Fashion Icon #1: Coco Chanel – Huyền thoại vượt thời gian của “làng mốt”
Sinh năm 1883 tại Saumur (Pháp), Chanel vươn lên từ một cuộc sống cơ cực và trở thành biểu tượng của sự thanh lịch hiện đại. Hành trình ấy là minh chứng cho tinh thần bất khuất và sức sáng tạo “có một không hai” của bà.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
Tuổi thơ cơ cực và bước ngoặt định mệnh (1883-1910)
Mùi xà phòng thoang thoảng, những bàn tay thoăn thoắt vá may các mảnh vải vụn – đó là ký ức tuổi thơ của Gabrielle Bonheur Chanel. Bà không được trưởng thành trong vòng tay nhung lụa, mà giữa những bức tường lạnh lẽo của trại mồ côi Aubazine. Mất mẹ từ nhỏ, bị cha bỏ rơi, Chanel dệt nên tuổi thơ mình bằng những sợi chỉ mong manh, nuôi dưỡng ước mơ về một thế giới khác xa với sự cơ cực nơi đây.
Niềm đam mê thời trang nhen nhóm trong đôi mắt thơ ngây ấy chính là sự phản kháng ngầm lặng. Khi những nữ tu khoác lên mình y phục đơn giản, nghiêm nghị, Chanel lại say sưa quan sát họ may vá, học hỏi tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, khao khát tạo ra những thiết kế vượt xa khỏi sự gò bó.
Năm 18 tuổi, bà chính thức rời tu viện và bắt đầu cuộc sống tự lập. Khi ấy, Chanel làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng Maison Grampayre ở Moulins, kiêm công việc ca sĩ trong một quán cà phê. Thế nhưng, ngọn lửa đam mê của bà chỉ thực sự bùng cháy khi bước chân vào thế giới náo nhiệt của quán bar “La Rotonde”, nơi ánh đèn và âm nhạc che giấu quá khứ, nơi bà được gọi bằng cái tên “Coco” – được lấy cảm hứng từ bài hát đặc trưng của bà là “Qui qu'a vu Coco?”.
Những trải nghiệm đầu đời dưới ánh đèn sân khấu đã cho Chanel cái nhìn thoáng qua về thế giới biểu diễn và trang phục, gieo mầm cho tương lai thiết kế của bà. Chính công việc tại Moulins cũng đã mở ra cơ hội để Chanel gặp gỡ các giám đốc thời trang nổi tiếng, tiêu biểu là ông Étienne de Balsan, con trai của doanh nhân vải vóc, người đã mời bà chuyển đến một lâu đài ở Royallieu. Sau mối quan hệ kéo dài sáu năm, Étienne không chỉ là người yêu mà còn là nhà tài trợ đầu tiên trong sự nghiệp của bà.
Bước ngoặt đánh dấu hành trình bước vào thế giới thời trang của Chanel là việc mở cửa hàng đầu tiên tại Paris ở độ tuổi 27. Ban đầu, đó chỉ là một cửa hàng mũ có tên là “Chanel Modes”, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những thiết kế của Chanel nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới thượng lưu Paris, đặt nền móng cho việc bà mở rộng sang lĩnh vực haute couture (dịch vụ thiết kế trang phục cao cấp theo yêu cầu).
Khởi nguồn của cuộc cách mạng thời trang (1910-1926)
Năm 1910, những chiếc mũ mang thương hiệu Chanel đã khiến bao cô nàng diễn viên châu Âu mê mẩn và vô số người hâm mộ “bắt chước” phong cách thanh lịch của nhà sáng lập. Thế nhưng, tham vọng của bà không dừng lại ở đó. Với khả năng cảm nhận nhạy bén về tiềm năng của các thị trấn nghỉ mát ven biển, vào năm 1913, Chanel chính thức khai trương cửa hàng thứ hai tại Deauville, mở rộng danh mục sản phẩm sang quần áo thể thao với chất liệu jersey (dệt kim), cũng như nhanh chóng mở phòng triển lãm thời trang cao cấp tại Biarritz vào năm 1915.
