Du học Marketing #16: Trần Khánh Linh @ The London School of Economics and Political Science – Chuyển ngang từ Truyền thông sang Chính sách Công, từ “cái duyên” thành “đam mê”
Sau nhiều năm du học tại phương Tây và làm việc trong mảng Truyền thông ở Hoa Kỳ và Việt Nam, chị Khánh Linh đã quyết định theo đuổi ngành Chính sách Công và trở lại với con đường học thuật tại Châu Âu với hy vọng giúp tạo nên những chuyển biến bền vững và ý nghĩa cho quê hương.
Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng, cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.
* Xin chào chị Linh, đầu tiên, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân, cũng như chia sẻ đâu là thời khắc, lý do mang tính bước ngoặt cho những quyết định du học của chị được không?
Chào mọi người! Mình là Khánh Linh, năm nay 28 tuổi, hiện đang học chương trình Thạc sĩ Chính sách Công (Master of Public Policy) tại Đại học Kinh tế và Khoa học Chính trị London (The London School of Economics and Political Science) tại thủ đô của Vương quốc Anh. Song song đó, mình cũng đang làm bán thời gian ở vai trò quản lý dự án của một tập đoàn dược phẩm có trụ sở tại Cambridge.
Trước đó, mình đã dành 5 năm học tập và làm việc tại Mỹ và Pháp, cùng với 4 năm làm việc tại Việt Nam, vì vậy Anh Quốc là đất nước phương Tây thứ ba mình lựa chọn để dùi mài kinh sử.
Lần đầu tiên mình “bén duyên” với du học là thông qua chương trình học hè tại Đại học UC Berkeley (California, Mỹ) trước khi vào lớp 10, năm 2011. Đó là 3 tuần cực kỳ đáng nhớ đối với mình – vừa là lần đầu tiên chân ướt chân ráo đi nước ngoài một mình, vừa được học về biến đổi khí hậu với các bạn từ nhiều nước trên thế giới, được thuyết trình cho Thống đốc bang California.
Khi trở về, mình quyết tâm phải quay lại Mỹ học đại học, và may mắn là trường cấp ba của mình – THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam – là một môi trường giáo dục chất lượng và năng động, tạo điều kiện cho học sinh được học và trải nghiệm toàn diện, sẵn sàng hành trang đi du học sau này. Đến giữa lớp 12, mình nhận tin trúng tuyển ngôi trường mơ ước của mình khi đó là Đại học Oberlin College ở bang Ohio, Mỹ, với khoản hỗ trợ tài chính toàn bộ tiền học trong vòng 4 năm (tương đương khoảng 4 tỷ VNĐ).
* Chị Linh có thể chia sẻ thêm về trải nghiệm của chị với hệ thống giáo dục tại Mỹ?
Oberlin College đào tạo sinh viên theo hệ thống giáo dục khai phóng (liberal arts), hướng đến việc rèn luyện sinh viên trở nên toàn diện, với các kỹ năng và kiến thức đa dạng, nhằm tăng tính cạnh tranh cho cử nhân khi tốt nghiệp. Thay vì phải chọn ngành học ngay từ khi nộp hồ sơ hoặc từ năm đầu như phần lớn các đại học khác, hệ thống trường liberal arts yêu cầu các sinh viên học đủ tín chỉ từ tất cả các lĩnh vực như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn, Nghệ thuật... Mỗi sinh viên có thể học thử nhiều ngành khác nhau và chỉ phải chọn ngành học chính thức trước cuối năm hai (trong tổng bốn năm).
Mình thấy hệ thống giáo dục này rất hay vì thực sự có mấy ai biết chắc được mình hợp ngành gì, muốn cam kết học gì vào năm 17-18 tuổi khi còn chưa được học thử những môn đó? Hy vọng sau này, nhiều trường đại học trên thế giới và cả ở Việt Nam sẽ thử cách tiếp cận giáo dục khai phóng để trao quyền cho sinh viên học rộng hơn rồi mới theo đuổi ngành học mình đam mê.
Một điều khá đặc biệt nữa là Oberlin College cho phép sinh viên được thiết kế ngành học riêng nếu ở trường không có ngành nào phù hợp. Khi đó mình muốn học Báo chí nhưng trường không có sẵn, nên đã tự tạo ngành riêng cái tên rất dài là Phương pháp tiếp cận liên ngành trong Truyền thông (Interdisciplinary Approaches to Communications) bằng cách gộp nhiều lớp liên quan lại với nhau. Mình thấy khi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng cũng thấy điểm này trong hồ sơ của mình thể hiện sự chủ động và tính sáng tạo.
* Ngành Truyền thông đã giúp ích thế nào trong công việc của chị sau đó?
Năm cuối đại học là năm sinh viên nào cũng áp lực, quyết định ở lại hay về nước, nếu ở lại thì làm thế nào để tìm việc. Đặc biệt với những bạn sinh viên quốc tế học các ngành Khoa học xã hội, Nhân văn và Nghệ thuật thì cơ hội việc làm cũng ít hơn và tỉ lệ chọi với sinh viên bản địa cũng cao hơn.
Mình quyết định thử ở lại Mỹ một năm để cọ xát thêm, và sau nhiều nỗ lực cũng tìm được một chương trình thực tập Truyền thông tại thành phố Chicago cho một tổ chức phi lợi nhuận về sức khoẻ tâm lý tại Đại học Northwestern. Tình cờ là đúng lúc mình mới vào, cô quản lý truyền thông lại nghỉ việc đột ngột, nên trong một tháng thực tập không lương đó, mình lại có dịp được làm thay luôn cô ấy khi họ chưa tìm được người. Công việc bao gồm cả quản lý website, social media, email marketing, nhiều vô kể vì năm đó họ kỷ niệm 50 năm thành lập.
Một năm kinh nghiệm ở Mỹ là một bệ phóng quan trọng trong sự nghiệp, dạy cho mình tinh thần dám nghĩ, dám làm, và cả sức mạnh của truyền thông.
Đến cuối chương trình thực tập, cô giám đốc đánh giá tốt khả năng của mình và ghi nhận công sức mình đã làm gấp đôi phần việc trong hợp đồng, nên mời mình quay lại làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp mùa hè đó với vị trí Quản lý Truyền thông. Đó là một vinh dự của mình vì vị trí đó yêu cầu 5 năm kinh nghiệp trong khi mình mới ra trường. Mình cũng hơi lo không biết có cáng đáng được không, nhưng với tinh thần “fake it till you make it” (cứ giả vờ mình làm được cho đến khi mình làm được thật), mình đã gật đầu cái rụp.
Một năm kinh nghiệm ở Mỹ là một bệ phóng quan trọng trong sự nghiệp của mình, dạy cho mình tinh thần dám nghĩ, dám làm, và cả sức mạnh của truyền thông. Năm 2019 mình trở về nước, được nhận vào làm Quản lý Truyền thông ở Đại sứ quán Anh, một vị trí vô cùng năng động trong một tổ chức ngoại giao chuyên nghiệp. Bên cạnh trải nghiệm hợp tác với các đơn vị báo chí, mình được đóng góp cho quá trình giải quyết khủng hoảng truyền thông trong nước và quốc tế khi một số sự việc thương tâm diễn ra.
Năm 2020, khi mình chuẩn bị sang Anh học thạc sĩ thì đại dịch COVID-19 bắt đầu. Mình quyết định ở lại Việt Nam thêm ba năm và có duyên làm việc tại một tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Anh và Thuỵ Điển, được cống hiến cho chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về vắc xin COVID-19 và chương trình nghiên cứu chính sách về tăng cường tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam.
Được làm việc sâu sát và học hỏi từ nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách y tế ở Việt Nam, mình đã nhận ra được tầm quan trọng của chính sách trong việc thay đổi hành vi của cộng đồng và giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội một cách bền vững, lâu dài. Vì vậy, năm ngoái, khi đã sẵn sàng cho chương tiếp theo của sự nghiệp, mình quyết định theo học Thạc sĩ Chính sách Công ở LSE – ngôi trường thuộc Top đầu của Anh và đứng thứ 3 thế giới về ngành này.
* So với lần du học trước, chị đã đặt ra những mục tiêu và mong đợi gì cho hành trình học thạc sĩ tại Anh?
Hồi học đại học, vì ở một thị trấn nhỏ ở Mỹ nên mình chủ yếu chỉ có các cơ hội trong trường. Vì vậy lần này, mình muốn học thạc sĩ ở thành phố lớn, sôi động, và tham gia thêm các chương trình khác ở Châu Âu để tối đa hoá trải nghiệm trong một năm.
Mình vinh dự được lựa chọn là một trong ba sinh viên của LSE đại diện trường tham gia European Student Assembly (Hội đồng Sinh viên Châu Âu) vào tháng Tư tới đây. Cùng với 200 sinh viên khác từ khắp nơi trên thế giới đang học tập tại châu Âu, chúng mình đang tập trung nghiên cứu để đưa ra các khuyến nghị thay đổi chính sách trong 10 lĩnh vực khác nhau. Sau đó, hội đồng sinh viên sẽ họp tại Nghị viện Liên minh Châu Âu EU tại Strasbourg, Pháp để bàn thảo chính sách, xuất bản báo cáo và vận động các nhà hoạch định chính sách của EU.
Bên cạnh đó, mình cũng là thành viên của tổ chức hàng đầu về quan hệ quốc tế Chatham House, thành viên bồi thẩm đoàn công dân của European Capital of Democracy (Thủ đô Dân chủ Châu Âu), và tranh thủ tham gia nhiều nhất có thể những buổi toạ đàm, hội nghị về chính sách, chính trị trong nước và khu vực để “ngấm” được nhiều kiến thức nhất có thể trước khi mình trở về Việt Nam vào cuối năm nay.
* Vậy chị Linh đã chuẩn bị gì trước khi gác lại công việc tại quê nhà và tiến tới nước Anh?
Mình chuẩn bị hồ sơ không tốn quá nhiều công sức vì không phải thi TOEFL/iELTS, và LSE cũng không yêu cầu có điểm GMAT/GRE cho ngành này. Bài luận của mình viết về lý do thôi thúc mình quan tâm tới chính trị và chính sách, mình có nhờ một số bạn thân đọc và cho ý kiến khách quan.
Điểm duy nhất hơi gặp khó khăn là việc xin thư giới thiệu từ giáo sư đại học vì mình đã tốt nghiệp được 5 năm, trong lúc đó thầy đã nghỉ hưu mà mình không biết. Mình mất khoảng một tháng để liên hệ được với thầy qua đủ các kênh, và thêm nhiều công sức để LSE xác nhận tính xác thực của thư giới thiệu, vì thầy không còn email có đuôi .edu chính thức của trường.
Theo kinh nghiệm của mình, các bạn nên lập kế hoạch chuẩn bị tất cả các tài liệu cần thiết từ vài tháng trước hạn nộp hồ sơ để tránh các tình huống không lường tới.
* Chị có thể chia sẻ tổng quan về chương trình học của mình tại Anh?
Chương trình Thạc sĩ Chính sách Công tại LSE có thời lượng chỉ 9 tháng nên tốc độ học tập và thi cử khá nhanh và áp lực.
Chương trình bao gồm hai kỳ và 8 lớp chính, cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về khoa học chính trị, kinh tế học, triết học, và các vấn đề chính sách chuyên môn như biến đổi khí hậu, xoá đói giảm nghèo, y tế, giáo dục...
Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội tham gia các dự án xây dựng chính sách thực tế, ví dụ như hiện tại mình đang hợp tác với World Bank (Ngân hàng Thế giới) cho một dự án về tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu để giảm thiểu bệnh tăng huyết áp ở khu vực Nam Á.
Nhiều giáo sư tại LSE cũng là những nhà nghiên cứu nổi tiếng với nhiều năm làm việc trong chính phủ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Nhờ thế, mình học được rất nhiều từ các thầy cô không chỉ về học thuật mà còn kinh nghiệm làm chính sách thực tiễn.
* Đâu là kỷ niệm hoặc cột mốc đáng nhớ nhất của chị trong thời gian vừa qua (về trải nghiệm học tập, môi trường học tập, văn hóa...) tại Anh?
Mình thực sự rất trân trọng cơ hội được học tập trong một chương trình đa văn hoá – có 75 sinh viên mà đến từ 35 quốc gia khác nhau với đủ các tôn giáo, tập tục, niềm tin về chính trị. Cảm giác như một Liên hợp quốc thu nhỏ vậy. Chương trình yêu cầu có số năm kinh nghiệm làm việc tối thiểu là 5 năm, nên mình là một trong những sinh viên trẻ nhất, còn phần lớn các anh chị khác đã có cả 10, 20 năm kinh nghiệm làm chính sách.
Mình thích nhất là việc được thảo luận với các bạn cùng lớp sau khi đọc về những tin tức xung đột trên thế giới. Ví dụ như khi Mỹ và Anh không kích Yemen tháng trước, mình đã hỏi ý kiến của một bác người Yemen trong lớp – người đã trực tiếp tham gia đàm phán hoà bình với nhóm khủng bố Houthi những năm trước.
Hay khi chiến sự giữa Nga và Ukraine leo thang, mình được bạn cùng lớp người Ukraine kể lại chuyện vào kỳ nghỉ đông vừa rồi khi về Kyiv, bạn đã phải mang chăn gối vào ngủ trong nhà tắm vì phòng ngủ sát cửa sổ, nếu toà nhà bị tấn công sẽ rất nguy hiểm. Những cuộc trò chuyện này giúp mình mở mang tầm mắt ngoài sách vở và cảm thấy mình may mắn khi được học cùng những người dũng cảm và kinh nghiệm như vậy.
* Đúc kết lại quá trình du học từ cử nhân đến thạc sĩ, chị có thể chia sẻ một vài lời khuyên cho các bạn đang có ý định du học được không?
Vài năm đi làm trước khi học thạc sĩ rất hữu ích, cho mình cơ hội thử sức làm việc và đánh giá các con đường khác nhau trước khi học cao hơn.
Mình nghĩ chọn trường phù hợp là rất quan trọng, nếu các bạn đã cảm thấy có vẻ thích ngành nào thì hãy chọn trường thật mạnh về ngành đó, tránh phải tự thiết kế ngành học riêng như mình rất vất vả.
Hơn nữa, có vài năm đi làm trước khi đi học thạc sĩ cũng rất hữu ích, cho mình cơ hội thử sức làm việc và đánh giá các con đường khác nhau trước khi học lên cao hơn. Nếu mình đi Anh ngay năm 2020, mình đã học ngành Truyền thông Chính trị, nhưng 3 năm làm việc trong giai đoạn đại dịch đã giúp mình nhận ra là mảng Chính sách phù hợp hơn với mình.
Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài có thể thời gian đầu sẽ thấy choáng ngợp, e ngại và tự ti. Điều này khó tránh khỏi vì ở trong nước, mình học ngữ pháp tiếng Anh có tốt đến đâu, khi mới sang cũng đều mất thời gian làm quen với tốc độ nói nhanh, ngữ âm, tiếng lóng, hay các tập tục văn hoá của người bản xứ hay sinh viên nước khác. Nhưng các bạn hãy yên tâm là khó khăn rồi cũng sẽ qua, miễn là mình cố gắng thúc đẩy bản thân thoát ra khỏi vùng an toàn, và tận dụng sự hỗ trợ của trường lớp, gia đình, bạn bè, mạng lưới sinh viên Việt Nam.
Cuối cùng, nếu có buồn và cô đơn, hãy cố gắng tâm sự với ai đó mình tin tưởng, đừng ôm nỗi niềm trong lòng nhé!
* Cảm ơn những chia sẻ quý báu của chị Linh!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam