du lịch cũng giảm xuống so với 2023.

Cốc Cốc: Người Việt sẽ đi du lịch như thế nào trong thời gian tới?

Theo khảo sát, có hơn 50% đáp viên cho biết họ đã sẵn sàng lên kế hoạch cho mùa du lịch hè sắp tới. Tuy ngành du lịch đang phải chịu một số tác động nhất định, ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô nhưng không vì vậy mà mức độ ưu tiên cho du lịch của người Việt giảm xuống. Việc thấu hiểu, nắm chắc xu hướng và nhu cầu chi tiêu chính là “chìa khóa vàng” để các doanh nghiệp “bắt trúng” và cất cánh thành công cho mùa du lịch năm nay.

Xem và tải báo cáo đầy đủ tại đây.