Nhà báo Ngự Miêu: Dừng công nghệ 2G, điện thoại cục gạch biến mất, khủng hoảng truyền thông gia tăng!

Như các bạn đã biết, theo kế hoạch thì từ ngày 1.3 các nhà mạng sẽ ngừng kết nối dịch vụ với máy 2G không hợp quy. Và đến tháng 9/2024 thì Việt Nam sẽ dừng hoàn toàn công nghệ 2G. Đây là những hoạt động nhằm phát triển nền kinh tế số,xã hội số. Trong góc độ của truyền thông, theo tôi thì khi dừng công nghệ 2G, điện thoại cục gạch dần biến mất, khủng hoảng truyền thông sẽ gia tăng.

Theo quy định, từ ngày 1.3, các nhà mạng triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, không cho phép các máy điện thoại di động sử dụng công nghệ 2G không được chứng nhận hợp quy nhập kết nối vào mạng di động. Điều này có nghĩa là những chiếc điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only) hay còn gọi là điện thoại "cục gạch" không nằm trong danh sách được cấp giấy chứng nhận hợp quy sẽ bị từ chối đăng ký sử dụng với các nhà mạng. Hay nói cách khác là những chiếc điện thoại "cục gạch" xách tay, nhập lậu sẽ không thể sử dụng được nữa.

Và đến tháng 9/2024 thì Việt Nam sẽ chính thức tắt sóng 2G trên cả nước, lúc này đồng nghĩa rằng 100% các "máy cục gạch" không có mạng 3G, 4G sẽ bị vô tác dụng hoàn toàn. Khi đó, người dùng sẽ buộc phải nâng cấp lên sử dụng các điện thoại di động thông minh "smartphone" sử dụng công nghệ 4G hay 5G....

Trong khuôn khổ của lĩnh vực truyền thông, thì cá nhân tôi muốn đưa ra lời cảnh báo về sự phát triển gia tăng một cách mạnh mẽ của khủng hoảng truyền thông. Lý do bởi vì, như chúng ta đã biết, thời đại kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, và thời gian qua khủng hoảng truyền thông đã trở thành một vấn đề đáng quan ngại của hầu hết các thương hiệu, các sản phẩm, các tổ chức và doanh nghiệp.

Nhà báo Ngự Miêu: Dừng công nghệ 2G, điện thoại cục gạch biến mất, khủng hoảng truyền thông gia tăng!

Bởi vì, khi các luồng thông tin cả tích cực và tiêu cực được lan tỏa trên không gian mạng, nó đe dọa nhiều hơn đến chủ thể của vấn đề bởi sự phát tán nhanh nhưng lại khó xác thực được vấn đề. Khi đó, các thông tin được lan truyền trên không gian mạng có thể dễ dàng hơn dẫn dắt được tư duy, nhận thức và hành động của khách hàng, người tiêu dùng và cộng đồng mạng.

Và một khi khả năng tiếp cận với các luồng thông tin trên không gian mạng càng trở lên thuận tiện mạnh mẽ hơn, bởi sóng 2G chấm dứt, đồng nghĩa rằng sẽ là thời kỳ của 100% người sử dụng các sản phẩm smartphone. Nghĩa là khi ấy, từ ông già đến người trẻ, từ nông thôn đến thành thị hay miền núi, đều có thể hòa mình vào không gian mạng và tiếp cận với hàng tỉ luồng thông tin đa chiều.

Sức lan tỏa của các vấn đề trên không gian mạng sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp rất nhiều lần. Điều đó vô cùng có lợi cho những thông tin tích cực nhưng lại vô cùng nguy hiểm với những thông tin tiêu cực. Ví dụ cụ thể: một doanh nghiệp hoặc nhà hàng nào đó, vô tình gặp phải sự cố về truyền thông và những thông tin tiêu cực của họ bị lan truyền trên không gian mạng. Lúc này, lượng khách hàng đối tác của họ tiếp cận  với các thông tin tiêu cực kia sẽ nhân lên gấp nhiều lần và trở thành mối đe dọa đến sự tồn vong của họ. Kể cả khi họ đúng và các thông tin tiêu cực kia là sai, nhưng thời gian để họ có thể giải quyết vấn đề, thanh minh vấn đề cũng đủ làm họ mất đi một lượng khách hàng đáng kể, doanh thu bị giảm sút và đối diện với các nguy cơ phá sản hoặc khủng hoảng pháp lý.

Vì thế, trước nhịp độ phát triển theo xu hướng ngày nay, để không bị tấn công hoặc tiêu diệt khi mà thời đại công nghệ số lên ngôi, xã hội số, kinh tế số bùng nổ thì các doanh nghiệp, các thương hiệu, các sản phẩm và các tổ chức cần nhanh chóng có những phương án tốt nhất để chuẩn bị cho góc độ an ninh truyền thông, xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho mình được tốt nhất. Nếu không làm được điều đó, sớm muộn doanh nghiệp và thương hiệu của bạn sẽ bị đào thải khỏi sự phát triển của xã hội trong tương lai gần.

Nhà báo Xuân Thời

Nhà báo NGỰ MIÊU – Người chia sẻ các câu chuyện & kiến thức về khủng hoảng truyền thông