Không phải cái gì FPT cũng giỏi – Những tham vọng không thành trên hành trình FPT 35 năm
Nhìn lại những ngày tháng sau khi FPT lên sàn, ông Hoàng Nam Tiến (thành viên Hội đồng Sáng lập FPT) từng ví von, FPT mắc bệnh “đột kim” – là bệnh đột nhiên có nhiều tiền, FPT rơi vào trạng thái “nghĩ mình quá giỏi, giỏi đến mức cái gì cũng làm được”. Do đó, FPT đã đi mở ngân hàng, mở công ty chứng khoán, lập công ty quỹ, đầu tư bất động sản. “Kỳ lạ, tất cả việc đó thất bại”, ông Tiến cảm thán.
Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách “Sử ký FPT 35 năm – Từ tay trắng đến tập đoàn toàn cầu”.
Còn ông Trương Gia Bình (Chủ Tịch HĐQT FPT) sau này nhìn lại chỉ ra rằng những vấn đề yếu kém trong bộ máy giám sát hay việc quá tin vào cộng sự để không đi đến tận cùng giấc mơ đã trở thành những bài học quan trọng của FPT khi quyết định đầu tư.
Chênh vênh chứng khoán
Năm 2007, Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) được thành lập. Sự ra đời của FPTS là kết quả tất yếu khi bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ và phát triển nhất. Dù có địa điểm giao dịch lớn nhất cả nước với diện tích lên tới 1.000 m2, FPTS xác định lấy giao dịch trực tuyến làm trọng tâm và là mục tiêu cho quá trình phát triển.
Tuy nhiên, năm 2008 là một năm khó khăn đối với chứng khoán Việt Nam nói chung và FPTS nói riêng. Công ty đã buộc phải cắt giảm nhân sự từ 200 người vào đầu năm xuống còn 136 vào cuối năm. Chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường chứng khoán suy giảm nặng nề từ giữa năm 2008 dẫn đến kết quả kinh doanh của bộ phận đầu tư của FPT chưa đạt hiệu quả, mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp không quan tâm đến tư vấn niêm yết, phát hành. Từ đó, dẫn đến việc lợi nhuận kinh doanh của công ty năm 2008 bị âm.
Tính đến ngày 31/12/2022, FPT chỉ còn giữ 17,9% cổ phần tại FPTS.
Thất bại trong đầu tư tài chính
Năm 2007, Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, chính thức trở thành công ty quản lý quỹ đầu tư có số vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường Việt Nam khi đó.
Trong cơn sốt giá cổ phiếu giữa năm 2007, FPT Capital đã phối hợp với Ban Nhân sự và Ban Kế hoạch – Tài chính FPT xây dựng một chương trình mang tên ESPP (Employee Stock Purchase Plan) – chương trình lựa chọn cho người lao động nhận một phần lương bằng cổ phiếu. Theo đó, CBNV FPT có toàn quyền quyết định mức lương trong tháng của mình nhận bằng cổ phiếu FPT. Giá cổ phiếu sẽ được tính là trung bình là giá tham chiếu một cổ phiếu FPT trong tất cả các ngày giao dịch kể từ mùng 1 đến mùng 9 hàng tháng theo công bố của HoSE. Mức chiết khấu ban đầu là 20% và có thể thay đổi tùy theo giai đoạn cụ thể.
Tuy nhiên, dự án này nhanh chóng phá sản vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, lý do chính thức là UBCK Nhà nước chưa phê duyệt phương án triển khai và lý do không chính thức là giá cổ phiếu bắt đầu đi xuống, nhất là cổ phiếu FPT.
Từ năm 2009, cuộc suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam kéo theo sự khủng hoảng nặng nề về tài chính. Thị trường bất động sản suy giảm rất mạnh và đóng băng. Các dự án đầu tư của FPT Capital lâm vào tình trạng khó khăn. Các hoạt động ủy thác đầu tư đã không thu hút thêm được khách hàng. Giai đoạn này, FPT Capital liên tục thay đổi lãnh đạo cao cấp. Các chức danh Chủ tịch và Tổng Giám đốc FPT Capital đều do người của SBI đảm nhiệm.
Ông Trương Gia Bình nhận định, sự không kỹ lưỡng trong việc quản trị, đặc biệt trong việc dùng người là một bài học quan trọng với FPT.
Tính đến ngày 30/06/2023, FPT chỉ còn giữ 2% vốn điều lệ của FPT Capital.
Ngừng hoạt động công ty bất động sản FPT
Năm 2006, Công ty TNHH Bất động sản FPT (FPT Land) được thành lập.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài và ngày càng trầm trọng tại Việt Nam vào năm 2008, FPT Land đã có một năm hoạt động vô cùng vất vả và thất vọng. Không có thêm một dự án mới nào được khởi động, những dự án cũ liên tục bị điều chỉnh và thậm chí là bị đình trệ. FPT Land phải cắt giảm nhân sự đến hơn 30%.
Ông Trịnh Ngọc Biên (Phó Giám đốc FPT Land HCM) đã đăng tải một bài viết khá dài có tiêu đề “FPT Land – tồn tại hay không tồn tại”. Ông cho rằng, trong lúc này, sự cam kết ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Tập đoàn cho chiến lược lâu dài mảng kinh doanh bất động sản chính là cái mà FPT Land đang thiếu. Ông Biên kết thúc bài viết: “Lãnh đạo FPT đều là những người thích nói đến tầm nhìn – nghĩa là rất ‘long term’, nhưng hình như các anh đều không có đủ kiên nhẫn để ‘long term’ với lĩnh vực bất động sản”.
Ngày 31/10/2011, FPT Land chính thức ngừng mọi hoạt động.
Giải thể FPT Media, khép lại hành trình làm phim truyền hình
Năm 2005, FPT Media được thành lập. Dự án nổi bật nhất trong những năm hoạt động của FPT Media là việc mua bản quyền truyền hình phát sóng World Cup 2006. Các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước khi đó gồm có Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty quảng cáo Goldsun (công ty đã mua bản quyền World Cup 2002) và một số công ty khác.
Ngoài ra, FPT Media cũng hợp tác với các Đài Truyền hình sản xuất nhiều chương trình như: Bản tin tài chính (VTV1), Văn nghệ chủ nhật (VTV3), Lắng nghe cơ thể bạn (Truyền hình Hà Nội), Đấu giá (Truyền hình Đà Nẵng)...
Các hoạt động diễn ra rầm rộ là vậy nhưng không mang lại nhiều hiệu quả kinh doanh. Năm 2012, FPT Media tuyên bố giải thể.
Ngừng kinh doanh game online
“Sân chơi” game online vốn dĩ không phải mảnh đất lành. Dù nhận thấy cơ hội cùng tiềm lực tập đoàn sẵn có, nhưng chính sự khốc liệt của thị trường cộng thêm tốc độ chậm trễ của FPT Online khi thay đổi sang các nền tảng khác đã kéo theo sự sụp đổ của “đế chế” từng giành được rất nhiều tình cảm của giới game thủ.
Năm 2014, công ty ngừng kinh doanh game, để lại nhiều tiếc nuối cho cộng đồng game Việt.
Chính game online đã dạy cho FPT một bài học, không phải cái gì FPT cũng giỏi.
Kết lại
Để thành công được như ngày hôm nay, FPT đã phải đánh đổi bởi rất nhiều thất bại. “Sử ký FPT 35 năm – Từ tay trắng đến tập đoàn toàn cầu” – cuốn sách chính thức đầu tiên của FPT ra mắt với công chúng và cộng đồng doanh nghiệp chứa đựng toàn bộ những câu chuyện tự hào, những dấu mốc quan trọng hay thăng trầm trên hành trình 35 năm để trở thành tập đoàn có chỗ đứng trên toàn cầu.
Bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách nhiều bài học thực tiễn về việc xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động của một công ty từ khởi nghiệp với con số 0 ở Việt Nam đến khi trở thành tập đoàn hùng mạnh hàng chục nghìn người trên toàn cầu, từ công tác định hướng chiến lược, lập kế hoạch, tuyển dụng và đào tạo, tiếp thị và bán hàng, nghiên cứu và phát triển, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp….
Thông qua cuốn sách, FPT muốn chia sẻ câu chuyện của mình đến với công chúng và cộng đồng doanh nghiệp, những con người mong muốn bằng bàn tay, khối óc của mình làm nên những kỳ tích, để nuôi niềm tin, có thêm muôn vàn trải nghiệm, thành công khác. Đó là sự chung sức đưa dân tộc trở thành một Việt Nam hùng cường.
Mời bạn khám phá cuốn sách tại đây!