Ứng dụng hệ thống thông tin vào thực hiện mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp
MBA Talk #65 với chủ đề “Link the Information System to strategic business objectives” đã tạo điều kiện để học viên PSO MBA trao đổi và cập nhật những thông tin thú vị, hữu ích về cách liên kết giữa dữ liệu, thông tin và mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
Tại buổi hội thảo MBA Talk #65, các học viên đã có cơ hội hỏi đáp trực tiếp dựa trên những chia sẻ đầy kinh nghiệm từ Ông Lê Quốc Trung – Finance Director, FrieslandCampina Việt Nam và ông Võ Hữu Duy Cường – Head of Digital Transformation, NS BlueScope Việt Nam cùng sự dẫn dắt tâm huyết của TS Ngô Công Khánh – ISB Lecturer.
Dữ liệu trong doanh nghiệp xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng
Tại MBA Talk #65, ông Lê Quốc Trung giới thiệu bối cảnh chung về cách thu thập và xử lý dữ liệu thường gặp trong doanh nghiệp:
- Giai đoạn thu thập dữ liệu: Trong giai đoạn này, các dữ liệu từ nhiều phòng ban khác nhau như Finance, Manufacturing, Supply chain, v.v. được “đổ” vào Data lake (Bể dữ liệu). Tại đây tập hợp các loại dữ liệu bao gồm internal data (dữ liệu nội bộ), external data (dữ liệu bên ngoài), structured data (dữ liệu có cấu trúc), unstructured data (dữ liệu phi cấu trúc).
- Giai đoạn phân tích dữ liệu: Từ các dữ liệu trong tầng Data lake, doanh nghiệp cần chọn lọc dữ liệu có giá trị cho Data hub (Trung tâm dữ liệu). Đây là nơi information system (hệ thống thông tin) kết hợp, phân tích dữ liệu “thô” thành dữ liệu có cấu trúc, tạo tiền đề để tìm ra insight sâu sắc, có giá trị cho tổ chức. Dữ liệu ở tầng này được ông Trung đánh giá là hữu dụng, có thể dùng trong triển khai các kế hoạch doanh nghiệp, với nhiều mục đích khác nhau.
- Giai đoạn sử dụng thông tin (Data consumption): Trong giai đoạn này, doanh nghiệp có thể dùng dữ liệu đã chọn lọc để phục vụ cho những yêu cầu và mục đích khác nhau của doanh nghiệp, tiến hành đa dạng các hoạt động chiến lược.
03 dạng thông tin thu được từ dữ liệu
Khi được hỏi về những thông tin giá trị mà dữ liệu mang lại, ông Trung đặc biệt nhấn mạnh 03 dạng thông tin có thể ứng dụng vào thực hiện mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, đổi mới hoặc ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới:
- Descriptive information (Thông tin mô tả): Thông tin này giúp doanh nghiệp trả lời được câu hỏi “Điều gì đã xảy ra”, sử dụng phương pháp thống kê để mô tả những dữ liệu trong quá khứ. Từ đó, doanh nghiệp có thể phát hiện những bất thường và xu hướng trong quá khứ.
- Predictive information (Thông tin dự đoán): Thông tin này giúp doanh nghiệp có thể dự đoán về những xu hướng có thể xảy ra trong tương lai.
- Prescriptive information (Thông tin đề xuất): Với thông tin này, doanh nghiệp có thể xác định những hành động cần thực hiện để giải quyết một vấn đề hoặc đưa ra quyết định.
Tối ưu hóa quá trình vận hành để thực hiện mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp
Với những tri thức và thông tin giá trị được tạo ra từ dữ liệu, doanh nghiệp có thể tiến hành điều chỉnh, tối ưu hóa quá trình vận hành để thực hiện mục tiêu chiến lược của tổ chức.
Ví dụ, với mục tiêu tăng trưởng doanh thu và tập trung vào những yếu tố tạo ra giá trị, ông Võ Hữu Duy Cường đề xuất doanh nghiệp cần xác định các yếu tố cốt lõi góp phần đạt được mục tiêu như platform (các yếu tố nền tảng), manufacturing efficiency (hiệu suất sản xuất), data operation (vận hành dữ liệu) và customer solutions (giải pháp quản trị khách hàng), từ đó đề xuất chiến lược phù hợp cho từng yếu tố.
Về yếu tố nền tảng, trước hết nên tiến hành xác định các đối tượng cốt lõi trong quá trình vận hành (identification), sau đó hợp lý hóa, cân nhắc để tăng hiệu quả kinh doanh (rationalization) và cuối cùng là quản trị chúng (governance).
Về hiệu quả sản xuất, Head of Digital Transformation tại NS BlueScope Việt Nam gợi ý quá trình sản xuất muốn đạt hiệu quả cần bắt đầu từ sản xuất bền vững, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng (sustainability), phát triển khả năng sản xuất với sự bền bỉ, phục hồi nhanh khi đứng trước khó khăn (resilience), sau cùng là số hóa quá trình sản xuất, sử dụng công nghệ số để cải thiện và tối ưu hóa quy trình và hoạt động (digitalization).
Về vận hành hệ thống dữ liệu, ông Cường đề xuất nên chuyển đổi từ vận hành truyền thống sang việc số hóa (digitizing operations), nâng cao thành re-engineering – tái cấu trúc và chuyển đổi hệ thống khi cần thiết (transformation).
Về giải pháp cho khách hàng, trước tiên cần chú trọng xây dựng kế hoạch chi tiết về cách thức triển khai quá trình chăm sóc khách hàng (blueprint), đổi mới để nâng cao trải nghiệm khách hàng (customer experience) và giúp khách hàng làm rõ những lợi ích có được khi chọn lựa sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp (customer value proposition).
Các “ông lớn” ngày nay đạt mục tiêu kinh doanh nhờ dữ liệu như thế nào?
Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã cùng học viên PSO MBA điểm qua cách doanh nghiệp logistics, giải trí và thương mại điện tử thực hiện mục tiêu chiến lược nhờ sức mạnh của dữ liệu.
Về các doanh nghiệp logistics, để việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả và tối ưu cần kết hợp nhuần nhuyễn các dữ liệu về nhu cầu, đặt hàng của khách hàng, từ đó có thể dự báo, tối ưu mạng lưới, đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả vận hành và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây được xem như một trong những phương pháp để cách doanh nghiệp logistics rút ngắn con đường đi đến thành công.
Netflix – dịch vụ phát trực tuyến với đa dạng các thể loại, đồng thời tự sản xuất nhiều bộ phim đình đám như Stranger Things, The Haunting of Hill House, v.v.. Những thành công này có thể được lý giải bằng việc lưu lại dữ liệu về hành vi, sở thích của khách hàng, từ đó cung cấp các sản phẩm đáp ứng được hầu hết những điều đó.
Kết
Dữ liệu trong doanh nghiệp là vô cùng đa dạng và phong phú, việc chọn lọc dữ liệu có ích kết hợp sử dụng hệ thống thông tin để hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp là một quy trình đầy phức tạp và thách thức. Với những chia sẻ từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, hy vọng học viên PSO MBA đã trang bị lượng kiến thức vững vàng, sẵn sàng chinh phục quy trình thách thức này.
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam và nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).
Xem thêm các bài viết từ PSO MBA tại đây.