Sự tương phản táo bạo giữa thiết kế của Chanel và thời trang thịnh hành lúc bấy giờ là yếu tố giúp danh tiếng của Chanel như diều gặp gió, đồng thời lan rộng khắp nước Pháp. Khi ấy, thời trang nữ vốn gắn chặt với những chiếc áo nịt ngực (corset) cứng nhắc và khung váy phồng (crinoline), được ví như những chiếc lồng kìm hãm và gò bó phụ nữ, khiến họ đánh mất sự cân bằng thẩm mỹ và sức khoẻ về lâu dài. Do đó, nhờ sự táo bạo và phá vỡ quy tắc đương thời, Chanel đã lội ngược dòng, khi mang đến những kiểu dáng thể thao với đường nét đơn giản và mềm mại, mở ra xu hướng mới của thế kỷ.
Năm 1916 là một mốc quan trọng với Chanel khi ông Rodier, một nhà sản xuất dệt may tài ba người Pháp, độc quyền cung cấp cho bà loại vải jersey. Chất liệu mềm mại này là mảnh ghép hoàn hảo để Chanel thể hiện trọn vẹn tinh thần tự do và phóng khoáng trong các thiết kế của bà, giúp giải phóng hình thể của người phụ nữ khỏi những gò bó lúc bấy giờ. Bộ ba chân váy, áo chui đầu và áo len cardigan trở thành mẫu tiêu biểu đầu tiên của thời trang Chanel, thường được phối với tông màu trung tính như xám, be, xanh navy và bộ đôi kinh điển đen trắng.
Fashion changes, but style endures.
Tuy nhiên, phải đến năm 1918, dấu ấn thẩm mỹ đặc trưng của Chanel mới thực sự được định hình một cách rõ nét. Bà đã khai trương cửa hàng Chanel nổi tiếng tại số 31 Rue Cambon – trụ sở chính của thương hiệu cho đến ngày nay.
Trong 2 năm tiếp đó, nhờ vào tham vọng không ngừng nghỉ, luôn mong muốn chinh phục những đỉnh cao mới, Chanel đã cho ra đời nước hoa đầu tiên và cũng là nổi tiếng nhất của mình – Chanel No.5. Mùi hương này được ví như một tuyệt tác vượt thời gian, đến ngày nay vẫn được xem là một trong những loại nước hoa được yêu thích nhất trên thế giới.
Có nhiều giai thoại về nguồn gốc tên gọi của chai nước hoa này. Một số cho rằng nó được đặt tên theo thứ tự mẫu nước hoa mà Ernest Beaux – nhà sáng chế nước hoa đệ nhất nước Pháp chế tạo cho Chanel thử, và bà đã chọn mẫu thứ năm – một sự kết hợp của hoa nhài và các hương hoa khác, phức tạp và bí ẩn hơn so với những loại nước hoa đơn hương thống trị thị trường thời bấy giờ. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng Chanel vốn mê tín và coi số 5 là con số may mắn của mình.
Theo đó, Chanel là nhà thiết kế thời trang lớn đầu tiên ra mắt nước hoa và thay thế những kiểu dáng chai lọ cầu kỳ bằng thiết kế đơn giản, thanh lịch. Điều này cũng góp phần tạo nên thành công cho Chanel No. 5. Nắp chai với họa tiết chữ C lồng nhau sau đó trở thành biểu tượng thương hiệu của Chanel.
Để mở rộng thị trường, Chanel hợp tác với các doanh nhân Théophile Bader (từ Galeries Lafayette), anh em Pierre và Paul Wertheimer (từ Bourjois). Họ đồng ý giúp sản xuất và quảng bá Chanel No. 5 với điều kiện nhận một phần lợi nhuận. Tuy nhiên, bản hợp đồng chỉ dành cho Chanel 10% tiền bản quyền, một con số rất thấp. Trong những thập kỷ sau, Chanel đã nhiều lần kiện tụng để giành lại quyền kiểm soát nước hoa mang tên mình. Mặc dù không thành công trong việc đàm phán lại hợp đồng, Chanel vẫn thu được lợi nhuận đáng kể từ Chanel No. 5.
Sau No.5, bà còn tiếp tục sáng tạo thêm nhiều dòng nước hoa khác, như No.22, Gardenia (lấy cảm hứng từ loài hoa yêu thích của bà) và No.19.
Hơn thế, với óc tỉ mỉ quan sát, Gabrielle Chanel đã lấy cảm hứng từ trang phục của nhân viên văn phòng và y tá Paris, với đặc trưng là những chiếc váy đen cổ trắng, để tạo nên những thiết kế của mình. Vào giữa những năm 1920, bà đã biến những quan sát này thành huyền thoại “little black dress” (LBD) – chiếc váy đen nhỏ nhắn với kiểu dáng đơn giản nhất có thể, với mong muốn mang đến sự bình đẳng và phong cách cho tất cả phụ nữ.
Mặc dù không phải là nhà thiết kế đầu tiên sử dụng màu đen – màu trước đây thường gắn liền với trang phục tang lễ hoặc trang phục chính thức, chiếc váy đen của Chanel lại vô cùng linh hoạt, dễ dàng biến hóa từ trang phục ban ngày sang trang phục dạ hội chỉ với những phụ kiện phù hợp – chẳng hạn như những món đồ trang sức do chính bà thiết kế. LBD được ca ngợi vì sự đơn giản và tính đại chúng. So sánh với chiếc xe Model T mang tính cách mạng của Henry Ford, tạp chí Vogue Mỹ đã gọi LBD là “Ford của thời trang”, và nó nhanh chóng trở thành một món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của mọi phụ nữ.
Đúng với triết lý “Fashion changes, but style endures” (thời trang có thể thay đổi, nhưng phong cách thì trường tồn) - câu nói đã trở thành thương hiệu của Chanel, tầm nhìn này đã dẫn đến thành công vang dội của bộ suit Chanel, được phụ nữ trên khắp thế giới yêu thích. Những bộ suit này được làm từ gabardine, tweed và cả chất liệu jersey đặc trưng của bà.
Di sản vượt thời gian của đế chế thời trang cao cấp (1926-1983)
Trong Thế chiến thứ hai, Chanel buộc phải tạm thời rút lui khỏi làng thời trang. Khi bà trở lại vào năm 1954 ở tuổi 71 với buổi trình diễn thời trang đầu tiên sau 15 năm, giới phê bình và đồng nghiệp cho rằng bà đã sắp hết thời. Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán tiêu cực, Chanel tiếp tục chinh phục lĩnh vực phụ kiện khi hợp tác cùng Bá tước Etienne de Beaumont và Công tước Fulco di Verdura để thành lập xưởng trang sức cao cấp, nơi ngọc quý được kết hợp hài hòa với đá bán quý.
Đối với Chanel, người luôn đề cao sự tinh túy trong các thiết kế váy đầm, việc tạo ra những món phụ kiện độc đáo, sang trọng gần như xa hoa là điều cần thiết để tạo nên sự cân bằng hoàn hảo. Năm 1955, chiếc túi Chanel 2.55 huyền thoại ra đời, đến nay vẫn được mệnh danh là “chiếc túi bị sao chép nhiều nhất thế giới”. Dù vấn nạn hàng giả khiến nhiều nhà sáng tạo bức xúc, Chanel lại có một phản ứng khác biệt: “Bị sao chép là lời khen ngợi tuyệt vời nhất mà người ta có thể nhận được. Bởi điều đó chỉ dành cho những thương hiệu thực sự trưởng thành.”
Cũng chính trong giai đoạn này, năm 1963, Chanel đã trình làng bộ suit dệt kim, ngay lập tức trở thành một biểu tượng mới của thương hiệu. Những người hâm mộ đầu tiên của bộ suit kinh điển này bao gồm cả Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy, người thường xuất hiện trong các thiết kế này.
Vào ngày 10/1/1971, ở độ tuổi 87, Chanel đã trút hơi thở cuối cùng tại phòng riêng tại khách sạn Ritz Paris, khép lại một cuộc đời cống hiến rực rỡ cho thế giới thời trang. Những thiết kế của bà đã mãi mãi thay đổi diện mạo thời trang quốc tế, cách phụ nữ ăn mặc và thể hiện bản thân. Sau khi bà qua đời, Maison Chanel được tiếp tục vận hành bởi Gaston Berthelot và Ramon Esparza, những trợ lý của nhà thiết kế quá cố.
Đến năm 1983, nhà thiết kế tài năng Karl Lagerfeld chính thức đảm nhận vai trò Giám đốc Sáng tạo. Ông đã khéo léo làm cho những di sản phong cách của Chanel trở nên đương đại, phù hợp với thời đại mới mà vẫn giữ được tinh thần cốt lõi của bà.
Kết
Như vậy, có thể thấy rằng Coco Chanel không chỉ là một nhà thiết kế thời trang tài ba, mà còn là một biểu tượng văn hóa, một người phụ nữ tiên phong với tầm nhìn xa trông rộng. Bà đã thay đổi hoàn toàn diện mạo thời trang thế giới, góp phần giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc xã hội và truyền thống, nhằm khẳng định vị thế và năng lực của họ.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp