Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Universal Music và TikTok “chia tay”: Vì “AI” nên nỗi?

Universal Music và TikTok “chia tay”: Vì “AI” nên nỗi?

Những ngày qua, thông tin Universal Music Group (UMG) – đơn vị đại diện phát hành nhạc cho loạt nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn cầu sẽ xóa toàn bộ các bài hát do họ sở hữu khỏi TikTok đã khiến nhiều người hâm mộ hoang mang. Cùng đọc bài viết sau để hiểu hơn về những lý do đằng sau quyết định này, cũng như những hệ lụy từ quyết định xóa kho nhạc khỏi TikTok của UMG.

Bài viết được biên tập từ những chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên cấp cao Khoa Truyền thông và Thiết kế từ Đại học RMIT Việt Nam

UMG và TikTok: Những bất đồng đã có từ lâu

Bàn về việc Universal Music Group (UMG) đưa ra thông tin rằng lợi nhuận tập đoàn thu được từ TikTok chỉ chiếm 1% tổng doanh thu, trong khi nghệ sĩ của hãng rất nổi tiếng trên TikTok, TS. Nguyễn Văn Thăng Long cho rằng sự bất đồng giữa UMG và TikTok liên quan tới nhiều vấn đề. 

Về mặt doanh thu và lợi nhuận, phí bản quyền của UMG ký với TikTok trước đây thấp hơn hai tới ba lần so với Meta (công ty sở hữu Facebook và Instagram) do khi đó TikTok có ít người dùng. Nhưng khi TikTok tăng trưởng nhanh chóng, các nghệ sĩ, người hâm mộ, sản phẩm âm nhạc gốc và phái sinh càng xuất hiện nhiều trên nền tảng này, trong khi đó đóng góp doanh thu lại không tương xứng so với doanh thu từ các nền tảng phát nhạc truyền thống khác như Spotify, Apple Music, Zing MP3 hay các sự kiện âm nhạc, tài trợ thương mại. 

Bên cạnh đó, còn cần xét đến góc nhìn khác biệt về bản chất kinh doanh của các bên. Do vô tình hay cố ý, TikTok không xem họ là một đơn vị cung cấp dịch vụ số (DSP) bao gồm cung cấp và phân phối nội dung âm nhạc số. 

Universal Music và TikTok “chia tay”: Vì “AI” nên nỗi?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT.

“TikTok chỉ xem họ là một nền tảng chia sẻ nội dung của người dùng. Người dùng chịu trách nhiệm về nội dung mình tạo ra và chia sẻ, và TikTok với thuật toán riêng sẽ tối ưu hoá việc chia sẻ nội dung với nhiều người dùng khác, tùy mức độ quan tâm. Về người dùng, nếu muốn thu hút mức độ quan tâm của người dùng khác, họ phải tạo ra nội dung sáng tạo kết hợp cả hình ảnh và âm thanh (bao gồm âm nhạc)”, TS. Nguyễn Văn Thăng Long chia sẻ.

Ngược lại, UMG lại xem TikTok như một DSP phân phối âm nhạc số khi cách họ kinh doanh dù trực tiếp hay gián tiếp đều dựa trên nội dung người dùng tạo ra, và người dùng sử dụng âm nhạc có bản quyền để làm nội dung. Do đó, TikTok cũng được xem là một nền tảng âm nhạc, sử dụng và tạo nội dung dựa trên các bài hát có bản quyền. TikTok sử dụng âm nhạc gián tiếp qua nội dung của người dùng thì cũng phải trả tiền bản quyền sòng phẳng.

Lý giải về câu chuyện này, TS. Nguyễn Văn Thăng Long cho biết nguyên nhân sâu xa là do sự thay đổi trong hành vi nghe nhạc. Cụ thể, mô hình bài hát dài từ ba đến năm phút không còn được thịnh hành. Theo nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT Việt Nam, xu hướng âm nhạc nhanh (15-30 giây cho một bài hát) trở nên phổ biến, và nội dung âm nhạc tạo ra bởi người dùng cũng thịnh hành hơn, đúng với sự phát triển cốt lõi của mô hình hoạt động của TikTok. 

“Trên TikTok, các sản phẩm âm nhạc phái sinh từ bài hát gốc thường phổ biến và xuất hiện nhiều hơn từ vài chục lần tới vài trăm, ngàn lần so với bài hát gốc, tùy vào độ phổ biến của trích đoạn nhạc nhanh và sáng tạo nội dung của người dùng. Do đó, UMG cảm thấy họ thua thiệt trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc với TikTok” – TS. Nguyễn Văn Thăng Long nhận định.

AI và tương lai của các nhà sáng tạo 

Liên quan đến câu chuyện UMG bày tỏ quan ngại về tốc độ phát triển của AI sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bản quyền trên TikTok, TS. Nguyễn Văn Thăng Long chia sẻ việc sử dụng AI, đặc biệt trong sản xuất âm nhạc, là vấn đề gây tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ giữa các nghệ sĩ, nhà phát hành nhạc và các đơn vị khác hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. 

Về bản quyền âm nhạc, việc sử dụng bản thu âm cho mọi mục đích thương mại đều phải được sự đồng ý của đơn vị nắm bản quyền. Trong trường hợp này, TikTok yêu cầu UMG cung cấp thỏa thuận cho phép người dùng TikTok có thể phối lại, chế tác lại các bài hát thuộc sở hữu bởi UMG bằng cách sử dụng công cụ AI. Điều này có lợi cho người dùng TikTok, khi họ có thể sử dụng AI để tạo ra các bài hát dựa trên bản gốc mà không cần phải có quá nhiều tài năng. 

Và khi tái tạo nội dung bài hát qua AI, họ được xem là sở hữu nội dung bài hát đó, trong khi rõ ràng họ không phải là tác giả gốc hay nghệ sĩ gốc thực hiện bài hát, nên cũng không quan tâm tới việc bản quyền. Điều đó giống như một dạng “đạo nhạc” vì về lâu dài, người dùng có thể chuyển qua nghe nhạc do AI tạo ra, và khi đó các đơn vị sở hữu bản quyền như UMG và các nghệ sĩ sẽ bị thất thu. 

TS. Nguyễn Văn Thăng Long chia sẻ: “Còn với TikTok, họ (vô tình hay cố ý) muốn lờ đi vấn đề này, hay ít dành sự quan tâm nghiêm túc tới nội dung tạo bởi AI, vì đó là điểm mà người dùng có thể tận dụng để sản xuất và tiêu thụ nội dung mới lạ, đa dạng hơn, từ đó, làm tăng lượt truy cập vào TikTok đi kèm với hoạt động quảng cáo, bán hàng”.

Universal Music và TikTok “chia tay”: Vì “AI” nên nỗi?

UMG gây áp lực lên TikTok với nhiều vấn đề khác nhau.
Nguồn: Freepik

Nhìn về tương lai của các nhà sáng tạo và nhạc sĩ Việt Nam trên nền tảng này sau khi UMG gỡ kho nhạc khỏi TikTok, TS. Nguyễn Văn Thăng Long nhận định thiệt hại sẽ rất lớn cho tất cả các bên. Đầu tiên là các nghệ sĩ, ca sĩ với các bài hát thành danh đã ký hợp đồng với UMG, họ mất đi cơ hội để có thêm thu nhập từ bản quyền phát nhạc.

“Với người nổi tiếng, cộng đồng người dùng, người hâm mộ, họ cũng mất đi cơ hội để thưởng thức hay sản xuất các nội dung âm nhạc liên quan tới các bài hát thuộc bản quyền của UMG, và số lượng các bài hát này cũng không nhỏ”, TS. Nguyễn Văn Thăng Long nói.

Với TikTok, họ mất đi một lượng lớn “nguyên liệu” để vận hành nền tảng mạng xã hội dựa trên âm nhạc. Mặc dù điều đó có thể bù đắp qua các sản phẩm nội dung đa dạng khác (thời sự, tin tức, giải trí…), nhưng thiệt hại cũng không nhỏ do các bài hát bị tắt tiếng sẽ làm cho người dùng chuyển sang nền tảng khác để sử dụng. 

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Thăng Long cho rằng việc này cũng mang lại cơ hội cho nhiều người. UMG tuy là đơn vị lớn nhưng không phải là hãng thu âm và phân phối âm nhạc duy nhất trên thị trường, vì ngoài ra còn có Warner Music, Sony Music hay như ở Việt Nam, MMusic, Vivi Music, MixUs, POPS cũng sở hữu rất nhiều các bản quyền âm nhạc khác. 

Ngoài ra, việc thiếu vắng các bài hát của UMG cũng tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ, mới nổi có thể dễ dàng sáng tác, quảng bá các sản phẩm âm nhạc của mình và từ đó có khả năng trở thành các siêu sao mới, người nổi tiếng trên nền tảng TikTok.