Nghề phỏng vấn viên nghiên cứu thị trường

Nghề phỏng vấn viên nghiên cứu thị trườngĐeo trên ngực một bảng tên với đầy đủ họ tên, công ty và chức danh 'phỏng vấn viên', một bạn gái tên Huyền dắt xe với lỉnh kỉnh đồ nghề gồm bảng câu hỏi, sổ nhật ký, một bìa cứng in hình mẫu sản phẩm kèm theo đầy đủ những thông tin về sản phẩm đó và không quên những món quà tặng để thực hiện những cuộc phỏng vấn

Gõ cửa một nhà trên đường Trần Quốc Thảo, Huyền hỏi: 'Chị cho hỏi nhà mình có ai tuổi 18-35 không?', 'Dạ, tôi là nhân viên Công ty Nghiên cứu thị trường ... đến đây xin được hỏi ý kiến của người tiêu dùng'. 30 câu hỏi xoay quanh những thông tin liên quan đến sản phẩm của hãng gội đầu K. Hơn nửa tiếng phỏng vấn người chủ nhà, Huyền đã hoàn thành bảng câu hỏi và gửi tặng món quà cho gia đình.

'Người tiêu dùng nếu thấy hàng tốt thì khen lấy khen để, còn nếu không phù hợp thì cứ thế trút lên đầu phỏng vấn viên. Nhưng tế nhị nhất vẫn là những câu hỏi về thu nhập của người ta, nhiều khi họ nói cho qua chuyện', Huyền tâm sự.

Còn Thu Hương là phỏng vấn viên của Công ty TNS 100% vốn nước ngoài cũng nhiều lần vấp váp vào nghề thổ lộ: 'Đâu phải cứ hỏi là người ta trả lời, tìm được người đạt yêu cầu của dự án mà người ta không cho phỏng vấn thì cũng chịu, nhiều khi còn bị người ta xua đuổi chửi bới'.

Trung thực - điều cần thiết của phỏng vấn viên

Gần đây, do nhu cầu của thị trường, các nhà sản xuất khi chuẩn bị tung ra sản phẩm mới hoặc đã sản xuất một sản phẩm đã tìm đến các công ty nghiên cứu thị trường. Tại TP HCM, có khoảng 20 công ty nghiên cứu thị trường mà đơn đặt hàng của hãng nào cũng luôn mong có câu trả lời sớm nhất.

Công việc của phỏng vấn viên chủ yếu là... bán thời gian. Có dự án thì đi, còn không thì nghỉ, nhưng khi có việc thì một người có thể nhận được vài ba dự án khác nhau để cùng đi cho tiện. Quy định của các phỏng vấn viên cũng khá gắt, nên họ khó tìm ra đối tượng vì không được phỏng vấn những nhà sát nhau, phải cách ít nhất là 3 nhà, không được phỏng vấn người được phỏng vấn trước đó 6 tháng, dù đó là nhân viên của công ty nghiên cứu thị trường khác thực hiện.

Yêu cầu đối với phỏng vấn viên trước hết là tính trung thực. Đây là yếu tố tiên quyết giúp người phỏng vấn viên không chỉ gắn bó với công ty mà còn tạo được niềm tin đối với người được phỏng vấn. Sau mỗi lần phỏng vấn, phỏng vấn viên phải viết nhật ký, tên của người được phỏng vấn, số nhà và vẽ cả đường đến nhà đó để bộ phận quản lý đi kiểm tra.

Phỏng vấn viên được trả thù lao qua số lượng bảng câu hỏi thực hiện và tùy mức độ dự án khó hay dễ. Trung bình một bảng câu hỏi được trả 30.000-70.000 đồng. Sau mỗi dự án, phỏng vấn viên thu được khoảng 500.000-1.000.000 đồng.

Hằng tháng, các công ty nghiên cứu thị trường luôn có nhu cầu tuyển dụng, nhận hồ sơ không giới hạn, nhưng trải qua vòng sơ khảo thì ít nhất một người cũng phải 'chọi' với 20 người trở lên. Sau khi được nhận, chỉ cần qua huấn luyện khoảng một tháng là người lao động có thể làm phỏng vấn viên.