Xây dựng tổ chức học tập: Bài học từ nhà quản trị nhân sự giàu kinh nghiệm
Trước những biến động khó lường của thị trường, xây dựng tổ chức học tập chính là “chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp thích nghi và bứt phá. Tuy nhiên, “gieo mầm” văn hóa học tập trong tổ chức không phải là điều dễ dàng, mà đòi hỏi sự đầu tư bài bản và sự đồng lòng của cả tập thể.
Khám phá kinh nghiệm phát triển tinh thần học tập trong tổ chức cùng các chuyên gia Nhân sự tại hội thảo MBA Talk #81 với chủ đề “How to develop a learning organization?”.
MBA Talk #81 quy tụ các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhân sự, gồm: TS. Lê Thị Thanh Xuân – ISB Senior Lecturer; bà Lê Thanh Nguyên An – Chief Human Resources Officer, VinaCapital; và bà Lê Thị Lan Hương – Head of HR, Hong Leong Bank Vietnam (Ltd).
Tổ chức học tập – điều kiện “vàng” để nhân viên phát triển
Theo Peter Senge trong “The Fifth Discipline“, tổ chức học tập khuyến khích sự học tập linh hoạt và sáng tạo, thúc đẩy nhân viên suy nghĩ không giới hạn và cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất cho mọi vấn đề.
Bà Lê Thị Lan Hương nhận định, trong một tổ chức học tập, nhân viên có cơ hội không ngừng bứt phá giới hạn của bản thân, trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng mới để phát hiện những giải pháp tối ưu cho mọi thách thức, tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
“Thông qua việc xây dựng tổ chức với tinh thần học tập cao, nhân viên sẽ cảm nhận tổ chức không chỉ là nơi làm việc, mà còn là nơi họ mong muốn liên tục học hỏi, phát triển và cam kết đồng hành cùng tổ chức trong dài hạn”, bà Hương nhấn mạnh.
Mô hình 70:20:10 – Học từ công việc đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức học tập
Trong tổ chức học tập, các kỹ năng và kiến thức nhân viên thu thập được chủ yếu đến từ học hỏi qua các bài tập thực tế. Chứng minh cho điều này, bà Lan Hương đã giới thiệu mô hình học tập 70:20:10.
- 70% học từ công việc thực tế (On-the-job learning): Phần lớn kỹ năng và kiến thức được học thông qua việc thực hiện công việc hằng ngày. Điều này bao gồm việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công việc, tham gia vào những dự án cụ thể hoặc đối mặt với các tình huống ngoài trách nhiệm công việc thông thường.
- 20% học từ mọi người (Learning from others): 20% quá trình học tập diễn ra thông qua việc tương tác với người khác, bao gồm việc nhận phản hồi, tham gia vào các buổi đào tạo hoặc cố vấn từ những người có kinh nghiệm hoặc gia nhập cộng đồng học tập.
- 10% học chính thức (Formal training): Chỉ một phần nhỏ của việc học tập xuất phát từ các hoạt động học tập chính thức như đào tạo trong lớp học, các khóa học trực tuyến hoặc qua việc chứng nhận nghề nghiệp.
Như vậy, việc phát triển kiến thức từ học tập chính thức chỉ là thứ yếu, quá trình học tập hiệu quả trong tổ chức thường đến từ hoạt động và tương tác hằng ngày trong công việc cũng như từ mối quan hệ với đồng nghiệp.
5 đặc điểm nổi bật của tổ chức học tập
Trái ngược với cách hoạt động của các doanh nghiệp truyền thống, tổ chức học tập không chỉ là nơi làm việc, mà còn là một môi trường đặc biệt được thiết kế để khuyến khích tinh thần học hỏi và sự phát triển không ngừng của nhân viên. Tại MBA Talk #81, bà Lan Hương và bà Nguyên An đã tập trung thảo luận về 5 đặc điểm nổi bật chỉ có trong tổ chức học tập:
- Học tập nhóm (Team learning): Những thành viên trong tổ chức cần hợp tác, chia sẻ kiến thức qua một nguồn tài nguyên chung, cùng nhau phát triển. Sự hợp nhất này tạo nên sức mạnh tập thể, tăng tính hiệu quả trong giải quyết vấn đề.
- Tư duy hệ thống (Systems thinking): Đây là việc nhìn nhận tổ chức như một hệ thống liên kết chặt chẽ, nơi mà mọi hành động của cá nhân đều có ảnh hưởng đến tổng thể. Tư duy hệ thống trong tổ chức giúp các thành viên nhận thức tác động của bản thân với tổ chức, tạo tiền đề để họ thực hiện những thay đổi có lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
- Xây dựng tầm nhìn chung (Building a shared vision): Để hướng tới sự phát triển bền vững, tổ chức học tập luôn cần một tầm nhìn, mục tiêu chung được chia sẻ với tất cả các thành viên. Điều này không chỉ làm tăng động lực, sự cam kết, mà còn giúp mọi người hiểu rõ mục tiêu chung cần hướng tới.
- Chủ nghĩa cá nhân (Personal mastery): Mỗi cá nhân trong tổ chức học tập đều không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng của bản thân, hướng đến việc học tập suốt đời.
- Mô hình tư duy (Mental models): Để thích ứng và phát triển, mọi người cần phải liên tục đánh giá và điều chỉnh cách tiếp cận đối với công việc. Mô hình tư duy trong tổ chức học tập cho phép nhân viên chấp nhận rủi ro, học hỏi từ những sai lầm để tìm ra cách làm việc hiệu quả.
Nền tảng “nuôi dưỡng” tổ chức học tập
Hành trình xây dựng tổ chức học tập không chỉ dừng lại ở việc thiết lập cấu trúc ban đầu mà còn đòi hỏi sự chú tâm liên tục và sẵn sàng điều chỉnh từ các bên liên quan để duy trì sự thành công bền vững. Dưới đây là những yếu tố nền tảng để duy trì tổ chức học tập:
- Nhà lãnh đạo sẵn sàng hỗ trợ (Supportive leaders): Các lãnh đạo cần cam kết với quá trình học tập trong tổ chức, có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng cho quá trình này. Họ cũng nên trở thành tấm gương và mô hình vai trò để mọi người noi theo.
- Quy trình học tập cụ thể (Intuitive knowledge processes): Quá trình học tập trong tổ chức cần được tích hợp một cách tự nhiên vào công việc hằng ngày. Như vậy, doanh nghiệp cần thiết lập quy trình rõ ràng để tổ chức các chương trình đào tạo và chia sẻ kiến thức hiệu quả, đồng thời tận dụng công nghệ để cải thiện quy trình học tập.
- Cấu trúc học tập rõ ràng (Defined learning structure): Tổ chức học tập cần xây dựng cấu trúc học tập cụ thể, trong đó quy định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên liên quan trong quá trình trau dồi kiến thức và kỹ năng. Đồng thời, cấu trúc học tập còn nhấn mạnh việc xây dựng mạng lưới phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận để đảm bảo mọi người đều tham gia đóng góp vào quá trình học tập của tổ chức.
- Văn hóa cải tiến liên tục (Culture of continuous improvements): Văn hóa của tổ chức cần đề cao việc học hỏi liên tục thông qua việc xây dựng niềm tin và giá trị phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức học tập cần tạo động lực cho nhân viên thông qua việc củng cố và cam kết đo lường kết quả.
Những yếu tố này kết hợp lại với nhau giúp duy trì môi trường làm việc tích cực – tại đó mỗi cá nhân được khuyến khích phát triển bản thân và cống hiến cho sự phát triển chung của tổ chức.
Tổ chức học tập không đơn thuần là môi trường để nhân viên thỏa sức học hỏi, mà còn là nền tảng cho sự tiến bộ không ngừng của mỗi cá nhân nói riêng và tổ chức nói chung. Hành trình xây dựng và phát triển tổ chức học tập là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự cam kết và kiên trì từ tất cả các bên liên quan. “Quả ngọt” của hành trình này không chỉ là sự thành công ngắn hạn mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong dài hạn của doanh nghiệp.
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam và nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).
Xem thêm các bài viết từ PSO MBA tại đây.