Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #9: Issey Miyake – Bộ óc thiên tài tạo nên chiếc áo huyền thoại của Steve Jobs

Fashion Icon #9: Issey Miyake – Bộ óc thiên tài tạo nên chiếc áo huyền thoại của Steve Jobs

Với các tín đồ yêu thích thời trang, Issey Miyake là cái tên quen thuộc bởi phong cách thiết kế kết hợp tinh tế giữa văn hoá phương Đông và phương Tây. Không chỉ thế, ông cũng là nhà thiết kế tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực thời trang. Đáng chú ý, Miyake còn là người thiết kế nên những chiếc áo cổ lọ đen mang tính biểu tượng của Steve Jobs.

Ở tập số 9 của chuỗi bài Fashion Icon, hãy cùng tìm hiểu về tiểu sử của Issey Miyake – một trong những nhà thiết kế người Nhật có tầm ảnh hưởng nhất trên toàn cầu nhé!

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

Chuyển hướng đam mê từ vũ công thành thiết kế nhờ những quyển tạp chí

Issey Miyake sinh ngày 22/04/1938 tại Hiroshima, Nhật Bản. Vào năm ông 7 tuổi, bố mẹ ông đã qua đời do bom nguyên tử. Cũng bởi vì tai nạn này mà Miyake phải đi khập khiễng trong suốt cuộc đời ông. Thông tin này được ông tiết lộ lần đầu vào năm 2009, khi mà Cựu Tổng thống Barack Obama chủ trương kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Chân dung nhà thiết kế tài năng người Nhật Issey Miyake.
Nguồn: Claude Charlier

Khi còn là một đứa trẻ, Miyake vốn có ước mơ trở thành vũ công. Ông chỉ bắt đầu hứng thú với thời trang khi nghiền ngẫm những quyển tạp chí thời trang của chị gái. Đến năm 26 tuổi, ông tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ hoạ tại trường Đại học Nghệ thuật Tama tại Tokyo. Trong quãng thời gian học tập, Miyake đăng ký tham gia thiết kế thời trang tại một cuộc thi do trường Cao đẳng Thời trang Bunka tổ chức. Tiếc thay, do khi ấy vẫn chưa có nhiều kỹ năng về tạo mẫu và may mặc nên ông đã không thể giành được chiến thắng.

Năm 1965, tức là sau khi tốt nghiệp một năm, Miyake chuyển đến Paris, Pháp để đăng ký học về thời trang tại ngôi trường nổi tiếng École de la Chambre Syndicale de la Couture Parisienne. 

Chỉ sau một năm vào học, Miyake đã bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực thời trang. Cụ thể hơn, năm 1966, ông bắt đầu làm việc cho hai nhà thiết kế người Pháp nổi tiếng là Guy Laroche Hubert de Givenchy với vai trò Trợ lý. Được biết, Miyake đã rất chăm chỉ và nỗ lực trong giai đoạn này, khi mà có thời điểm ông phải vẽ khoảng 50-100 bản phác thảo trong một ngày.

Chi nhánh cửa hàng Issey Miyake tại Malaysia.
Nguồn: Harper's BAZAAR Malaysia

Đến năm 1969, ông chuyển đến New York và có cơ hội gặp gỡ những tên tuổi có vị thế trong giới nghệ thuật như ChristoRobert Rauschenberg. Để dễ dàng tìm kiếm được việc làm nơi đây, Miyake đã đăng ký học tiếng Anh tại trường Đại học Columbia và nhận được cơ hội làm việc với nhà thiết kế Geoffrey Beene.

Năm 1970, ông quay trở về Tokyo và thành lập Miyake Design Studio chuyên sản xuất trang phục cao cấp cho nữ giới. Một năm sau, Miyake trình làng bộ sưu tập thời trang may sẵn đầu tiên tại New York. Năm 1974, Miyake là nhà thiết kế nước ngoài đầu tiên nhận được lời mời đến Tuần lễ Thời trang Paris để giới thiệu bộ sưu tập.

Thành danh nhờ sự am hiểu về công nghệ, cùng với sự kết hợp tinh tế giữa phương Đông và phương Tây

Trong suốt sự nghiệp đồ sộ của ông, các thiết kế của Miyake bị ảnh hưởng bởi kiến trúc sư huyền thoại Isamu Noguchi và nhà thiết kế thời trang Madeleine Vionnet. Bên cạnh đó, khi tham quan một số bảo tàng tại Paris, ông chia sẻ rằng ông cũng chịu ảnh hưởng bởi các nhà điêu khắc, chẳng hạn như Constantin BrâncușiAlberto Giacometti

Dù thế, bước ngoặt đầu tiên giúp Miyake bứt phá trong sự nghiệp là vào những năm 1970-1980, khi ông bắt đầu thử nghiệm các công nghệ mới vào lĩnh vực thời trang. Ngay từ những ngày đầu trong sự nghiệp, ông đã cùng những nhà thiết kế khác nghiên cứu các loại công nghệ, kỹ thuật may mặc nhằm giúp ngành công nghiệp thời trang không ngừng đổi mới và tiến bộ.

Cụ thể hơn, năm 1988, ông tiến hành nghiên cứu công nghệ ép nhiệt để tạo ra những bộ trang phục có nếp gấp để không bị nhăn và xẹp, tạo sự thoải mái khi chuyển động cho người mặc, cũng như dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của các nhà thiết kế. Miyake đã gửi khoảng 200-300 bộ quần áo nếp gấp đến các vũ công để thử nghiệm thêm về tính hiệu quả của các thiết kế này.

Miyake ra mắt bộ sưu tập Pleats Please tại Paris vào năm 1994.
Nguồn: Lionel Cironneau / AP

Đến năm 1994, ông chính thức giới thiệu bộ sưu tập “Pleats Please” gồm những trang phục được thiết kế và tạo rằng bằng công nghệ ép nhiệt, với sự góp mặt trình diễn của các vũ công. Những bộ trang phục thuộc bộ sưu tập này rất sang trọng, mức giá hợp lý và có tính tiện dụng cao khi có thể mặc đi du lịch, cũng như phù hợp cho mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật.

Buổi triển lãm “Issey Miyake Making Things”.
Nguồn: Raymond Meier

Năm 1998, Miyake phối hợp cùng Dai Fujiwara để tiến hành dự án A-POC (A Piece Of Cloth). Đây là công nghệ giúp đưa chỉ may vào máy dệt kim công nghiệp được vận hành bằng máy tính, nhằm giúp người may có thể cắt vải theo ý muốn một cách nhanh chóng và đơn giản hơn, đồng thời hạn chế tình trạng lãng phí vụn vải. Năm 1998, ông tiếp tục ra mắt bộ sưu tập sử dụng công nghệ này.

Năm 1998, Miyake lần lượt tổ chức buổi triển lãm “Issey Miyake Making Things” tại Pháp, New York và Tokyo. Được biết, buổi triển lãm này bao gồm những thiết kế của ông kể từ bộ sưu tập “Pleats Please” và được đón nhận tích cực bởi công chúng và giới phê bình. The New York Times phát hành vào tháng 12/1998 đã nói rằng bộ sưu tập của Miyake đã truyền tải phong cách thời trang đương đại một cách quyến rũ và hóm hỉnh. 

Năm 2013, Miyake tổ chức buổi biểu diễn “Aomori University Men’s Rhythmic Gymnastics Team” tại Nhà thi đấu thứ hai của Sân vận động Quốc gia Yoyogi, do Daniel Ezralow biên đạo.

Những bộ trang phục ông thiết kế cho sự kiện này sau đó đã trở thành cảm hứng cho bộ sưu tập tiếp theo của ông là “Homme Plissé”. Đây là bộ sưu tập trang phục nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày dành cho nam giới hiện đại, dựa trên công nghệ ép nhiệt như bộ sưu tập “Pleats Please”. 

Bộ sưu tập “Homme Plissé” dành cho nam giới.
Nguồn: Brigitte Lacombe

Bên cạnh những thiết kế đồ sộ, Miyake còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu và thúc đẩy sự phát triển của thế hệ tiềm năng kế tiếp. Vào năm 2004, ông thành lập Quỹ Miyake Issey, vốn nhanh chóng trở thành quỹ vì lợi ích cộng đồng vào năm 2011. Bên cạnh mục đích lưu trữ các tác phẩm của ông, quỹ cũng hoạt động với mục tiêu đào tạo và thúc đẩy sự phát triển của các nhà thiết kế trẻ trên toàn cầu nhằm xây dựng thế hệ tài năng kế thừa.

Ngoài ra, ông cũng tập hợp một đội ngũ nhân viên trẻ tài năng và giàu kinh nghiệm từ Miyake Design Studio vào “Reality Lab", nhằm khuyến khích triển khai các dự án cần có sự nghiên cứu và phát triển (R&D). Các hoạt động tại “Reality Lab" tập trung vào các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường, nhằm chia sẻ về những quan ngại có thể ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.

Bộ sưu tập thời trang may sẵn Thu Đông 2017-2018 được Issey Miyake giới thiệu tại Paris.
Nguồn: Zacharie Scheurer/AP

I believe there is Hope in Design.
Design evokes Surprise and Joy in people.

Bên cạnh các bộ sưu tập thời trang đình đám, Miyake còn trình làng dòng nước hoa dành cho phái nữ có tên là “L’eau d’Issey”, được ra mắt lần đầu vào năm 1992. Lọ nước hoa được Miyake thiết kế dựa trên khung cảnh Tháp Eiffel và mặt trăng mà ông nhìn thấy từ căn hộ của ông. Vào những năm sau đó, Miyake liên tục đổi mới dòng nước hoa này với “L’eau d’Issey Pour Hommes” (2004), “L’eau Bleue d’Issey Eau” (2006), “Drop on a Petal” (2007) và “Reflections in a Drop” (2008). Đáng chú ý, tất cả dòng nước hoa của Miyake được sản xuất theo thỏa thuận với bộ phận Beauté Prestige International của Shiseido.

Dòng nước hoa “L’eau d’Issey Pour Hommes” được ra mắt từ năm 2004.
Nguồn: Issey Miyake

Mối quan hệ thân thiết với Steve Jobs và chiếc áo cổ lọ đen huyền thoại

Xuyên suốt hành trình sự nghiệp, Miyake đã nhiều lần hợp tác với những tên tuổi đình đám trong các lĩnh vực khác, tiêu biểu là Steve Jobs. Trên thực tế, trong loạt di sản đồ sộ của Miyake, đây không phải là thiết kế nổi bật nhất, song lại khiến nhiều người quan tâm khi chiếc áo cổ lọ đen được xem là biểu tượng gắn liền với Steve Jobs.

Theo quyển tiểu sử của Steve Jobs được xuất bản vào năm 2011, trong một chuyến ghé thăm nhà máy của Sony tại Nhật Bản vào những năm 1980, Jobs đã hứng thú với bộ đồng phục của các nhân viên Sony. Đáng chú ý, những bộ đồng phục của nhân viên Sony được thiết kế bởi Miyake vào năm 1981. 

