Khi các nhà lãnh đạo đam mê trình diễn nghệ thuật
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng không ít lần ngỡ ngàng trước những màn xuất hiện theo một cách rất riêng của nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Khi đặt lãnh đạo vào vị trí KOL, đồng thời mượn âm nhạc và nghệ thuật để tiếp cận công chúng, doanh nghiệp thu được lợi ích gì?
Những màn trình diễn đình đám
Chủ tịch ACB vừa đàn, vừa hát, vừa nhảy dưới mưa
Chắc hẳn nhiều marketer vẫn chưa quên tiết mục “viral” khắp mọi nền tảng của Chủ Tịch ACB Trần Hùng Huy trong đêm kỷ niệm 30 thành lập ngân hàng vào tháng 6 năm ngoái. Màn biểu diễn vừa đàn, vừa hát, lại vừa nhảy dưới mưa của vị Chủ Tịch nhanh chóng trở thành sự kiện nổi bật nhất trên bảng xếp hạng social media tháng 6/2023. “Team Marketing chạy 1 tháng không bằng chủ tịch ACB hát 1 đêm” là câu nói được cộng đồng mạng truyền tai nhau khi chứng kiến những tác động truyền thông mà màn biểu diễn này mang lại.
Hình ảnh Chủ Tịch ACB tự tin “cháy hết mình” trên sân khấu như một idol chuyên nghiệp đã phá vỡ những khuôn mẫu thường thấy ở một nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Vốn dĩ, đây không phải là lần đầu tiên ông Trần Hùng Huy thể hiện năng khiếu nghệ thuật trước đám đông. Trước đó, ông cũng từng nổi tiếng trên mạng xã hội khi khoe giọng qua nhiều ca khúc nổi tiếng như “Ngày mai em đi”, “Uptown funk”, “Attention”…
CEO Standard Chartered Việt Nam chỉ huy dàn hợp xướng
Gần đây nhất, vào ngày 19/3, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã tổ chức chương trình hòa nhạc mang chủ đề “Dòng chảy thịnh vượng” nhân kỷ niệm 120 năm hoạt động. Điểm nhấn của buổi diễn là màn hợp xướng do 120 nhân viên của ngân hàng hoà giọng và do bà Michele Wee – Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam đảm nhận vị trí nhạc trưởng.
Sau hơn 3 năm ngồi ghế lãnh đạo của Standard Chartered Việt Nam, đây là lần đầu bà xuất hiện trong vai trò chỉ huy dàn nhạc. Hình ảnh nữ lãnh đạo đa tài đến từ Singapore – tai phải cầm đũa baton, tay trái hoà theo nhịp điệu và gương mặt biểu lộ “nhạc cảm” như một nhạc trưởng” – đã dễ dàng tạo thiện cảm với công chúng.
“Ông chú Viettel” chuyên cover nhạc Sơn Tùng M-TP
Không chỉ là một nhà lãnh đạo lớn, ông Lê Đăng Dũng – nguyên Chủ Tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel (2018-2022) – còn nổi danh trong cộng đồng mạng qua hình ảnh “ông chú Viettel” trẻ trung, phong cách, chuyên hát nhạc Sơn Tùng M-TP.
Trong nhiều sự kiện của Viettel, ông đã không ngần ngại cover các ca khúc nổi tiếng của nam ca sĩ như “Nắng ấm xa dần”, “Lạc trôi”, “Em của ngày hôm qua”, “Chúng ta không thuộc về nhau”… Bất kỳ lần nào xuất hiện trên sân khấu, vị sếp này cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhân viên bên dưới khán đài, và theo sau đó là sự thích thú của cộng đồng mạng.
Thậm chí là đến tháng 7/2017, ông Lê Đăng Dũng đã chính thức song ca cùng Sơn Tùng M-TP trong một đại nhạc hội diễn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. Sự kiện năm đó khiến cả khán đài bùng nổ và tiếp tục được cộng đồng mạng bàn tán xôn xao. Phong cách giản dị và gần gũi của ông góp phần tạo nên ấn tượng về một Viettel năng động và hiện đại.
Chủ Tịch Vietjet Air và phong cách ca hát chuyên nghiệp
Sau khi màn trình diễn của Chủ tịch ACB trở thành “hiện tượng” trên mạng xã hội, cộng đồng mạng tiếp tục “đào” lại những clip ca hát của các Chủ Tịch tập đoàn khác, trong đó có bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ Tịch Vietjet Air.
Nữ Chủ Tịch gây ấn tượng bởi phong thái tự tin và chuyên nghiệp trên sân khấu, khi thể hiện ca khúc “Biển cạn” dành tặng nhân viên. Công chúng dành nhiều lời khen cho bà và liên tục chia sẻ video trên các nền tảng. Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng thường xuyên thể hiện giọng hát của mình trên các sân khấu nội bộ của Vietjet Air và tại các sự kiện thiện nguyện vào những dịp lễ, Tết.
Doanh nghiệp được gì từ những lần trình diễn này?
Trên đây chỉ là 4 màn trình diễn tiêu biểu, trong số rất nhiều những màn trình diễn từng “chiếm sóng” mạng xã hội của các nhà lãnh đạo lớn. Gần đây, cộng đồng mạng cũng xôn xao bởi màn song ca ngẫu hứng của Chủ Tịch FPT – ông Trương Gia Bình – và ca sĩ Tùng Dương, hay màn bắt trend “Cắt đôi nỗi sầu” của các “Cá Mập” tại Shark Tank mùa 6…
Việc các nhà lãnh đạo quyết định rũ bỏ phong thái mẫu mực thường thấy để tự tin ca múa trước công chúng, không chỉ xuất phát từ niềm yêu thích âm nhạc và nghệ thuật, mà còn vì mục tiêu quảng bá thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp đến tệp khách hàng trẻ.
Những người vốn chưa từng biết ai đứng sau ACB đã bắt đầu tìm hiểu về Chủ Tịch Trần Hùng Huy sau đoạn clip “viral” đó. Nhiều người cũng thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về hình tượng của “ông lớn” Viettel 30 năm tuổi sau khi xem nguyên Chủ Tịch Lê Đăng Dũng song ca cùng Sơn Tùng M-TP. Hay nhiều bạn trẻ bỗng “chăm chỉ” theo dõi Shark Tank sau khi chứng kiến màn cover nhạc trẻ vừa hài hước, vừa đáng yêu của các “Cá Mập”...
Chiến lược đặt nhà lãnh đạo vào vị trí KOL và lấy âm nhạc/nghệ thuật để thu hút sự quan tâm của khách hàng, từ đó dẫn lối cho những hành vi tiêu dùng khác, được nhiều doanh nghiệp triển khai trong thời gian gần đây. Dù có mức độ thành công khác nhau nhưng khả năng tạo hiệu ứng thảo luận ban đầu và thúc đẩy user-generated content tự nhiên trên mạng xã hội của các chiến lược này rất dễ nhìn thấy.
Về nội bộ, màn trình diễn của các sếp lớn cũng đã thổi một luồng gió mới vào văn hoá doanh nghiệp, tạo nên sự bình đẳng, thoải mái và xoá nhoà khoảng cách giữa sếp – nhân viên. Những màn trình diễn này dần trở thành xu hướng phổ biến và dường như là tiết mục không thể thiếu trong sự kiện nội bộ doanh nghiệp.
Như vậy, nếu được đầu tư kỹ lưỡng, những màn trình diễn của các nhà lãnh đạo có thể đẩy mạnh truyền thông cho doanh nghiệp và mang lại nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên, để những màn trình diễn này không chỉ là cơn sốt “sớm nở tối tàn”, doanh nghiệp vẫn cần lên chiến lược bài bản, gìn giữ hình ảnh của nhà lãnh đạo và tiếp tục đẩy mạnh tính cách thương hiệu thông qua hình ảnh này.
* Nguồn: Tổng hợp