Cốc Cốc: Mở khóa ngành hàng đồ ăn nhanh tại Việt Nam
Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và thói quen ẩm thực của người Việt. Theo đó, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu đồ ăn nhanh tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ loại ẩm thực này ngày càng tăng cao. Đồ ăn nhanh (Fast food) đã trở thành một món ăn “không thể vắng mặt” trong “Toplist” yêu thích của giới trẻ.
Để khám phá thói quen tiêu dùng của người Việt, Cốc Cốc đã nghiên cứu cơ sở dữ liệu với 29 triệu người dùng trên trình duyệt và công cụ tìm kiếm, đồng thời tiến hành khảo sát trên 973 đáp viên bằng bảng khảo sát trực tuyến trên nền tảng. Báo cáo “Mở khóa ngành hàng đồ ăn nhanh” đưa ra góc nhìn tổng thể về quan điểm và hành vi mua sắm của người dùng đối với nhóm ẩm thực này.
1. Người Việt tiêu thụ đồ ăn nhanh như thế nào?
Thị trường đồ ăn nhanh tại Việt Nam có lượng tiêu thụ rất lớn khi có đến 45% đáp viên được hỏi cho biết họ sử dụng đồ ăn nhanh hàng ngày hoặc hàng tuần. Độ tuổi 18-21 có xu hướng tiêu thụ cao nhất, đặc biệt là đối với nam giới. Con số này được ghi nhận cao hơn tại khu vực miền Trung và miền Nam, đặc biệt là tại các khu vực thành thị.
Đối với ngành hàng này, hầu hết người tiêu dùng đều có thói quen ăn uống theo nhóm. Tuy nhiên, xuất phát từ thói quen sinh hoạt, xu hướng thưởng thức đồ ăn nhanh cũng có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi. Độ tuổi sinh viên thường đi ăn cùng bạn bè, độ tuổi học sinh và gia đình trẻ thường đi ăn cùng gia đình, trong khi nhóm người đi làm từ 22-29 tuổi lại lựa chọn ăn một mình.
Ngoài ra, tiêu chí lựa chọn món ăn cũng ghi nhận sự khác biệt giữa các thế hệ và giới tính:
- Khi người trẻ dưới 18 tuổi lựa chọn những món ăn ngon thì người trưởng thành lại ưu tiên tính nhanh, tiện lợi.
- Có tới 61,2% nữ giới chọn đồ ăn nhanh vì lý do hợp khẩu vị, trong khi con số này ở nam giới chỉ chiếm 45%.
Sự nhanh chóng, dễ dàng, tiện lợi trong việc thưởng thức là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với khách hàng, vượt qua cả yêu cầu về hợp khẩu vị, kế tiếp đó mới là các yếu tố về giá cả/ khuyến mãi.
4 thương hiệu đồ ăn nhanh được yêu thích nhất gọi tên KFC, Jollibee, Lotteria và McDonald’s. Đặc biệt, KFC có tỉ lệ ưa chuộng cao gấp đôi những thương hiệu liền sau với 59,2% đáp viên lựa chọn.
2. Người Việt mua đồ ăn nhanh như thế nào?
Theo kết quả khảo sát, 50.000-100.000 VNĐ là mức chi tiêu phổ biến nhất cho một phần đồ ăn nhanh. Trong đó người tiêu dùng khu vực phía Nam có mức chi tiêu cao nhất trong 3 miền với hơn 75% đáp viên chi trả 50.000 VNĐ/người/ phần ăn trở lên.
Với mức độ phủ sóng rộng rãi của hệ thống cửa hàng giúp gia tăng sự thuận tiện, người tiêu dùng có thói quen dùng đồ ăn nhanh tại chính cửa hàng (tại chỗ) hoặc tự mình mua mang về (take-away) hơn là đặt hàng online. Theo đó, 3/ 5 người tiêu dùng được hỏi sẽ lựa chọn mua theo combo thay vì gọi riêng lẻ từng món.
Dưới đây là một số kết quả Cốc Cốc ghi nhận được khi hỏi “Yếu tố quan trọng nhất quyết định việc lựa chọn nhãn hiệu đồ ăn nhanh của bạn là gì?”:
- 65,3 % người tiêu dùng lựa chọn các yếu tố liên quan tới sản phẩm (như hương vị, bao bì, xuất xứ…) là tiêu chí hàng đầu để cân nhắc khi lựa chọn đồ ăn nhanh.
- 45,6% cho rằng giá thành là yếu tố quan trọng kế tiếp. Trong đó, hơn 64% đáp viên cho rằng giá bán phù hợp quan trọng hơn chương trình khuyến mãi.
- 20,7% đáp viên sẽ lựa chọn thương hiệu dựa trên địa điểm cửa hàng phân phối. Địa điểm thuận tiện cho việc đi lại là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, tiếp theo là yếu tố “Không gian đẹp, sạch sẽ, thoáng mát”.
- 15,9% đáp viên thừa nhận họ sẽ bị tác động bởi truyền thông thông qua các quảng cáo hấp dẫn hay việc nhãn hàng xuất hiện trong các sự kiện, lễ hội thú vị.
Ngành hàng đồ ăn nhanh cũng ghi nhận sự cởi mở của người tiêu dùng đối với các dòng sản phẩm mới khi có hơn 60% số người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ sẵn sàng mua và dùng thử nếu cảm thấy phù hợp. Đặc biệt, nhóm tiêu dùng trẻ từ 20-24 tuổi cho biết họ rất mong chờ những cải tiến về hương vị sản phẩm theo nhiều cách khác nhau.
3. Người Việt tiếp cận thông tin về ngành hàng thông qua những kênh nào?
Các kênh truyền thông trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định mua của người tiêu dùng. Gần 1/2 đáp viên tiếp cận thông tin đồ ăn nhanh thông qua các kênh quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng web, mạng xã hội, máy tìm kiếm và trang video. Con số này vượt qua cả các phương tiện quảng cáo truyền thống (như TV, báo đài, rạp chiếu phim…) với 34,7%.
Có thể thấy tiềm năng thị trường ngành hàng đồ ăn nhanh tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và mở rộng. Việc nắm bắt được nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng sẽ hỗ trợ các thương hiệu đưa ra những chiến lược truyền thông hiệu quả. Tải báo cáo đầy đủ tại đây để tìm hiểu thêm về những yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng của từng nhóm tuổi và điểm chạm truyền thông giúp tiếp cận khách hàng tiềm năng hiệu quả.