Marketer Lâm Hồng Lan
Lâm Hồng Lan

Giảng viên chuyên ngành truyền thông và fashion marketing @ RMIT University Vietnam

Fashion Marketing #41: Ba cơ hội mới cho làng thời trang cao cấp năm 2024 – AI, TikTok và bắt tay với thể thao

Fashion Marketing #41: Ba cơ hội mới cho làng thời trang cao cấp năm 2024 – AI, TikTok và bắt tay với thể thao

Năm mới cơ hội mới! Đây là ba cơ hội mới cho thời trang cao cấp năm 2024 theo dự đoán của Jing Daily.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại blog Lamhonglan.

Trong số này tôi lược dịch bài viết đăng trên Jing Daily ngày 11/1/2024 về ba cơ hội mới cho ngành thời trang cao cấp trong năm nay. Và như thường lệ là một số gợi ý cho thị trường Việt Nam.

Ngành thời trang cao cấp năm 2023 kết thúc bằng sự thay đổi hành vi tiêu dùng khi khách hàng đánh giá cao sự trải nghiệm và thay đổi định nghĩa về thương mại điện tử. Tổng doanh thu ngành hàng xa xỉ toàn cầu lên đến 1,6 tỷ USD, tăng từ 8-10% trên tất cả các ngành hàng. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng năm nay mức tăng trưởng sẽ không được kỳ vọng tương tự khi người tiêu dùng đang dần thận trọng hơn với các khoản chi tiêu của mình.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn trông đợi những thay đổi mang tính đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ AI, để có những trải nghiệm dễ dàng hơn với trí tuệ nhân tạo.

Nguồn: Jing Daily

Dưới đây là một số xu hướng được kỳ vọng tạo ra nhiều cơ hội cho ngành hàng xa xỉ năm 2024:

Người xem TikTok trở nên khó tính hơn, nhưng vẫn là kênh tiềm năng

Với hơn 45 triệu người theo dõi hàng ngày, TikTok thống trị từng ngành hàng từ khi nổi lên từ năm 2018, tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định chi tiêu của người tiêu dùng, từ khách sạn, nhà hàng cho đến thời trang và mỹ phẩm. Các thương hiệu xa xỉ ban đầu còn dè dặt với nền tảng này, nhưng theo thống kê của công ty Launchmetrics, các thương hiệu thời trang cao cấp có mức tăng trưởng về giá trị truyền thông trên nền tảng này nhanh hơn rất nhiều lần so với các thương hiệu thời trang nhanh.

TikTok vẫn được xem là một kênh quan trọng, truyền cảm hứng trong ngành hàng xa xỉ, nhưng người xem đang trở nên khó tính hơn.
Nguồn: TikTok

Lý do đơn giản là TikTok đã tạo cầu nối cho các thương hiệu đa dạng hóa sản phẩm của mình cho các nhóm thế hệ khác nhau, đặc biệt là tập trung vào nhóm thế hệ trẻ. Nhưng với sự phát triển ồ ạt các nội dung trên TikTok, người tiêu dùng đang dần ý thức tính minh bạch của người làm nội dung và có khuynh hướng kén chọn nội dung hơn. Do vậy, các thương hiệu cần chú ý trong việc hợp tác với người có tầm ảnh hưởng, đảm bảo nội dung tạo được sự tin cậy đối với người xem.

Cộng đồng NFT: tiêu chuẩn vàng của hàng xa xỉ

Năm ngoái một số thương hiệu tên tuổi như Maison Margiela, Gucci và đặc biệt là Louis Vuitton vẫn giữ vị trí tiêu chuẩn vàng trong cuộc chơi NFT. Điểm khác biệt là những thương hiệu này muốn tránh xa làn sóng NFT, crypto đang thoái trào. Thay vào đó NFT được xem như bảo chứng thầm lặng tượng trưng cho sự xa xỉ trong cộng đồng người tiêu dùng hàng xa xỉ.

Cộng đồng NFT ngành hàng xa xỉ sẽ tiếp tục tăng sức hút khi khách hàng tìm kiếm cách thức mới về đặc quyền.
Nguồn: Louis Vuitton

Một chuyên gia cho rằng năm 2024, thị trường NFT xa xỉ sẽ tập trung vào đặc quyền sở hữu sản phẩm digital, tập trung vào tính độc bản của sản phẩm. Năm nay cũng có khả năng các thương hiệu sẽ tập trung đẩy mạnh những hoạt động đặc quyền dành cho khách hàng VIP, với câu lạc bộ dành riêng cho khách hàng sở hữu NFT. Quyền lợi thành viên sẽ là những vé mời danh giá đến tuần lễ thời trang, những hộp quà bí mật và những buổi mua sắm với stylist riêng.    

AI: cơn sốt và tiềm năng

Sau một năm tạo được nhiều tiếng vang, AI đang có một chỗ đứng nổi bật trong các hoạt động của các thương hiệu thời trang, đặc biệt là Valentino và Moncler. Điều quan trọng là AI không đi vào vết xe đổ của bong bóng metaverse và thị trường NFT trước đây. Các thương hiệu xa xỉ nên tránh chạy theo cơn sốt này như trước đây như một cách để tiếp thị sản phẩm. Thay vào đó, họ nên áp dụng một cách chủ động vào quy trình sản xuất khi dùng các ứng dụng thiết kế bằng AI hoặc tiếp cận khách hàng thông qua công cụ cá nhân hóa dữ liệu.

Cơn sốt AI chưa có dấu hiệu tạm lắng khi các thương hiệu xa xỉ đang tiếp tục tìm kiếm những trải nghiệm mới cho khách hàng trong năm 2024.
Nguồn: Revolve

Mối tương quan giữa ngành hàng xa xỉ và thể thao

Việc bắt tay của tập đoàn LVMH và thế vận hội Olympics 2024 tại Paris năm nay sẽ là nơi hội tụ lý tưởng giữa thể thao và các thương hiệu xa xỉ. Các đường ống dẫn vào sân vận động sẽ biến thành sàn catwalk cho các thương hiệu thời trang; hay các hoạt động bên lề như mặc theo phong cách tennis sẽ trở nên phổ biến. Sự kiện thể thao này diễn ra khi các sản phẩm thể thao kết hợp với công nghệ đang được ưa chuộng, người tiêu dùng sẵn sàng mở hầu bao khi mua sản phẩm có giá trị cụ thể.

Tháng 11 năm ngoái, thương hiệu Prada đã công bố việc hợp tác với tổ chức hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ NASA thiết kế bộ quần áo cho phi hành gia cho sứ mệnh Artemis 3 sắp tới. Các ngôi sao trong các môn thể thao dành cho nam giới cũng dần trở thành nguồn cảm hứng cho các thương hiệu thời trang xa xỉ và cơ hội cho bộ đôi này sẽ ngày càng phát triển hơn. Từ môn thuyền buồm đến đua xe thể thức 1 (F1) đến vũ trụ, năm 2024 sẽ là tiền đề cho các thương hiệu xa xỉ lấn sân vào những lãnh địa tiềm năng.

Các thương hiệu cao cấp như Prada đang dần thắt chặt mối quan hệ với ngành công nghiệp thể thao và giới vận động viên.
Nguồn: Prada

Cơ hội tại thị trường Việt Nam

Xu hướng tạo nội dung TikTok nhắm đến nhóm khách hàng trẻ là cách phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại cho các thương hiệu Việt tập trung vào phân khúc cao cấp.

Trong ba xu hướng kể trên, xu hướng về việc tạo nội dung phù hợp trên TikTok, nhắm đến nhóm khách hàng trẻ là cách phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại cho các thương hiệu Việt tập trung vào phân khúc cao cấp.

Theo thống kê từ Statista năm 2022, 72% người sử dụng kênh TikTok tại Việt Nam thuộc nhóm gen Z; 61% thuộc nhóm Millennials. Hai nhóm khách hàng này hiện đóng vai trò quan trọng trong doanh thu của các thương hiệu cao cấp. Bài toán còn lại sẽ là nội dung như thế nào để thu hút được họ trên nền tảng này?

Với 77% người tiêu dùng Việt cho biết họ đã từng mua một sản phẩm nào đó trên mạng xã hội giới thiệu bởi người có tầm ảnh hưởng (theo Statista 2020), thì việc dùng người có tầm ảnh hưởng trên TikTok cho thương hiệu là một lợi thế. Tuy nhiên các thương hiệu cần cân nhắc các yếu tố như nội dung có minh bạch, cá tính của người có tầm ảnh hưởng có phù hợp thương hiệu, thay vì chỉ chú ý đến lượng view và sự nổi tiếng của họ.

Nếu các bạn muốn trao đổi thêm, hãy email cho tôi: [email protected].

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

* Nguồn: Blog Lamhonglan