Quảng cáo trực tuyến: cuộc chiến giữa doanh nghiệp nội và ngoại

Quảng cáo trực tuyến: thị trường đầy tiềm năng trong tay các công ty nước ngoài

Theo nghiên cứu của Cimigo, quảng cáo trực tuyến sẽ là lĩnh vực tăng trưởng “nóng” nhất trong toàn bộ ngành quảng cáo Việt Nam, lên tới 28% một năm. Tới năm 2020, tổng giá trị thị trường này sẽ là 340 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, thị trường này hiện đang chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook dựa vào ưu thế công nghệ. Theo thông tin của báo Dân Trí, chỉ riêng doanh thu của 9 đại lý lớn nhất của Google đã chiếm 50% tổng giá trị thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với hàng trăm triệu đô la sẽ thất thoát khỏi đất nước mỗi năm.

Giải thích về thực trạng này, ông Lê Văn Thanh đồng sáng lập Cốc Cốc chia sẻ cạnh tranh trên thị trường quảng cáo trực tuyến phụ thuộc rất nhiều vào năng lực công nghệ:

“Ngành quảng cáo hiện đại phát triển dựa trên câu hỏi cơ bản: làm sao để đưa quảng cáo tới đúng đối tượng quan tâm vào đúng thời điểm họ đang cần sản phẩm? Nói một cách đơn giản là làm sao quảng cáo điện thoại tới những người thích điện thoại ngay khi họ đang có nhu cầu mua? Để giải quyết được câu hỏi này công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng”.

Quảng cáo trực tuyến: cuộc chiến giữa doanh nghiệp nội và ngoại

Lượng người dùng Internet Việt Nam đã lên tới 36 triệu người

Một ưu điểm khác của các mạng nước ngoài là mô hình trả tiền theo hình thức đấu giá. Thay vì trả một khoản tiền cố định để mua vị trí, mô hình đấu giá cho phép các nhà quảng cáo tự quyết định mức giá tối đa họ sẵn sàng trả cho mỗi lần tương tác với khách hàng. Mô hình này giúp các nhà quảng cáo có thể theo dõi và điều chỉnh chi phí của mình trong suốt quá trình booking.

Sự vươn lên của các doanh nghiệp Việt

Trên thực tế, tiềm lực công nghệ của các công ty Việt Nam đã tăng lên mạnh mẽ trong thời gian qua. Điển hình là việc sản phẩm Zalo của VNG đã vượt qua Line và Kakao Talk, trình duyệt Cốc Cốc của công ty Cốc Cốc đã đánh bại Internet Explorer của Microsoft tại Việt Nam.

Theo công bố của ông Vương Vũ Thắng, tổng giám đốc VCCorp đơn vị chủ quản mạng quảng cáo Admicro, năm 2013 tổng doanh thu của Admicro đạt 500 tỷ đồng. Admicro cũng đã hợp tác với 210 trang tin và báo điện tử lớn nhất Việt Nam để tạo thành sức mạnh bó đũa cạnh tranh với Google. Ông chia sẻ: “VCCorp đang cạnh tranh trực diện với Google, Facebook tại Việt Nam trên quy mô, sản phẩm, công nghệ quảng cáo và các kênh bán hàng nội địa. Hiện quy mô gấp 1,5 lần Google, và 2 lần Facebook tại Việt Nam.”

Chia sẻ khi ra mắt hệ thống quảng cáo Cốc Cốc, ông Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc cho biết: “Quảng cáo trên trình duyệt cho phép nhà quảng cáo tiếp cận với tất cả các khách hàng bất kể họ truy cập vào trang web nào. Khi kết hợp với lượng dữ liệu khổng lồ 74 triệu lượt tìm kiếm từ công cụ tìm kiếm, các nhà quảng cáo có thể tiếp cận chính xác khách hàng mục tiêu của mình ngay khi họ online. Thí dụ một nhà sản xuất điện thoại có thể quảng cáo tới tất cả những người dùng từng tìm kiếm từ khóa về các sản phẩm điện tử ngay trong trình duyệt của họ.”

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá các mạng quảng cáo chỉ bằng một câu hỏi đơn giản “liệu lợi nhuận thu về có lớn hơn chi phí quảng cáo?”. Và để trả lời được câu hỏi này ngoài sức mạnh công nghệ, việc am hiểu thị trường và nhu cầu của các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Chúng ta hãy hy vọng các mạng quảng cáo Việt Nam có thể tận dụng tốt ưu thế của mình.