Marketer Mai Linh Châu
Mai Linh Châu

B2B Marketing Manager @ Cốc Cốc

Cốc Cốc: Sự thật là “nữ giới chơi game vào ban đêm nhiều hơn nam giới”

Cốc Cốc: Sự thật là “nữ giới chơi game vào ban đêm nhiều hơn nam giới”

Nếu người yêu phê bình bạn chơi game nhiều mỗi tối mà không dành thời gian quan tâm cô ấy, hãy tự tin hỏi “Chắc chưa?”.

Game Online (Trò chơi trực tuyến) là nơi mà sự sáng tạo, công nghệ và đam mê kết hợp cùng nhau để tạo ra những trải nghiệm giải trí độc đáo. Trải qua nhiều thách thức và biến động, năm 2023, ngành Game đã không ngừng thích nghi và phát triển, mở ra cơ hội không giới hạn cho những nhà phát triển, nhà đầu tư và người chơi. 

Với mong muốn thấu hiểu hành vi và nhu cầu của thị trường, Cốc Cốc đã thực hiện nghiên cứu, tổng hợp dữ liệu của 30 triệu người dùng trên trình duyệt và công cụ tìm kiếm, kết hợp khảo sát trực tuyến với 1.474 đáp viên quan tâm đến Game Online trên toàn quốc. Hy vọng rằng, báo cáo sẽ cung cấp những góc nhìn đa chiều, giúp các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chiến lược chinh phục người tiêu dùng tiềm năng.

Tiềm năng lớn của thị trường Game tại Việt Nam

Theo báo cáo “Digital 2022: Global Overview Report”, trên thế giới có khoảng 4,95 tỷ người sử dụng Internet, trong đó có khoảng 31,9% người dùng Internet để chơi Game Online. Doanh thu ngành Game Online trên toàn thế giới năm 2021 đạt 175,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2020. Tại Việt Nam, con số này tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Theo dữ liệu nội bộ trên trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, năm 2022 số lượng người dùng trình duyệt để chơi game tăng 1,3 lần so với năm 2021. Chỉ 10 tháng đầu năm 2023, con số này đã tăng 1,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Thói quen chơi game của người Việt

63% người dùng cho biết chơi game giúp họ thư giãn và giải tỏa tâm lý sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Trong khi đó, 32% dùng để giết thời gian và 28% chơi để thỏa mãn đam mê của mình.

Cũng chính bởi những lý do này, dễ hiểu khi số đông game thủ lựa chọn buổi tối là khung giờ vàng và dành trung bình 1-2 giờ mỗi ngày cho game online để không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc thường ngày.

Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất với hơn 55% người được hỏi lựa chọn. 40% chọn laptop (máy tính xách tay), trong khi đó 35% lựa chọn PC (máy tính bàn) và chỉ 11% lựa chọn máy tính bảng. Có thể thấy rằng, các thiết bị phổ biến và “dễ dàng mang đi” được ưu tiên sử dụng nhiều hơn. 

58% người được hỏi cho biết bạn bè là “người đồng minh” có sức ảnh hưởng nhất tới lựa chọn của họ. Tiếp theo đó là quảng cáo với 29% và lời giới thiệu từ những game thủ khác với 28%. 

Bên cạnh đó, người dùng Việt cũng có thái độ cởi mở với các dòng game mới khi có tới 84% đáp viên cho biết họ có thể hoặc chắc chắn sẽ thử thể loại game/ tựa game khác với hiện tại, đặc biệt là nhóm người dùng ở độ tuổi từ 18 trở lên.

Thói quen nạp thẻ game

62% người dùng được khảo sát cho biết rằng họ hiện đang chơi game online và có nạp thẻ game trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong đó, 41% người chơi hiếm khi nạp, 59% có hành vi nạp đều đặn hơn. Đáng chú ý, có đến 11% cho biết rằng họ nạp game hàng ngày. Con số này cũng bị tác động đáng kể bởi mức thu nhập của người chơi. 

Số liệu chỉ ra rằng 40% người dùng với mức thu nhập 10,5 triệu/ tháng hiếm khi nạp game, trong khi với mức thu nhập cao hơn thì tỷ lệ này là 27-28%. Theo đó, mức tiền nạp phổ biến là dưới 500 nghìn/thángMục đích nạp thẻ của người dùng cũng khá đa dạng với 41% cho biết họ nạp thẻ chỉ đơn thuần vì “thích”, 37% nạp để hưởng ưu đãi đặc biệt, 30% nạp khi có event (sự kiện).

Có thể thấy, với lượng người chơi đông đảo và có xu hướng tăng dần đều qua các năm, tiềm năng ngành Game Online tại Việt Nam là rất lớn. Các nhà phát hành phát triển và ngày càng đưa ra nhiều lựa chọn đa dạng, hấp dẫn cho người chơi. Điều này cũng đồng nghĩa với tính cạnh tranh trong ngành sẽ tăng lên. Thấu hiểu nhu cầu của người chơi là điều cần thiết để đưa ra những chương trình phù hợp, có tính ứng dụng cao. 

Xem và tải báo cáo đầy đủ tại đây.