Finding Nemo, Up và các siêu phẩm khác của Pixar xây dựng storyboard như thế nào?
Xây dựng storyboard là quá trình phác họa những hình ảnh trực quan cho các phân cảnh của một bộ phim. Một storyboard tốt sẽ là “đòn bẩy” để tạo ra những thước phim điện ảnh, nhằm khắc họa nhân vật và truyền tải câu chuyện chân thực nhất trên màn ảnh nhỏ của người xem.
* Bài viết được lược dịch từ bài viết gốc “7 of Pixar's Best Storyboard Examples and the Stories Behind Them” đăng trên trang Boords.
Có nhiều cách để xây dựng một storyboard, những phân cảnh trong phim có thể được tạo nên từ hình ảnh, bản vẽ phác thảo, hình vẽ minh họa… và khi hoàn thiện thì chúng thường giống như một quyển truyện tranh. Cùng điểm qua một số ví dụ về cách các bậc thầy kể chuyện ở Pixar “xuất xưởng” một storyboard cho các bộ phim kinh điển của studio này.
Storyboard của những bộ phim Pixar và Disney
Quá trình phát triển storyboard được cho là bắt nguồn từ việc phác họa concept cho những bộ phim hoạt hình ngắn. Trong phim hoạt hình “Ba chú heo con” nổi tiếng của Walt Disney ra mắt năm 1933, studio này đã phác thảo rất nhiều phân cảnh để hoàn thiện bộ storyboard cho toàn bộ phim. Về sau, những studio hoạt hình khác cũng áp dụng phương pháp này và mở rộng cho cả những bộ phim do người thật đóng, mục đích là dùng storyboard để hình dung trước những thước phim và những kỹ thuật điện ảnh cần sử dụng khi bắt đầu bấm máy.
Ngày nay, đội ngũ làm phim không cần phải vẽ tay các storyboard rồi ghim lên bảng thật nữa. Thay vào đó, những phần mềm hay bảng vẽ ảo sẽ hỗ trợ việc vẽ và sắp xếp hình ảnh của các phân cảnh. Nhờ sự “giúp sức” của công nghệ, những họa sĩ vẽ storyboard ở Pixar đã biến quá trình làm storyboard trở thành một bộ môn nghệ thuật thực sự, từ những phim ngắn cho đến những bộ phim hoạt hình chiếu rạp.
WALL-E
Bộ phim là câu chuyện về robot WALL-E chuyên thu gom rác trên Trái Đất đã “lỡ” say mê EVE – một robot đánh giá thảm thực vật, từ đó dấn thân vào một chuyến phiêu lưu để đời. Họa sĩ cốt truyện của bộ phim, ông Ronnie del Carmen, đã nhận được đề cử Annie Award cho quá trình vẽ storyboard để sản xuất được tác phẩm hoạt hình kinh điển này.
Có thể nói WALL-E không chỉ là một trong những nhân vật cô đơn nhất của Pixar, mà WALL-E còn là nhân vật chỉ giao tiếp chủ yếu ngôn ngữ hình thể và những biểu cảm khuôn mặt. Vì vậy, việc hoàn thiện storyboard cho bộ phim đòi hỏi sự tỉ mỉ trong rất nhiều chi tiết từ vị trí, dáng đi đứng và những hành động của nhân vật. Và Pixar thì có một đội ngũ tuy nhỏ nhưng rất tận tâm trong việc đưa nhân vật đến gần khán giả hơn mà không cần lời thoại, giúp người xem hiểu được ngôn ngữ của nhân vật ở những điểm quan trọng của câu chuyện.
Bộ phim được tạo nên từ khoảng 125.000 bản vẽ storyboard, trong khi một bộ phim điển hình Pixar sản xuất chỉ dao động từ 50.000-75.000 storyboards. Với WALL-E, Pixar đã chuyển từ trình bày theo bảng truyền thống sang dạng cuộn phim (story reel), tức là sắp xếp từng khung hình theo trình tự trên máy tính. Điều này cho phép đánh giá từng khung hình trong một phân cảnh dễ dàng hơn.
Giống như bất kỳ tác phẩm hoạt hình nào, ông Derek Thompson, họa sĩ cốt truyện kể lại rằng bộ phim đã thay đổi một vài lần. Đặc biệt, giai đoạn thứ hai và thứ ba trong câu chuyện đã trải qua nhiều lần điều chỉnh. Trong khi đó, giai đoạn đầu được quay khá sớm và hầu như không có sự thay đổi nào. Nhờ vậy, người xem vẫn có thể nhận ra ngay các cảnh quay đã hoàn thiện của giai đoạn này trong những storyboards đầu tiên.
Up
Ra mắt vào năm 2009, Up là bộ phim hoạt hình có đoạn mở đầu bằng nhạc cụ dài gần mười phút được dựng trên nền nhạc “Married Life”. Đến nay, đây là một trong những cảnh quay nổi tiếng nhất của phim hoạt hình Pixar. Đoạn mở đã giúp thiết lập ý tưởng chính của phim về một ngôi nhà lơ lửng với những quả bóng bay, đồng thời khắc họa toàn bộ hành trình bên nhau với những thăng trầm của Carl và Ellie. Chỉ bằng đoạn phim 10 phút, khán giả hiểu được ước mơ của đôi vợ chồng về Thác Thiên Đường và chứng kiến họ già đi cùng nhau cho đến khi “cái chết chia lìa cả hai”.
Các nhà làm phim dự định phân cảnh này sẽ xuất hiện như ký ức nhân vật và chủ yếu dựa vào kỹ thuật hình ảnh với âm nhạc mà không có lời thoại. Sau cái kết buồn của phần mở đầu, khán giả phần nào đồng cảm với Carl và hiểu hơn về chuyến phiêu lưu với bong bóng ở phần sau câu chuyện.
Đoạn mở đầu của Up có đủ chất liệu để làm thành một bộ phim điện ảnh, và đạo diễn Pete Docter cũng quyết định loại bỏ tất cả những yếu tố nặng nề như việc cặp đôi không thể có con. Vì vậy, đoạn phim thực sự chạm đến trái tim người xem và thôi thúc họ tiếp tục theo chân các nhân vật chính. Ngoài ra, nhờ dùng những xúc cảm sâu lắng làm tiền đề, bộ phim đã thành công làm nổi bật sự chuyển biến sang mạch phim sôi động hơn khi nhân vật cậu bé Russell xuất hiện. Pixar đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ nhà phê bình cho phần đầu phim kinh điển này.
Finding Nemo
Finding Nemo là phim điện ảnh thứ năm của Pixar, phát hành năm 2003. Phim kể về câu chuyện của Marlin, một chú cá hề góa vợ đang cố gắng tìm đứa con trai thất lạc Nemo, với sự giúp đỡ từ cô cá tang xanh hay quên Dory.
Ý tưởng câu chuyện bắt nguồn từ tuổi thơ của đạo diễn Andrew Stanton khi ông nhớ về bể cá ở phòng khám nha sĩ của mình. Khi ấy, Andrew cho rằng những con cá muốn quay về ngôi nhà đại dương của nó. Và trong bộ phim, phân cảnh về bể cá và phòng khám nha sĩ cũng xuất hiện. Cùng nhìn cách Pixar xử lý bố cục và góc quay qua đoạn so sánh giữa storyboard và cảnh quay “thành phẩm”.
Mặc dù tính chân thực của các nhân vật con người đã được cải thiện kể từ bộ phim Monsters, Inc. nhưng Pixar đã chọn khắc họa con người trong Finding Nemo trông hoạt hình hơn những nhân vật cá.
Với một bộ phim chủ yếu dùng bối cảnh dưới nước, yếu tố chuyển động và ánh sáng của nước, các tia nước là một thách thức lớn trong việc sản xuất, và Pixar đã chọn mô phỏng hạt để diễn đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, storyboard của các phân cảnh cho thấy cuối cùng biểu cảm gương mặt của nhân vật vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc.
Toy Story
Toy Story là phim hoạt hình của Pixar được Walt Disney Pictures phát hành vào năm 1995. Loạt phim thành công đến mức hiện nay đã có ba phần tiếp theo. Nền tảng chính của Toy Story là xây dựng một thế giới nơi đồ chơi cũng có một cuộc sống và câu chuyện riêng. Phần đầu tiên kể về nhân vật búp bê cao bồi Woody cảm thấy bị đe dọa bởi cảnh sát vũ trụ Buzz Lightyear, món đồ chơi mới của chủ nhân, nhưng cuối cùng họ phải hợp tác để vượt qua thử thách và đoàn tụ với chủ nhân.
Pixar đã chọn một định hướng phù hợp cho Woody khi phát triển cốt truyện và nhân vật. Trong một số phiên bản kịch bản, nhân vật này được mô tả chuyên chế, xấu tính và khó ưa, nhưng nhân vật trên phim đã có sự nhân từ hơn và là một người lãnh đạo được yêu thích. Mặc dù ở giai đoạn hai của cốt truyện, Woody đánh mất thiện cảm của những người bạn đồ chơi và phải lấy lại lòng tin của mọi người bằng cách hy sinh để giải cứu Buzz trong phần cuối câu chuyện.
Storyboard mô tả lại phiên bản truyện tranh vẽ tay của bộ phim. Đặc biệt, phần cuối phim cho thấy các storyboard sau khi được điều chỉnh rất giống với những cảnh cuối cùng được sản xuất thành phim.
The Incredibles
Phát hành vào năm 2004, The Incredibles là phim điện ảnh thứ sáu của Pixar và là phim đầu tiên có dàn nhân vật hoàn toàn là con người. Cốt truyện của phim xoay quanh Parrs, một gia đình gồm các siêu anh hùng đã nghỉ hưu nay phải quay trở lại cùng tiêu diệt một nhân vật phản diện mới.
Thế giới của The Incredibles được thiết kế như một vũ trụ khác của thập niên 60. Vậy nên kịch bản màu của phim do ông Lou Romano sáng tạo đặc biệt thú vị, bao gồm một chuỗi các bức vẽ màu pastel trong các storyboard để làm nổi bật phần màu sắc như một ngôn ngữ hình ảnh của phim.
Các yếu tố kích thước, hình dạng của đồ vật và con người cũng đóng một vai trò quan trọng xuyên suốt bộ phim, nhưng cách tiếp cận của Lou Romano là kể toàn bộ câu chuyện thông qua các hình dạng cơ bản nhưng đầy màu sắc. Điều này đã truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế nhân vật sau này và đoạn credit ở phần cuối phim cũng thể hiện sự tôn kính đối với kịch bản màu của Romano.
Inside Out
Inside Out là bộ phim điện ảnh thứ 15 của Pixar, được chỉ đạo bởi đạo diễn Pete Docter và đồng đạo diễn Ronnie del Carmen. Bên cạnh nhiều giải thưởng, bộ phim còn nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ cách xây dựng storyboard sống động.
Phần lớn câu chuyện diễn ra trong tâm trí của nhân vật chính Riley, nơi mà các cảm xúc Vui vẻ, Sợ hãi, Giận dữ, Ghê tởm và Buồn bã của cô ngự trị. Bộ phim thể hiện thành công sự tương phản giữa bên ngoài và bên trong của một người thông qua các những mâu thuẫn xuyên suốt câu chuyện.
Một phân cảnh trung tâm của câu chuyện mô tả ngày đầu tiên Riley đến trường mới và cô có một ký ức đau thương khi bản thân khóc ngay trước lớp. Bên trong cô, Niềm vui và Nỗi buồn đang vô tình “vướng” vào một hành trình lạc lối ở những góc khuất của tâm trí Riley.
Bản phác thảo storyboard cho thấy tầm quan trọng của từng nhân vật trong câu chuyện và cho thấy ngay cả khi không có các thông tin phức tạp về cách thức hoạt động bên trong tâm trí, người xem vẫn có thể hiểu trọn vẹn thông điệp. Đó vẫn luôn là cách làm kinh điển của Pixar: đặt cảm xúc làm trọng tâm.
Lilo & Stitch
Lilo & Stitch là bộ phim hoạt hình năm 2002 của Walt Disney Pictures, do Chris Sanders và Dean DeBlois đạo diễn. Chris Sanders còn phụ trách viết storyboard chính cho phim và đã phát triển ý tưởng dựa trên nhân vật Stitch trong quyển sách dành cho trẻ em của ông.
Trong phim, Stitch đồng hành cùng cô bé 6 tuổi Lilo và dần học được thế nào là một gia đình, thế nào là mối liên kết giữa thành viên trong gia đình với nhau. Thành công lớn của bộ phim đã tạo tiền đề cho việc sản xuất một loạt phim về nhân vật Stitch sau này.
Phong cách vẽ của Chris Sanders ảnh hưởng lớn đến thiết kế của hai nhân vật Lilo & Stitch và là một phong cách hoàn toàn khác với truyền thống của Disney, đơn cử là việc quay lại sử dụng nền bằng màu nước.
Bố cục các cảnh quay tập trung vào nhân vật trong phim, đặc biệt là sự thấu hiểu giữa Lilo & Stitch dù cả hai không nói cùng một ngôn ngữ. Mối liên kết kỳ diệu đó giữa hai nhân vật đã được thể hiện rõ ràng trong storyboard cũng như trong phần phim hoàn thiện cuối cùng.
Có thể thấy storyboard chính là phiên bản hoàn thiện đầu tiên nằm trên bản vẽ của một bộ phim. Vì vậy, bên cạnh là công cụ hỗ trợ đội ngũ quay phim sắp xếp bố cục, góc quay thì storyboard còn là một ngôn ngữ kết nối người làm phim với tinh thần câu chuyện qua phong cách vẽ, kết nối với nhân vật qua từng nét phác họa biểu cảm. Từ đó, chính đội ngũ làm phim đã hiểu sâu sắc về nhân vật và câu chuyện của mình trước cả khi bấm máy.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Boords