Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

5 phong cách lãnh đạo có thể là xu hướng của năm 2024

5 phong cách lãnh đạo có thể là xu hướng của năm 2024

Để dẫn dắt một tập thể hiệu quả, các nhà lãnh đạo và quản lý cần nhận thức về những thay đổi quan trọng có thể ảnh hưởng đến ngành, thị trường mà họ đang làm việc và mức độ liên quan của những thay đổi này đối với vai trò lãnh đạo mà họ đang đảm nhiệm.

Bài viết được lược dịch từ bài viết gốc 5 Leadership Trends That Will Shape 2024 của tác giả Rachel Wells đăng trên Forbes.

Chúng ta đã bước vào năm 2024 hứa hẹn nhiều thay đổi mạnh mẽ về mặt quy tắc và quan điểm. Thực tế, nhiều biến đổi lớn đã bắt đầu xảy ra, bao gồm  động lực làm việc và những phẩm chất ở người lãnh đạo mà  người lao động coi trọng. 

Là một nhà lãnh đạo, trách nhiệm của bạn là liên tục cập nhật về những thay đổi quan trọng này. Dưới đây là 5 phong cách lãnh đạo được dự kiến sẽ trở thành xu hướng trong năm 2024:

Lãnh đạo tập trung vào phúc lợi của nhân viên (well-being)

Các nhà lãnh đạo nên quan tâm đến well-being và các sáng kiến giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho người đi làm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người làm việc từ xa, và càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta đã và đang trải qua những biến chuyển lớn của thế giới.

Các nhà lãnh đạo nên quan tâm đến well-being và các sáng kiến giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho người đi làm.
Nguồn: Getty Images

Những biến chuyển này đã làm thay đổi lối sống của mỗi người, chẳng hạn như khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lạm phát, chiến tranh giữa các quốc gia, những quyết định chính trị và cả những bất an đến từ làn sóng sa thải. Theo Hiệp Hội Tâm lý học Hoa Kỳ, khoảng 70% người Mỹ cảm thấy quốc gia không quan tâm đến họ và rất lo lắng bởi cảm thấy quyền con người của họ đang bị đe dọa, bên cạnh đó, có 38% xem xét việc chuyển đến một quốc gia khác.

Báo cáo “Tình hình nơi làm việc trên toàn cầu” của Gallup cho biết 57% người lao động ở Hoa Kỳ và Canada thường xuyên trải qua căng thẳng, trong khi một báo cáo khác từ Viện Nghiên cứu về Stress Hoa Kỳ tiết lộ rằng 83% người Mỹ phải đối mặt với những căng thẳng liên quan đến công việc, điều này khiến cho nền kinh tế thiệt hại 77 tỷ USD.  

Có thể nói, các nhà lãnh đạo và quản lý không thể phớt lờ câu chuyện này nếu họ quan tâm đến việc giảm thiệt hại, nâng cao năng suất và hiệu suất cũng như sự gắn kết giữa các nhân viên. Well-being cần được ưu tiên hàng đầu trong năm 2024, tất cả các nhà lãnh đạo nên nghiêm túc suy nghĩ và bắt tay hợp tác với nhau để phát triển các chiến lược và chính sách đặt vấn đề well-being của nhân viên lên hàng đầu.

Tận dụng AI để nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên.
Nguồn: Pexels

Tận dụng tiềm năng của AI

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) với khởi điểm là ChatGPT, đòi hỏi những nhà lãnh đạo phải áp dụng được công nghệ này ở quy mô lớn. Điều này bao gồm việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên về cách sử dụng AI trong công việc một cách hiệu quả nhằm mang lại lợi ích trong dài hạn, tạo ra công việc chất lượng cao hơn trong thời gian ngắn hơn. 

Từ đó, cải thiện năng suất tổng thể và thúc đẩy well-being. Ngoài ra, tự thân mỗi nhà lãnh đạo hoặc quản lý cũng cần tận dụng dữ liệu để đạt được hiệu suất cao trong vai trò của mình.

Lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc 

Nhân viên mong muốn có những người lãnh đạo biết đồng cảm, có lòng trắc ẩn, sự tự nhận thức, sở hữu khả năng giao tiếp xuất sắc và có thể hướng dẫn họ để đạt được thành tựu thay vì quản lý tiểu tiết hoặc không tin tưởng vào công việc của họ. Điều này đặc biệt quan trọng khi Gen Z sẽ trở thành thế hệ lớn tiếp theo trong lực lượng lao động, trong khi thế hệ Baby Boomers chuyển sang nghỉ hưu. 

Nhiều quản lý và lãnh đạo đã than phiền về thái độ làm việc của Gen Z, những lời than phiền này đôi khi hoàn toàn không phải là vô lý. Thế nhưng, nếu Gen Z đang chuẩn bị trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo, tại sao bạn không trở thành một người hướng dẫn tận tâm để giúp họ phát triển cả về mặt tư duy lẫn năng lực, tạo điều kiện và cơ hội để Gen Z có thể phát huy tiềm lực bản thân và giúp họ trở thành những người xuất sắc trong công việc?

Khi lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc, bạn sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn, từ đó thu hút được nhiều ứng viên chất lượng hơn.
Nguồn: Getty Images

Ngoài ra, khi bạn là một nhà lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc, bạn sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn, từ đó thu hút được nhiều ứng viên chất lượng hơn do xây dựng thành công thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Branding). Những mâu thuẫn ở nơi làm việc cũng vì vậy mà sẽ được giải quyết một cách hiệu quả.

Bình đẳng và đa dạng 

Để thúc đẩy sự đóng góp của đội ngũ nhân viên và hỗ trợ nhân viên trong cả các khía cạnh về sức khỏe, tâm lý, đồng thời thu hút được một đội ngũ ứng viên đa dạng, tiềm năng với nhiều quan điểm phong phú, các nhà lãnh đạo nên loại bỏ những định kiến và chú ý đặc biệt đến các nhóm bị đặt ở vị thế thấp và thiếu tiếng nói đại diện, chẳng hạn như phụ nữ và người da màu, những nhóm này thường không có cơ hội thăng tiến đến các vị trí cấp cao trong tổ chức. 

Gen Z đã và đang thay đổi tư duy theo hướng này và các nhà lãnh đạo cũng sẽ cần thay đổi, cụ thể là tạo ra môi trường thân thiện và chào đón trong tổ chức để dù đến từ nền văn hóa nào hoặc thuộc thế hệ nào, nhân viên cũng có đủ động lực để không ngừng phấn đấu và phát triển. Đặc biệt là nếu lực lượng lao động trong tổ chức của bạn có quy mô toàn cầu hoặc có một số lượng nhân sự làm việc từ xa.

Các nhà lãnh đạo nên loại bỏ những định kiến và chú ý đặc biệt đến các nhóm bị đặt ở vị thế thấp và thiếu tiếng nói đại diện.
Nguồn: Africa Images

Cuộc “đàm phán” lớn

Chuyên gia nhân khẩu học Bradley Schurman trong bản báo cáo “15 ý tưởng lớn sẽ định hình năm 2024” của LinkedIn News chia sẻ: “Những căng thẳng giữa người lao động trẻ và sếp của họ có thể đạt đến điểm đỉnh vào năm 2024, và tất cả mọi người sẽ mất mát nếu cuộc ‘đàm phán lớn’ sắp tới không kết thúc bằng một thỏa thuận tích cực và công bằng”.

Một khi chi phí sinh hoạt ngày càng khó kiểm soát và dự đoán ngành làm việc tự do sẽ tăng vọt lên con số ấn tượng 14,39 tỷ USD vào năm 2030, chiếm phần trăm cao nhất trong tổng thể lực lượng lao động, tăng trưởng nhanh gấp 15 lần so với thị trường việc làm truyền thống. Trong bối cảnh đó, những nhà lãnh đạo và quản lý sẽ cần phải chấp nhận một thực tế khắc nghiệt rằng nhân viên của bạn (đặc biệt là các thế hệ trẻ) không còn chỉ làm việc vì bạn.

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo và quản lý phải thích ứng với xu hướng này, tạo ra các chính sách hỗ trợ nhân viên trẻ làm việc linh hoạt để họ có thể duy trì một mức sống chấp nhận được trong thời kỳ kinh tế nhiều hỗn loạn này.

Các nhà lãnh đạo và quản lý cần tạo ra các chính sách hỗ trợ nhân viên trẻ làm việc linh hoạt để họ có thể duy trì một mức sống chấp nhận được trong thời kỳ kinh tế nhiều hỗn loạn.
Nguồn: @arturmarciniecphotos

Những gì sẽ đến vào năm 2024, có thể nói là một cuộc cách mạng tại nơi làm việc và không giống bất kỳ thời kỳ nào khác. Những nhà lãnh đạo và quản lý nếu muốn thành công và sở hữu được một lực lượng lao động có tư duy tự chủ cần nhận thức về những thay đổi quan trọng này. Hãy chuẩn bị thông qua việc phát triển tư duy và duy trì một thái độ tích cực đối với những sự thay đổi, trong khi vẫn tận dụng công nghệ để duy trì ưu thế cạnh tranh.

Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Forbes