Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Nhiều người hiểu khái niệm sở hữu trí tuệ là gì nhưng chưa chắc đã hiểu hết về bản chất của nó.

Cuối tháng 5/2023 vừa qua, cựu sáng lập công ty xét nghiệm máu Theranos là Elizabeth Holmes đã đến trình diện sở cảnh sát, tiếp nhận hình phạt 11 năm 2 tháng tù trong bản án được tuyên hồi tháng 11 năm ngoái.

Từng được mệnh danh là “Steve Jobs phiên bản nữ, giờ đây đọng lại trong suy nghĩ của những ai trót mến mộ Holmes chỉ toàn nỗi thất vọng. Bốn cáo buộc liên quan đến các tội danh gian lận, lừa đảo nhà đầu tư đã khép lại câu chuyện lừng lẫy một thời của cựu sinh viên trường Stanford.

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Bên cạnh các vấn đề gian lận, lừa đảo có liên quan đến “kỳ lân khởi nghiệp” Theranos, nhiều người còn quan tâm đến mối quan hệ giữa Elizabeth Holmes với Richard Fuisz – hàng xóm cũ của gia đình Holmes. Bản thân ông là một bác sĩ tâm thần, là cựu thành viên của CIA và chứng kiến phần lớn thời thơ ấu của nữ doanh nhân khởi nghiệp nổi tiếng.

Nói một cách chính xác thì Richard Fuisz có nhiều tai tiếng hơn là nổi tiếng. Ông đối diện với nhiều cáo buộc liên quan đến việc gian lận, ăn cắp bằng sáng chế vốn thuộc về đội ngũ Theranos. Sau vụ kiện kéo dài đến năm 2014, Richard tuyên bố rằng cả hai bên đều không thể hưởng lợi bởi tranh chấp lần này.

Câu chuyện của Richard với Theranos hay cá nhân tỷ phú Elizabeth Holmes là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh kịp thời cho nhiều người khác về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. 

Vậy bản chất của sở hữu trí tuệ là gì? Vì sao nhiều doanh nhân và tổ chức kinh tế liên tục đi đăng ký sở hữu trí tuệ? Những thắc mắc thường gặp nhất về khái niệm sở hữu trí tuệ sẽ được Vũ phân tích, chia sẻ chi tiết qua bài viết lần này với chủ đề: Những ngộ nhận kinh điển về sở hữu trí tuệ.

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Câu chuyện giữa Elizabeth Holmes và Richard Fuisz đại diện cho quyền sở hữu trí tuệ.
Nguồn: Reuters

Sở hữu trí tuệ là gì? Khái niệm này từ đâu mà có?

Khái niệm sở hữu trí tuệ được định hình, chỉnh sửa và ứng dụng rộng rãi tại Vương quốc Anh trong giai đoạn cuối thế kỷ thứ 17, đầu thế kỷ thứ 18. Nhưng hệ thống sở hữu trí tuệ đầu tiên được luật hoá thì phải tìm đến Cộng hoà Venice – quốc gia cổ hiện đã trở thành một thành phố lớn vùng Đông Bắc nước Ý.

Đó là vào năm 1474, khi chứng kiến người dân gặp nhiều trở ngại trong kỹ thuật sản xuất thuỷ tinh – vốn là nghề mang lại thu nhập chính cho cộng đồng, phía Thượng viện của Cộng hoà Venice đã ban hành đạo luật Sở hữu trí tuệ Venice. Nhằm mục đích ủng hộ, thúc đẩy tinh thần sáng tạo của các cá nhân, đoàn thể trong và ngoài nước trên phương diện kỹ thuật sản xuất.

Đạo luật Sở hữu trí tuệ Venice nêu rõ: “Bất cứ ai tạo ra một hệ thống hay phương án sản xuất hoàn toàn mới, trước đây chưa từng có hoặc chưa từng được ứng dụng, cùng với việc đã báo cáo lên Hội đồng thành phố thì trong 10 năm kế tiếp không ai được sao chép, làm giống từ hình ảnh đến cách hoạt động mà chưa có sự đồng ý của tác giả”.

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Venice chính là điểm khởi đầu của luật sở hữu trí tuệ.
Nguồn: Gallery 247

Thêm một chi tiết đáng chú ý có trong Đạo luật Venice, đó là các sáng chế phải thật sự hữu ích và đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển kỹ thuật sản xuất. Quy định này ra đời có lẽ để hạn chế một số phát minh thiếu thực tiễn, hoặc không hiệu quả khi đưa vào ứng dụng mà đến nay vẫn xuất hiện nhan nhản.

Sau này còn có thêm Quy chế Độc Quyền Anne, ban hành tại Vương Quốc Anh vào năm 1710 với những tính chất tương đương Đạo luật Venice. Quy chế Anne được xem như cơ sở để xây dựng nên Luật sở hữu trí tuệ hiện đại, khác với Đạo luật Venice, Quy chế Anne được ra đời để bảo vệ và củng cố quyền lợi chính đáng của các tác giả văn học.

Quy chế này hướng đến việc ưu tiên bảo vệ tính độc quyền, minh bạch của các dạng tài sản văn học nói chung. Điều lệ nổi tiếng nhất phải kể đến là đối với các tác phẩm văn học sau khi tác giả qua đời, người thừa kế của tác giả được độc quyền phát hành hay tái bản tác phẩm đó trong 14 năm liên tiếp.

Đến khoảng nửa cuối thế kỷ 18 thì quy chế Anne được ứng dụng rộng rãi, đóng vai trò then chốt trong nhiều vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền tác giả.

Sau đó đến lượt các nước Pháp, Đức dần thống nhất đưa vào sử dụng bộ luật sở hữu trí tuệ tương đương – có sự đồng bộ về mục đích bảo vệ, ủng hộ những ý tưởng sáng tạo trong khoa học kỹ thuật nói riêng và nhiều lĩnh vực đời sống nói chung.

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Quy chế sở hữu năm 1710 của nước Anh được đặt theo tên Nữ Hoàng Anne.
Nguồn: Invaluable

Những cá nhân và tổ chức ủng hộ luật sở hữu trí tuệ tin rằng, mục đích sau cùng của sở hữu trí tuệ là để bảo vệ các tác giả hay chủ sở hữu khỏi rủi ro bị sao chép, đánh cắp ý tưởng xuất phát từ năng lực sáng tạo của bản thân. Khi đó tiềm lực kinh tế mà các tác giả hay chủ sở hữu sáng tạo nhận được cũng lớn hơn, gián tiếp thúc đẩy họ có thêm động lực tạo ra những giá trị hữu ích cho đời sống cũng như nền kinh tế.

Mục đích của việc đăng ký sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ được ra đời để bảo vệ, ủng hộ những ý tưởng sáng tạo trong khoa học hay nhiều lĩnh vực đời sống khác. Vậy ở chiều ngược lại, các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động kinh tế đăng ký sở hữu trí tuệ để làm gì? Có sự khác nhau giữa việc đăng ký sở hữu trí tuệ và không đăng ký, không được bảo hộ về ý tưởng hay thực thi giải pháp sáng tạo hay không?

Nhìn về bản chất, sở hữu trí tuệ là công cụ đo lường và xác thực giá trị kinh tế của mỗi ý tưởng, thực thi mang tính sáng tạo mà tất nhiên chúng phải hoạt động được, ứng dụng hiệu quả và có giá trị thực tiễn trong đời sống thường ngày.

Vì có giá trị kinh tế nên các ý tưởng và hành động thực thi đó cần được bảo vệ, xác minh bởi các cơ quan chức năng hay đơn vị có thẩm quyền trực tiếp. Cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động kinh tế đi đăng ký sở hữu trí tuệ là để nhận được sự bảo vệ, công nhận một cách chính thức những tài sản kinh tế cũng như sức sáng tạo mình đang sở hữu.

Một số quyền cơ bản của luật sở hữu trí tuệ có thể kể đến như sau: Quyền tác giả là quyền của cá nhân hoặc tổ chức với các tác phẩm mình tạo ra và sở hữu; quyền sở hữu công nghiệp là quyền của cá nhân hoặc tổ chức với các sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn sử dụng do mình xây dựng; quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của cá nhân hoặc tổ chức với bản ghi âm, buổi trình diễn hay chương trình phát sóng…

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Ngay cả bản ghi hay file thu âm cũng cần được bảo vệ quyền sở hữu của tác giả.
Nguồn: The New York Times

Có thể nói rằng khi kinh tế đất nước dần hội nhập với thế giới, các cá nhân và tổ chức kinh tế Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của nhiều nền kinh tế nước ngoài, vấn đề về sở hữu trí tuệ và đăng ký sở hữu trí tuệ càng trở nên cấp thiết hơn.

Thực tế cho thấy không chỉ các doanh nghiệp lớn, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước mới đối diện rủi ro về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngay cả các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình cũng có thể trở thành “con mồi” cho hành động đánh cắp, xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ của bản thân. 

Hầu hết các cá nhân kinh doanh ở quy mô tầm trung trở xuống đều chưa có suy nghĩ, nhận định đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Khi tạo ra một công thức sản phẩm vượt trội, một tính năng chưa từng có của sản phẩm, hoặc một trải nghiệm mang tính đột phá mà chưa cá nhân hay tổ chức nào thực hiện được – phần lớn mọi người thường tính đến chuyện ứng dụng nó ngay lập tức, thay vì đăng ký bảo hộ và xác định quyền sở hữu trí tuệ của chính mình.

Nhìn ở chiều ngược lại, chính quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ còn vướng mắc nhiều điều kiện, công đoạn và thủ tục rườm rà ở nước ta cũng làm cản trở việc một cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế ra quyết định có thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ hay không.

Lấy ví dụ của các doanh nghiệp hay startup lĩnh vực công nghệ, nhiều ý tưởng sáng tạo và sản phẩm ứng dụng công nghệ cần sớm đưa vào thử nghiệm, hiệu chỉnh trước khi bắt đầu quá trình thương mại hoá. Phần lớn trong đó còn cần đến tiền tài trợ, nguồn vốn đầu tư và sự bảo hộ thương mại của các tổ chức lớn có uy tín. Tất nhiên, yếu tố thời gian và tốc độ triển khai lúc này phải được ưu tiên hơn cả.

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Quy trình bảo hộ quyền sở hữu của tác giả, tác phẩm khoa học kỹ thuật còn hạn chế.
Nguồn: Hasco

Trong khi quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước vẫn tồn đọng nhiều hạn chế, đặc biệt về mặt thời gian và tiến độ thực hiện. Chẳng hạn như theo điều 52 Luật sở hữu trí tuệ, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận đơn đăng ký hợp lệ, cơ quan quản lý Nhà nước về quyền tác giả có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. 

Tuy nhiên trên thực tế thời gian này có thể kéo dài hơn nhiều, thậm chí lên đến 1-2 tháng nếu thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ ở các thành phố lớn.

Một nguy cơ khác là theo luật Sở hữu trí tuệ, hiện chỉ có 12 loại hình các tác phẩm văn học, khoa học và kỹ thuật được bảo hộ một cách chính thức. Nghĩa là rủi ro những ý tưởng sáng tạo hay sản phẩm công nghệ nằm ngoài danh mục bảo hộ là vẫn có, thậm chí còn tương đối lớn.

Khoa học công nghệ hiện nay thay đổi và phát triển từng ngày từng giờ, ứng dụng của công nghệ được làm mới liên tục bởi các bộ não không ngừng làm việc, không ngừng sáng tạo. Nhiều sản phẩm được ra đời từ tiến bộ của khoa học công nghệ đối mặt với nguy cơ không được bảo hộ, bị từ chối bảo hộ chỉ vì lý do nghe rất chung chung là “hồ sơ không hợp lệ.”

Vì vậy thực tế đáng buồn tại Việt Nam là nhiều cá nhân, doanh nghiệp lớn nhỏ đều hiểu rất rõ về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó đa phần vì quá trình từ lý thuyết đến thực tiễn bảo hộ còn tương đối mờ mịt, không ít doanh nghiệp lẫn cá nhân sáng tạo phải “tạm hoãn vô thời hạn” với vấn đề này.

Cân bằng sở hữu trí tuệ với lợi ích nền kinh tế, đời sống xã hội

Mục đích sau cùng của luật sở hữu trí tuệ là cân bằng giữa quyền được bảo vệ của tác giả, tác phẩm sáng tạo với lợi ích nền kinh tế và đời sống xã hội. 

Luật sở hữu trí tuệ phải đủ mạnh để bảo vệ quyền sở hữu, khai thác giá trị kinh tế từ tác phẩm sáng tạo của tác giả, nhưng không quá mạnh đến mức cản trở việc sử dụng tác phẩm sáng tạo đó một cách rộng rãi trong đời sống. 

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Cân bằng giữa sở hữu trí tuệ với lợi ích kinh tế xã hội.
Nguồn: Sky News Australia

Suy cho cùng, có không ít trường hợp cá nhân hay tổ chức kinh tế đăng ký sở hữu trí tuệ, nhưng không tạo ra nguồn lợi cho cộng đồng và đời sống xã hội từ sản phẩm đó, thậm chí không phải là tác giả thật sự của sản phẩm sáng tạo. Trường hợp ông Richard Fuisz – hàng xóm lâu năm của nhà Holmes mà Vũ đề cập ở đầu bài là một ví dụ như vậy.

Richard Fuisz cũng dính phải các cáo buộc liên quan đến ăn cắp, can thiệp vào hàng loạt bằng sáng chế vốn thuộc phạm vi công nghệ của startup Theranos. Đến năm 2014 thì vụ kiện mới chấm dứt khi đôi bên đồng ý thoả thuận và dàn xếp một cách “ít tổn hại” nhất.

Ở chiều ngược lại, không phải lúc nào nguyên đơn trong các vụ kiện liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng vì mục đích chính đáng. Còn nhớ thời điểm tháng 1/2022, phía công ty eOne đã gửi đơn kiện Sconnect Việt Nam đến toà án Moscow (Nga) vì nghi ngờ Wolfoo – bộ nhân vật hoạt hình mà Sconnect Việt Nam sáng tạo ra là phái sinh của Peppa Pig – một bộ nhân vật khác thuộc sở hữu của One UK Limited ở Vương quốc Anh. Song song với động thái đâm đơn kiện, phía eOne cũng liên tục đánh bản quyền các video YouTube do Sconnect sản xuất và cho đăng tải – dù chưa có cơ sở hay kết luận pháp lý nào rõ ràng. 

Đến tháng 6/2022, Hội đồng chuyên gia văn hoá và nghệ thuật Nga sau thời gian nghiên cứu, phân tích đã đi đến kết luận rằng bộ nhân vật Wolfoo là sáng tạo độc lập hoàn toàn cả về khoa học, kỹ thuật lẫn tính pháp lý. Thậm chí đến tháng 11/2022, toà án thành phố Moscow đã tuyên chấp thuận đề xuất từ phía Sconnect Việt Nam – về việc công ty eOne phải chi trả một phần án phí xem như tiền bồi thường cho phía bị đơn, với giá trị 240.000 Rub (tương đương khoảng 60 triệu VNĐ).

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Sconnect Việt Nam là chủ sở hữu của bộ nhân vật Wolfoo.
Nguồn: VTC Academy

Qua câu chuyện này, chúng ta nhìn ra thêm một vai trò mới của luật sở hữu trí tuệ. Đó là so sánh, đánh giá và rút ra kết luận về sự khác biệt, tính độc lập giữa hai hoặc nhiều sản phẩm sáng tạo khác nhau.

Sẽ thế nào nếu Hội đồng chuyên gia văn hoá và nghệ thuật Nga không phân tích, suy xét một cách cẩn thận mà chỉ dựa vào một số điểm tương đồng giữa hai tác phẩm? Sẽ thế nào nếu toà án thành phố Moscow thụ lý và giải quyết vụ kiện theo phía có lợi cho nguyên đơn là eOne?

Chuyện đó chẳng ai biết được, nhưng điều chắc chắn là mục đích sau cùng của luật sở hữu trí tuệ sẽ không còn được đảm bảo. Nghĩa là không còn cân bằng giữa quyền được bảo vệ của tác giả và tác phẩm sáng tạo, với lợi ích của nền kinh tế và đời sống xã hội nói chung.

Mối liên quan giữa bản chất con người và bản chất sở hữu trí tuệ

Vậy có mối liên kết nào giữa bản chất, tính cách của một con người với bản chất của việc đăng ký sở hữu trí tuệ hay không? Liệu có thể khẳng định rằng các cá nhân, tổ chức kinh tế thường xuyên đăng ký sở hữu trí tuệ thì họ đồng thời cũng là những cá nhân, tổ chức kinh tế có tính rõ ràng minh bạch và đáng tin cậy hay không?

Câu trả lời là không. Đáng tiếc là mối liên kết về bản chất của tính cách con người với sở hữu trí tuệ rất mong manh. Nó khá giống việc bạn tự hỏi rằng người thông minh thì có hài hước không và ngược lại. Thực tế thì người hài hước chắc chắn cũng là người thông minh, nhưng người thông minh thì chưa chắc đã hài hước.

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Mối liên kết giữa tính cách con người và quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Nguồn: Unsplash

Câu chuyện của Richard Fuisz với công ty Theranos, hay vụ kiện mà Sconnect Việt Nam phải đối mặt dù bản thân là tác giả hợp pháp của sản phẩm sáng tạo, là minh chứng cho thấy rằng chưa chắc những người thường xuyên cập nhật, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đã là những người có đức hạnh tốt, luôn làm tất cả vì mục đích cao đẹp và nhân văn.

Thậm chí khi nhìn sang nền kinh tế phương Tây, có một sự thật là những cá nhân hay tổ chức dành hết năng lượng sáng tạo để thay đổi xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn (mà không cần thay đổi mục đích sử dụng đất) lại hiếm khi “làm việc” với Cục sở hữu trí tuệ.

Từ quá khứ cho đến hiện tại, Yersin từ chối đăng ký bảo hộ công thức huyết thanh để chữa bệnh dịch hạch cho cả nhân loại, Nikola Tesla từ chối bán sáng chế dòng điện xoay chiều – cơ hội trở thành người giàu nhất thế giới để phổ biến dòng điện an toàn và giá thành tốt trên toàn cầu.

Nếu hôm nay bạn không cần dùng “hết sức bình sinh” mà vẫn dễ dàng tháo một con ốc vít, thì đó là nhờ Henry Philips đã không đăng ký sở hữu trí tuệ vào năm 1933 – cho sản phẩm ốc vít 4 cạnh huyền thoại do chính ông tạo ra. 

Nếu hôm nay một vụ tai nạn ô tô xảy ra mà tất cả người trên xe đều an toàn, không đối diện nguy cơ tử vong vì những cú va đập mạnh, thì đó là nhờ Volvo đã để mở sáng chế dây an toàn 3 điểm vào năm 1959 – giúp tất cả thương hiệu xe trên thế giới tự do ứng dụng và trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc trên ô tô thời nay.

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Ốc vít 4 cạnh được phổ biến hiện nay nhờ công của Henry Phillips.
Nguồn: ThoughtCo

Sau tất cả, có nên đăng ký sở hữu trí tuệ hay không?

Đây là một câu hỏi hay nhưng đáp án đã nằm sẵn bên trong câu hỏi – “nên đăng ký sở hữu trí tuệ”. Thay vì học theo những doanh nghiệp và thương hiệu đi trước, khao khát kiến tạo nên những giá trị chưa từng hiện hữu hay được ứng dụng trên toàn cầu, các công ty và nhà khởi nghiệp đi sau nên tìm cách bảo vệ mình trước tiên.

Trong một thị trường giàu sức cạnh tranh, chóng vánh và nghiệt ngã hơn xưa rất nhiều, không có gì đảm bảo rằng tác phẩm sáng tạo của mỗi người “luôn mới mẻ” với đại chúng.

Khoảng thời gian một tác phẩm sáng tạo sắm vai ngôi sao trong lĩnh vực của mình đang thu hẹp đáng kể. Ví dụ những chiếc Samsung Fold hay Z Flip màn hình gập sớm bị Oppo Find N2 hay Moto Razr 5G “phả hơi nóng”, bản thân Samsung cũng nhanh chóng cập nhật công nghệ miniLED trên những chiếc TV hay màn hình của mình – sau khi Apple có được tiếng vang bằng chính công nghệ này trên những chiếc iPad Pro 12.9 inch.

Các công ty công nghệ luôn hiểu rõ tầm quan trọng của những tấm bằng sáng chế. Chỉ trong năm 2022 Samsung đã sở hữu tổng cộng 4.743 bằng sáng chế tiện ích – dù đây là sự giảm sút so với con số khổng lồ 8.682 của năm 2021.

Bên cạnh vai trò trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lực tài chính cho bản thân tác giả sở hữu tác phẩm, luật sở hữu trí tuệ còn đóng vai trò quan trọng trên hành trình phát triển, thúc đẩy tinh thần sáng tạo có lợi cho nền kinh tế mỗi quốc gia.

Những ngộ nhận về sở hữu trí tuệ

Những tác phẩm sáng tạo là động lực phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Nguồn: WhatPhone

Việc đăng ký sở hữu trí tuệ của mỗi cá nhân, doanh nghiệp cũng là hành động góp phần chống lại hiện trạng sản xuất hàng giả ở trong và ngoài nước. Khi một tác phẩm nghệ thuật hay thiết kế công nghiệp được đăng ký sáng chế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì không một cá nhân, doanh nghiệp hay nhà sản xuất nào khác được tạo ra một tác phẩm và sản phẩm tương tự. 

Những cá nhân, doanh nghiệp hay nhà sản xuất có đủ sự minh bạch và tinh thần sáng tạo thì luôn tạo ra những tác phẩm, sản phẩm có ít nhiều sự khác biệt để xây dựng tính đa dạng thị trường. Từ đó, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế dần thành hình, mang lại quyền lợi tích cực trong thói quen tiêu dùng hằng ngày của khách hàng mục tiêu.

* Bài viết gốc: Vũ Digital