Marketer Leader THANH
Leader THANH

Chuyên gia cao cấp về thương hiệu @ Công ty cổ phần Tập đoàn Vietgroup

Truyền thông cách đọc tên thương hiệu

Lâu nay có một điều rất bất cập là cách đọc tên các thương hiệu. Đây là một vấn đề mà hầu hết các công ty liên quan đều không để ý, kể cả Việt Nam và thế giới.

 

Với những thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hoặc ở những quốc gia khác, cách đọc tên sẽ ra sao, theo tiếng Anh hay theo ngôn ngữ gốc của thương hiệu đó?

Vì thông thường các thương hiệu sẽ đặt tên theo ngôn ngữ của nước họ, vậy về nguyên tắc, phải đọc theo tiếng nước họ, trừ khi họ đặt tên thương hiệu của mình theo tiếng Anh (từ của tiếng Anh) thì mới đọc theo tiếng Anh.

Những ví dụ sau đây sẽ nói lên sự không nhất quán trong việc đọc tên của những thương hiệu quốc tế. 

Thương hiệu xe Mercedes xuất xứ từ nước Đức và người Đức đọc là Me-xi-đợt, người Mỹ đọc là Mờ-xấy-đì, còn Việt Nam đọc là Mét-xê-đét, thậm chí đọc tắt là Mẹc.

Một thương hiệu xe nổi tiếng khác cũng của Đức - BMW, người Đức đọc là Bi-em-vi, tiếng Anh đọc là Bi-em-đắp, còn tại Việt Nam tôi không rõ mọi người đọc thế nào, nhưng hình như cũng đọc theo tiếng Anh thì phải.

BMW là 3 chữ cái đầu của 3 từ nguyên là tiếng Đức: Bayerische Motoren Werke.

Bia Heineken xuất xứ của Hà Lan, người Hà Lan đọc là Hai-nề-kờ, tiếng Anh đọc là Hai-nờ-kần, người Việt đọc là Hê-ni-ken.

Còn trường hợp xe Lexus, đây là một từ sáng tạo, không phải là từ tiếng Anh, và đương nhiên cũng không phải từ tiếng Nhật.

Tiếng Nhật là:レクサス(Rekusasu), đọc là Đéc-xa-xựt. Người Mỹ đọc tên này là Léc-xựt-s, và Việt Nam đọc là Lếch-xù/ Lếch-xớt.

Thương hiệu xe hơi Lexus là thuộc Tập đoàn Toyota (Nhật).

Tôi không biết những thương hiệu này khi xuất hiện ở những quốc gia khác thì khách hàng ở những nơi đó sẽ đọc thế nào: đọc theo tiếng Anh, theo quốc gia xuất xứ, hay theo cách đánh vần của tiếng bản địa?

Vậy nên các công ty cần phải lưu ý, hãy truyền thông cách đọc tên thương hiệu của mình một cách nhất quán.

 

Tuy nhiên ở Việt Nam, hai ví dụ sau đây thì rõ ràng về truyền thông cách đọc.

 Kem đánh răng Colgate.

Tên thương hiệu này nếu đọc đúng nơi xuất xứ của nó từ Mỹ sẽ là Câu-gệt, nhưng thực tế ở Việt Nam, tên này đã được truyền thông cách đọc nhất quán là Côn-gát.

Bột giặt Omo cũng vậy, nơi xuất xứ thương hiệu của nó đọc là Âu-màu, còn tại Việt Nam đã được truyền thông nhất quán là Ô-mô.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, những nhân viên người nước ngoài làm việc ở hai thương hiệu này tại Việt Nam (nhất là họ đến từ Hoa Kỳ và Anh)  thì họ sẽ phát âm, truyền đạt những tên đó thế nào?

Thật ra khi đến thị trường địa phương, một số thương hiệu đã đổi phát âm theo cách đánh vần của tiếng địa phương cũng không đúng, vì tên thương hiệu cũng giống như tên người, không thể và không nên chuyển đổi cách đọc.

Ví dụ, khi một người nước ngoài giới thiệu tên của mình ở một nước sở tại, họ vẫn phải đọc chính xác tên mình, và người được giới thiệu phải nghe và ghi nhớ cách phát âm tên đó chứ không thể dựa vào chữ viết để mà luận đọc.

 

Rồi tên viết tắt của những thương hiệu quốc tế khi đến thị trường địa phương cũng không rõ ràng cách đọc. Những ví dụ sau đây ở thị trường Việt Nam cho thấy điều đó.

Trường hợp KFC.

Nếu một người nước ngoài mời một người Việt: "Chúng ta ra Kây-ép-xi ăn đi", mà người được mời không biết tiếng Anh thì sẽ không rõ người kia mời đi ăn gì, mặc dù người này có thể vẫn thường xuyên ra KFC ăn gà rán.

KFC là viết tắt của từ tiếng Anh (thương hiệu này xuất xứ từ Mỹ), nên theo nguyên tắc thì phải đọc các chữ cái này bằng tiếng Anh, nhưng người Việt đã đọc nó là Ka-ép-xê.

Trường hợp của LG thì khác, thương hiệu này đã truyền thông rõ ràng và nhất quán, nên mọi người đều đọc là Eo-gi/ eo truy, không ai đọc là Lờ-Gờ hoặc E-lờ-giê.

 

Còn những trường hợp đặt tên không  theo tiếng nước họ, cũng không theo tiếng Anh mà đặt một từ hoàn toàn sáng tạo (không có trong từ điển) thì cách đọc, có lẽ chỉ còn cách hỏi họ - chủ của những thương hiệu đó.

Ví dụ: Kodak, Xerox, Rolex, Kotex, Zippo...

          Chinsu, Vifon, Zalo (Việt Nam).

Những tên này hoàn toàn có thể đọc theo hai cách: tiếng Anh hoặc tiếng Latinh. Riêng người Việt còn có thể đọc theo kiểu đánh vần tiếng Việt nữa.

Rolex là thương hiệu đồng hồ của Thụy Sĩ. Thụy Sĩ nói tới bốn ngôn ngữ, trong đó tiếng Đức và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ được nói nhiều nhất; và phát âm tên thương hiệu này là Ố-lệch-s (cả Pháp và Đức). Tiếng Anh đọc tên này là Rô-lệch-s, và người Việt đọc theo phát âm Latinh là Rô-lếch, còn nếu đọc theo đánh vần tiếng Việt thì là Ro-le.

Đây cũng lại là một bất cập nữa, các tên thương hiệu dạng này đã không được truyền thông cách đọc khi vượt khỏi biên giới của quốc gia mình.

 

Với các thương hiệu của Việt Nam, nếu đặt tên không là tiếng Việt hoặc đặt tên viết tắt thì cũng phải truyền thông cách đọc nhất quán: theo tiếng Anh, tiếng Latinh hay đánh vần tiếng Việt?

Ví dụ các thương hiệu sau đây: Masan, Vera, TTC (Thành Thành Công).

Đối với thương hiệu Masan, người Mỹ hoặc người nước ngoài có thể đọc là Ma-sần/ Ma-sừn.

Còn thương hiệu Vera, người nước ngoài mà đọc theo tiếng Anh sẽ là Ví-rà, còn nếu họ phát âm theo tiếng Latinh thì là Vê-rà. Người Việt đọc tên này là Vê-ra hoặc Ve-ra.

Tôi đã từng nghe và chứng kiến nhiều người đọc tên các thương hiệu dưới đây theo tiếng Việt hoặc đánh vần kiểu Latinh:

T&T, MobiFone, Bamboo, Vinasun

Họ đọc là: Tê-và-Tê, Mô-bi-phôn, Bam-bô, Vi-na-sun.

Tất nhiên họ là những người không biết tiếng Anh nên có xu hướng đọc theo tiếng Latinh hoặc đánh vần kiểu tiếng Việt. Mà thật ra ngay cả những người biết tiếng Anh, họ tự 'luận' đọc theo tiếng Anh chứ chắc gì chủ sở hữu thương hiệu đó chủ trương đọc vậy. Mặt khác, những tên thương hiệu trên cũng không phải là từ tiếng Anh trong từ điển, trừ 'Bamboo'.

Những người biết tiếng Anh cũng không rõ thương hiệu T&T muốn công chúng đọc theo tiếng Anh hay Việt. Vì tôi từng chứng kiến các bình luận viên thể thao nói về câu lạc bộ này không nhất quán trên truyền hình (thời CLB còn là tên cũ).

Trường hợp T&T, nếu một người không biết tiếng Anh mà được nghe quảng cáo qua radio là 'Ti-en-Ti ', họ sẽ tưởng là một thương hiệu khác.

Còn MobiFone, có người đọc là Mô-bi-phôn, có người lại đọc là Mô-bai-phôn.

Riêng Bamboo, chủ sở hữu đã đặt tên này là tiếng Anh nên phải đọc là Bam-bu.

Trường hợp Vinasun đã dịch tiếng Việt  'Ánh Dương' (mặt trời) sang tiếng Anh nên từ 'Sun' đọc là 'Săn'. Đọc cả tên thương hiệu là Vi-na-săn.

HDbank cũng là một trường hợp không rõ cách đọc. H và D là viết tắt của hai từ tiếng Anh sau khi đã dịch tên ngân hàng này từ tiếng Việt sang tiếng Anh, về nguyên tắc phải đọc chúng theo tiếng Anh, tuy nhiên có vẻ mọi người đang đọc theo tiếng Việt: Hát-đê.

Ngân hàng ACB cũng tương tự vậy.

TPBank thì ngược lại. TP là viết tắt của hai từ tiếng Việt (Tiên Phong), nhưng mọi người lại đọc nó theo tiếng Anh: Ti-pi.

MB (Ngân hàng Quân Đội) thì đã rõ cách đọc. Mặc dù M và B cũng dịch từ hai từ tiếng Anh, nhưng cách đọc của ngân hàng này là Mờ-Bê, không đọc là Em-bi.

Với VNPT, tôi biết là họ chủ trương đọc những chữ cái này theo tiếng Anh. Tuy nhiên nếu người nào đó chỉ nghe quảng cáo qua radio rồi khi nhìn các bảng hiệu bên ngoài thì chưa chắc đã biết chúng là một, nếu như họ không biết tiếng Anh, mà đối tượng khách hàng của công ty này đa phần là người dân đã lớn tuổi.

Trường hợp BIDV cũng tương tự VNPT.

Còn Pharmacity thì truyền thông rõ cách đọc là Phạc-ma-xi-ti. Nếu không, đây là hai từ tiếng Anh ghép lại, về nguyên tắc thì phải đọc nó theo tiếng Anh Pha-mờ-xì-đì/ Pha-mờ-xì-tì.

Momo đã truyền thông cách đọc là Mô-mô. Nếu không truyền thông, sẽ có người đọc nó là Mo-mo, chưa kể, người nước ngoài mà đọc theo tiếng Anh thì sẽ là Mâu- màu.

Dr. Thanh (Doctor Thanh) là trường hợp truyền thông tốt, đọc là Đóc-tờ chứ không phải Đê-rờ/ Đê-e-rờ.

FLC cũng truyền thông tên thương hiệu tốt, không ai đọc là Ép-eo-xi, mà đều đọc là Ép-lờ-xê.

Nếu như công chúng không biết cách đọc tên thương hiệu thế nào thì lỗi không nằm ở họ mà do chính doanh nghiệp đã không truyền thông cách đọc, hoặc truyền thông chưa tốt, chưa đủ.