Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Production House #2: 3 giai đoạn sản xuất phim quảng cáo và những thuật ngữ cần biết

Production House #2: 3 giai đoạn sản xuất phim quảng cáo và những thuật ngữ cần biết

Trong tập hai của series Production House, chị Liên Đặng – người đã thành lập production house Echo Films từ năm 2007, sẽ chia sẻ về ba giai đoạn sản xuất một bộ phim quảng cáo và những thuật ngữ tiếng Anh được sử dụng phổ biến bởi người trong ngành.

Production House là chuỗi bài viết được thực hiện bởi ME Group x YAM hợp tác với Brands Vietnam, nhằm giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về công việc tại production house, thông qua những chia sẻ thú vị của các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực chiến trong ngành.

Tại bài viết tiếp theo của series Production House, hãy tiếp tục cùng host Vân Anh gặp gỡ chị Liên Đặng – Co-Founder & Executive Producer @ Echo Films, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành production nhé!

Nguồn: ME Group x YAM

* Đầu tiên, chị Liên có thể chia sẻ về một dự án tâm đắc nhất mà chị đã từng thực hiện không?

Đó là dự án thực hiện cho nhãn hàng Ariel nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ, được tiến hành ghi hình tại TP.HCM, Long Hải và Phan Thiết, diễn ra trong 3 – 4 ngày.

Khi đó, yêu cầu của Giám đốc Sáng tạo phía agency (trụ sở tại Singapore) muốn khai thác “người thật – việc thật” thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, chứ không muốn tuyển diễn viên. Do đó, việc tìm kiếm nhân vật cho dự án rất thú vị, bởi vì mọi người phải đến rất nhiều nơi để tìm kiếm những con người “rất đời” và “rất thật”. Sau khi trình chiếu, bộ phim quảng cáo của Ariel được công chúng đón nhận, yêu thích bởi tính chân thật và đời thường.

* Tiếp theo, chị Liên có thể trình bày ngắn gọn về quy trình sản xuất tại production house và bao gồm các thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành không?

 

Production House #2: 3 giai đoạn sản xuất phim quảng cáo và những thuật ngữ cần biết

Chị Liên Đặng – Co-Founder & Executive Producer @ Echo Films.
Nguồn: ME Group x YAM

Khó nhỉ! (Cười) Thật ra thì quy trình sản xuất phim quảng cáo có 3 giai đoạn chính, đầu tiên là pre-production (tiền kỳ), shoot (đi quay) và post-production (hậu kỳ).

Ở giai đoạn pre-production thì các thành viên trong production house sẽ bắt đầu chuẩn bị material (hạng mục, thiết bị), casting (tuyển chọn diễn viên), tìm kiếm location (địa điểm ghi hình), chuẩn bị wardrobe (trang phục), tập hợp các crew (đoàn quay phim).

Trong quá trình này, đội ngũ production house cần sắp xếp thời gian ghi hình. Khi có đầy đủ hạng mục và thiết bị rồi thì sẽ đến giai đoạn PPM – Pre-production meeting, tức là gặp gỡ agency và client vài lần trước khi ngày ghi hình chính thức diễn ra.

Khi đến ngày ghi hình, những thứ cần thực hiện bao gồm wardrobe fitting (thử trang phục), thực hiện workshop (diễn tập) với các diễn viên, kiểm tra xem đã có callsheet (bảng thông tin chi tiết về lịch trình quay phim) chưa rồi mới bắt đầu tiến hành quay.

Sau khi quay xong sẽ đến giai đoạn hậu kỳ với ba bước chính là offline (dựng phim), color grading (hiệu chỉnh màu sắc) và online (hoàn thiện về mặt âm thanh, hình ảnh và hiệu ứng). Về mặt âm thanh, bao gồm các bước như chèn nhạc, bắt đầu quá trình tuyển chọn voice talent (diễn viên lồng tiếng) và tiến hành voice recording/ voiceover (thu âm/ lồng tiếng).

Trên thực tế, tuỳ thuộc vào scale (quy mô) của từng dự án mà đội ngũ production house sẽ sắp xếp và phân bổ thời gian cho cả ba giai đoạn. Thông thường, để đảm bảo chất lượng của phim quảng cáo thì công đoạn chuẩn bị là quan trọng nhất. Tuỳ vào mức độ phức tạp của dự án mà đội ngũ cũng cần có set design (thiết kế bối cảnh quay) cho buổi ghi hình.

 

Production House #2: 3 giai đoạn sản xuất phim quảng cáo và những thuật ngữ cần biết

Sản xuất phim quảng cáo có 3 giai đoạn là pre-production (tiền kỳ), shoot (đi quay) và post-production (hậu kỳ).
Nguồn: ME Group x YAM

* Lúc nãy chị có đề cập đến thuật ngữ PPM – Pre-production meeting, chị Liên có thể chia sẻ thêm là thường thì sẽ có bao nhiêu buổi PPM trước khi bắt đầu khởi quay không?

PPM – Pre-production meeting là những cuộc họp rất quan trọng, bởi vì quá trình sản xuất phim quảng cáo liên quan đến rất nhiều bên, bao gồm agency, client, đạo diễn và những đơn vị khác. Lúc này, đội ngũ production house cần tạo một tài liệu tổng hợp bao gồm mọi thứ đã chuẩn bị ở giai đoạn pre-production và đưa cho agency, client xem và duyệt tại các buổi PPM. Do vậy, nếu không tổ chức các buổi PPM thì sẽ không có được sự chấp thuận từ phía agency và client, từ đó công việc sẽ bị đình trệ và không có tiến triển.

Thực chất, không có buổi PPM nào hoàn hảo, bởi vì sẽ luôn có vấn đề gì đó phát sinh. Ví dụ, về công đoạn casting diễn viên, bởi vì mỗi người sẽ có cách đánh giá và nhìn nhận vẻ đẹp khác nhau, vậy nên sẽ có những cuộc tranh luận giữa các bên để tìm ra tiếng nói chung, nhằm tìm ra diễn viên phù hợp nhất với kịch bản. Có thể nói, những buổi PPM giống như một guideline (bảng hướng dẫn) để đội ngũ production có căn cứ để kiểm tra xem quá trình ghi hình và giai đoạn hậu kỳ có bám sát những gì đã thảo luận hay không.

Production House #2: 3 giai đoạn sản xuất phim quảng cáo và những thuật ngữ cần biết

Những buổi PPM giống như một guideline (bảng hướng dẫn) cho đội ngũ production.
Nguồn: ME Group x YAM

* Kế đến, chị Liên có thể giải thích thêm về thuật ngữ callsheet mà khi nãy chị đề cập ở giai đoạn ghi hình không?

Sau khi đã hoàn tất quá trình chuẩn bị và đến ngày khởi quay, lúc này đội ngũ production cần được thông báo về thời gian – địa điểm ghi hình, cũng như danh sách các hạng mục, thiết bị chuẩn bị. Thời điểm đi ghi hình cũng là lúc mà đội ngũ production house có mặt đầy đủ, từ đạo diễn, thiết kế, cho đến diễn viên.

Những buổi PPM giống như một guideline (bảng hướng dẫn) cho đội ngũ production.

Trong giai đoạn ghi hình, ưu tiên hàng đầu là thời điểm. Cụ thể hơn, khi đến ngày quay, đội ngũ production house cần biết được khung giờ quay chính xác, kể từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Những thông tin này có đầy đủ trong shotlist – đây là tài liệu về các thông tin chi tiết của các cảnh quay, chẳng hạn như thứ tự các cảnh quay. Cần lưu ý là thứ tự này không hẳn là thứ tự trong kịch bản, mà là thứ tự được sắp xếp sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế tại địa điểm ghi hình

Trên thực tế, kể từ đó đến giờ, các dự án khó mà kết thúc ngày quay đúng như dự kiến, bởi vì sẽ luôn có vấn đề phát sinh và điều đó là không thể nào tránh khỏi. Do đó, điều quan trọng là phải có kỹ năng quản lý, nhằm hạn chế tình trạng thời gian ghi hình bị kéo dài quá lâu so với dự kiến.

 

Production House #2: 3 giai đoạn sản xuất phim quảng cáo và những thuật ngữ cần biết

Thứ tự ghi hình không nhất thiết phải theo trình tự trong kịch bản, mà được sắp xếp sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế tại địa điểm ghi hình.
Nguồn: ME Group x YAM

* Chị Liên có thể chia sẻ về mối liên kết giữa giai đoạn hậu kỳ và giai đoạn ghi hình không?

Giai đoạn hậu kỳ là bước cuối cùng trong quá trình hoàn thiện một bộ phim quảng cáo. Đầu tiên là bước offline (dựng phim), đây là lúc để đảm bảo được rằng bộ phim vừa phải theo sát kịch bản đã chốt với khách hàng, vừa kể được một câu chuyện có tính hợp lý. Vì vậy, những người đảm nhận vị trí dựng phim phải có một bản năng làm nghề nhất định, nhằm sắp xếp câu chuyện một cách hợp lý và hấp dẫn nhất. Ngay cả khi đã có sẵn kịch bản, người dựng phim vẫn có thể thay đổi một vài khung cảnh để bộ phim có thể truyền tải thông điệp một cách mượt mà và thú vị hơn. Sau đó thì các bên sẽ cùng nhau thảo luận, tiếp tục chỉnh sửa để có được phiên bản phù hợp nhất.

Người làm việc tại production house phải có kỹ năng quản lý, nhằm hạn chế tình trạng thời gian ghi hình bị kéo dài quá lâu so với dự kiến.

Công đoạn tiếp theo là color grading (hiệu chỉnh màu sắc), bởi khi quay raw (quay thô) thì có thể màu sắc sẽ không đúng với thực tế, chẳng hạn như làn da của diễn viên không được hồng hào mà hơi xám xịt. Bên cạnh đó, việc hiệu chỉnh màu sắc cũng phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng về color tone (tông màu) đã thảo luận tại các buổi PPM. Như vậy, có thể hiểu rằng đây là lúc nâng hoặc hạ xuống những tông màu để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Sau khi chỉnh sửa màu sắc xong sẽ đến giai đoạn cuối cùng là online – hoàn thiện thành phẩm.

* Cuối cùng, chị Liên có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ có dự định làm việc tại production house không?

Có đôi khi, các bạn trẻ lựa chọn dấn thân vào một ngành nghề bởi vì nhiệt huyết, bởi vì yêu thích hoặc được truyền cảm hứng bởi một nhân vật nào đó. Tuy nhiên, khi thật sự dấn thân vào ngành thì có một số bạn lại cảm thấy chán nản và quyết định từ bỏ. Do vậy, khi đã quyết định lựa chọn theo nghề này thì phải hiểu được rằng công việc tại production house rất vất vả. Vì thế, để gắn bó lâu dài với ngành này, điều quan trọng là phải biết chấp nhận thử thách và có khả năng chịu áp lực tốt.

Production House #2: 3 giai đoạn sản xuất phim quảng cáo và những thuật ngữ cần biết

Để gắn bó lâu dài với ngành production house, điều quan trọng là phải biết chấp nhận thử thách và có khả năng chịu áp lực tốt.
Nguồn: ME Group x YAM

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng để bước chân vào ngành quảng cáo mà các bạn cần có là khả năng ngoại ngữ. Bởi vì production house sẽ thường xuyên làm việc với các công ty quảng cáo đa quốc gia, mà phần lớn Giám đốc Sáng tạo đều là người nước ngoài. Không chỉ vậy, có một số trường hợp mà khách hàng chỉ định một đạo diễn là người nước ngoài, hoặc quay tại nước ngoài. Do vậy, khả năng ngoại ngữ là một yêu cầu rất quan trọng đối với nhân sự làm việc tại production house.

* Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị và hữu ích của chị Liên ạ!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam