Marketer VietGuys JSC
VietGuys JSC

Công ty Cổ phần Xích Việt

Dự đoán 6 xu hướng Marketing sẽ thống trị trong năm 2024

Sự thay đổi liên tục trong hành vi người tiêu dùng đòi hỏi các Marketers phải liên tục thích nghi và nắm bắt những xu hướng mới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng và mang đến những trải nghiệm vượt trội. Dưới đây là 6 xu hướng Marketing được dự đoán sẽ có những ảnh hưởng lớn trong năm 2024.

du-doan-xu-huong-marketing-2024

AI - Trợ lý đắc lực cho Marketers

Năm 2023, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của trí thông minh nhân tạo (AI) trong nhiều chiến dịch Marketing ấn tượng. Chẳng hạn như chiến dịch “Draw Ketchup” của Heinz đã tận dụng quyền truy cập không giới hạn vào DALL-E để mở rộng chiến dịch, cuộc thi “Create Real Magic” - sáng tạo tác phẩm nghệ thuật về nước ngọt đóng chai Coca-Cola bằng AI của thương hiệu Coca-Cola. Bên cạnh đó, AI cũng được nhiều thương hiệu ứng dụng trong hoạt động Marketing như Netflix sử dụng AI để đưa ra các đề xuất cá nhân hóa cho người dùng trên ứng dụng của họ hay thương hiệu ô tô Volkswagen mua quảng cáo dựa trên AI…

chien-dich-marketing-sot-ca-chua-heinz

Chiến dịch sáng tạo những hình ảnh về sốt cà chua Heinz bằng AI. Nguồn: guru.edu.vn

Theo giới chuyên gia dự đoán, trong những năm tiếp theo AI sẽ giữ vững phong độ và tiếp tục trở thành công cụ đắc lực cho các Marketers. Số liệu từ báo cáo của HubSpot cũng cho thấy 62% Marketers nói rằng AI có đóng góp quan trọng trong chiến lược tiếp thị và 63% tin rằng hầu hết nội dung sẽ được tạo ra với sự tham gia của AI.

Ngoài ra, các Marketers cũng nói rằng việc sử dụng AI và các công cụ tự động hóa trong chiến lược tiếp thị của họ năm nay mang lại hiệu quả cao hơn 95% so với những người không sử dụng. Sean Downey, người phụ trách mảng kinh doanh quảng cáo của Google cho các khách hàng lớn tại khu vực Châu Mỹ tin rằng AI sẽ là xu hướng lớn nhất vào năm 2024.

Với sự phổ biến và những lợi ích mà AI mang lại, nhiều nhân sự cũng bày tỏ mối lo ngại về sự đe dọa của AI đối với việc làm của họ. Kết quả khảo sát người lao động toàn cầu năm 2022 của PwC cho thấy, một phần ba số người tham gia khảo sát cho biết họ lo sợ bị công nghệ thay thế trong ba năm tới. Song, trên thực tế, AI được nhìn nhận về vai trò giống như một người trợ lý đắc lực hơn là thay thế con người, vì những hạn chế về mặt cảm xúc, khả năng hiểu ngữ cảnh hạn chế đặc biệt trong giao tiếp tự nhiên giữa người với người hay thông tin mà AI cung cấp có thể sai hoặc không còn phù hợp vì chúng hoàn toàn dựa trên dữ liệu huấn luyện có sẵn. Khách hàng cũng thích giao tiếp với “người thật” hơn là với một bộ máy trong nhiều trường hợp.

Do vậy, trong mỗi chiến dịch Marketing, doanh nghiệp có thể ứng dụng AI trong những giai đoạn hoặc công việc phù hợp nhưng dưới sự kiểm soát của con người để đạt được hiệu quả tối đa. Chẳng hạn như:

  • Tìm kiếm ý tưởng hoặc góc nhìn mới.
  • Điều chỉnh nội dung phù hợp với mỗi nhóm khách hàng khác nhau.
  • Hỗ trợ chỉnh sửa bài viết.
  • Dịch thuật nội dung.
  • Mua quảng cáo.
  • Thiết kế hình ảnh hoặc dựng video cơ bản.
  • Chatbot ứng dụng AI, tương tác tự động với khách hàng, cung cấp thông tin cơ bản về sản phẩm, dịch vụ, trả lời ngay lập tức các câu hỏi của khách hàng và chuyển giao cho nhân viên khi nhận thấy khách hàng có nhu cầu cần tư vấn chuyên sâu.

Theo đó, doanh nghiệp cần tránh việc lạm dụng AI trong mọi công việc sáng tạo hay tương tác xuyên suốt với khách hàng, để hạn chế những rủi ro và đánh mất cảm xúc của khách hàng với thương hiệu.

Các nền tảng mạng xã hội (Social Media) tích hợp tính năng thương mại điện tử sẽ là kênh tiếp thị hàng đầu

Theo HubSpot, tỷ lệ các Marketers trên toàn cầu sử dụng các nền tảng truyền thông là: 43% cho Social Media, 33% cho Email và 32% cho Website (SEO) và Blog.

Cụ thể có 27% nhà tiếp thị sử dụng các công cụ bán hàng trên mạng xã hội, 23% tận dụng hoạt động Marketing có ảnh hưởng (sử dụng KOL/KOC) và 22% sử dụng DM (Direct Message - Tin nhắn trực tiếp) trên mạng xã hội để phục vụ khách hàng. Các nhà tiếp thị có kế hoạch đầu tư mạnh vào các nền tảng mạng xã hội vào năm 2024 vì nó thúc đẩy doanh số và phù hợp với thói quen tìm kiếm thông tin của người dùng hiện đại.

nen-tang-mang-xa-hoi-tich-hop-thuong-mai-dien-tu

Các nền tảng mạng xã hội tích hợp tính năng thương mại điện tử sẽ là kênh tiếp thị hàng đầu. 

Theo khảo sát Consumer Trend Survey, 64% GenZ, 59% GenY và 47% GenX chủ yếu tìm kiếm sản phẩm trên mạng xã hội trong 3 tháng qua. Trên hết, mạng xã hội là kênh tìm kiếm sản phẩm được ưa thích nhất đối với thế hệ GenZ và Millennials, trong đó thế hệ X và Boomers cũng nhanh chóng làm quen với kênh này.

Bên cạnh đó, 59% Marketers cũng cho biết, truyền thông trên mạng xã hội giúp thúc đẩy doanh số bán hàng nhiều hơn những năm trước. Cụ thể: 17% người tiêu dùng đã mua sản phẩm trực tiếp trên ứng dụng mạng xã hội mà họ đang lướt, 25% người tiêu dùng mua sản phẩm trực tiếp dựa trên đề xuất của người có ảnh hưởng và 19% người tiêu dùng gửi tin nhắn trực tiếp đến thương hiệu trên mạng xã hội.

Hơn hết, mạng xã hội còn là kênh tích hợp giữa giải trí và mua sắm, đáp ứng nhu cầu của hầu hết người tiêu dùng, mang lại cho họ sự thoải mái và tiện lợi. Những nền tảng mạng xã hội được yêu thích ngày nay đều tích hợp các tính năng thương mại điện tử, cho phép người dùng có thể vừa xem video, livestream vừa có thể mua sắm, đặt hàng và thanh toán nhanh chóng. Có thể kể đến một số nền tảng phổ biến như: Facebook Shop, Facebook Marketplace, TikTok Shop, Zalo Shop, Instagram Checkout (tính năng mua sắm trực tiếp trên ứng dụng cho phép thanh toán trực tiếp bằng Paypal hiện đang thử nghiệm).

Tựu chung, các nền tảng mạng xã hội ngày nay đều được nâng cấp cùng với các tính năng của thương mại điện tử mang đến trải nghiệm mới mẻ và tiện ích cho người tiêu dùng sẽ trở thành kênh tiếp thị hàng đầu và xu hướng đáng chú ý mà các doanh nghiệp không nên bỏ qua trong năm 2024.

Video dạng ngắn (Short-form Video) - Xu hướng và định dạng nội dung hàng đầu

Tiếp thị qua video đã có cách đây hàng thập kỷ. Tuy nhiên, video mới trở nên được ưa chuộng hơn trong những năm gần đây nhờ sự nóng lên của các nền tảng video ngắn như TikTok, Instagram Reels, YouTube Shorts, Facebook Reels,...

