Marketer Phương Quyên
Phương Quyên

Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #7: Yves Saint Laurent – Nhà thiết kế vĩ đại, “kẻ nổi loạn” hay “nghệ sĩ” mong manh?

Fashion Icon #7: Yves Saint Laurent – Nhà thiết kế vĩ đại, “kẻ nổi loạn” hay “nghệ sĩ” mong manh?

Là nhà thiết kế huyền thoại của nhiều biểu tượng làm điên đảo giới thời trang thế kỷ trước, nhưng cũng là người đắm chìm trong cơn nghiện thuốc và chứng bệnh trầm cảm, Yves Saint Laurent – vừa là “hoàng tử bé” của làng mốt, vừa là một “nghệ sĩ” mong manh trước những biến đổi thời cuộc.

Hãy cùng Brands Vietnam nhìn lại hai mảng đối lập trong cuộc đời của Yves Saint Laurent, một nhà thiết kế tài danh đã có nhiều nước đi táo bạo đậm chất “tôi” nhưng cũng là một tâm hồn nhạy cảm, hỗn loạn và khó đoán.

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

Thời trang là liều thuốc xoa dịu vết thương ngày thơ ấu

Yves Saint Laurent sinh năm 1936 tại Algeria, trong một gia đình khá giả với ba và mẹ đều là người Pháp. Nhưng khởi đầu êm đẹp này không đảm bảo cho ông một tuổi thơ suôn sẻ mà là chuỗi ngày bị bắt nạt ở trường vì bạn học nghĩ ông là người đồng tính. Trong cảnh mở đầu bộ phim tài liệu của chính mình năm 2001, Saint Laurent vừa buồn bã vừa tự giễu khi nhìn về bản thân yếu đuối ngày xưa. Dấu ấn duy nhất còn trong tâm trí ông là hình ảnh một đứa trẻ lo lắng, gần như bị ốm mỗi ngày.

Yves Saint Laurent chiến thắng giải nhất tại cuộc thi International Wool Association năm 1954.
Nguồn: Pinterest

Bị xa lánh ở trường, ông chôn mình vào thế giới riêng, nơi ông “ngấu nghiến” những quyển tạp chí thời trang như một món ăn tinh thần và lấy việc phác họa những bộ váy cho mẹ và các chị làm liều thuốc chữa lành. Ngày tháng đó đã thôi thúc ông tìm một nơi mà ông không bị chối bỏ bởi bản thân hay tình yêu thời trang của mình. Và không đâu ngoài kinh đô thời trang mang cho Saint Laurent niềm tin rằng ông có thể tỏa sáng, thế nên năm 17 tuổi, ông chuyển đến sống ở Paris.

Ở đây, ông đã tìm thấy sự công nhận đầu tiên khi chiến thắng giải nhất tại cuộc thi International Wool Association với chiếc váy cocktail, đây cũng là cơ duyên gặp gỡ giữa ông và Karl Lagerfeld – nhà thiết kế đã chiến thắng hạng mục áo khoác cũng trong cuộc thi năm đó.

Sau cột mốc này, Saint Laurent tiếp tục gửi nhiều bản thiết kế đến chỗ Michel de Brunhoff – Tổng Biên tập của tờ Vogue Pháp, người đã nhận ra tài năng của ông từ sớm. Vô tình, Brunhoff tìm thấy sự tương đồng giữa phong cách thiết kế của Saint Laurent và bản thiết kế mới nhất Christian Dior gửi cho ông trong cùng một buổi sáng. Vì vậy, ông đã sắp xếp cuộc gặp mặt giữa hai bên, ngay lập tức, Christian Dior đã mời Yves Saint Laurent trở thành trợ lý cá nhân.

“Tôi nhớ mình đã không thể nói thành lời khi gặp ông ấy. Dior đã dạy tôi nền tảng của nghệ thuật và đó là những năm tháng tôi sẽ không bao giờ quên”, Saint Laurent hồi tưởng.

“Kẻ nổi loạn” một lần nữa bị chối bỏ

Dù được Dior công nhận tài năng nhưng vào năm đầu tiên ở nhà mốt này, Saint Laurent chỉ làm những công việc dọn dẹp thông thường hoặc thiết kế các phụ kiện (vốn không được coi trọng như quần áo thời điểm đó). Sau nhiều lần thử và thất bại, cuối cùng ông đã có thiết kế đầu tiên cho bộ sưu tập cao cấp của Dior, và nó đã trở thành một phần huyền thoại của giới thời trang.

Đó chính là chiếc váy đã xuất hiện trong bức ảnh “Dovima With Elephants” nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Richard Avedon, cũng là tác phẩm được giới phê bình ưu ái với những mỹ từ như là “tiêu chuẩn của cả thời trang và nhiếp ảnh”. Nhờ đó, Saint Laurent được tin tưởng và đảm nhận nhiều thiết kế của Dior.

Bức ảnh “Dovima With Elephants” nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Richard Avedon với bộ váy do Yves Saint Laurent thiết kế cho Dior.
Nguồn: Artnet

Đến năm 1957, sau sự qua đời đột ngột của Dior, chàng trai trẻ Saint Laurent trở thành tâm điểm chú ý khi được Dior tin tưởng giao cho trọng trách “lèo lái” thương hiệu này khi chỉ mới 21 tuổi. Nhưng ông không khiến giới mộ điệu thất vọng khi trình làng bộ sưu tập Trapèze năm 1958, vừa tiếp nối được biểu tượng váy chữ A của Dior, vừa chấm phá những đường nét mới lạ với dáng váy hình thang trẻ trung, form váy rộng không chiết eo.

Ý tưởng cho bộ sưu tập lần này là một loạt các thiết kế để người phụ nữ có thể tự tin thay đổi diện mạo qua nhiều buổi trong ngày. Không chỉ làm nức lòng giới mộ điệu, bộ sưu tập được cho là chiếc phao cứu sinh kéo Dior vượt qua những khó khăn tài chính thời điểm đó.

Những thiết kế dáng váy hình thang của Yves Saint Laurent cho BST Dior 1958.
Nguồn: Fashion History Timeline

Tuy nhiên sau đó, bộ sưu tập nổi tiếng “Beat” năm 1960 đã đặt dấu chấm hết cho Saint Laurent tại Dior. Đó là bộ sưu tập lấy cảm hứng từ những người theo chủ nghĩa hiện sinh ở khu vực Left Bank phóng túng của Paris. Trong đó, các thiết kế chủ yếu là những chiếc áo khoác da màu đen có in hình cá sấu và lót lông chồn. Ngay lập tức, nó trở thành hiện tượng khi lần đầu tiên một nhà thiết kế thời trang công khai ủng hộ văn hóa giới trẻ. Nhưng phong cách này đã vượt quá sức chịu đựng của một nhà mốt “bảo thủ” lúc bấy giờ như Dior, cũng chính là “giọt nước tràn ly” với những người đứng đầu thương hiệu.

Năm 1960, Yves Saint Laurent bị triệu tập về Algeria để nhập ngũ cho cuộc chiến tranh giành độc lập từ tay Pháp. Điều này đáng lẽ không bao giờ xảy ra nếu Dior thực sự coi trọng ông và từ chối lệnh triệu tập. Tuy nhiên, theo tờ New York Times nhận định, nhà mốt này đã để sự việc diễn ra. Chỉ sau 20 ngày, môi trường quân đội gần như hủy hoại tinh thần Saint Laurent – người sinh ra ở Algeria nhưng mang dòng máu Pháp.

Cuối cùng, ông được miễn trừ nghĩa vụ vì lý do sức khỏe và phải điều trị trầm cảm tại bệnh viện quân đội do bị đồng đội bắt nạt. Nhưng bên trong ông đã hoàn toàn sụp đổ, ông phải điều trị với thuốc an thần liều cao (thứ đã khởi nguồn cơn nghiện của ông sau này) và nhanh chóng bị “gạch tên” khỏi Dior. Một lần nữa, Yves Saint Laurent lại bị chối bỏ, nhưng lần này là bởi nơi chính nơi ông cống hiến hết mình.

YSL – Thương hiệu làm “chao đảo” những khuôn mẫu làng mốt

Trong suốt thời gian Yves Saint Laurent chật vật với những cơn trầm cảm và tuyệt vọng, Pierre Bergé – người tình đồng tính đã luôn đồng hành cùng ông trên hành trình chữa trị. Pierre động viên ông tự thành lập một thương hiệu thời trang riêng và năm 1961 cả hai đã thực sự làm vậy, YSL ra đời dưới sự quản lý của Yves Saint Laurent. Không chỉ vậy, Pierre còn ra sức thuyết phục ông J.Mack Robinson –  một triệu phú Mỹ thời đó, đầu tư cho bộ sưu tập đầu tiên của YSL vào năm 1962.

Yves Saint Laurent và Pierre Bergé cùng thành lập YSL.
Nguồn: British Vogue

Vào tháng 1/1962, giới thời trang và tầng lớp thượng lưu hội tụ trong buổi giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của YSL để chứng kiến ​​sự trở lại của “hoàng tử bé làng mốt”. Bộ sưu tập là bước chuyển giao thế hệ khi ông vẫn giữ những cấu trúc từng học của Dior nhưng “giải phóng” người phụ nữ khỏi những form dáng gò bó, đơn cử như chiếc áo khoác peacoat mặc với quần trắng. Tinh thần đơn giản và thanh lịch của nó gợi nhớ đến huyền thoại Chanel.

 

Bộ sưu tập đầu tiên của nhà mốt YSL năm 1962.
Nguồn: Presentation of the First Collection – Musée Yves Saint Laurent Paris (museeyslparis.com)

Sự ủng hộ từ công chúng đã tạo đà cho Saint Laurent tự do “vẩy bút” tạo nên những thiết kế đại diện cho cả một giai đoạn thời trang thập niên 60. Một trong những biểu tượng gắn liền với tên tuổi của ông là thiết kế Mondrian Dress được giới thiệu lần đầu vào năm 1965.

Thời điểm đó, khi chiến tranh đã kết thúc, phong trào giải phóng phụ nữ trong thời trang nổi lên, “new look” một thời của Dior dường như đang “đóng khung” phụ nữ vào những bộ váy dài lớn, chiết eo – cũng là biểu tượng xã hội dùng để định nghĩa vai trò người phụ nữ. Vì vậy, Saint Laurent muốn tìm kiếm một chất liệu hiện đại và tự do hơn, một bộ váy rộng, ngắn và cần thêm chút nghệ thuật “điên rồ” nữa.  Chính họa sĩ Piet Mondrian cùng trường phái Tân tạo hình của ông đã thôi thúc Saint Laurent hoàn thiện ý tưởng cho thiết kế Mondrian Dress huyền thoại.

Bản thiết kế Mondrian Dress huyền thoại lấy cảm hứng từ trường phái Tân tạo hình của YSL năm 1965.
Nguồn: The Mondrian Revolution – Musée Yves Saint Laurent Paris (museeyslparis.com)

Công cuộc săn tìm tự do cho phụ nữ bằng thời trang của Saint Laurent chỉ vừa bắt đầu, và đến bộ sưu tập Le smoking 1966 lấy cảm hứng từ những bộ vest tuxedo của nam, công cuộc ấy mới thăng hoa. Bởi những thiết kế trong bộ sưu tập là “một đòn giáng” cho những người không chấp nhận hình ảnh người phụ nữ trong một bộ vest (đáng lẽ phải là một bộ váy lớn, chiết eo như họ nghĩ).

Bộ sưu tập Le smoking 1966 lấy cảm hứng từ những bộ vest tuxedo của nam
Nguồn: First Tuxedo – Musée Yves Saint Laurent Paris (museeyslparis.com)

Dù những năm 20 phụ nữ lao động đã mặc quần để phục vụ chiến tranh, nhưng chưa bao giờ biểu tượng đó được giới thời trang cao cấp công nhận. Vì vậy, “cú nhảy” trước thời đại quá mức tiến bộ này khiến bộ sưu tập không được khách hàng thượng lưu của ông đón nhận, khi mà chỉ có 1 cái được bán ra.

Với phụ nữ, tuxedo mang lại cho họ phong cách riêng chứ không chỉ là trang phục thời trang. Bởi thời trang có thể phai dấu, nhưng phong cách sẽ trường tồn.

Tuy nhiên, cùng năm 1966, Yves Saint Laurent cũng mở một cửa hàng thời trang may sẵn dưới tên ông: SAINT LAURENT rive gauche (và ông là nhà thiết kế thời trang cao cấp đầu tiên làm điều đó). Những khách hàng ở đây lại vô cùng yêu thích thiết kế của Le smoking. Họ ồ ạt đến mua và biến thiết kế này trở thành một biểu tượng kinh điển. 

Không chỉ “nổi loạn” trong phong cách thiết kế, ngay cả khi YSL lấn sân sang thị trường nước hoa cao cấp, Saint Laurent vẫn luôn biết cách tạo ra làn sóng dư luận, khiến họ không thể nhầm lẫn dấu ấn của ông với một ai khác.

Đơn cử như ông tự chụp bức hình khỏa thân huyền thoại để quảng bá cho dòng nước hoa nam đầu tiên của YSL. Hay khi bộ sưu tập năm 1977 lấy cảm hứng từ văn hóa Trung Hoa ra mắt, ông cũng cho ra đời dòng nước hoa Opium lấy theo tên thuốc phiện và gọi đó là sản phẩm dành cho những ai “nghiện” YSL. Chỉ trong năm đầu tiên, doanh thu Opium ở Châu Âu đạt 30 triệu USD từ những “con nghiện” YSL.

Dòng nước hoa Opium lấy theo tên thuốc phiện.
Nguồn: Tổng hợp

Khi thời trang không còn khả năng cứu rỗi

Thành tựu và địa vị của ông với làng mốt ngày càng leo thang, và những cơn chật vật của ông cũng vậy. “Ông ấy hút 150 điếu mỗi ngày” – Pierre Berge hồi tưởng. Sau đợt trầm cảm thời niên thiếu, cơn nghiện của Yves Saint Laurent bắt đầu “chơi đùa” ông, cuốn ông vào vòng xoáy sa đọa không có điểm dừng. Đến năm 2002, khi đã không còn đủ sức để thiết kế hay vận hành chính đứa con tinh thần của mình, sau 40 năm gắn bó với những bản thiết kế, ông quyết định nghỉ hưu.

Sau một thời gian lâm bệnh dài, ngày 1/6/2008, thế giới mất đi một nhà thiết kế vĩ đại khi Yves Saint Laurent trút hơi thở cuối cùng. Trong thông báo nghỉ hưu trước đó, ông đã nói: “Tôi tự hào rằng phụ nữ trên khắp thế giới đều mặc quần âu, áo tuxedo, áo khoác peacoat và áo khoác dài. Tôi tự nhủ rằng mình đã tạo ra tủ đồ của phụ nữ đương đại, rằng mình đã góp phần thay đổi thời đại”. Quả thật ông đã mang đến sự tự do cho họ, và hi vọng ở một nơi khác, linh hồn ông cũng tìm thấy sự tự do của riêng mình.

Sau khi ông mất, YSL tiếp tục với dòng chảy của một thương hiệu, được nhào nặn dưới bàn tay hai nhà thiết kế nổi tiếng Hedi SlimaneAnthony Vaccarello. Mỗi người đều có một tham vọng riêng: hoặc lột xác thương hiệu này hoặc đưa nó về với bản sắc vốn có, và họ đều đem đến những cột mốc thành công mới cho nhà mốt này. Nhưng dấu ấn Yves Saint Laurent để lại cho thương hiệu này vẫn trường tồn và sẽ không lẫn với bất kỳ màu sắc nào của hậu thế.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp