Viết lách mỗi ngày: Vài điều rút ra khi viết liên tục trong nhiều năm
Viết lách thì có lợi ích gì? Chỉ những người đang làm việc trong ngành Truyền thông, Xuất bản… mới cần viết? Viết lách mỗi ngày có khó không? Làm sao để rèn luyện thói quen viết mỗi ngày? Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một số ý tưởng, chủ đề gợi ý dành cho ai muốn bắt đầu viết lách.
* Lưu ý nhỏ: Để tránh áp dụng nội dung được truyền tải không đúng trường hợp, tiếp nhận thông tin máy móc, hy vọng bạn là người đọc có chọn lựa, chắt lọc những luồng tin phù hợp với nhu cầu cá nhân. Nội dung trên Blogvietlach.com mang tính chất tham khảo, đôi khi chỉ là hiểu biết và kinh nghiệm chủ quan của người viết, không mang tính học thuật. Và theo quan điểm của bạn, nếu nhận thấy bài viết nào trên trang chưa chính xác/ chưa hợp lý/ cần bổ sung, với tinh thần cầu tiến, mình rất mong nhận được góp ý và phản hồi từ bạn, để từ đó cải thiện nội dung tốt hơn. Mình cảm ơn bạn đã ghé thăm Blogvietlach.com!
Viết lách mỗi ngày: Giá trị nhận được sau nhiều năm rèn luyện
Mình bắt đầu với việc học viết nghiêm túc từ năm lớp 10, ở trong đội tuyển học sinh giỏi Văn. Ngày ấy, viết lách với mình đơn giản là phân tích tác phẩm, làm văn nghị luận. Mỗi ngày, mỗi tuần đều có bài tập để viết. Kèm với đó, mình cũng viết trên một số Fanpage về Văn học.
Giai đoạn đó, viết lách với mình không mang nhiều lợi ích ngoài việc để đạt điểm cao hay phát triển Fanpage. Đến khi học Đại học, mình không còn phải làm bài tập làm văn, viết cho Fanpage cũng gần như dừng lại. Dù vậy mình vẫn có đam mê mơ hồ là viết. Nhưng viết gì thì không biết...
Mình bắt đầu lập blog viết lách trên một mạng xã hội Tumblr. Thực tế, giai đoạn đầu mình không biết viết gì, viết để làm gì nhưng vì đam mê nên mình cố nghĩ ra thứ để viết. Và mình viết nhật ký, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Mình viết những suy nghĩ, tâm tư, viết những vấn đề mình đang gặp phải, những điều mình quan sát, suy ngẫm…
Mình duy trì việc viết nhật ký này đã được 6 năm với gần 1.000 post và gần 300 bản nháp. Cho đến thời điểm hiện tại, dù chưa có thành tựu gì nổi bật từ việc viết, ngoài theo đuổi công việc liên quan đến việc, mình nhận ra việc viết lách mỗi ngày ấy tưởng như vô thưởng vô phạt ấy lại có nhiều lợi ích đối với phát triển tinh thần.
Trên góc độ nhận thức: Viết lách giúp thông tỏ, cải thiện tư duy
Viết lách cũng giống như giải một bài toán. Bạn có vấn đề A, bạn đang không biết câu trả lời, bạn không biết làm cách giải quyết, hãy viết chúng ra. Viết tất cả những vấn đề của bạn, những cách xử lý đang nghĩ tới, những khúc mắc, những lăn tăn… Và sau đó đọc lại chúng.
Nếu vẫn còn vấn đề, lại tiếp tục viết, đọc và nhìn nhận lại. Việc này giống như bạn đang đi phân tích, đào sâu, và nhìn lại chính các suy nghĩ của mình. Quá trình viết lách này cũng giúp bạn rèn luyện khả năng phân tích, tư duy liên kết các dữ liệu và đánh giá vấn đề.
Vấn đề lớn → Chia nhỏ vấn đề → Viết xuống những bận tâm và khúc mắc theo 5W1H (What, Where, Which, Why, How) → Đọc lại → Nhìn nhận lại, phân tích.
Không thể khẳng định cứ viết ra là sẽ tìm ra cách giải quyết, nhưng viết ra phần nào sẽ giúp thông tỏ hơn. Có những vấn đề mình viết đi viết lại nhiều lần ở những thời điểm khác nhau, nhưng thực tế sau mỗi lần viết ra như vậy lại thấy suy nghĩ của mình đã đến gần ánh sáng hơn, rõ ràng hơn. Những câu hỏi, những bế tắc dần được giải đáp.
Bạn hãy thử viết mỗi ngày từ hôm nay và quan sát tâm trí mình nhé!
Trên góc độ tâm lý: Viết lách giãi bày, giúp giải tỏa căng thẳng
Đây là lợi ích của viết lách mỗi ngày mà mình có trải nghiệm sâu sắc nhất. Từ ngày còn nhỏ, mỗi khi cảm thấy bế tắc, bức bối hay cáu giận ai đó, mình thường chọn cách viết ra theo cách viết nhật ký, thay vì tìm bạn bè, người thân để than vãn. Ngày nhỏ, giận mẹ nhưng không dám nói ra, mình sẽ viết vào sổ. Sau này, mình vẫn chọn viết ra những bức bối, đơn giản vì mình nghĩ ai cũng có cuộc sống riêng, có vấn đề riêng, mình không muốn làm những người xung quanh phải ưu phiền với các vấn đề của mình.
Và mình nhận thấy cách viết ra những nỗi buồn thực sự giúp mình bớt buồn và cân bằng được cảm xúc.
Mình chọn viết ra mọi cảm xúc của mình theo cách chân thật nhất. Không cần cầu kỳ câu chữ, không quan trọng là ai đọc, không quan trọng mục đích viết ra để làm gì, đơn giản mình viết giống như mình đang trò chuyện với ai đó, đang giãi bày nỗi lòng của mình, đang xả giận. Điều mình nhận được là sự im lặng, không có sự phản hồi nào cả nhưng mình lại cảm thấy thoải mái hơn, tâm trí phần nào được giải tỏa.
Thực tế, đã có một số nghiên cứu tâm lý chứng minh viết nhật ký giúp giảm căng thẳng. Viết ra những sự kiện trong ngày, hoặc thậm chí viết lại câu chuyện về cuộc đời của chính mình, giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn về hiện tại. Điều này thực sự có tác động với những người sống khép kín, có xu hướng không chia sẻ cảm xúc với bạn bè và gia đình. Bạn cũng có thể sử dụng viết nhật ký hàng ngày để theo dõi tâm trạng của mình.
Sau một khoảng thời gian, nhờ việc ghi chép lại cảm xúc, chắc chắn bạn sẽ thấy thấu hiểu bản thân hơn và có được cơ hội nhìn lại chính mình trong những giai đoạn cảm xúc “hỗn loạn”. Đây cũng có thể xem là hành trình chiêm nghiệm bản thân. Hãy lên kế hoạch viết và chính mình trải nghiệm lợi ích từ hành trình viết lách từng ngày nhé!
Viết lách mỗi ngày để lưu giữ kỷ niệm
Có nhiều hình thức để lưu giữ kỷ niệm, viết là một hình thức tốn công một chút nhưng rất đáng. Hình dung, bạn có thể chụp ảnh, quay video để lưu giữ tất cả hình ảnh, khuôn mặt, biểu cảm, không gian… tại một thời điểm nhất định. Nhưng làm thế nào để lưu giữ và ghi nhớ cảm xúc, những điều mình đã suy nghĩ tại thời điểm đó?
Mình chọn cách viết ra.
Giống như thể loại biểu cảm trong tập làm văn, mình sẽ cầm điện thoại và viết nhanh những cảm xúc của mình. Ví dụ, đây là 1 đoạn mình viết lại cảm xúc của mình khi lần đầu nằm trên mỏm đá ở biển và ngắm sao: “Nằm trên mỏm đá, trước mắt là bầu trời rộng lớn đầy sao, tiếng sóng vỗ ào từng hồi, đập vào đá rồi văng ra, ánh trăng soi rọi bọt biển trắng xoá. Biển đêm như hút mọi suy tư, hoặc khơi gợi những điều mênh mông bất tận chưa thấy điểm đích. Mình như nằm cạnh sóng, như sắp chạm đến những vì sao, thả trôi”.
Xây dựng thương hiệu, tạo thu nhập
Ngoài những giá trị tinh thần, viết lách mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc tạo thu nhập. Trên các nền tảng mạng xã hội, bạn sẽ thấy có rất nhiều người xây dựng thương hiệu từ việc viết chia sẻ kinh nghiệm, bài học, cuộc sống, đồng thời tạo ra thu nhập từ hoạt động đó. Ví dụ như Blogger Nguyễn Ngọc Long…
Với người không làm trong ngành Truyền thông, công việc chuyên môn không cần nhiều kỹ năng viết, thì việc rèn luyện kỹ năng viết tốt vẫn giúp ích trong trình bày văn bản, gửi mail, trao đổi trò chuyện với đồng nghiệp hay đối tác.
5 bước đơn giản để bắt đầu hình thành thói quen viết lách
Bạn bắt đầu có thấy hứng thú với công việc viết và muốn rèn luyện khả năng viết, muốn xây dựng thói quen viết lách mỗi ngày? Ở nội dung này, từ kinh nghiệm viết lách hàng ngày trong khoảng thời gian dài của mình, mình xin gợi ý bạn một số cách để bắt đầu xây dựng thói quen, tạo động lực, cách bắt đầu học viết đơn giản nhất.
Lưu ý rằng, nội dung này là kinh nghiệm cá nhân, sẽ phù hợp với newbie. Trước hết là giúp bạn xây dựng thói quen viết và rèn luyện viết.
Bước 1: Xác định mục đích khi rèn luyện viết lách mỗi ngày
Trước khi bạn bắt đầu bất cứ hoạt động gì đều cần xác định mục đích, để tránh mất thời gian và công sức. Hãy tự hỏi bản thân mình, chắc chắn lại một lần nữa, tại sao bạn muốn viết lách?
- Đơn giản vì bạn muốn cải thiện khả năng viết lách.
- Bạn thấy hứng thú với viết, muốn sáng tạo, sáng tác, sở hữu những nội dung riêng của mình (phi lợi nhuận).
- Muốn chia sẻ kinh nghiệm kiến thức của bản thân thông qua viết lách.
- Muốn kiếm tiền từ hoạt động viết lách.
- Muốn làm công việc như content writer, blogger…
Mục đích của bạn khi bắt đầu tìm hiểu về viết lách có thể là cả 5 mục đích trên hoặc nhiều hơn. Tuy vậy, tại thời điểm này, mình nghĩ bạn nên xác định 1 mục tiêu duy nhất trước mắt (có thể là 1 mục tiêu nhỏ trong lộ trình), bắt đầu thực hiện và hoàn thành mục tiêu đó trước khi nghĩ đến các mục tiêu tiếp theo.
Với mình, khi bắt đầu viết lách, mục đích của mình đơn giản là vì muốn rèn luyện khả năng viết của bản thân. Thời điểm bắt đầu, mình chỉ nghĩ rằng: “Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”. Muốn viết tốt thì cần luyện viết, viết nhiều, viết hàng ngày. Từ suy nghĩ đó, mình tin tưởng tuyệt đối và kiên trì theo phương pháp luyện viết mỗi ngày.
Viết 100 bài chưa tăng level thì bạn viết 1.000 bài, viết đến khi nào thỏa mãn bản thân, được độc giả khen gợi, có kết quả nhất định thì thôi. Vậy làm thế nào để bắt đầu luyện viết, để xây dựng thói quen viết lách mỗi ngày?
Bước 2: Bắt đầu xây dựng thói quen viết bằng tìm thể loại, tìm chủ đề viết yêu thích
Có những người khi bắt đầu tìm hiểu viết đã xác định được thể loại, chủ đề viết của mình. Tuy nhiên, mình biết cũng có rất nhiều bạn không xác định được mình muốn viết gì, thể loại nào? Nếu bạn thuộc nhóm “mông lung” khi tìm thể loại, chủ đề viết lách thì hãy bắt đầu với viết nhật ký, hoặc tản mạn. Đây cũng là cách mình bắt đầu tự rèn luyện viết. Gợi ý 100 chủ đề viết nhật ký, tản mạn.
Đừng vội tìm cách viết hay, hãy rèn luyện thói quen viết hàng ngày, song song với đó đọc sách, đọc thể loại bạn yêu thích, dần dần sẽ cải thiện khả năng viết.
Bước 3: Chọn nền tảng để luyện viết hàng ngày
Sau khi xác định được mục đích viết lách mỗi ngày, xác định được 1 hoặc nhiều thể loại và chủ đề viết, điều bạn cần làm là lựa chọn nền tảng để viết.
- Đơn giản nhất, bạn có thể viết trên Google Doc, Word hay Facebook/ Instagram cá nhân hoặc tạo Fanpage, viết ghi chú trên điện thoại, viết trên sổ tay.
- Hoặc bạn cũng có thể tham khảo một số nền tảng khác như Tumblr, Blogspot, WordPress, Spiderum, Ybox…
- Tham gia các cộng đồng Viết lách trên Facebook
- ...
Kinh nghiệm của mình khi tìm nền tảng hỗ trợ luyện viết lách mỗi ngày là lựa chọn nền tảng bạn cảm thấy thuận tiện và thoải mái nhất để viết lách, để bày tỏ suy nghĩ/ quan điểm cá nhân. Cá nhân mình lựa chọn mạng xã hội để luyện viết, viết nhật ký trên 1 tài khoản ảo cho mình không gian riêng tư để viết về cuộc sống hàng ngày.
Tuy vậy, mình vẫn khuyến khích bạn lựa chọn các nền tảng có sự tương tác, có cộng đồng như Fanpage/ Group Facebook để luyện viết. Bởi, viết ở các nền tảng này bạn có thể nhận được sự góp ý/ phản hồi của những người viết tốt.
Bước 4: Cố định thời gian viết lách mỗi ngày
Để duy trì viết lách mỗi ngày, rèn luyện khả năng viết, bạn nên có khoảng thời gian cố định trong ngày cho hoạt động này. Không quan trọng bạn viết gì, bạn có bao nhiêu thời gian để viết, nhưng hãy chắc chắn là có thời gian (10 phút, 15 phút hay 1 tiếng mỗi ngày... mình nghĩ không khó để dành 15 phút/ngày) và càng tốt nếu đó là thời gian cố định. Tại sao vậy? Viết theo thời gian cố định giúp bạn dễ dàng xây dựng thói quen bền vững, khó bỏ – yếu tố quan trọng để viết tốt.
Gợi ý: Hãy nhìn lại tổng thể hoạt động hàng ngày của mình, bạn đang trống những khoảng thời gian nào? Hẹn giờ đó trên điện thoại thời gian cho hoạt động viết. Nhắc nhở bản thân duy trì hoạt động này trong 1 tuần, sau đó tăng lên 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng... cho đến khi viết thực sự trở thành thói quen hàng ngày của bạn.
Với mình, mình thường dành 15 phút đến 1 tiếng mỗi ngày trước khi ngủ cho hoạt động viết. Các chủ đề mình viết trước khi đi ngủ thường là nhật ký 1 ngày, vấn đề mình đang quan tâm, tản mạn, viết blog.
Từ khóa cho bước này là: Nghiêm túc, Kỷ luật và Kiên trì.
Bước 5: Từ viết vô thức đến viết có ý thức
Là người mới bắt đầu viết, bạn chưa biết viết thế nào cho hay, cho thu hút, viết thế nào để truyền tải đầy đủ chính xác thông điệp của bản thân, hãy bắt đầu bằng việc viết vô thức.
Chọn 1 chủ đề và viết ra tất cả những suy nghĩ của mình về chủ đề đó, không cần quan tâm viết đã đúng ngữ pháp chưa.
Ví dụ, với chủ đề “Hiệu ứng lãi kép”, bạn hãy đầu thực hành viết vô thức qua việc trả lời câu hỏi: “Bạn nghĩ gì về Hiệu ứng lãi kép?”. Hãy cố gắng viết ra mọi suy nghĩ của mình về chủ đề này trong khoảng 100 chữ đến 300 chữ, tất nhiên bạn có thể sử dụng Google.
Mỗi ngày, lựa chọn 1 chủ đề nhất định và viết vô thức về nó trên nền tảng bạn mong muốn.
Bạn có thể viết vô thức cho đến khi đã có thói quen viết lách mỗi ngày (Hoặc sau mỗi nội dung, bạn tìm cách trau chuốt, nhờ mọi người góp ý để cải thiện khả năng viết). Lúc này, bạn cần nghĩ đến việc làm sao để nội dung đó thu hút, hữu ích hơn, qua việc tìm hiểu và ứng dụng các quy tắc ngữ pháp, kỹ thuật viết lách. Sau đó, mỗi nội dung bạn viết, bạn cần có ý thức áp dụng các quy tắc viết cơ bản đó, tìm từ ngữ hợp văn cảnh, truyền tải chính xác thông điệp với các kỹ thuật viết thu hút.
Mình tin rằng, thực hiện chính xác 5 bước trên với niềm yêu thích và sự kiên trì viết lách mỗi ngày, kỹ năng viết lách của bạn sẽ tiến bộ rõ rệt. Khi đã cảm thấy tự tin với khả năng viết của mình, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu tạo ra thu nhập từ viết lách.
Sau khi tham khảo 5 bước rèn luyện viết lách trên, bạn hãy bắt đầu thực hiện ngay hôm nay nhé! Đừng quên chia sẻ lại với mình qua bình luận hoặc Email sau 1 tuần/ 1 tháng/ 3 tháng bạn duy trì viết mỗi ngày nhé! Mình mong đợi nhận được phản hồi của bạn.
5 bước trên cũng chính là trải nghiệm, quy trình của mình từ một người không có kinh nghiệm và kỹ năng viết đến công việc content writer và xây dựng blog cá nhân.
Tổng kết lại quy trình rèn luyện viết lách mỗi ngày: Từ tay mơ đến tay thạo.
Xác định mục đích → Tìm thể loại/ chủ đề viết → Chọn nền tảng luyện viết → Cố định thời gian mỗi ngày → Viết vô thức đến viết có ý thức.
Ý tưởng cho 50 ngày viết liên tục
Thời gian đầu mình tự rèn luyện thói quen viết lách mỗi ngày qua viết nhật ký, mình không có bất cứ ý tưởng, chủ đề nào để viết. Thời điểm đó, mình có thời gian và thực sự muốn viết nhưng mắc kẹt ở bước tìm chủ đề. Sau 7749 đêm trằn trọc tìm cách để có chủ đề viết mỗi ngày, mình rút ra được kỹ năng “Quan sát để tìm chủ đề”.
Bạn đang không biết viết gì đúng không? Hãy quan sát xung quanh bạn tại thời điểm hiện tại có gì. Có đường phố, có quán cafe, có gia đình… đó chính là chủ đề viết ngày hôm nay của bạn. Hãy chọn 1 thứ bạn am hiểu nhất và bắt đầu luyện viết theo 5 bước trên nhé.
Mình biết, có rất nhiều bạn như mình, tìm chủ đề để viết lách qua quan sát sự vật xung quanh, và bạn đã viết hết các chủ đề xung quanh, bạn cần những ý tưởng đề tài mới mẻ hơn cho hoạt động/ sở thích viết nhật ký, viết mỗi ngày của mình. Bạn tham khảo 50 chủ đề của mình nhé!
(Mình vốn định liệt kê 50 chủ đề phân loại theo nhóm, nhưng mình nghĩ như vậy có vẻ hơi máy móc, nên mình sẽ liệt kê 50 ý tưởng viết lách mỗi ngày theo cách Random nhé!)
Thử thách viết 50 ngày liên tục với 50 chủ đề khác nhau:
- Thói quen hàng ngày của mẹ bạn
- Biển số xe
- Đôi giày cũ
- Cafe vỉa hè
- Mèo con
- Nắng tháng 5
- Tuổi 25
- Thất tình
- Cuốn sách trên bàn
- Tết
- Hàng xóm
- Thời sinh viên
- Cô gái trong mưa
- Vết nhăn trên trán mẹ
- Dừng đèn đỏ
- Tình yêu
- Hạnh phúc
- Màu đen
- Cơn mưa
- Hỉ, nộ, ái, ố
- Công việc đầu tiên
- Quán bar
- Ban công
- Nấu ăn
- Đà Lạt
- Đam mê
- Mùa đông
- Thời khắc
- Nụ cười
- Tấm lưng của bố
- Hài hòa
- Kiên nhẫn
- Niềm tin
- Dịu dàng
- Bà nội
- Ánh mắt
- Học sinh
- Trẻ con
- Vệt nắng
- Hoàng hôn
- Biển
- Nỗi sợ
- Vùng an toàn
- Món quà
- Tuổi thơ
- Trách nhiệm
- Tình thương
- Đố kị
- Màu sắc
- Hoa đào
5 suy nghĩ để duy trì viết lách mỗi ngày
Ở nội dung bên trên, mình có đề xuất bạn tham khảo 5 bước “Làm thế nào để bắt đầu hình thành thói quen viết lách”. Vậy, làm thế nào để sau khi định hướng được thói quen của mình, bạn có thể duy trì thói quen ấy hàng ngày? Dưới đây là một số cách mình áp dụng để duy trì và xây dựng thói quen viết mỗi ngày.
- Điều quan trọng cần nhắc lại 3 lần – Xác định rõ mục tiêu, mục đích của thói quen: Viết lách mỗi ngày vì muốn rèn luyện khả năng viết, viết vì muốn ghi lại cảm xúc cá nhân, viết nhật ký, viết để ai đó đọc… Không cần phải mục tiêu quá lớn lao, bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ để bản thân có thể cảm thấy thoải mái khi thực hiện.
- Luôn luôn nghĩ đến mục tiêu đó mỗi khi bạn trì hoãn, không muốn thực hiện. Ví dụ, mỗi khi mình lười không muốn viết, mình lại nghĩ đến việc hoàn thành 1 chiếc blog cá nhân, nghĩ đến việc duy trì viết liên tục 5 năm, 10 năm… mình sẽ có tài sản chữ đồ sộ. Sau này đọc lại những điều mình đã viết những suy nghĩ năm đôi mươi, mình sẽ nhớ đến cảm giác vui sướng khi hoàn thành mục tiêu viết lách của ngày hôm nay.
- Viết lách mỗi ngày với tinh thần giải tỏa, không áp lực.
- Dành thời gian cố định trong ngày cho việc viết, đặt báo thức nhắc nhở đến thời gian viết 1 điều gì đó.
- Mình thường chọn khung giờ buổi tối khoảng 21h, hoặc trước khi đi ngủ và đặt báo thức trên điện thoại để tránh quên. Ngay khi nhìn thấy báo thức thì mở ứng dụng viết luôn.
- Một yếu tố quan trọng khác trong quá trình xây dựng thói quen viết lách mỗi ngày là tìm kiếm động lực. Ngoài mục tiêu cá nhân, nếu bạn có động lực từ những người xung quanh thì việc ngồi xuống và viết có thể sẽ dễ dàng hơn.
- Theo mình đây cũng là lý do mà nhiều người muốn rèn luyện viết lách chọn viết trên nền tảng mạng xã hội – nơi có nhiều độc giả, thay vì viết note cá nhân. Đôi khi, chỉ một vài tương tác trên bài đăng cũng là động lực để mình duy trì việc viết.
Một số cuốn sách giúp cải thiện viết lách:
- 90-20-30 90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ
- Ý tưởng này là của chúng mình
- Giáo trình Báo chí
- Mình sẽ tiếp tục cập nhật trong thời gian tới...
Hy vọng những chia sẻ về thói quen viết lách mỗi ngày trên có thể tạo thêm động lực cho bạn trong hành trình viết.
* Bài viết gốc: Blogvietlach.com