Marketer Phương Quyên
Phương Quyên

Content Executive @ Brands Vietnam

“Cuộc chiến” giữa Shopee và những người bán chuyên “buff” đơn ảo

“Cuộc chiến” giữa Shopee và những người bán chuyên “buff” đơn ảo

Thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ để nhà bán hàng tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, rào cản gia nhập thấp khiến sự cạnh tranh trên môi trường này ngày càng khốc liệt. Trong đó, không ít người bán tìm tới những chiêu trò “buff” đơn ảo để vượt mặt các sàn và chiếm lòng tin của người tiêu dùng.

Trong năm 2022, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2021) và chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ cả nước. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

Tháng 11/2023, báo cáo của công ty dữ liệu YouNet ECI ghi nhận 4 sàn thương mại điện tử lớn mang về tổng cộng 31,195 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch (GMV) đến từ 405 nghìn nhà bán (tăng 9,3% so với tháng 10/2023). 

Nguồn: YouNet ECI

Điều đó cho thấy sức mua và tiềm năng phát triển của thương mại điện tử vẫn còn rất lớn. Vì vậy, ngày càng nhiều người bán gia nhập kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, góp phần gia tăng mức độ cạnh tranh trên môi trường này. Do đó, nhiều người bán “nóng lòng” muốn nhanh bán được nhiều hàng đã sử dụng chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh nhằm trục lợi từ sàn và người tiêu dùng.

Đằng sau những shop bán triệu đơn hàng

Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Lợi dụng tâm lý người tiêu dùng thường tin tưởng những shop đã bán được nhiều đơn, các shop tìm đến những dịch vụ “buff” đơn ảo nhằm tăng độ hiển thị trên sàn để chiếm được lòng tin của người mua. Khi thử tìm kiếm một vài từ khóa về thời trang như “Giày Nike” trên Shopee, những sản phẩm đầu tiên đều hiển thị lượt bán lên đến hàng triệu. Trong khi đó, chỉ có khoảng 50-300 người mua để lại đánh giá và nhận xét. Điều đó cho thấy tỷ lệ nhận xét trên số lượt mua chỉ đạt xấp xỉ 0,01%.

Về sự chênh lệch này, ông Đỗ Quang Huy – Giám đốc công ty Ecotop và là chuyên gia mảng Thương mại điện tử – chia sẻ: “Người dùng có thể nhận ra những shop ‘buff đơn ảo’ bằng các so sánh giữa lượt mua với số review (đánh giá). Mức trung bình của nền tảng là 20%. Nếu tỷ lệ này bị chênh quá nhiều, khách hàng nên cân nhắc”.

Có 2 hình thức “buff” đơn ảo phổ biến trên các sàn bao gồm thuê người đặt hộ hoặc thông qua các công cụ từ bên thứ ba cung cấp. Cụ thể, người bán sẽ thêm các sản phẩm phụ có giá trị thấp (ở mức chỉ vài nghìn đồng) bên cạnh các sản phẩm chính, sau đó thuê người đặt hộ hoặc dùng công cụ tự động để đặt số lượng lớn các lựa chọn giá rẻ này từ đó tăng số lượng đơn bán ra chóng mặt. Chiêu trò này vừa giúp người bán giảm được số tiền phải chia cho sàn vừa “che mắt” người tiêu dùng. Sau khi hoàn tất, người bán chỉ việc xóa sản phẩm giá rẻ đi để không bị phát giác.

Trên thực tế, dịch vụ “buff” đơn ảo được quảng cáo tràn lan đến người bán qua các kênh như chat trực tiếp trên sàn, các cộng đồng trên mạng xã hội hoặc thậm chí có cả những website kinh doanh dịch vụ buff đơn rất chi tiết. 

Không chỉ dừng lại ở việc cạnh tranh thứ tự hiển thị với người tiêu dùng, một số nhà bán còn buff đơn ảo trong các phiên live trên Shopee để trục lợi từ các voucher sàn này hỗ trợ nhà bán. Cụ thể, năm 2023, Shopee đang triển khai nhiều hoạt động kết hợp với KOLs livestream và nhiều voucher độc quyền, nhằm kích thích người dùng sử dụng tính năng Shopee Live của nền tảng. Nhiều shop bán hàng âm thầm bắt tay với người mua để thực hiện các đơn hàng giả, giao hộp không đến cho người dùng. Hoặc shop thông đồng với đơn vị vận chuyển để không cần giao hàng vẫn có “đơn hàng thành công”. Từ đó, các bên cùng nhau “ăn chia” số tiền voucher mà sàn hỗ trợ và những con số gian lận này đã cán mốc hàng trăm triệu.

Nguồn: Ảnh từ nhóm chuyên kinh doanh dịch vụ buff đơn ảo trên Shopee

Động thái của Shopee trước các “gian thương”

Chưa nói đến việc “chặn tiền” voucher của sàn, chỉ riêng việc “buff đơn ảo” thông thường cũng đã khiến môi trường cạnh tranh trên các sàn TMĐT không còn lành mạnh. Vì nó buộc các shop muốn có thứ hạng cao và dễ bán hàng đều phải đi “đường tắt” bằng cách buff số đơn bán ra dù muốn hay không. Về phía Shopee, tháng 4/2023 nền tảng này đã đăng tải thông báo về khung phạt cho các nhà bán tham gia vào hành vi “buff” các chỉ số ảo từ phạt sao quả tạ cho đến xóa các đơn ảo, review ảo và khóa tài khoản bán hàng vĩnh viễn.

Tuy nhiên, nhắc nhở từ Shopee dường như không mấy hiệu quả khi các nhà bán hàng vẫn có thể dễ dàng tạo gian hàng mới khi bị xóa tài khoản bán hàng cũ. Thêm vào đó, trước tình trạng ngày càng nhiều nhà bán chiếm lợi từ các voucher trong phiên livestream đã khiến nền tảng này “xuống tay” mạnh hơn. Tháng 12/2023, Shopee thông báo sẽ áp dụng mức phạt tiền tối đa lên đến 10.000.000 VNĐ trên 01 đơn hàng (đã bao gồm VAT) nghi ngờ gian lận. Trong đó, nền tảng này cho biết sẽ thực hiện tạm khóa tính năng rút tiền từ ví Shopee đối với các gian hàng bị nghi ngờ gian lận.

Shopee cấn trừ số tiền lớn từ những người bán lạm dụng mã giảm giá để trục lợi.
Nguồn: ZNews

Kết quả sau đợt phạt nặng của Shopee, có những shop bị cấn trừ lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, trong đó có trường hợp bị cấn trừ số tiền lớn hơn số dư khả dụng trong ví Shopee. Hàng loạt ý kiến trái chiều nổi lên xoay quanh động thái này của Shopee, nhưng rõ ràng đây là pha “phản đòn” cứng rắn nhất của nền tảng này khi chịu ảnh hưởng từ các chiêu trò trục lợi của nhà bán suốt thời gian qua. 

Kết

Nhiều người bán vẫn đang không ngừng tìm kẽ hở để qua mặt những thuật toán quét gian lận của các sàn. Cụ thể, các cộng đồng chuyên kinh doanh dịch vụ “buff” đơn trên mạng xã hội đã nhanh chóng truyền tai nhau chỉ những trường hợp “buff” đơn ảo ăn tiền voucher trên livestream mới chịu phạt. Trong khi các hình thức “buff” đơn để tăng độ hiển thị thông thường vẫn chưa bị “sờ gáy” nên các nhà bán vẫn tiếp tục cho số đơn bán ra tăng chóng mặt. Có thể thấy, hai phía người bán và sàn thương mại điện tử liên tục giằng co trong thế người tìm cách chặn, kẻ muốn vượt rào. Tuy nhiên đến hiện tại, vẫn chưa có giải pháp nào thực sự giải quyết triệt để vấn đề “buff” đơn ảo này.

Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp