Tận dụng “overthinking” vào nghề Sales
Rất nhiều người cho rằng overthinking (suy nghĩ quá mức) là một quá trình tiêu cực vì người suy nghĩ quá mức sẽ gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Hôm nay, dựa trên kinh nghiệm của bản thân sau khi trải qua 7 năm đi làm với một cái đầu “overthinking”, mình sẽ ngồi lại phân tích những điểm mạnh của việc suy nghĩ nhiều và tận dụng chúng vào nghề Sales (Đại diện bán hàng).
“Overthinking” là gì?
“Overthinking” là tình trạng khi một người tập trung quá nhiều vào việc suy nghĩ và phân tích một vấn đề, thường là một vấn đề nhỏ hoặc không đáng kể, đến mức gây ra căng thẳng, lo lắng và stress không cần thiết.
Người bị “overthinking” thường suy nghĩ về những điều tiêu cực, lo lắng về các kịch bản tưởng tượng, và thường không thể ngừng suy nghĩ về một vấn đề cụ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và làm giảm khả năng tập trung, ra quyết định và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Cách tận dụng “overthinking” vào nghề Sales
Hãy biến điểm yếu của bản thân thành điểm mạnh trong sự nghiệp, các bạn có thể bắt đầu từ việc nhỏ bằng những cách sau:
1. Ghi chú lại tính cách và sở thích của khách hàng tiềm năng
Ví dụ như ngày sinh nhật của khách, sinh nhật con khách, các món ăn yêu thích hoặc một sở thích đặc biệt như thích đi các sự kiện về cộng đồng.
Mục đích: Có được điểm chung hoặc biết được các sở thích của khách hàng sẽ là một bước tiến giúp bạn “lấy lòng”và xây dựng mối quan hệ bền chặt với họ. Hãy cho họ thấy ngoài việc tập trung vào bán hàng thì bạn muốn thực sự trở thành một người bạn của họ và muốn đồng hành lâu dài cùng họ.
Thực tế cho thấy các công ty luôn có nhiều sản phẩm để up-sell (khuyến khích khách hàng mua thêm) và gross-sell (bán chéo các sản phẩm). Việc giữ cho khách hàng có thiện cảm và luôn nhớ đến bạn sẽ giúp việc up-sell và gross-sell được thuận lợi hơn.
2. Lường trước các kịch bản sẽ xảy ra
Những người “overthinking” là “master” (chuyên gia) trong việc lo lắng về các kịch bản tưởng tượng vì thế hãy biến chúng thành lợi thế.
Các bạn có thể áp dụng vào các công việc sau đây:
- Tối ưu các bước trong quy trình: Giả sử trong một quy trình thành lập doanh nghiệp mới, có 2 lần khách hàng cần cung cấp Căn cước Công dân thì nên gộp lại thành một, thông báo trước cho khách từ lần đầu chuẩn bị để tránh mất thời gian.
- Phát triển khả năng giải quyết vấn đề: Luôn cho khách hàng ít nhất 2 sự lựa chọn, việc thông báo cho khách hàng biết những tình huống có thể xảy ra một cách chủ động và có sẵn đề xuất cách thức giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn tạo được lòng tin rất tốt cho khách. Trong việc hợp tác, không ai có thể đảm bảo mọi việc suôn sẻ hoàn toàn nên những người luôn có trong đầu nhiều hơn một cách thức giải quyết sẽ giúp khách hàng dễ dàng đưa ra sự lựa chọn và tạo cảm giác khách hàng “được chọn” thay vì “bị chọn”.
3. Tránh được các rủi ro trong tương lai
Sự cẩn trọng và suy nghĩ kỹ lưỡng có thể giúp người ta nhận diện và tránh được các rủi ro tiềm ẩn trong một quyết định. Ngược lại, với những bạn có suy nghĩ đơn giản thì người hay suy nghĩ quá mức lại mang đến nhiều góc nhìn khác, có thể không hoàn toàn tích cực nhưng từ những nhận xét này hoàn toàn một đội có thể đưa ra nhiều kịch bản phòng ngừa rủi ro – đặc biệt là đối với các dự án hay khách hàng lớn thì phần phòng ngừa và cách thức xử lý rủi ro sẽ đặc biệt quan trọng trong quy trình “chốt deal”.
Tóm lại là
Tất cả các ngành nghề đều cần những người kỹ lưỡng và tận tâm, tuy nhiên, nghề Sales luôn là nghề được mọi người chú ý nhiều nhất vào các đặc điểm nói trên. Có một câu nói rất phổ biến khi làm Sales – “People Buy People” (tạm dịch là con người mua con người – trước khi xét đến sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty thì khách hàng sẽ quyết định mua hàng dựa trên người bán). Vì thế, mình tin rằng việc biến những điểm yếu của “overthinking” thành điểm mạnh đúng cách sẽ giúp ích cho nghề nghiệp của bạn.
Nếu muốn nghe mình chia sẻ thêm về một chủ đề cụ thể trong nghề Sales thì mời các bạn bình luận bên dưới.