Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất mở rộng Blacklist và Whitelist để lành mạnh thị trường quảng cáo trực tuyến
Để bảo vệ an toàn thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường giải pháp quản lý nội dung số trong thời gian tới. Trong đó, mở rộng Blacklist và Whitelist là một giải pháp được các bên đề xuất đẩy mạnh.
Chiều ngày 26/3 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam và đề xuất giải pháp quản lý cần triển khai trong thời gian tới. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các nhãn hàng, thương hiệu, doanh nghiệp quảng cáo trong và ngoài nước, cùng một số đơn vị liên quan.
Trong hơn 1 năm qua, Bộ TT&TT đã triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng nhằm đảm tính lành mạnh của nội dung số và cải thiện hoạt động quảng cáo trực tuyến. Trong đó, nổi bật là bộ giải pháp Blacklist và Whitelist: Blacklist – danh sách kênh mạng xã hội, website có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật và các nhãn hàng không được phép quảng cáo trên đó; Whitelist – danh sách đơn vị hoạt động có giấy phép, nội dung “sạch”, được khuyến nghị quảng cáo.
“Giải pháp Blacklist đã có hiệu quả, nhưng Whitelist thì chưa!”
Đây là nhận định của ông Lê Quang Tự Do – Cục Trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT) – sau khi xem xét lại kết quả trong hơn 1 năm triển khai giải pháp Blacklist và Whitelist.
Cụ thể, tất cả các doanh nghiệp quảng cáo lớn đều đã chú trọng sử dụng Blacklist tự xây dựng và Blacklist do Bộ TT&TT khuyến cáo. Theo tổng kết, Blacklist do Bộ TT&TT công bố từ giữa năm 2022 đến nay đã có 47 trang và tài khoản Facebook, 102 kênh YouTube và 403 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, các doanh nghiệp, agency và nhãn hàng cũng đã từ chối quan hệ hợp tác với những KOL/KOC, người nổi tiếng có hành vi vi phạm. Ngoài ra, các doanh nghiệp quảng cáo và Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu nhiều nền tảng xuyên biên giới tăng cường bộ lọc và biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho thương hiệu và nhà quảng cáo khi hoạt động tại Việt Nam.
“Nhờ sự đấu tranh quyết liệt của các doanh nghiệp quảng cáo, thời gian qua, các nền tảng xuyên biên giới đã có sự thay đổi. Họ gặp gỡ, trao đổi với cơ quan quản lý nhiều hơn, triển khai các thuật toán mới để quét, chặn gỡ được nhiều kênh xấu độc. Trong năm 2023, YouTube đã chặn gỡ 25 kênh nội dung phản động, xấu độc, cao gấp 5 lần so với năm 2022”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Cũng trong năm ngoái, Cục PTTH&TTĐT đã công khai xử phạt 10 doanh nghiệp và nhắn nhở 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có hành vi vi phạm.
Trái lại, giải pháp Whitelist lại chưa phát huy hiệu quả như Bộ TT&TT kỳ vọng. Theo thống kê của Bộ TT&TT, từ khi ra mắt vào tháng 3/2023, Whitelist gồm 301 báo/tạp chí điện tử, 1.373 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 tài khoản mạng xã hội. Đây là các website được cấp giấy phép hoạt động theo quy định. Với trang/kênh/tài khoản mạng xã hội của Đài Phát thanh và Truyền hình, cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung số, Whitelist liệt kê 2.033 kênh YouTube, 627 trang Facebook và 329 kênh TikTok.
Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng danh sách này, dù Bộ đã khuyến nghị nhiều lần. Nguyên nhân phần lớn là do Whitelist này còn hẹp, không đảm bảo chỉ tiêu quảng cáo cho nhãn hàng. Các đại diện agency có mặt tại hội nghị cho biết họ cần ít nhất 15-20 nghìn kênh cho các chiến dịch.
Đề xuất mở rộng cả Whitelist và Blacklist
Từ thực tế trên, Cục PTTH&TTĐT đề xuất xây dựng và triển khai Whitelist mở rộng nhằm gia tăng số lượng trang tin, kênh đăng ký; từ đó mở rộng độ phủ tiếp cận quảng cáo và tạo điều kiện cho cơ quan chức năng dễ quản lý.
Theo đó, Bộ TT&TT đã thiết lập phương thức đăng ký tham gia Whitelist qua đầu mối của Cục PTTH&TTĐT. Thời gian tới, Cục sẽ xem xét thiết lập phương thức tiếp cận và thống kê cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng ký Whitelist dễ dàng hơn.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết Cục sẽ tiến hành 3 biện pháp gồm: (1) Mời các mạng đa kênh (MCN) tại Việt Nam gửi danh sách kênh mình quản lý lên để bổ sung; (2) nhãn hàng có thể đề xuất danh sách đối tác quảng cáo; và (3) Bộ sẽ mở một cổng đăng ký để người làm nội dung chủ động đăng ký vào Whitelist.
Tiêu chí của Whitelist mở rộng là trang, kênh, tài khoản tham gia vào cần có thông tin rõ ràng về chủ thể sở hữu, đại diện, người chịu trách nhiệm. Đặc biệt, Whitelist mở rộng là danh sách “động”, sẽ được cập nhật và quét liên tục để loại bỏ những kênh vi phạm.
Về Blacklist, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ mở rộng danh sách theo hướng bao gồm cả những nội dung không phù hợp với giá trị, đạo đức và không đúng chuẩn mực, bất kể những nội dung này có thuộc phạm vi cấm hay không. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Bộ TT&TT tin tưởng rằng việc áp dụng Whitelist song song với các giải pháp đồng bộ trong quản lý quảng cáo trực tuyến sẽ giúp đảm bảo mục tiêu an toàn thương hiệu, phát triển ngành quảng cáo và hệ sinh thái nội dung số một cách bền vững và lành mạnh.
“Chúng ta hướng đến cùng thay đổi thực trạng hiện nay, để tương lai thị trưởng nội dung, quảng cáo trực tuyến là câu chuyện win – win, với người hưởng lợi cuối cùng là xã hội, là khách hàng, người dùng. Cùng với đó, các giá trị văn hóa cũng phải được bảo vệ, lan tỏa trên không gian mạng”, Thứ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
* Nguồn: Tổng hợp