Chiếc áo cổ lọ đen huyền thoại của Steve Jobs được thiết kế bởi Issey Miyake.
Nguồn: Justin Sullivan / Getty Images

Ngay sau đó, Jobs đã liên hệ với Miyake để thiết kế đồng phục cho Apple. Tiếc thay, ý tưởng kêu gọi nhân viên mặc đồng phục của Jobs đã bị Hội đồng Quản trị của Apple từ chối. Dẫu vậy, Jobs và Miyake dần trở nên thân thiết hơn. Cũng từ đó, Jobs mong muốn sở hữu những bộ trang phục riêng vừa mang đậm dấu ấn cá nhân, vừa có tính tiện dụng cao. Do đó, Jobs đã đề nghị Miyake thiết kế riêng những chiếc áo cổ lọ đen. Đây là chiếc áo không có nếp gấp ở cổ, mang lại cảm giác thoải mái như mặc áo phông, đồng thời không nóng bức như khi mặc áo len. Jobs rất ưng ý với thiết kế này, bằng chứng là ông đã đặt hàng đến 100 chiếc áo cổ lọ đen từ Miyake. 

Những năm sau đó, Jobs luôn xuất hiện trước công chúng với chiếc áo cổ lọ màu đen do Miyake thiết kế. Jobs cho biết, lý do ông ưa chuộng thiết kế này là vì ông có thể tiết kiệm thời gian lựa chọn trang phục vào mỗi buổi sáng và có thể tập trung cao độ vào công việc. Thời gian sau đó, phong cách thời trang tối giản của Jobs cũng được nhiều người ưa chuộng, chẳng hạn như Mark Zuckerberg. Do vậy, không ngoa khi nói rằng chính chiếc áo cổ lọ đen đặc trưng đó đã góp phần nâng cao danh tiếng của Jobs.

Với Miyake, luôn có hy vọng tồn tại trong từng thiết kế 

Trong suốt sự nghiệp, ông Miyake đã nhận được rất nhiều giải thưởng tôn vinh những cống hiến của ông đối với lĩnh vực thời trang. 

Năm 1999, Time Magazine đã vinh danh Miyake là “Beauty Maker" cùng với những nhân vật nổi tiếng khác như Mahatma Gandhi, Mao Trạch Đông, Đức Đạt Lai Lạt MaNhật hoàng Hirohito trong danh sách “Most Influential Asians of the 20th Century”.

Năm 2005, Miyake được Hiệp hội Nghệ thuật Nhật Bản trao giải Praemium Imperiale để tôn vinh những thành tựu nổi bật của ông trong sự nghiệp. Đến năm 2006, ông trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên nhận được Giải thưởng Kyoto về Nghệ thuật và Triết lý cho thành tựu trọn đời, do Quỹ Inamori Nhật Bản vinh danh. 

Trong suốt sự nghiệp, Miyake đã được vinh danh nhiều lần nhờ những đóng góp đối với lĩnh vực thời trang.
Nguồn: Arnal/Garcia/Gamma-Rapho / Getty Images

Đáng chú ý, vào năm 2010, Miyake được Nhật hoàng Akihito trao tặng Huân chương Văn hoá Nhật Bản. Năm 2012, Miyake trở thành một trong những giám đốc của 2121 DESIGN SIGHT – bảo tàng đầu tiên về thiết kế của Nhật Bản bắt đầu mở tại Tokyo từ năm 2007. Đến năm 2016, Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Tokyo đã tổ chức một buổi triển lãm toàn diện về sự nghiệp của ông. 

Đến ngày 05/08/2022, chuỗi ngày cống hiến hết mình cho lĩnh vực thời trang của ông chính thức khép lại khi qua đời do ung thư gan. Được biết, ông hưởng thọ 84 tuổi. Giống như châm ngôn của ông, ông luôn tin rằng luôn có hy vọng tồn tại trong từng thiết kế, và thiết kế là việc có thể mang lại bất ngờ và niềm vui cho mọi người. Thật vậy, dù giã từ nhân thế, song những đóng góp của Miyake đối với ngành công nghiệp thời trang đã thật sự mang lại hy vọng về một ngành thời trang bền vững hơn, đồng thời mang lại niềm vui và sự bất ngờ cho các tín đồ thời trang trên toàn thế giới.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp