Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Trong môi trường làm việc đầy thách thức, áp lực công việc không chỉ là thử thách mà còn là tiền đề cho quá trình phát sự nghiệp của người lao động. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đội ngũ nhân sự, trang bị khả năng đối diện với căng thẳng và áp lực trong môi trường làm việc dần trở thành yếu tố thiết yếu.
Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động trở thành một nhiệm vụ cấp thiết với nhiều người làm công tác nhân sự và các nhà lãnh đạo. Cùng PSO MBA khám phá cách các chuyên gia Nhân sự tại hội thảo MBA Talk #77 chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên ngay tại bài viết dưới đây!
Chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên: Tạo đà cho tổ chức phát triển bền vững
Chia sẻ tại sự kiện MBA Talk #77, bà Lê Thị Hồng Thắm, hiện là Giám đốc Nhân sự tại Colgate-Palmolive (Việt Nam), nhấn mạnh rằng nhiều người đang phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe tinh thần mà họ thậm chí không nhận ra, đôi khi nhận ra nhưng không muốn đối mặt với sự thật đó.
Dù nhận ra những bất thường trong tâm trạng của đồng nghiệp, nhiều người vẫn còn e dè, chần chừ trong việc chia sẻ. Vô hình chung, vấn đề sức khỏe tinh thần được xem là nhạy cảm, ít được đề cập đến, khiến những tổn thương âm thầm len lỏi và bùng phát.
Hậu quả là những người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần không nhận được sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời. Hơn nữa, tình trạng này còn có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công việc của cá nhân, của doanh nghiệp, và rộng hơn là của nền kinh tế.
Tình trạng sức khỏe tinh thần kém ở nơi làm việc gây ra ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lao động và giữ chân nhân sự trên toàn thế giới: 13% dân số toàn cầu mắc phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần; 48% Gen Z thường xuyên cảm thấy căng thẳng; Trầm cảm và lo âu nơi công sở làm mất đi 12 tỷ ngày làm việc mỗi năm; Nền kinh tế thế giới bị thiệt hại đến 2,5 nghìn tỷ đô la mỗi năm do tình trạng sức khỏe tinh thần kém của người lao động (theo The Global Business Collaboration For Better Workplace Mental Health).
Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Thành công nhờ sự đồng lòng của tập thể
Theo bà Võ Thị Thu, HR Director tại KFC Việt Nam, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên nên được tập trung vào việc ngăn chặn và tránh những tình huống bất ổn về sức khỏe tinh thần, thay vì chỉ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề đã xảy ra. Bà nhấn mạnh rằng nhân viên sống khỏe mạnh và hạnh phúc sẽ có hiệu suất làm việc tốt hơn, điều này sẽ dẫn đến cải thiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Để xây dựng một môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên, các chuyên gia tại hội thảo MBA Talk #77 đề xuất một số hoạt động cụ thể:
- Tạo không gian giao lưu, thảo luận và chia sẻ ý kiến giữa các thành viên trong tổ chức để tăng gắn kết giữa các thành viên.
- Liên kết với các hoạt động cộng đồng, giúp nhân viên tạo mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa.
- Tạo điều kiện để nhân viên phá vỡ định kiến, mở lòng thể hiện những mặt yếu đuối của bản thân, tạo môi trường mở cho sự thấu hiểu và hỗ trợ kịp thời những cá nhân cần được giúp đỡ.
Việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên và biến tinh thần này trở thành một văn hóa đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên. Trước hết là sự tự nỗ lực của mỗi cá nhân trong việc nhận thức vấn đề của bản thân để giúp đỡ chính mình và những người xung quanh.
Ngoài ra, quá trình này đòi hỏi sự tham gia của người đứng đầu – các nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp. Người dẫn dắt cần tạo ra hình mẫu để nhân viên noi theo, cảm thấy an tâm thực hiện xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và chú trọng sức khỏe tinh thần.
Là những người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên, bà Thu và bà Thắm cho rằng bản thân phải luôn giữ suy nghĩ tích cực, vui vẻ để không rơi vào tình trạng áp lực, căng thẳng.
Bà Thu cho biết, khi đối mặt với một vấn đề nào đó, bản thân cần tìm ra mặt tích cực của vấn đề, hướng suy nghĩ bản thân theo mặt tích cực đó để giữ tâm trạng luôn vui, có những tương tác tích cực với mọi người.
Bà Thắm chia sẻ, mặc dù phải đối mặt với áp lực công việc nơi công sở, nhưng khi tham gia tổ chức các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên, Giám đốc Nhân sự tại Colgate-Palmolive (Việt Nam) cũng nhận được cơ hội học hỏi và tiếp thu từ những người có kinh nghiệm. Bằng cách này, người làm Nhân sự có thể học hỏi cách vượt qua những thách thức, làm việc hiệu quả dưới áp lực và nhận biết khi nào cần tìm cách giải tỏa căng thẳng và tìm kiếm sự hỗ trợ cho bản thân.
Đơn cử, với Colgate, việc nâng cao sức khỏe tinh thần cho nhân viên là một trong những mục tiêu lớn được đặt ra hàng năm.
Bà Thắm chia sẻ Colgate tổ chức các chương trình nhằm giúp nhân viên tự nhận thức về bản thân và hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe tinh thần của mình. Đồng thời, doanh nghiệp kết nối đội ngũ nhân viên với các chuyên gia tâm lý để nhân viên có thể chia sẻ và nhận được sự tư vấn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, đánh giá mức độ năng lượng của bản thân và tham gia vào các hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần một cách toàn diện.
Người lao động tại Colgate cũng được tạo cơ hội để học cách chấp nhận lẫn nhau và hiểu rõ hơn về trạng thái tinh thần của những người xung quanh; Biết ơn những điều tích cực trong đời sống và công việc, những đóng góp và hỗ trợ từ đồng nghiệp và cấp quản lý.
“Quả ngọt” sau hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên
Sau cuộc khảo sát nội bộ để đánh giá mức độ hài lòng về công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần, bà Thắm đã ghi nhận những phản hồi tích cực từ nhân viên. Đáng chú ý, 72,7% số nhân viên tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy hạnh phúc với chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần của công ty, trong khi 67,3% cho rằng việc tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên là vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục triển khai.
Về phía bà Thu, những nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất là việc đội ngũ nhân sự ở lại và cống hiến cho doanh nghiệp trong một thời gian dài. Khi được hỏi về lý do gắn bó với tổ chức, những nhân viên kỳ cựu đều chia sẻ động lực lớn nhất là doanh nghiệp có văn hóa lành mạnh, an toàn, tại đó nhân viên có thể tự tin phát triển bản thân.
Việc mang lại kết quả tích cực không đồng nghĩa với việc “ngủ quên” trong chiến thắng. Quá trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên là một công việc dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư liên tục từ bộ phận nhân sự cùng sự tham gia nhiệt tình của toàn bộ đội ngũ lao động.
Trong mọi tổ chức, quá trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên đòi hỏi sự tham gia tích cực từ bộ phận nhân sự, người lãnh đạo và đặc biệt là toàn bộ thành viên. Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên không chỉ mang lại cảm giác tích cực và hạnh phúc cho đội ngũ người lao động mà còn là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam và nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).