Production House #5: Dấn thân vào ngành dưới góc nhìn của Founder và Production Assistant “trái ngành”
Ở tập cuối mùa 1 của series Production House, hãy tiếp tục tìm hiểu về những khía cạnh khác liên quan của ngành production, cũng như những khó khăn và thử thách mà một người làm trái ngành phải đối mặt khi làm việc tại Production House.
Production House là chuỗi bài viết được thực hiện bởi ME Group x YAM hợp tác với Brands Vietnam, nhằm giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về công việc tại production house, thông qua những chia sẻ thú vị của các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực chiến trong ngành.
Ở tập 5 của series Production House, hãy cùng host Vân Anh gặp gỡ và thảo luận với anh Quốc Việt – Co-Founder & Executive Producer @ 18 Studios và chị Linh Nguyễn – Production Assistant @ Echo Films.
* Đầu tiên, anh Việt và chị Linh có thể chia sẻ về dự án tâm đắc nhất không?
Quốc Việt: Với anh, đó là dự án đầu tiên mà anh thực hiện, được một người em thân thiết trong ngành rủ tham gia với vai trò đồng đạo diễn. Đó là MV thực hiện cho Pepsi vào năm 2016, với sự tham gia của ca sĩ Đông Nhi, Hà Anh Tuấn, nhóm nhạc 365… Trước đó thì anh đảm nhận vai trò đạo diễn bên mảng truyền hình, chứ chưa bao giờ tham gia sản xuất phim quảng cáo.
Đối với anh thì dự án này mang lại rất nhiều thử thách bởi vì mức kinh phí tương đối thấp, đồng thời phải di chuyển đến khoảng 17 địa điểm chỉ trong vòng 2 ngày quay. Không chỉ vậy, toàn bộ đội ngũ sản xuất lúc đó đều phải đi nhờ vả rất nhiều người mới hoàn thành dự án đó. Tuy nhiên, điểm tích cực là anh được tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất và dự án này cũng khá thành công. Anh cũng lấy dự án này làm case study mỗi khi cần hướng dẫn cho các bạn nhân viên tại Production House.
Linh Nguyễn: Đến thời điểm hiện tại thì số lượng dự án chị tham gia thực hiện vẫn chưa quá nhiều, song mỗi dự án đều mang lại chị những trải nghiệm thú vị và những bài học riêng. Do đó, mọi dự án chị tham gia thì đều cảm thấy tự hào và hài lòng với thành quả đạt được.
* Đối với ngành production thì liệu tình trạng “đứt gãy kết nối” giữa doanh nghiệp và ứng viên có xảy ra hay không?
Linh Nguyễn: Trước đây, khi ứng tuyển vào ME Group thì chị nộp đơn vào phòng hành chính – nhân sự. Lúc đó, dù đã tìm hiểu về ME Group, song chị không thật sự hiểu rõ về bản chất của ngành production, cũng như không nắm được vai trò của đội ngũ nhân sự trong Production House. Sau một năm làm việc tại bộ phận nhân sự, chị dần hiểu hơn về công việc production. Từ đó, chị nhận ra có lẽ rất nhiều bạn trẻ khác cũng không biết về ngành production do không có nhiều trường đào tạo.
Tình trạng “đứt gãy kết nối” giữa Production House và nhân sự diễn ra bởi vì phần lớn các bạn trẻ chưa hiểu rõ về ngành production, về vai trò cụ thể của từng vị trí trong Production House, cũng như không biết bản thân nên bắt đầu từ đâu nếu muốn dấn thân vào lĩnh vực này. Một lý do khác là có thể do nhiều bạn cảm thấy ngần ngại khi bước chân vào một lĩnh vực mới mẻ so với các công việc truyền thống khác.
Quốc Việt: Theo anh, vấn đề này xuất phát từ việc cả ba phía là Production House, các đơn vị đào tạo và các bạn sinh viên mới ra trường không có sự kết nối với nhau. Về phía doanh nghiệp, các Production House cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự chất lượng. Tại công ty của anh, mỗi đợt tuyển dụng thì có khoảng 60-70% ứng viên thuộc các ngành khác và hiểu biết của họ về ngành production cũng khá mơ hồ.
Khoảng 30-40% ứng viên còn lại thì thuộc những ngành có liên quan hơn, song kinh nghiệm làm việc của họ lại phù hợp với các vị trí freelance hơn là in-house. Ví dụ, có ứng viên thích quay phim và muốn ứng tuyển vào Production House để làm công việc đó. Tuy nhiên, trên thực tế thì phần lớn Production House tại Việt Nam không có team quay phim in-house. Tình trạng đó xảy ra do sự “đứt kết nối” nên nhiều ứng viên không hiểu rõ về các phòng ban trong Production House.
Do vậy, anh hy vọng rằng trong tương lai thì các Production House sẽ có hành động cụ thể hơn để hạn chế tình trạng “đứt gãy kết nối" giữa ba phía. Cụ thể hơn, Production House nên kết nối với các trưởng đại học, nhằm đảm bảo đầu ra về mặt nhân sự, hoặc triển khai các dự án giống như MÊ Prodcast để giúp các bạn sinh viên có thể hiểu hơn, cũng như biết được bản thân phù hợp với Production House hoặc Agency nào.
* Đối với những nhân sự trái ngành tại Production House, kỹ năng mềm hay kỹ năng chuyên môn quan trọng hơn?
Linh Nguyễn: Theo quan sát của chị thì phần lớn nhân sự tại ME Group đều học trái ngành. Tuỳ theo từng vị trí mà tầm quan trọng của kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn cũng sẽ khác nhau. Ví dụ, đối với vị trí Production Assistant thì kỹ năng mềm quan trọng hơn. Thế nhưng, với những vị trí cao hơn như Production Manager hoặc Executive Producer thì kỹ năng chuyên môn có tầm quan trọng hơn.
* Theo anh chị, đâu là Top 5 kỹ năng mềm quan trọng nhất khi làm việc tại Production House?
Linh Nguyễn: Với vai trò Production Assistant, đầu tiên đó là kỹ năng giao tiếp. Kế đến là khả năng giải quyết vấn đề và chịu áp lực tốt, bởi vì trong quá trình sản xuất một dự án sẽ có rất nhiều vấn đề bất ngờ phát sinh, cũng như áp lực về mặt thời gian, tinh thần và sức khỏe. Thứ tư là sự linh hoạt để giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn. Cuối cùng là kỹ năng quản lý để có thể cân bằng công việc lẫn cuộc sống cá nhân.
Quốc Việt: Theo anh, kỹ năng quan trọng nhất mà anh đang áp dụng chính là tầm nhìn, kế đến là lập kế hoạch. Rõ ràng, khi có tầm nhìn thì mình có thể lập kế hoạch chi tiết, sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chẳng hạn như đặt ra mục tiêu cho 6 tháng tiếp theo. Kế tiếp là kỹ năng quản lý, điều này quan trọng với anh bởi vì định hướng sự nghiệp của anh khi dấn thân vào Production House là trở thành quản lý. Anh cũng bổ sung thêm là kỹ năng quản lý ở đây không chỉ là công việc, mà còn là quản lý bản thân.
Đó là ba kỹ năng anh thấy quan trọng nhất. Nếu có được ba kỹ năng đó, những kỹ năng khác mình hoàn toàn có thể học được trong quá trình làm việc. Bởi vì nếu không có tầm nhìn rõ ràng, mình có thể lãng phí rất nhiều thời gian mà không thu được lợi ích gì.
* Tiếp theo, hai anh chị có thể chia sẻ về những khó khăn ban đầu khi bắt đầu chuyển sang làm việc tại Production House không?
Linh Nguyễn: Khó khăn lớn nhất mà chị phải đối mặt là học cách thích nghi phong cách và cường độ làm việc tại Production House. Hầu hết đội ngũ nhân sự tại đây đều rất trẻ trung, tràn đầy năng lượng cùng với cường độ làm việc dày đặc, chẳng hạn như có nhiều dự án cần phải tổ chức những buổi PPM (pre-production meeting) đến tận 1-2 giờ sáng, một số dự án dự kiến on set vào 5h sáng mà đến 5h sáng hôm sau vẫn chưa thể bắt đầu… Điều đó đòi hỏi chị phải biết cách thích nghi về mặt thời gian, cũng như các khía cạnh khác trong cuộc sống. Không chỉ thế, chị cũng phải nhanh chóng học các thuật ngữ chuyên ngành để có thể bắt kịp mọi người trong những buổi PPM.
Quốc Việt: Với anh thì đó là vấn đề thời gian. Điều đó có nghĩa là để hoàn thành công việc thì phải đánh đổi thời gian bên cạnh gia đình. Tuy nhiên, may mắn là sự khó khăn này đã qua rồi. Với những người làm trong ngành lâu năm giống anh thì sẽ biết rằng cách đây 1-2 năm thì hiệp hội những doanh nghiệp làm phim đã thống nhất với nhau là thời gian làm việc tối đa trong một ngày là 15-18 tiếng. Trước đây, mọi người gần như làm việc liên tục, có khi lên đến 48 tiếng.
Có thể thấy rằng để làm việc trong ngành production thì phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến thời gian, sức khỏe và an toàn lao động. Do đó, những người làm nghề lâu năm đã và đang tìm giải pháp cải thiện những vấn đề này, nhằm giúp mọi người dễ dàng dấn thân vào ngành, cũng như cân bằng cuộc sống – công việc tốt hơn.
* Cuối cùng, anh Việt và chị Linh có lời khuyên gì đối với những bạn trẻ học trái ngành có mong muốn dấn thân vào ngành production không?
Cường độ công việc rất dày đặc nên nhân sự cần thích nghi nhanh chóng, cũng như học cách quản lý thời gian và công việc.
Linh Nguyễn: Với kinh nghiệm của một người học trái ngành đang làm việc tại Production House, việc được đào tạo bài bản tại trường học dĩ nhiên là một ưu thế lớn. Tuy nhiên, việc học trái ngành cũng không phải là một rào cản quá lớn. Đến thời điểm hiện tại, chị vẫn đang tiếp tục rút kinh nghiệm và đúc kết bài học sau mỗi dự án khác nhau. Do đó, lời khuyên của chị đối với các bạn học trái ngành là cứ làm đi, rồi các bạn sẽ học được thôi.
Quốc Việt: Anh chỉ muốn bổ sung thêm một ý là nếu các bạn có kiến thức nền tảng về ngành production thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi bắt đầu làm việc. Việc học được ở trường là ưu điểm, song không phải yếu tố quyết định. Các bạn học trái ngành có thể tham gia các buổi workshop liên quan đến production hoặc chủ động kết nối với những anh chị trong ngành. Mấu chốt vẫn là các bạn biết mình muốn làm gì và các bạn sẽ biết mình nên học gì, từ đó thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
* Xin cảm ơn anh Việt và chị Linh!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam