Fashion Icon #13: Miuccia Prada – Từ “người thừa kế bất đắc dĩ” đến “biểu tượng thời trang toàn cầu”
Prada là một trong những đế chế thời trang đình đám trên toàn cầu đến từ nước Ý. Để đạt được thành công như hiện tại, phần lớn đều dựa vào gu thời trang độc đáo, đi trước thời đại của bà Miuccia Prada – một người từng có mong muốn dấn thân vào lĩnh vực diễn xuất, chứ không phải thời trang.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
Ở số 13 của chuỗi bài Fashion Icon, hãy cùng Brands Vietnam dõi theo hành trình trở thành một biểu tượng thời trang của bà Miuccia Prada (tên đầy đủ là Miuccia Bianchi Prada) – Co-CEO và Head of Design @ Prada.
Tiểu sử của “người thừa kế bất đắc dĩ” Miuccia Prada
Tính đến thời điểm hiện tại, Prada là thương hiệu hàng đầu của Prada Group được niêm yết công khai, bao gồm Miu Miu và các công ty con sản xuất giày Church’s và Car Shoe. Thương hiệu đến từ nước Ý này là một trong đế chế thời trang thành công nhất của thế kỷ 20, với hơn 250 cửa hàng hiện diện hơn 70 quốc gia trên toàn cầu.
Trên thực tế, có khá nhiều chi tiết thú vị liên quan đến hành trình trở thành một trong những biểu tượng thời trang hàng đầu của bà Miuccia Prada. Bà sinh năm 1949 và là cháu gái nhỏ nhất trong gia đình. Mario Prada – ông của bà, cũng là người sở hữu cửa hàng thời trang được thiết kế với các chất liệu tốt, cùng với kỹ thuật tinh xảo. Do vậy, vào năm 1919, cửa hàng Prada trở thành nhà cung cấp trang phục cho Hoàng gia nước Ý do nhận được sự yêu thích và ủng hộ của tầng lớp quý tộc tại châu Âu.
Đến năm 1958, ông Mario qua đời. Với tư duy phong kiến của thời đại đó, ông không cho phép bất cứ người phụ nữ nào tham gia vào công việc của Prada. Tuy nhiên, người con trai duy nhất của ông lại không có hứng thú với kinh doanh, thế nên người kế nhiệm của cửa hàng là bà Luisa Prada.
Câu chuyện dẫn đến thành công của Prada chỉ thật sự bắt đầu vào năm 1978, khi bà bắt đầu vào làm việc cho doanh nghiệp của ông nội với vai trò thiết kế phụ kiện. Đáng chú ý, bà không được đào tạo về thiết kế và thời trang. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học Chính trị tại trường Đại học Milan. Bà từng có mong muốn học về kịch câm để dấn thân vào lĩnh vực diễn xuất. Do đó, có thể ví bà ấy như một “người thừa kế bất đắc dĩ” của Prada vì vốn dĩ bà ấy không có ý định gắn bó với lĩnh vực thời trang ngay từ ban đầu.
Không lâu sau đó, bà có cơ hội gặp gỡ ông Patrizio Bertelli, một doanh nhân người Tuscan và chủ sở hữu của hai doanh nghiệp sản xuất đồ da chất lượng cao. Theo một bài viết từ Harper’s Bazaar Việt Nam, ông Bertelli chính là người đã động viên và khuyên nhủ bà nên tập trung thiết kế và sản xuất những túi xách, hành lý được làm từ nguyên liệu da nguyên gốc của ông cô.
Đến năm 1985, Prada cho ra mắt mẫu túi Prada Classic và đạt được thành công lớn về khía cạnh thương mại và được các tín đồ thời trang săn đón bởi sự sang trọng mà không hề phô trương.
Từ cương vị đối tác và cố vấn kinh doanh, cho đến năm 1987, ông Bertelli và bà Prada chính thức nên duyên vợ chồng. Cũng từ lúc này, Prada không ngừng phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những đế chế thời trang lớn nhất thế giới.
Những cột mốc tiêu biểu đưa Prada trở thành đế chế thời trang toàn cầu
Năm 1988, Prada chính thức ra mắt bộ sưu tập thời trang may sẵn dành cho nữ và nhanh chóng thu được quả ngọt. Cụ thể hơn, doanh số bán hàng của thương hiệu vượt mốc 30 triệu USD trong năm đó và nhận được nhiều lời tán dương từ giới phê bình.
Năm 1993, Miu Miu – một thương hiệu con của Prada được ra mắt dựa trên tủ quần áo cá nhân và tên thân mật của bà được ra mắt và trưng bày tại Pháp, đồng thời trở thành một thương hiệu nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng tại quốc gia này.
Cũng trong thời điểm đó, Prada đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng và đang dần chuyển hình thành đế chế thời trang với giá trị thương hiệu lên đến 30 triệu USD. Năm 1994, doanh số bán hàng của Prada tại Mỹ đạt mốc 210 triệu USD.
Đến năm 1995, Prada lần đầu tiên ra mắt bộ sưu tập thời trang cho nam giới và cũng gặt hái được nhiều thành công nhất định. Cũng trong năm đó, với niềm đam mê nghệ thuật đương đại, hai vợ chồng bà Miuccia Prada đã quyết định thành lập tổ chức phi lợi nhuận có tên là Fondazione Prada. Kể từ đó, Prada trở thành một trong những đơn vị tổ chức triển lãm cá nhân cho các nghệ sĩ, chẳng hạn như Sam Taylor-Johnson, Anish Kapoor và Marc Quinn.
Đến năm 1997, Prada đạt doanh thu 647 triệu USD và tiếp tục mở rộng quy mô thương hiệu sang các quốc gia khác.
Vào năm 2004, thương hiệu lần đầu ra mắt dòng nước hoa Prada Amber.
Cho đến năm 2006, vì nhiều vấn đề liên quan đến khía cạnh tài chính, Prada đã bán lại các thương hiệu từng thâu tóm vào những năm cuối thập niên 1990 như Helmut Lang và Jil Sander. Prada cùng từng hợp tác với LVMH để mua lại 51% cổ phần của Fendi, thế nhưng cũng phải bán đi 25,5% vì áp lực tài chính.
Cũng trong năm 2006, Prada thông báo mua lại 55% cổ phần của thương hiệu sản xuất giày dép của Anh là Church’s.
Đến năm 2014, bà Miuccia Prada rời khỏi vị trí Chủ tịch của Prada và đảm nhận vai trò Giám đốc Điều hành cùng chồng là ông Bertelli.
Kể từ đó đến nay, thương hiệu Prada vẫn giữ vững vị thế khi liên tục đạt được doanh thu ấn tượng. Trong báo cáo tài chính năm 2022, doanh thu hàng năm của Prada Group đã đạt được con số ấn tượng là 4,4 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2021 và vượt xa mức doanh thu đạt đỉnh của tập đoàn là năm 2013.
Điều gì khiến bà Miuccia Prada đạt được thành công?
“Bravery is something women always need”
Kể từ khi tiếp quản Prada, những thiết kế của thương hiệu hầu hết đều dựa trên trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm, mong muốn và sở thích cá nhân của bà ấy. Phong cách thiết kế của Prada phản ánh cuộc sống của một nữ doanh nhân và nhà hoạt động xã hội vì nữ quyền.
Trong khi đó, các thiết kế của Miu Miu lại khác biệt với Prada với phong cách nổi loạn, bắt nguồn từ mong muốn được mặc những bộ trang phục màu hồng của bà Prada khi bị mẹ bắt ép mặc đồ hải quân, cũng như khi lén lút trốn khỏi nhà để đi chơi và trượt tuyết trong bộ bikini vào thời điểm bà còn trẻ.
Không chỉ vậy, sự thành công của Prada còn xuất phát từ tính cách của bà ấy. Trong một bài viết phỏng vấn với The New York Times, bà Miuccia Prada được nhìn nhận là một người phụ nữ can đảm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Điều đó cũng thể hiện qua việc bà là một trong những nhà thiết kế đầu tiên đưa trang phục thể thao lên sàn diễn chuyên nghiệp.
Trong buổi ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè vào năm 1998, bà đã giới thiệu bộ sưu tập trang phục thể thao Prada Sport. Vào thời điểm đó, không ít người trong ngành dự đoán Prada sẽ thất bại với bộ sưu tập này. Ông Eugene Rabkin – Biên tập viên tại Tạp chí StyleZeitgeist chia sẻ rằng khi Prada Sport vừa mới ra mắt, ông đã nghĩ rằng bộ sưu tập đó sẽ là một thất bại. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy việc thương hiệu ra mắt Prada Sport là một bước đi khôn ngoan, dù có nhiều ý kiến trái chiều vây quanh. Đến thời điểm hiện tại, Prada Sport được xem là ngôn ngữ thời trang được nhiều thương hiệu ngày nay học hỏi, chẳng hạn như Aether và Zegna.
Những giải thưởng tiêu biểu trong sự nghiệp
Theo thông tin tổng hợp từ British Vogue, xuyên suốt trong sự nghiệp, bà ấy nhận được vô số giải thưởng vì những đóng góp to lớn đối với lĩnh vực thời trang trên toàn thế giới. Vào năm 2004, bà ấy được CFDA trao giải thưởng quý giá International Award. Năm 2005, bà được Tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Đến năm 2013, bà Miuccia Prada được Hội đồng Thời trang nước Anh (British Fashion Council) vinh danh với giải thưởng Nhà Thiết kế Quốc tế của năm. Năm 2014, triển lãm thường niên của Viện Trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Metropolitan Museum of Art in New York) đã dành riêng một vị trí để vinh danh bà cùng với bà Elsa Schiaparelli với tiêu đề “Elsa Schiaparelli and Prada: Impossible Conversations”.
Năm 2017, bà được xếp thứ 79 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới được bình chọn bởi Forbes.
Năm 2018, bà lại được Hội đồng Thời trang nước Anh trao giải “Outstanding Achievement Award” tại The Fashion Awards.
Cuối cùng, từ một người có đam mê diễn xuất bỗng chuyển sang lĩnh vực thời trang, bà Miuccia Prada đã trở thành biểu tượng của một đế chế thời trang toàn cầu với tầm ảnh hưởng to lớn mà không ai có thể phủ nhận. Theo một bài viết trên trang The Guardian, dù không chạy theo bất kỳ xu hướng nào, bà Miuccia Prada vẫn giữ vững vị thế trong nhiều năm qua. Bởi vì giống như một tín đồ thời trang từng nói, những thiết kế của bà không chỉ là thời trang, mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật, văn hóa, xã hội và thậm chí là chính trị.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp