Bookaholic #29: “Dòng sông không ra biển” – Chuyến “hải hành” của người làm truyền thông
Với văn phong phóng khoáng và gần gũi, “Dòng sông không ra biển. Bây giờ mới kể, chuyện làm nghề Truyền thông” là quyển tự truyện đầu tiên về ngành truyền thông của chị Zennie Trang Nguyễn, một chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành đã dẫn dắt người đọc đi qua một hành trình rất dài và thú vị, kể từ khi chị đi du học và bắt đầu dấn thân vào ngành.
Vậy nên, ở số 29 của series Bookaholic, Brands Vietnam đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của chị Zennie Trang Nguyễn xoay quanh quyển sách, cũng như những trải nghiệm và lời khuyên hữu ích liên quan đến ngành truyền thông.
* Đâu là thời khắc thôi thúc chị bắt tay thực hiện quyển sách? Đâu là “ý tưởng lớn” đằng sau tác phẩm này?
Thật ra thì không có khoảnh khắc cụ thể nào, vì từ lâu chị đã có thói quen viết ra suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Thực chất, những lát cắt đầu tiên của quyển sách “Dòng sông không ra biển. Bây giờ mới kể, chuyện làm nghề Truyền thông” được chị bắt đầu viết từ năm 2003, cũng là thời điểm chị vừa mới tốt nghiệp Thạc sĩ tại Mỹ. Kể từ đó, chị cứ ghi lại cho đến năm 2016 thì bản thảo lần đầu tiên được hoàn thiện.
Tuy nhiên, sau chuyến đi Los Angeles để “tự thưởng” bản thân trong năm 2016, chị đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận vấn đề. Vậy nên chị quyết định thay đổi hoàn toàn bản thảo đầu tiên bằng cách loại bỏ những ghi chép mang tính cá nhân và chủ quan, nhằm đảm bảo nội dung được truyền tải một cách khách quan, đồng thời có giá trị lan tỏa đến với độc giả. Bản thảo này được chị viết lại từ năm 2016 đến năm 2022 và cũng chính là quyển sách mà các bạn đang cầm trên tay.
Về cái tên, chị đã có cơ hội trò chuyện với một người chú có nhiều năm kinh nghiệm trong giới thi ca – văn nghệ. Theo chú ấy, “dòng sông không ra biển” là một hình ảnh thể hiện sự lấp lánh về “quyền năng” của sự lựa chọn. Theo lẽ tự nhiên, mọi dòng sông đều ra biển và điều đó đâu có gì đặc biệt. Do vậy, chú ấy đã khuyên chị lựa chọn cái tên này vì “dòng sông không ra biển” mới là dấu ấn đặc biệt đã làm nên cuộc đời của chị.
Tuy nhiên, với cái tên này, độc giả có thể hiểu nhầm rằng đây là một quyển tiểu thuyết. Vậy nên chị đã gặp gỡ nhiều chuyên gia trong ngành khác để thảo luận về vấn đề này. Sau khi gặp gỡ Huỳnh Vĩnh Sơn thì Sơn đã gợi ý chị đặt thêm một tiêu đề phụ. Vì thế, chị quyết định bổ sung thêm tiêu đề phụ là “Bây giờ mới kể, chuyện làm nghề Truyền thông”.
* Phần lớn nội dung trong chương 1 “Gieo mầm trên đất lạ” là hành trình du học, vậy nên em muốn hỏi rằng hiện nay có rất nhiều bạn trẻ sau nhiều năm đi làm cảm thấy “chững lại” và muốn làm gì đó khác biệt, chẳng hạn như đi du học chẳng hạn. Chị có lời khuyên nào cho các bạn ở giai đoạn này, đặc biệt là các bạn trong ngành truyền thông?
“Dòng sông không ra biển” là một hình ảnh thể hiện sự lấp lánh về “quyền năng” của sự lựa chọn.
Khi nói về sự “chững lại”, chị muốn so sánh với hình ảnh dòng sông. Đôi khi, ngay cả chính dòng sông và những người đang quan sát cũng không nhận ra rằng dòng sông đó đang trôi, trừ khi có ai đó thả một viên đá vào. Qua hình ảnh này, chị muốn hỏi rằng khi các bạn trẻ cảm thấy bản thân đang chững lại, liệu đó phải sự thật hay chỉ là vài khoảnh khắc chán nản?
Bạn trẻ nào đang thấy “chững lại”, điều đầu tiên mà các bạn cần làm là “thả mình” vào “dòng sông” của công việc, nhằm nhìn lại những thách thức và cơ hội, cũng như bạn đang thật sự muốn gì từ công việc này. Thông thường, khi chán nản thì các bạn sẽ cảm thấy công việc khác thú vị hoặc tích cực hơn. Tuy nhiên, các bạn có bao giờ nghĩ rằng sự lựa chọn kế tiếp sẽ là một sự “chững” tiếp theo không? Đó là kết quả sẽ xảy ra nếu các bạn không đối thoại với chính mình để xác định vấn đề khiến bản thân đang “chững lại” là gì.
Có một vài bạn trẻ tâm sự với chị rằng các bạn ấy đang chán công việc viết lách hoặc cảm thấy không phù hợp với ngành nghề này. Khi nghe được điều này, chị thường hỏi rằng thay vì đi du học MBA hoặc chuyển sang công ty khác, tại sao bạn không chọn những thứ khiến bản thân yêu thích công việc hiện tại hơn. Khi đã nỗ lực hết mình, đã vận dụng mọi công cụ và nguồn lực sẵn có mà vẫn không đạt được điều mình muốn thì đó mới là lúc để tìm đến những sự lựa chọn mới.
Do vậy, mỗi khi cảm thấy đang “chững lại” trong công việc, hãy thách thức bản thân với công việc hiện tại, thay vì vội rời đi để tìm vùng an toàn mới.
* Trong chương 2 “Kể trên đường làm nghề”, chị có khởi điểm làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia. Theo chị, marketers mới ra trường nên bắt đầu làm việc tập đoàn đa quốc gia hay những công ty có quy mô nhỏ hơn? Hai môi trường này có ưu – nhược điểm gì?
Dĩ nhiên, tập đoàn đa quốc gia có nhiều phúc lợi hơn các công ty nhỏ. Tuy nhiên, các bạn làm việc tại công ty có quy mô nhỏ cũng đừng nghĩ rằng bản thân thiệt thòi hơn những người làm việc ở tập đoàn lớn.
Về ưu – nhược điểm, theo trải nghiệm cá nhân của chị thì ưu điểm đầu tiên khi vào tập đoàn lớn là các chương trình huấn luyện. Công ty đầu tiên mà chị làm việc là Dutch Lady Việt Nam có rất nhiều chương trình đào tạo chất lượng cho nhân viên mới. Từ những kiến thức trong nhà trường cho đến thực tế là một hành trình rất dài, mang tính tiếp nối và giúp chị học hỏi được rất nhiều.
Ưu điểm thứ hai là các bạn sinh viên mới ra trường sẽ rất tự tin khi làm việc tại tập đoàn đa quốc gia bởi vì tình trạng “lọt sàng xuống nia”. Điều này có nghĩa là nếu như vì một sự cố nào đó mà bạn không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn có cấp trên hoặc đồng nghiệp khác giải quyết giúp bạn.
Trong khi đó, các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc ở các công ty nhỏ có một lợi thế là có thể làm mọi thứ và được quyền ra quyết định. Tuy nhiên, do chưa có nhiều trải nghiệm, đôi khi bạn sẽ không thể đưa ra quyết định sắc bén và phải đối mặt với những thất bại.
Vậy nên, các bạn rằng hãy nhìn lại những cơ hội bản thân đang có và hãy cố gắng hết mình với điều đó, ngay cả khi phạm phải sai lầm, bởi vì đó là tiền đề để vững vàng hơn trong tương lai.
* Ở các lát cắt sau thuộc chương 2, chị đã rời khỏi công ty đa quốc gia (client) để chuyển sang agency. Theo chị thì marketers sẽ học được những gì khi làm việc tại hai môi trường này?
Trước khi đi vào vấn đề, chị sẽ chia sẻ về quyết định làm việc tại Dutch Lady Việt Nam. Khi đó, họ đang có đợt tuyển dụng cho chương trình Management Trainee nhưng chị lại không muốn tham gia. Chị có trao đổi với mentor rằng chị chỉ muốn tham gia chương trình Marketing Trainee, bởi vì chị chỉ muốn làm marketing chứ chưa có dự định làm lãnh đạo hoặc quản lý. Khi nói ra điều đó, chị biết rằng cơ hội mình không được nhận vào rất cao. Thế nhưng, chị luôn nghĩ rằng khi cuộc đời cho mình lựa chọn, nếu mình không chọn thì ai đó cũng sẽ chọn cho mình thôi.
May mắn là chị vẫn được nhận vào bộ phận Marketing cho thương hiệu YoMost thuộc Dutch Lady Việt Nam. Trong một năm làm Brand Management tại YoMost, chị đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc do có cơ hội trải nghiệm nhiều thứ. Chị rất may mắn vì được tham gia vào quá trình lập kế hoạch thương hiệu (brand plan) trong 3 năm và thiết lập tầm nhìn thương hiệu (brand vision) trong vòng 5 năm.
Trong quá trình làm việc tại YoMost, chị cũng có cơ hội làm việc với các agency. Lúc ấy thì chưa có khái niệm client và agency rõ ràng như bây giờ, chị chỉ biết rằng đó là những công ty làm dịch vụ sáng tạo. Khi đó, chị thấy những con người làm việc trong agency vừa sáng tạo, vừa được tự do, vừa tràn trề năng lượng. Trong khi đó, chị thấy dù công việc tại YoMost thú vị, song áp lực đi kèm cũng quá nhiều.
Vào thời điểm đó, chị lại đứng trước lựa chọn là nên tiếp tục làm việc cho client hay là chuyển qua agency. Với những chuyện mà bản thân tự quyết định rồi thực hiện trong âm thầm thì sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, khi bạn nói với những người xung quanh thì sẽ phải nhận những ý kiến trái chiều và khiến bạn cảm thấy như có tiếng nói phản đối cứ văng vẳng trong đầu.
Khi cuộc đời cho mình lựa chọn, nếu mình không chọn thì ai đó cũng sẽ chọn cho mình thôi.
Ngay từ ngày đầu tiên làm việc tại PR agency, chị đã nghĩ đến bức tranh bầu trời sao lung linh của ông Van Gogh. Không có nhiều người biết rằng để vẽ được bầu trời sao đó, ông ấy phải vượt qua nhiều giới hạn của bản thân do đang ở trong bệnh viện tâm thần. Khi ấy, chị tự nhủ với bản thân rằng con đường sự nghiệp của mình cũng phải rực rỡ như bầu trời sao ấy, phải vượt qua khỏi mọi giới hạn và những tiếng nói phản đối tồn tại trong tâm trí. Thế là chị quyết tâm dấn thân vào con đường agency và được làm tất cả mọi thứ mình muốn, đúng nghĩa là độc lập, tự do và hạnh phúc (cười).
Về bản chất, agency có nhiệm vụ xác định lại những giá trị mà thương hiệu đã xây dựng và tìm cách truyền tải đến người tiêu dùng. Do vậy, agency và client hợp tác với nhau để có một hành trình tiếp nối có thể đi vào tâm trí người tiêu dùng. Vậy nên sự khác biệt nằm ở việc bạn thích truyền tải thông điệp đến người tiêu dùng, hay là bạn muốn xây dựng thuộc tính của thương hiệu và đưa cho một đối tác tin cậy để triển khai kế hoạch truyền thông.
Về môi trường làm việc, tại client, cấp trên là người đưa ra những thách thức và áp lực cho nhân viên cấp dưới. Còn ở agency, khi đảm nhận vị trí càng cao, bạn càng phải cố gắng mang những giá trị cho agency. Đó cũng là động lực để chị làm tốt hơn từng ngày.
* Được biết, chị từng hợp tác cùng với một người bạn để thành lập studio thiết kế. Như vậy, trong hành trình này thì chị đã có trải nghiệm như thế nào và rút ra được những bài học gì?
Khi đó kinh tế đang khủng hoảng, các thương hiệu cắt giảm chi phí cho truyền thông nên agency thì gặp vấn đề cạnh tranh về giá. Dẫu vậy, chị nghĩ rằng các thương hiệu không thể nào từ bỏ hoàn toàn mảng truyền thông, ngay cả khi kinh tế khó khăn, bởi vì đó là phương tiện duy nhất để tiếp cận người tiêu dùng. Do đó, chị và một người bạn đã quyết tâm thành lập một Creative Boutique, nhằm giúp thương hiệu duy trì đối thoại với người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn.
Với chị, đó là một hành trình rất đẹp. Thứ nhất là do hoàn cảnh lúc bấy giờ buộc chị phải sống hết mình với những gì đang có. Thứ hai là chị thấy người Việt tại các creative agency chịu nhiều thiệt thòi lắm. Họ gần như không có cơ hội được ngồi vào những chiếc ghế quan trọng tại agency, trong khi năng lực không hề thua kém bất cứ ai. Do đó, chị nghĩ rằng Creative Boutique của mình phải tạo cơ hội cho những người Việt làm nghề sáng tạo.
Để trưởng thành và phát triển, bạn phải tự thử thách bản thân mình nhiều hơn, thay vì tìm kiếm những điều dễ dàng.
Trong những năm đó, may mắn là bọn chị cũng có chuyên môn và nghiêm túc với nghề nên cũng gặt hái được một số thành quả nhất định. Khi mà agency của chị vẫn còn rất mới, nhân lực vẫn chưa nhiều thì lần đầu tiên thắng thầu mang lại cho chị một cảm giác rất tuyệt vời. Đó là điều mà chị không cảm nhận được khi làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia.
Cơ mà cuộc sống đâu đơn giản và thuận lợi mãi. Để tiếp tục tăng trưởng thì bạn phải đối mặt với nhiều thử thách khác, chứ không nên “ngủ quên trên chiến thắng”. Hóa ra, chuyến “hải hành” mà chị ngỡ rằng phải trải qua nhiều sóng gió lại quá êm đềm. Chị nhận ra mình không nên đi tiếp cùng với người bạn đồng hành trên hành trình này.
Khi đó, chị xác định bản thân sẽ luôn đồng hành cùng những người sáng tạo Việt Nam, nhưng chị không muốn tạo ra vùng an toàn cho họ. Bởi vì để trưởng thành và phát triển, bạn phải tự thử thách bản thân nhiều hơn thay vì tìm kiếm những điều dễ dàng.
* Kể từ sau đó đến nay, chị đã lựa chọn đi theo con đường làm freelancer, vậy chị có lời khuyên gì cho những bạn có nguyện vọng làm việc tự do trong tương lai không?
Đúng là bây giờ có nhiều cơ hội để làm việc tự do, song công việc này có rất nhiều thách thức. Do đó, nếu không vượt qua được những thách thức của công việc toàn thời gian, bạn không nên nghĩ đến việc trở thành freelancer.
Khi quyết định trở thành freelancer thì chị đã vượt qua nhiều áp lực và không ngừng tự thách thức bản thân để bước đi trên con đường riêng. Đừng chọn làm việc tự do chỉ vì muốn tìm kiếm sự lựa chọn an toàn hơn. Bởi vì công việc tự do không hề tự do, mà đòi hỏi tính kỷ luật cao và chuyên môn vững vàng. Nếu chưa làm được điều đó, bạn nên trau dồi và thử thách bản thân nhiều hơn trước khi đưa ra quyết định trở thành freelancer.
* Có lát cắt (slice) nào trong quyển sách mà chị không hài lòng không?
Đó là lát cắt “Tiệm cận điểm gãy đổ” kể về thời điểm chị quay lại Publicis Vietnam. Khi đó, chị được cấp trên (một người chị rất yêu quý và tôn trọng) trao cho nhiều cơ hội. Dù thấy vui vẻ trên hành trình này, song khối lượng công việc ngày càng nhiều và dồn dập khiến chị và mọi người đều rất mệt mỏi và chán nản. Đó cũng là thời điểm khó khăn nhất trong nghề của chị.
Sau bao nhiêu giằng xé nội tâm, chị quyết định xin nghỉ việc. Dẫu vậy, khi đó chị cảm thấy tan nát cõi lòng vì không còn cơ hội nào để làm cùng một người mà mình rất yêu quý và tôn trọng. Dẫu vậy, trong lòng chị vẫn có thôi thúc rằng mình không nên tiếp tục mà phải dừng lại thôi, ngay cả khi chưa có kế hoạch gì tiếp theo.
Như vậy, đó là giai đoạn đầy khó khăn và thử thách với chị, thế nhưng trên sách thì lại được diễn đạt một cách rất nhẹ nhàng. Đáng tiếc là chị không có một giải pháp nào cụ thể và khi cầm quyển sách này trên tay, chị cũng không thật sự muốn thay đổi bất cứ điều gì cả.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của chị Trang!
Bạn đọc có thể mua sách tại đây.
Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.
Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam