Những sai lầm chủ doanh nghiệp F&B cần tránh nếu muốn trụ vững trong năm 2024
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức. Kinh doanh trong lĩnh vực F&B cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đó khi phải đối diện với nhiều trở ngại. Đại dịch COVID-19 đã giết dần các nhà hàng có thực lực yếu và mắc nhiều sai lầm trong quá khứ. Điều này trong kinh doanh cũng là việc rất bình thường, kể cả trong tình hình bị tác động bởi yếu tố khách quan (kinh tế) như hiện tại.
“Kẻ mạnh sẽ tồn tại và kẻ yếu (hoặc trung bình) sẽ diệt vong”.
Làm thế nào để bạn đảm bảo nhà hàng của mình tồn tại? Hãy trung thực với bản thân và tránh 7 sai lầm tai hại sau.
1. Nói dối chính mình
Chúng ta trốn tránh sự thật bởi vì đôi khi nó có thể vừa đau đớn vừa sợ hãi. Bạn có thể thuyết phục bản thân về bất cứ điều gì bao gồm cả việc bạn đang làm không tốt như thế nào.
Kinh doanh nhà hàng là một công việc đòi hỏi khả năng xây dựng một đội ngũ có cùng cách suy nghĩ, cùng mục tiêu và cùng làm việc. Một cá nhân tự quyết các vấn đề sẽ dẫn đến nhiều sai lầm và không có cơ hội sửa chữa về sau này.
Giải pháp: Hãy ngừng nói dối bản thân. Nếu mọi thứ không như bạn mong muốn, hãy ngừng viện lý do và lừa dối bản thân. Bạn sẽ không bao giờ có được những gì bạn muốn từ việc kinh doanh của bạn hoặc chính bạn cho đến khi bạn thừa nhận rằng mọi thứ về cơ bản chỉ là tệ hại và sai lầm.
2. Không nắm rõ các con số trong kinh doanh
Điều đáng buồn là nhiều nhà quản trị đã thực sự để lợi nhuận sau cùng trở thành trọng tâm thứ yếu.
Có thể doanh số bán hàng đã thực sự lớn và khi dòng tiền lớn, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mọi thứ đều ổn. Sau đó, thị trường khó khăn và bây giờ tài khoản của bạn không còn dòng tiền dương nhiều như trước, đã đến lúc phải chú ý đến phòng kế toán và kiểm soát chi phí một cách khoa học.
Chủ nhà hàng và người điều hành yêu thích sự sáng tạo, vui vẻ và đa số không thích làm việc với các con số chi chít trên các bảng báo cáo P&L hàng tháng. Nhưng bạn cần phải học cách cân bằng mọi thứ để có được thành công lâu dài.
Giải pháp: Hãy kiểm soát công việc kinh doanh bằng cách tìm hiểu và nắm rõ các con số. Bạn có thể thuê ai đó thực hiện công việc nếu bạn không giỏi hoạt động này, tuy nhiên, bạn vẫn phải tường tận và hiểu rõ từng đồng tiền sẽ đi đến đâu.
3. Chịu đựng năng suất làm việc kém
Bạn là chủ nhà hàng, là người tuyển nhân viên từ cấp nhân viên đến quản lý vào làm việc, nhưng rồi bạn phải đi làm thuê cho chính nhân viên của mình vì rất nhiều lý do: xây dựng chi phí nhân sự không phù hợp (thấp) nên không tuyển dụng được người giỏi, không có quy trình tuyển dụng và đào tạo nên phải chạy theo nhân viên kiểu cầm tay chỉ việc... Và đôi khi bạn chấp nhận các nhân viên kém chỉ vì họ đáp ứng được việc sai vặt của bạn, các công việc lắc nhắc kiểu “hiểu ý Sếp” nhưng không phục vụ gì cho mục đích kinh doanh.
Giải pháp: Bạn là người chịu trách nhiệm cho kết quả của công việc. Vậy nên, đã đến lúc ngừng chọn những thành viên không mang lại kết quả. Bạn có thể đã có cảm giác gắn bó với nhân viên bởi vì họ làm việc lâu năm, đã ở bên bạn ngay từ đầu và bạn cảm thấy có nghĩa vụ chăm sóc họ... Hãy dừng suy nghĩ này lại!
4. Không xem trọng giải pháp marketing
Với sự phát triển của Internet, sẽ không có thời điểm tiếp thị nào tốt hơn ngay chính lúc này. Tuy nhiên, rất nhiều người không coi trọng vấn đề marketing và điều đó thực sự đáng buồn. Bạn có thể truy cập toàn bộ thế giới từ điện thoại của mình, vậy tại sao không cho họ biết bạn là ai và bạn đại diện cho điều gì?
Đã đến lúc thoát khỏi sự mù mờ về marketing và giành lấy thị phần. Điều đó đòi hỏi bạn phải làm mọi thứ khác đi.
Giải pháp: Dành 10% chi phí trên doanh thu của doanh nghiệp cho hoạt động marketing.
5. Phản ứng thái quá với các review tiêu cực
Bạn muốn làm hài lòng tất cả khách hàng của mình? Bạn chỉ muốn nhận các review toàn là lời khen ngợi trong khi đây là ngành phục vụ rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau? Tất cả những điều này là hoàn toàn không khả thi.
Nhà hàng giống như là một đứa con tinh thần của bạn và bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ con mình. Nhưng đừng để sự nóng nảy nhất thời kéo bạn vào một diễn đàn trực tuyến, nơi câu trả lời của bạn có thể dễ dàng bị đưa ra khỏi ngữ cảnh và có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Giải pháp: Hãy hít thở sâu và xem xét lại sự việc. Bạn phải tách biệt thực tế khỏi thế giới mạng đầy hư ảo.
6. Giao tiếp kém
Rất nhiều người trong chúng ta gặp vấn đề về giao tiếp. Chúng ta sợ phải nói chuyện với đồng nghiệp vì rất có thể họ sẽ hiểu sai cách. Chúng ta chọn im lặng thay vì đấu tranh để tránh làm tổn thương tình cảm của mọi người. Chúng ta sợ phải sống thật với chính mình.
Nói chung, nỗi sợ hãi là điều ngăn cản bạn đến được mục tiêu mà mình mong muốn. Bạn ngại nói ra sự thật, bạn bỏ qua các vấn đề cần được nói chuyện, bạn đã trở nên yếu ớt do giao tiếp kém. Điểm yếu đó đe dọa mọi thứ bạn đã dành thời gian để xây dựng, nhưng bạn không lên tiếng.
Trong khi đó, nhân viên của bạn lại đang tìm kiếm một người lãnh đạo có thái độ hoàn toàn khác. Họ muốn ai đó dẫn dắt họ. Họ muốn ai đó thách thức họ. Họ muốn ai đó truyền cảm hứng để họ trở nên tốt hơn.
Giải pháp: Đã đến lúc bạn phải bước tới và trở thành người lãnh đạo thực thụ.
7. Không có kế hoạch “exit” hay kế hoạch dài hạn
Nếu không có mục tiêu cuối cùng, sẽ không có bất cứ điều gì kéo bạn tới một tương lai hấp dẫn. Bạn cần một kế hoạch “exit” (kế hoạch rút lui) và một kế hoạch dài hạn.
Đó có thể là mở thêm địa điểm và bắt đầu nhượng quyền hay xây dựng thương hiệu để con cái của bạn nắm quyền quản lý vào một ngày nào đó... Bất cứ điều gì trong 5,10, hay 20 năm nữa, bạn cần phải viết nó ra. Đó là mục tiêu của bạn.
Khi bạn đã có kế hoạch “exit” hoặc kế hoạch phát triển, bạn phải thiết kế ngược nó thành các bước có thể hành động. Ví dụ, nếu kế hoạch của bạn là kế hoạch 5 năm, hãy chia nhỏ các mốc quan trọng từ bây giờ đến sau đó (theo năm) cho đến khi bạn thấy được con đường mình phải đi.
Nhưng cũng cần lưu ý, có kế hoạch là một chuyện, thực hiện một kế hoạch là một thách thức.
★★★
Hãy nhìn vào đường chân trời của ngành nhà hàng và bạn sẽ thấy những đám mây bão rồi sẽ dần trôi xa. Các nhà khai thác kinh doanh thông minh phải tận dụng lợi thế của cơn bão trước khi nó rời đi.
Họ kiểm tra kỹ tài chính và các con số của họ rất chặt chẽ. Họ tuyển dụng liên tục để thu hút nhân tài hàng đầu. Họ xây dựng văn hóa cởi mở và minh bạch thông qua giao tiếp với nhóm và khách hàng. Họ tiếp thị một cách nhất quán và liên tục. Họ không tập trung vào cạnh tranh, họ tập trung vào việc cải thiện bản thân để đối thủ bị phân tâm bởi những gì họ đang làm.
Trong một thị trường cực kỳ cạnh tranh, có sư tử và có linh tinh. Một người ăn tối và nhiều người ăn tối. Bạn có muốn tồn tại và cùng phát triển với ngành kinh doanh ẩm thực?