Nhờ nội dung ngắn gọn và hấp dẫn, các video dạng ngắn là một phương thức hiệu quả để thu hút sự chú ý của mọi người và kích thích họ lan tỏa thông điệp của thương hiệu. Đồng thời, với những video dạng ngắn, Marketers có thể tiết kiệm thời gian sản xuất mà vẫn tạo ra những nội dung tuyệt vời có sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

xu-huong-video-dang-ngan

Video dạng ngắn là định dạng nội dung được các nhà tiếp thị chú trọng đầu tư cao nhất trong năm 2024 (theo Marketing Trends Report - HubSpot).

Theo báo cáo của HubSpot, video dạng ngắn là định dạng nội dung được sử dụng nhiều nhất và sẽ được chú trọng đầu tư cao nhất vào năm 2024 với 26%.

Theo đó, 56% nhà tiếp thị sử dụng TikTok sẽ tăng mức đầu tư vào năm 2024, mức cao nhất so với bất kỳ nền tảng nào. YouTube và Instagram cũng sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng đầu tư đáng kể.

Do đó, tận dụng sức ảnh hưởng của video và đặc biệt video ngắn sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều hơn những cơ hội mới, gia tăng tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Để khai thác video ngắn, điều quan trọng là các thương hiệu cần có một chiến lược Video Marketing phù hợp nhằm nắm bắt cảm xúc khách hàng trong 3 giây đầu tiên, tập trung truyền đạt thông tin một cách súc tích và cho khán giả thấy những thông tin này mang lại lợi ích gì cho họ.

Micro Influencer được ưu tiên lựa chọn thay cho Mega Influencer hay người nổi tiếng

Ngày nay, giữa vô vàn sự lựa chọn, khi không biết đi đâu, ăn gì hay dùng sản phẩm nào, chúng ta đều tìm kiếm ý kiến của những người dùng khác hay người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội như một sự tư vấn đảm bảo và hữu ích cho mình.

Các thương hiệu cũng nắm bắt được tâm lý này và lựa chọn những người có tầm ảnh hưởng nhất định (Influencer Marketing) để truyền tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng. Xu hướng này đã xuất hiện trong nhiều năm và không có dấu hiệu giảm nhiệt, nhất là khi nhu cầu mua sắm online ngày càng phổ biến, người tiêu dùng trở nên cảnh giác hơn với quảng cáo và PR lộ liễu và lựa chọn tin tưởng hơn vào trải nghiệm chân thực của những người tiêu dùng bình thường khác.

Theo HubSpot, 50% Marketers có áp dụng chiến lược Influencer Marketing sẽ tăng khoản đầu tư này vào năm 2024.

Báo cáo Tổng quan ngành Influencer Marketing 2023 cũng cho thấy 67% số người được hỏi cũng có ý định dành ngân sách cho Influencer Marketing trong 12 tháng tới. 15% khác cho biết họ dự kiến ​​sẽ giữ ngân sách của mình giống như năm 2023. 11% không chắc ngân sách Influencer Marketing của mình sẽ thay đổi như thế nào. 7% còn lại có ý định giảm ngân sách Influencer Marketing.

Mặt khác, cũng trong báo cáo này, có 69% thương hiệu đã chọn Nano Influencer (1.000-9.999 người theo dõi) và Micro Influencer (10.000-99.999 người theo dõi) làm đối tác tiềm năng của họ, thay vì lựa chọn người nổi tiếng hay những người có số lượng người theo dõi khủng.

Báo cáo của HubSpot cũng thể hiện điều tương tự với 47% Marketers cho rằng những người có tầm ảnh hưởng ở quy mô 10.000 - 99.999 người theo dõi/người đăng ký sẽ mang đến thành công cao hơn:

xu-huong-influencer-marketing

Các Marketers cho rằng họ sẽ đạt được nhiều hiệu quả hơn khi kết hợp với những Micro Influencers so với những người nổi tiếng hay có lượng người theo dõi khổng lồ (theo HubSpot Blog Research, Marketing Trends Report, 2023 - HubSpot).

