Production House #1: Những “người hùng thầm lặng” – Khi có đam mê, không gì là giới hạn
Liệu công việc tại production house – một định nghĩa vừa quen thuộc, vừa xa lạ về những “người hùng thầm lặng” đứng sau sự thành công của các TVC và bộ phim đình đám có giống như hình dung của các bạn trẻ Gen Z?
Production House là chuỗi bài viết được thực hiện bởi ME Group x YAM hợp tác với Brands Vietnam, nhằm giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về công việc tại production house, thông qua những chia sẻ thú vị của các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực chiến trong ngành.
Tại số đầu tiên của series Production House, hãy cùng host Vân Anh gặp gỡ và thảo luận với anh Tony Nguyễn – Co-Founder & Executive Producer @ MAY Production nhé!
Production House là gì? Mối liên hệ giữa client, agency và production house
* Nếu được yêu cầu giải thích cho một đứa trẻ 5 tuổi về định nghĩa của ngành production, anh Tony sẽ nói như thế nào? Và vì sao lại dùng cụm từ “production house”?
Nói một cách đơn giản, production là công việc sản xuất nội dung, bao gồm lĩnh vực quảng cáo, truyền hình lẫn phim ảnh. Còn về cụm từ “production house”, dù không rõ nguồn gốc của cụm từ này, với anh thì cụm từ này rất phù hợp, bởi vì các nhân viên trong production house luôn gắn bó giống như một gia đình. Bởi vì trên thực tế, khối lượng và tần suất làm việc rất cao nên mọi người gần như luôn trong trạng thái làm việc liên tục để xử lý các vấn đề phát sinh, vậy nên mọi người trong production house giống như một gia đình nhỏ.
* Theo nhận định của anh, vì sao hiện nay phần lớn các bạn trẻ khá mơ hồ về khái niệm production house?
Theo anh thì có nhiều yếu tố, với sự phát triển của xã hội và công nghệ đã giúp mọi người hiện nay dễ dàng tiếp cận thông tin hơn trước đó. Tuy nhiên trước đây, phần lớn chẳng mấy ai để ý đến sự tồn tại của những người phía sau làm nên thành công cho màn trình diễn của một nghệ sĩ.
Khi đó, một TVC phát sóng trên truyền hình dù gây được ấn tượng với người xem, song họ không có nhiều cơ hội để tìm hiểu về đội ngũ sản xuất phía sau. Vào thời điểm đó, các production house cũng không chia sẻ quá nhiều thông tin về họ trên mạng xã hội, cũng như không có đơn vị nào giới thiệu về các production house. Do vậy, nhiều người có thể giả định rằng những TVC đó do client hoặc agency tự thực hiện. Ngay cả anh, khi bước chân vào lĩnh vực này, anh mới nhận ra có đến hàng trăm nhân sự hợp tác với agency và client để hoàn thành sản phẩm đó.
Cho đến khi khi mạng lưới thông tin trên mạng xã hội ngày càng rộng lớn và phát triển thì nhiều bạn trẻ đã biết nhiều hơn về ngành production. Vậy nên cũng có những bạn trẻ muốn dấn thân vào lĩnh vực này. Đối với những người trong các production house, khi họ thấy các dự án đã thực hiện được công chúng đón nhận đông đảo thì họ cũng có nhu cầu “flex” và chia sẻ lại trên các kênh mạng xã hội của họ, từ đó mà mọi người bắt đầu biết về production house nhiều hơn.
Có một điều khác biệt rõ ràng nhất so với trước đây là khi đi xem ca nhạc, với các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ ngày nay, họ sẽ dành thời gian để kêu gọi khán giả vỗ tay cho những thành viên trong ban nhạc. Hành động đó giống như là một cách công nhận những người ở phía sau luôn âm thầm làm việc chăm chỉ và tận tụy.
* Anh Tony có thể chia sẻ thêm về mối liên hệ giữa client, agency và production house được không?
Production là công việc sản xuất nội dung, bao gồm lĩnh vực quảng cáo, truyền hình lẫn phim ảnh.
Để thực hiện một chiến dịch marketing, các doanh nghiệp luôn muốn sản phẩm hoặc dịch vụ của họ có thể tiếp cận được đến càng nhiều người càng tốt. Trong quá trình lập kế hoạch marketing, phía doanh nghiệp sẽ tìm đến một đơn vị chuyên nghiệp là agency, nhằm thực hiện các ý tưởng, hoạch định chiến lược sao cho ý tưởng đó phù hợp với kế hoạch và mục tiêu marketing của doanh nghiệp đặt ra.
Khi đó, agency sẽ tư vấn cho client về kế hoạch chi tiết, chẳng hạn như khi nào cần phát sóng quảng cáo, hoặc đâu là thời điểm phù hợp để tổ chức event… Khi client và agency đã thống nhất được nội dung hoặc ý tưởng cụ thể, giai đoạn tiếp theo là hiện thực hóa ý tưởng đó để triển khai trên các nền tảng như mạng xã hội hoặc truyền hình, và production house là đơn vị thực hiện điều đó. Do vậy, có thể hiểu rằng production house là đơn vị hiện thực hóa những ý tưởng trên giấy của client và agency.
Làm việc trong production house, chỉ “bay bổng” liệu có đủ?
* Nhiều bạn trẻ thường cho rằng làm việc trong production house cần có sự “bay bổng”, theo anh thì đây có phải yếu tố quan trọng nhất không hay cần có những đức tính khác?
Theo anh, để làm tốt thì cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Ví dụ, một bạn producer không có kiến thức nền tảng thì với cương vị là một người làm sản xuất, bạn producer đó sẽ không “cảm” được rằng liệu sản phẩm làm ra có đẹp không, có đủ tiêu chuẩn chưa. Bởi vì trước khi đi trình bày cho đối tác là client và agency, người producer cần tự thẩm định được rằng sản phẩm của họ đã thật sự đạt yêu cầu chưa. Vậy nên không có kiến thức nền tảng vững thì người producer sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn.
Bên cạnh đó, tùy vào từng vị trí tại production house mà mỗi người cần tìm cách để phát triển bản thân sao cho phù hợp với tính chất của công việc. Do vậy, những yếu tố như năng động, nhiệt huyết, có tinh thần học hỏi và kỹ tính là bắt buộc phải có đối với ngành này rồi. Có được những yếu tố đó, một người producer sẽ hiểu được nghề, vốn là yếu tố rất quan trọng để tồn tại và phát triển trong ngành.
Như vậy, khi bước chân vào production house, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì những kỹ năng mềm cũng là yếu tố quan trọng. Không chỉ vậy, người làm trong lĩnh vực này cũng phải cân bằng được giữa tâm hồn nghệ thuật và một cái đầu thực tế.
Học trái ngành có dấn thân vào production house được không?
* Được biết, trước khi đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực production house như hiện tại thì anh Tony cũng là một trường hợp học trái ngành. Như vậy, đây có phải là một trở ngại lớn trong quá trình làm nghề của anh không?
Đúng rồi, anh là một người làm trái ngành vì anh tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Thông tin. Sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu một công việc không có liên quan gì đến ngành học, mà thiên về truyền thông và tổ chức sự kiện. Lúc bấy giờ, anh buộc phải tự học và tìm hiểu ở nhiều nguồn, vì tại Việt Nam khi đó chưa có nhiều trường lớp đào tạo về truyền thông hoặc sản xuất phim. Ở thời điểm hiện tại, khi bối cảnh văn hóa – xã hội ngày càng phát triển hơn, các bạn trẻ có nhiều cơ hội để tiếp cận với ngành này hơn.
Người làm trong lĩnh vực production phải cân bằng được giữa tâm hồn nghệ thuật và một cái đầu thực tế.
Như đã đề cập ở trên, do là người mới và chưa có kiến thức nền tảng, anh buộc phải tự tìm hiểu và học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như từ các đàn anh đàn chị có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Sau khi làm việc và được học hỏi nhiều hơn, anh nhận ra đây là một công việc thú vị và anh bắt đầu muốn gắn bó lâu dài với ngành này.
Quan trọng hơn, khi làm công việc này, anh thấy mình luôn là một người năng động, đồng thời công việc liên tục tạo ra thử thách để anh phải suy nghĩ và tìm ra giải pháp xử lý vấn đề. Bởi vì tất cả dự án sản xuất sẽ có những thử thách nhất định và có độ khó khác nhau.
Do đó, anh muốn trở thành người trong ngành này và muốn học hỏi nhiều hơn. Khi đó, công nghệ và internet chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, song vì anh luôn nghĩ rằng không có giới hạn nào khi có đam mê, nên anh tin rằng bản thân có thể bắt đầu dấn thân vào một ngành nào đó, ngay cả khi chẳng có gì ngoài số 0 tròn trĩnh.
Đó là quan điểm cá nhân của anh mà thôi, có thể nhiều bạn trẻ nghĩ rằng nếu không tốt nghiệp chuyên ngành đó thì làm thế nào để bắt đầu. Đúng là nó sẽ là một thử thách rất lớn, song nếu có đam mê với nghề, bạn sẽ đủ kiên nhẫn để dành thời gian tìm tòi và học hỏi, cũng như vượt qua những thách thức riêng mà mỗi người phải đối mặt.
Tiềm năng phát triển rộng mở trong tương lai
* Theo nhận định của anh, ngành này có tiềm năng phát triển như thế nào trong thời gian tới?
Thực chất thì mảng production rất rộng, vậy nên anh chỉ đưa ra nhận xét về mảng quảng cáo và phim ảnh thôi nhé! Trong lĩnh vực sản xuất phim, với sự phát triển của các ứng dụng OTT như Netflix, VieOn hoặc FPT PLay… có thể thấy rằng nhu cầu giải trí của mọi người ngày càng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc cần có nhiều production house để sản xuất các bộ phim hấp dẫn cho các nền tảng này để thu hút người dùng.
Đối với ngành quảng cáo cũng thế, trên thị trường Việt Nam hiện nay có ngành hàng và sản phẩm rất đa dạng. Do đó, để tiếp cận với người tiêu dùng, các thương hiệu phải xuất hiện ở khắp mọi nơi, chẳng hạn như màn hình LCD trong thang máy, biển quảng cáo ngoài trời, truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số. Trong tương lai, ngành quảng cáo sẽ còn phát triển khi mà các nhãn hàng vẫn còn đầu tư vào quảng cáo để thu hút người tiêu dùng. Để triển khai một chiến dịch quảng cáo chuyên nghiệp và bài bản, các client và agency cần tìm đến các production house để hiện thực hóa những ý tưởng.
Khi nhìn về 10 năm trước, ngành production chưa phát triển tại Việt Nam, phần lớn các TVC quảng cáo của các doanh nghiệp lớn thường được thực hiện bởi các production house tại Thái Lan hoặc Malaysia, các quảng cáo do production house trong nước thực hiện chỉ chiếm khoảng 20-30%. Tín hiệu tốt là trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng quảng cáo được sản xuất bởi các production house tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Do đó, anh vẫn tin rằng ngành quảng cáo và production sẽ luôn phát triển, chỉ là không biết đâu sẽ là định dạng phổ biến tiếp theo.
Một yếu tố khác là sự cạnh tranh trong ngành này đang trở nên khốc liệt hơn, bởi vì ngày càng có nhiều production house ra đời với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Đó cũng sẽ là động lực thúc đẩy ngành production phát triển, bởi vì khi mức độ cạnh tranh càng cao thì tất cả sẽ nỗ lực để tồn tại và vượt qua những đối thủ khác. Không chỉ thế, mỗi người sáng lập của từng production house cũng là “luồng gió mới” để giúp lĩnh vực này tiếp tục phát triển trong tương lai.
Cuối cùng, kể từ COVID-19, các client và agency nhận ra rằng không nhất thiết phải ra nước ngoài để sản xuất nội dung, mà các production house trong nước vẫn đáp ứng được các nhu cầu của họ. Dĩ nhiên, so với các production house thuộc các quốc gia đã phát triển từ 10 hoặc 20 năm trước thì chưa bằng, song anh tin rằng điều đó sẽ không còn xa bởi vì các production house tại Việt Nam đang tốt hơn từng ngày về mọi khía cạnh.
* Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của anh Tony!
Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam