Nhà báo Ngự Miêu: Sau nghề đánh máy, thì nghề "Hội phụ huynh" trở thành nghề "nguy hiểm"?
Khoảng năm 2019 đổ về trước, đã có rất nhiều câu chuyện, vụ việc, các lùm xùm và sau đó người ta kết luận nguyên nhân do bởi lỗi người đánh máy. Từ đó, nhiều người, nhiều tờ báo đã dí dỏm kết luận rằng, nghề nguy hiểm nhất chính là nghề đánh máy. Nhưng sang đến 2023 và cho đến thời điểm hiện tại, tôi nghĩ nghề nguy hiểm nhất cần đặt tên chính là nghề "hội phụ huynh".
Tại sao lại thế? xin bắt đầu với câu chuyện gần đây nhất.
Cụ thể là cách đây một vài ngày, một phụ huynh chia sẻ lên mạng xã hội thông tin một trường mầm non công lập ở Hà Nội kêu gọi đóng góp tối thiểu 1 triệu đồng/em để làm lại thảm cỏ sân chơi.
Cụ thể, đoạn tin nhắn có nội dung: “Để chuẩn bị cho công tác tổ chức kỷ niệm ngày 8/3, nhà trường sẽ tổ chức tiệc buffet cho các con, mỗi lớp sẽ trích 300 nghìn đồng tiền quỹ nộp về cho nhà trường...
Đồng thời với sự kiện tổ chức 8/3, nhà trường cũng kêu gọi các phụ huynh tham gia đóng góp để nâng cấp thảm cỏ sân chơi cho các con. Đại diện hội trưởng hội phụ huynh đã đo đạc tổng diện tích cần làm lại là 850m2, chi phí dự kiến 110 triệu đồng.
Nhà trường kêu gọi đóng góp tối thiểu mỗi bé 1 triệu. Đại diện ban phụ huynh lớp sẽ đứng ra thu khoản này rồi nộp về nhà trường. Thời gian thu trong tuần này để kịp 8/3 các con có thảm cỏ mới để vui chơi”.
Sự việc được phản ánh diễn ra tại Trường Mầm non Xuân Tảo B, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo tính toán của phụ huynh, trường có khoảng 300 trẻ. Nếu mỗi trẻ đóng tối thiểu 1 triệu đồng, số tiền đóng góp sẽ ít nhất là 300 triệu đồng, vượt gần 3 lần số tiền dự tính để làm thảm cỏ.
Trả lời trên báo VietNamNet, bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Tảo B, cho hay, thông tin trên không đúng sự thực.
Theo bà Mai, nhà trường không vận động việc quyên góp này. Việc vận động quyên góp, tài trợ do hội phụ huynh của trường thực hiện.
“Hội phụ huynh mới chỉ đứng ra triển khai và tất cả cũng mới là dự kiến, chưa triển khai cụ thể tới phụ huynh”, bà Mai nói.
Sau câu trả lời này, nhiều người đọc báo xong đã bày tỏ suy nghĩ rằng, dường như sự việc được chuyển hướng sang thành lỗi của hội phụ huynh. Nghĩa là nhà trường không hề có chủ trương này mà là do hội phụ huynh tự quyết, tự triển khai. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu nhà trường không đồng ý thì liệu hội phụ huynh nào dám thực hiện hay không? Thế nhưng kệ, họ vẫn kết luận rằng lỗi là do hội phụ huynh. Thì mọi người cũng đành tin rằng lỗi là của hội phụ huynh.
Một câu chuyện thứ 2 là vào khoảng tháng 9/2023 mạng xã hội xôn xao trước bảng thu - chi quỹ phụ huynh với những hạng mục "nặng ký" của lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Theo bảng dự toán thu - chi của lớp này được giáo viên cập nhật tính đến ngày 19/8, tiền quỹ thu vào là hơn 313 triệu đồng và chi là hơn 260 triệu đồng. Đáng chú ý, trong danh sách thu - chi này có những khoản mang danh là để "hỗ trợ" cô giáo.
Trước danh sách này, không ít người bị "sốc" không thể tưởng tượng được về các khoản thu - chi của một lớp học. Có người đã ví von, giờ đây học sinh đi học tiền để sửa phòng học y như xây một căn phòng mới, chưa tính đụng đến đâu cũng phải đóng tiền với các khoản chi phí rất cao.
Và tất nhiên, sự việc này trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận, các phụ huynh tỏ ra bức xúc một cách gay gắt. Thế nhưng, sau đó thì người ta vẫn kết luận là các hoạt động đó thuộc khuôn khổ hoạt động của hội phụ huynh. Nghĩa là, một lần nữa hội phụ huynh lại trở thành thủ phạm gây ra những điều đang bị lên án. Lúc này, người ta chửi, mắng thậm chí đòi kêu gọi tẩy chay cái gọi là hội phụ huynh hay ban cha mẹ học sinh đi. Chợt ngẫm thấy, cái nghề "hội phụ huynh" không những nguy hiểm mà còn bạc nữa nhỉ? Vì có phải là họ làm gì cho cá nhân họ, bỏ túi họ đâu; nhưng nếu bị quy trách nhiệm thì họ lại mang đầu ra để nhận những chửi bới trách móc.
Từ 2 câu chuyện trên có thể thấy, đang có một thực trạng là hội phụ huynh chính là nguyên nhân, là gốc rễ của rất nhiều vấn đề đang xảy ra ở trường học. Từ chuyện nghi vấn lạm thu, đến việc các khoản đóng góp không nằm trong danh mục bị "đẻ" ra quá nhiều tạo thành áp lực nặng nề cho các bậc cha mẹ có con đến trường. Tất cả đều có "bóng dáng" của hội phụ huynh. Và dù muốn dù không, dù đúng dù sai, dù mỗi câu chuyện có một hoàn cảnh khác nhau... nhưng hội phụ huynh dần trở thành "tội đồ" trong mắt công chúng.
Tôi thừa nhận rằng hội phụ huynh có vai trò quan trọng và đã có những hiệu quả tích cực trong hoạt động giáo dục tại trường học. Nhưng cũng phải thừa nhận là thời gian qua, hội phụ huynh đã trở thành một vấn đề đáng báo động trong nhiều những tồn tại bất cập ở trường học. Vậy nên duy trì hay cần bãi bỏ hội này, cá nhân tôi không có ý kiến gì ở trong bài viết này. Nhưng thú thực, tôi muốn kết luận vui rằng, nghề "hội phụ huynh" mới là nghề xứng đáng được coi là nghề nguy hiểm của năm nay. Vì hầu hết các khoản thu ở trường học gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận lại đang được cho là lý do đến từ hội phụ huynh.
Trong góc độ của khủng hoảng truyền thông ở các trường học, thì có thể thấy hội phụ huynh đang trở thành nguyên nhân, thành lý do, thành nguy cơ, thành cơ sở để dẫn đến các khủng hoảng truyền thông của trường học. Và sau đó, họ bị chỉ trích, bị lên án, thậm chí là bị tấn công; và cho dù lỗi có thật là do họ hay không thì các sự việc liên quan đến họ sẽ vô tình tạo ra sự ảnh hưởng xấu, các hệ lụy về khủng hoảng truyền thông cho các trường học nơi xảy ra sự việc.
Nhà báo Xuân Thời
Nhà báo NGỰ MIÊU – Người chia sẻ các câu chuyện & kiến thức về khủng hoảng truyền thông