Lý do giải thích cho điều này là: Nano Influencers hay Micro Influencers mang lại khả năng tiếp cận các cộng đồng người tiêu dùng cụ thể dễ dàng hơn, thúc đẩy mức độ tương tác cao hơn với nội dung của thương hiệu, tạo sự gần gũi. Việc hợp tác với các Nano Influencers hay Micro Influencers cũng ít tốn kém hơn và dễ dàng xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài.

Nhìn chung đây sẽ là xu hướng Marketing quan trọng mà các doanh nghiệp không nên bỏ qua, nhất là những doanh nghiệp có sản phẩm hoặc dịch vụ dành cho một đối tượng khách hàng cụ thể và muốn tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả hơn thông qua các kênh truyền thông xã hội (thời trang, mỹ phẩm, F&B, du lịch,...). Chìa khoá cho sự thành công của chiến lược Influencer Marketing trong năm 2024 nằm ở tính chân thực. Tuỳ thuộc vào mục tiêu chiến dịch cũng như đối tượng khách hàng mà thương hiệu có thể đưa ra quyết định “chọn mặt gửi vàng” một cách phù hợp nhất.

Trải nghiệm cá nhân hóa được đặt lên hàng đầu

Theo HubSpot, 96% Marketers cho rằng trải nghiệm cá nhân hóa giúp tăng khả năng người mua trở thành khách hàng thường xuyên và 94% Marketers cho rằng việc cá nhân hóa giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng. Cá nhân hóa là một mục tiêu lớn trong hành trình xây dựng trải nghiệm khách hàng và là xu hướng Marketing được dự đoán sẽ đẩy mạnh hơn trong năm 2024, bởi người tiêu dùng ngày nay mong đợi những trải nghiệm được thiết kế riêng cho họ. Khách hàng sẽ cảm thấy được thu hút và quan tâm hơn khi các thông điệp quảng cáo có liên quan và “chạm” đến mối quan tâm cụ thể của họ.

Để tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa, doanh nghiệp sẽ phải dựa trên định hướng dữ liệu. Tuy nhiên, một số vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu trên các nền tảng truyền thông và dữ liệu của bên thứ 3 đã tạo ra những thách thức cho doanh nghiệp khi không có đủ dữ liệu để khai thác đối tượng mục tiêu và khiến việc cá nhân hóa trở nên khó khăn. 

Một số doanh nghiệp đã đưa ra cách giải quyết đó là tận dụng dữ liệu bên thứ nhất (First – Party data) hay dữ liệu chính chủ còn được hiểu là dữ liệu được thu thập trực tiếp từ chính khách hàng của doanh nghiệp. Song một số doanh nghiệp vẫn gặp phải những vấn đề như: các hệ thống dữ liệu bên trong doanh nghiệp vẫn chưa được kết nối với nhau, dữ liệu rời rạc dẫn đến việc khó truy xuất. Điều này khiến việc nhận biết dữ liệu cần thiết trở nên khó khăn, ngăn cản doanh nghiệp có được cái nhìn toàn diện về khách hàng. Đồng thời việc chia sẻ dữ liệu giữa các nhóm, các phòng ban với nhau cũng là một thách thức.

Để mang lại trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng, trước mắt doanh nghiệp cần giải quyết câu chuyện về mặt dữ liệu. Một nền tảng dữ liệu khách hàng như PangoCDP sẽ giúp doanh nghiệp hợp nhất dữ liệu từ các kênh Online đến Offline, các hệ thống riêng biệt và định danh khách hàng nhằm giúp Marketers có cái nhìn toàn cảnh về chân dung từng khách hàng, giúp việc thiết lập và truyền tải các thông điệp liên quan đến nhu cầu khách hàng một cách cá nhân hóa trở nên dễ dàng hơn. Hơn hết, việc gửi đi những thông điệp cho mỗi khách hàng đều có thể tự động hóa với hệ thống của PangoCDP.

Ngoài ra, để đảm bảo những thông điệp cá nhân hóa gửi đến mỗi khách hàng trở nên thú vị, đầy màu sắc và giá trị hơn, doanh nghiệp không thể gửi đại trà trên tất cả các kênh, thay vào đó việc lựa chọn kênh tương tác chủ đạo (The Master Channel) để truyền tải thông điệp sẽ thể hiện mối quan hệ gắn bó hơn với khách hàng.

khai-niem-the-master-channel

Khái niệm kênh tương tác chủ đạo The Master Channel.

Bên cạnh những thông điệp và trải nghiệm cá nhân hóa, việc tương tác thường xuyên trên một kênh tương tác chủ đạo cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng dành được thiện cảm từ người tiêu dùng, đồng thời biến họ trở thành những khách hàng trung thành nếu doanh nghiệp biết cách cung cấp những trải nghiệm thú vị khác cho khách hàng xuyên suốt hành trình.

Gamification Marketing

Gamification Marketing – việc ứng dụng các cơ chế trò chơi (game) vào hoạt động Marketing đã trở thành một xu hướng phổ biến với các doanh nghiệp.

Theo Research and Markets, việc ứng dụng Gamification đã bùng nổ trong những năm gần đây và ngành công nghiệp này hiện ước tính sẽ đạt 40 tỷ đô vào năm 2024. Trong “Báo cáo các xu hướng Loyalty Marketing hàng đầu năm 2023”, Gamification cũng được bình chọn là một trong những xu hướng có tác động mạnh nhất đối với các lĩnh vực kinh doanh trong hai năm liên tiếp.

Tương tự, 1/3 số người được hỏi cho biết họ dự định sẽ tiếp tục đầu tư vào Gamification trong những năm tới.

Với cơ chế phần thưởng, điểm số, bảng thành tích… Game mang lại tính giải trí cao, cảm xúc tích cực và sự thoải mái cho người tham gia, từ đó dễ dàng thu hút sự chú ý của khách hàng, thúc đẩy tương tác với các hoạt động Marketing và nâng cao độ nhận diện cho thương hiệu.

Do vậy, khi được ứng dụng đúng cách, Gamification được chứng minh là sẽ kích thích và duy trì lòng trung thành khách hàng, giảm tỷ lệ rời đi và cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về hành vi và sở thích của khách hàng nhờ vào dữ liệu.  Theo Formation - công ty dữ liệu lớn tại Hoa Kỳ: “81% khách hàng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu để đổi lấy trải nghiệm được cá nhân hóa hơn”.

Doanh nghiệp khi mới bắt đầu triển khai một chiến dịch Gamification có thể không cần vội đầu tư xây dựng một cơ chế Game hoành tráng mà chưa rõ về mức độ hiệu quả, thay vào đó, hệ thống Game có sẵn được đề xuất bởi The Master Channel sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn trò chơi phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu của mình. Hơn hết, việc tham gia Game cũng vô cùng đơn giản khi người chơi không cần phải tải bất kỳ ứng dụng mới nào trên điện thoại mà chỉ cần truy cập vào Zalo, đến thẳng Zalo Mini App chơi Game và doanh nghiệp cũng dễ dàng điều hướng khách hàng theo dõi Zalo OA của doanh nghiệp để nhận kết quả Game, phần thưởng hay các thông tin khác. Sau mỗi trò chơi, doanh nghiệp sẽ có cơ hội kết nối gần gũi hơn với khách hàng.

Giống như một người chơi cờ cẩn thận lên kế hoạch cho các bước đi của họ để vượt qua đối thủ, Marketers cũng cần phải thiết kế chiến dịch Gamification một cách có chiến lược để thu hút và tiếp cận đối tượng mục tiêu thành công. Do đó, Marketers cần phải hiểu rõ đối tượng mục tiêu của mình và lựa chọn cơ chế trò chơi phù hợp để khiến khách hàng thích thú tương tác với thương hiệu ngay từ lần đầu. Phần thưởng hấp dẫn sẽ là một yếu tố quan trọng để bạn có được sự chú ý của khách hàng và dễ dàng tạo động lực cho họ.

*Bài viết dựa trên thông tin và số liệu báo cáo từ trang hubspot.com (công ty phần mềm CRM & Marketing Automation hàng đầu thế giới) khảo sát trên 1400 Marketers khắp toàn cầu.

Bài viết gốc: VietGuys - Mobile Marketing Solutions