Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh hoan nghênh quyết định của chính quyền Việt Nam đối với hành vi xâm phạm bản quyền trực tuyến
Sau khi nhận đề nghị truy tố hình sự từ Giải đấu Ngoại hạng Anh (Premier League) và Liên minh vì Sự sáng tạo và Giải trí (ACE), Tòa án nhân dân Hà Nội vào ngày 19/4 đã tuyên án hình sự với bị cáo Lê Hải Nam, người điều hành dịch vụ truyền hình số trả phí (IPTV) bất hợp pháp, BestBuy IPTV về hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến. Đây là bản án hình sự đầu tiên tại Việt Nam về tội vi phạm bản quyền.
BestBuy IPTV là cái tên thường xuyên nằm trong danh sách “các thị trường hàng giả, hàng nhái khét tiếng” (Notorious Markets List) của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) trong 5 năm vừa qua. Dịch vụ này đã cung cấp trái phép các chương trình thể thao, truyền hình và phim cho người tiêu dùng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Lê Hải Nam, người điều hành dịch vụ trái phép này tại Hà Nội, đã nhận tội và bị tuyên án 30 tháng tù treo, đồng thời phải nộp phạt tương đương 100 triệu đồng (tương đương với 4000 USD). Tổng cộng hơn 615 triệu đồng (tương đương với 24.000 USD) lợi nhuận bất hợp pháp đã bị tịch thu và chuyển vào công quỹ. Nam cũng đã phải nộp 300 triệu đồng (12.000 USD) tiền bồi thường như đã nêu trong cáo trạng.
Bản án hình sự đã đánh dấu một cột mốc trong cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam và tạo tiền lệ cho các hành động pháp lý trong tương lai, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác giữa đơn vị tư nhân và cơ quan nhà nước để chấm dứt các hành vi xâm phạm bản quyền trực tuyến.
“Bản án này mang tính răn đe với bất cứ đối tương nào có liên quan đến các hành vi cung cấp dịch vụ xem trực tuyến Giải đấu Ngoại hạng Anh trái phép tại Việt Nam. Chiến thắng pháp lý này là thành quả của sự hợp tác mạnh mẽ giữa các cơ quan chức năng Việt Nam, tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương, ACE và Giải đấu Ngoại hạng Anh. Bản án hình sự này đã đặt ra tiền lệ quan trọng cho các nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong tương lai và hơn thế nữa.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với dịch vụ truyền hình số K+ để nâng cao nhận thức của người hâm mộ về các nguy cơ khi sử dụng các hình thức phát sóng chương trình thể thao trái phép, cũng như khẳng định với họ cách thức an toàn nhất để xem các trận bóng đá chất lượng cao là dùng dịch vụ được cung cấp bởi đối tác chính thức của Giải đấu Ngoại hạng Anh”, Giám đốc pháp lý giải Ngoại hạng Anh Kevin Plumb cho biết.
“Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam khi đã hành động quyết liệt trong việc xử lý vấn nạn vi phạm bản quyền, thể hiện sức mạnh của nỗ lực chung toàn cầu trong vấn đề ngăn chặn và truy tố những kẻ đứng sau các đường dây cung cấp nội dung sao chép trái phép. Dịch vụ IPTV và phát sóng trực tuyến (livestream) bất hợp pháp sẽ còn gây ra nhiều tác động bất lợi cho ngành điện ảnh và truyền hình Việt Nam, cũng như ảnh hưởng đến tập thể những người đang làm việc trước hoặc sau chiếc máy quay trên khắp thế giới.
Chúng tôi rất mong đợi các hành động quyết liệt tương tự từ các cơ quan thi hành pháp luật Việt Nam đối với các đối tượng có hành vi xâm phạm bản quyền kỹ thuật số trên quy mô toàn cầu trong thời gian dài”, bà Karyn Temple, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Cấp cao và Tổng cố vấn Pháp lý toàn cầu của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), cho biết.
ACE và Giải bóng đá Ngoại hạng Anh sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hành pháp và chính quyền địa phương, khu vực và toàn cầu để bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung giải trí và thể thao, đảm bảo người hâm mộ có thể truy cập nội dung thông qua các kênh được ủy quyền.
Vào cuối tháng 12/2023, Premier League đã phối hợp với K+ — đối tác bản quyền tại Việt Nam để triển khai chương trình chống vi phạm bản quyền. Bước đầu đã chặn hơn 2.500 tên miền trên các trang web ở Việt Nam và gỡ bỏ gần 18.000 danh sách dịch vụ vi phạm bản quyền khỏi các trang web đấu giá trực tuyến.