Marketer SR Fashion Business School
SR Fashion Business School

Style Republik Fashion Media and Education Company

H&M cắt giảm chi phí hoạt động để tăng lợi nhuận: Liệu chiến lược mới này có thành công?

H&M cắt giảm chi phí hoạt động để tăng lợi nhuận: Liệu chiến lược mới này có thành công?

Nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đang chịu áp lực phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ thời trang nhanh như Zara, thương hiệu có doanh số bán hàng vẫn đang tăng lên hay Shein đến từ đất nước tỷ dân Trung Quốc.

H&M, công ty đã thu được hơn 22 tỷ USD trong ngành kinh doanh quần áo và phụ kiện trong năm 2023, hy vọng sẽ đạt được mục tiêu tỷ suất lợi nhuận hoạt động 10% vào cuối năm 2024.

Đối mặt với doanh số bán hàng sụt giảm, nhà bán lẻ với khoảng 4.300 cửa hàng toàn cầu đang muốn tăng cường cắt giảm chi phí, ưu tiên lợi nhuận hơn doanh thu. Khi báo cáo kết quả của năm ngoái được công bố, các nhà đầu tư muốn nhìn thấy rằng thương hiệu sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận đó trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng không mấy ổn định.

Đối mặt với doanh số bán hàng sụt giảm, H&M với khoảng 4.300 cửa hàng toàn cầu đang muốn tăng cường cắt giảm chi phí, ưu tiên lợi nhuận hơn doanh thu.
Nguồn: Hires.vn

Biên lợi nhuận hoạt động của H&M đã cải thiện lên 5,9% vào cuối quý III/2023, so với mức 3,9% của một năm trước đó. Nhưng thách thức trong năm nay sẽ là tiếp tục tăng tỷ suất lợi nhuận vào thời điểm nhiều nhà bán lẻ quần áo đang tung ra nhiều chương trình giảm giá.

Andreas Lundberg, nhà phân tích tại SEB ở Stockholm, cho biết: Nổi tiếng với những chiếc váy không đến 15 USD và chiếc quần jean chỉ có giá 19,99 USD, H&M có thể điều chỉnh chiến lược định giá trong năm nay để đạt được mục tiêu lợi nhuận mới. 

Ông nói: “Sự điều chỉnh về giá cả sẽ đóng vai trò quan trọng. H&M đã tập trung vào việc tăng cường sản xuất trong vòng 10-15 năm qua và điều đó đã khiến thương hiệu tốn kém rất nhiều để đầu tư vào việc quản lí trong kho và cửa hàng. Vì thế mà trong tương lai, chúng ta có thể sẽ thấy họ sản xuất ít hơn”. 

Nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Primark cũng nhận thấy rằng sau khi điều chỉnh chiến lược nguồn cung ứng đã giúp phục hồi lên hơn 10% tỷ suất lợi nhuận hoạt động trong năm nay. Điều ấy đã cho phép hãng có thể chấp nhận mức phí vận chuyển cao hơn do sự gián đoạn nguồn cung ứng ở Biển Đỏ – một vịnh nhỏ nằm giữa Châu Phi và Châu Á. 

Xưởng sản xuất của H&M tại Indonesia.
Nguồn: Bloomberg

Các nhà phân tích của Bernstein nhận thấy H&M và Primark nằm trong số những nhà bán lẻ quần áo bị ảnh hưởng nhiều nhất do họ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung ứng ở Châu Á và sử dụng nhiều vận tải đường biển.

Bên cạnh đó, một danh mục số liệu quan trọng khác mà các nhà đầu tư sẽ theo dõi là lượng hàng tồn kho của H&M. Adil Shah, Giám đốc Danh mục Đầu tư tại Storebrand ở Oslo – công ty nắm giữ cổ phiếu H&M, cho biết: “H&M đã cố gắng giảm con số này một cách đáng kể, nghĩa là họ đang rút ngắn thời gian từ thiết kế, sản xuất đến vận chuyển”.

Tỷ lệ tồn kho của H&M trên doanh thu luân phiên trong 12 tháng là 17,1% vào cuối quý III/2023, giảm so với mức 21,6% một năm trước đó.

H&M đã cố gắng rút ngắn thời gian từ thiết kế, sản xuất đến vận chuyển.
Nguồn: Business Insider

H&M còn sở hữu nhiều thương hiệu khác như Arket, Cos, Monki, Weekday và & Other Stories, đã đóng cửa các cửa hàng và sa thải nhân viên. Gần đây, họ đã công bố kế hoạch đóng cửa hơn 1/5 số cửa hàng ở Tây Ban Nha và sa thải tới 588 công nhân. Vào cuối tháng 8/2023, con số cửa hàng của H&M đã ít hơn 701 và đã giảm 13,8% so với cuối năm 2019. 

Việc cắt giảm chi phí đã giúp cổ phiếu H&M tăng khoảng 29% so với một năm trước và tỷ lệ giá trên thu nhập (Price-to-Earnings ratio: một chỉ số tài chính dùng để đánh giá giá trị của một công ty trên thị trường chứng khoán) là 18. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn so với Inditex, chủ sở hữu Zara, với con số khoảng 20,8.

* Nguồn: Style-Republik