Brands Vietnam 2023 Review: Top 10 podcast được nghe nhiều nhất
Trong năm 2023, những podcast thuộc series chuyên môn ra mắt vào năm trước tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo khán thính giả, và một lần nữa cảm nhận được tầm quan trọng của những vấn đề tuy cũ nhưng “kể mãi vẫn chưa hết chuyện”.
Đó là những lưu ý của một marketer khi đi thị trường, thấu hiểu insight của những ngành hàng đầy cạnh tranh, “đào sâu” những chủ đề nổi bật của năm 2023 như Chat GPT, khám phá câu chuyện đằng sau chiến dịch đầy cảm xúc của PNJ trong The Brief và lắng đọng với câu chuyện của một founder Production House Agency, một du học sinh từng là manager của Ogilvy, khai phá những góc nhìn mới về quản lý chuỗi cung ứng và một lần nữa bàn về câu chuyện “old but gold” – hoạt động CSR của doanh nghiệp tại Việt Nam.
1. Đi thị trường #6: Kênh cửa hàng tiện lợi – Kênh lai giữa on-trade và off-trade
Dù cùng thuộc hệ thống Modern Trade (MT) nhưng khác với kênh siêu thị, kênh cửa hàng tiện lợi (CVS) thường có quy mô nhỏ hơn, có chỗ gửi xe tiện lợi, shopper có thể mua sắm nhanh chóng hơn. Có thể xem đây là kênh lai giữa on-trade và off-trade, với ngành hàng chủ đạo là sản phẩm đồ ăn đóng gói, nước uống tiêu dùng tại chỗ. Kênh này còn có tính cá nhân hóa và thường xuyên cập nhật các mặt hàng mới, hàng có tính độc – lạ để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Podcast Đi Thị Trường số này đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng về những tính chất đặc thù của kênh cửa hàng tiện lợi mà marketer khi đi thị trường cần lưu tâm, những khu vực cần quan sát khi đến kênh CVS như khu vực đầu kệ, quầy tính tiền… và khung giờ lý tưởng đi kênh để có thể nắm bắt đúng insight của người dùng.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
2. Consumer Insight #4: Thị trường Thời trang – Bản sắc cá nhân giao thoa cùng văn hóa thương hiệu
Tính bản sắc cá nhân trong thời trang là yếu tố làm nên sự khác biệt của ngành hàng này so với phần còn lại của thị trường Lifestyle. Thế nhưng, ngành này đang phải trải qua quá trình đồng nhất phong cách khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Có rất nhiều khía cạnh mà thương hiệu cần xem xét kỹ lưỡng nếu muốn được nhớ đến và không bị hòa lẫn vào một bức tranh lớn vốn đã có rất nhiều màu sắc phức tạp.
Chẳng hạn như về tính độc đáo và sáng tạo, sự đổi mới là yếu tố quan trọng. Đó có thể là đổi mới về chất liệu, thiết kế, sản phẩm hoặc phong cách. Ngoài việc am hiểu về người tiêu dùng, thương hiệu nên “mở cửa” quan sát những xu hướng ngoại nhập. Và tất cả những khía cạnh khác để một thương hiệu có thể đáp ứng được giá trị tinh thần khách hàng mong đợi và trở nên nổi bật đều được “bật mí” trong số podcast này của Consumer Insight.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
3. Deep Dive #13.2: Sự tiến hoá của social – Đầu tư như thế nào là hiệu quả?
Trong số thứ 13 của series Deep Dive, Brands Vietnam đã thảo luận về vai trò của mạng xã hội và những cách đầu tư phù hợp trong bối cảnh tiến hoá thần tốc của nền tảng này. Sở dĩ Brands Vietnam đặt vấn đề này là bởi từ năm 2020 trở đi đã có nhiều biến đổi như sự trỗi dậy của Crypto, kéo theo các mạng xã hội nhắn tin theo nhóm như Telegram, WhatsApp, và gần đây là sự trỗi dậy của nền tảng giải trí video ngắn TikTok.
Tiếp nối cho nội dung phần đầu tiên, trong tập podcast lần này, anh Ngô Minh Thuận, CEO của DNA Agency và anh Ngô Chí Dũng, CEO của 1990 đã bàn về chủ đề tối ưu đầu tư ngân sách trên mạng xã hội, đặt ra KPI cho từng kênh và việc phân bổ nguồn lực của thương hiệu khi triển khai các chiến dịch bán hàng trên mạng xã hội.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
4. Supply Chain Management #1: Quản lý chuỗi cung ứng là làm logistics?
Logistics là một bộ phận thuộc chuỗi cung ứng và không dùng để chỉ toàn bộ chuỗi cung ứng. Trong khi đó, chuỗi cung ứng là một phạm trù rộng hơn việc lưu kho, vận chuyển. Cụ thể, chuỗi cung ứng cơ bản của một doanh nghiệp sản xuất bao gồm những đầu việc sau: hoạch định nhu cầu, thu mua nguyên vật liệu, sản xuất và cuối cùng mới đến khâu vận chuyển.
Trong podcast số này, chị Lý Ngọc Phương – Former Strategic Planning Manager Wilmar CLV – một lần nữa khẳng định quản lý chuỗi cung ứng không chỉ xoay quanh logistics. Đặc biệt là nếu gặp tình trạng đứt gãy, hãy xem xét chu trình xử lý với 4 bước cơ bản gồm: (1) xác định rủi ro, (2) đánh giá, phân tích mức độ ảnh hưởng và (3) xây dựng kế hoạch xử lý rủi ro và (4) theo sát quá trình xử lý và linh hoạt thay đổi giải pháp.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
5. Re-think CSR #19: “Biến đổi khí hậu bắt đầu truyền cảm hứng cho hoạt động CSR”, Chief Planner MIR Activation
Nếu quan tâm đến các hoạt động CSR của doanh nghiệp, hẳn bạn đã từng nghe qua sự kiện như thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Cocoon kết hợp với Quỹ động vật Á Châu để ra mắt bộ sản phẩm có tên “Chung tay chấm dứt cưỡi voi”, cũng tức là trách nhiệm xã hội thể hiện qua chính sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Và đó cũng chính là một trong hai sự chuyển dịch thú vị mà ông Khôn Phạm – Chief Planner tại MIR Activation – đã chia sẻ trong số podcast này.
Bên cạnh đó, ông Khôn Phạm cũng bày tỏ quan điểm biến đổi khí hậu tác động đến mọi phương diện của cuộc sống và nền kinh tế chứ không chỉ riêng một khía cạnh nào. Do đó, với một doanh nghiệp nếu hướng đến việc theo đuổi mục tiêu này, có rất nhiều hoạt động mà doanh nghiệp có thể thực hiện. Cụ thể hơn, đó có thể là thay đổi về mặt công nghệ, sử dụng bao bì tái chế đến tiết kiệm điện, nước trong quá trình sản xuất, đến tận dụng các owned media như website, fanpage… để góp phần nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
6. Deep Dive #12.2: 5 ứng dụng của ChatGPT trong ngành Marketing
Sau những lời khen đến từ Silicon Valley và Phố Wall, ChatGPT của Open AI đã trở thành hiện tượng toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều câu hỏi được đặt ra rằng liệu ChatGPT sẽ đặt nền móng cho việc đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ công việc sâu hơn hay đơn thuần chỉ là ngọn cờ làm sôi động lại dòng vốn đổ vào các công ty AI, khi mà mô hình Kinh Tế Chia Sẻ hoặc Blockchain đã không còn sức hút.
Ở phần 1, Brands Vietnam đã đề cập đến việc ChatGPT nói riêng và AI nói chung đang trở thành một xu hướng ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp thì trong số podcast này, anh Hồ Đông Thụ đã đề cập đến ảnh hưởng của xu hướng này đối với ngành Marketing, những ưu và nhược điểm của AI cũng như vai trò trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
7. Young Agencies #18: Rare Reversee – Studio Production nhưng không giới hạn mình trong khâu sản xuất hậu kỳ
Rare Reversee là một production studio chuyên về CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Tuy nhiên, studio không đơn thuần chỉ làm CGI mà còn “lấn sân” mảng Creative. Tính đến nay, Rare Reversee thực hiện hơn 50 dự án sáng tạo cho nhiều tổ chức, thương hiệu từ đa dạng lĩnh vực, ngành hàng như Unilever, Samsung, Garena…
Rare Reversee từng có cơ hội tham gia thực hiện TVC cho thương hiệu nước giặt OMO Matic trong khuôn khổ chiến dịch “Sạch siêu bẩn, sáng chuyện hay” hay làm việc với Cơ quan Phát triển Trẻ em (ECDA) – một tổ chức phi lợi nhuận ở Singapore để góp một phần trong chiến dịch khích lệ những đối tượng có quan tâm đến lĩnh vực giáo dục cùng nuôi dưỡng thế hệ mầm non của đất nước. Trong số podcast này, toàn bộ về câu chuyện thành lập của Rare Reversee đã được tiết lộ qua chia sẻ của anh founder – Lê Doãn Đăng Khoa.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
8. Đi thị trường #8.1: Văn hóa quán nhậu Thái Lan, Singapore và Malaysia khác Việt Nam như thế nào?
Cũng cùng phục vụ chai bia kích cỡ lớn, trong khi người tiêu dùng Thái Lan chia sẻ với nhau, người tiêu dùng Singapore và Malaysia lại có văn hóa thưởng thức bia theo cá nhân. Kênh quán nhậu On-trade tại Thái Lan cũng có 3 loại hình chính giống với thị trường Việt Nam đó là hàng quán bình dân; quán bia chill; và quán bar/ pub.
Buổi trò chuyện thú vị giữa host là anh Nguyễn Quang Hiệp – hiện là Giảng viên tại Brand Camp và chị Nguyễn Thị Như Ngọc – Head of Marketing tại ME Group Asia và từng có hơn 7 năm làm việc tại công ty nghiên cứu thị trường Kantar trong số podcast số 8 của series Đi thị trường chính là lý giải cho sự khác biệt, cũng như nhấn mạnh về những đặc điểm đáng chú ý khi xem xét kênh quán nhậu On-trade tại 3 thị trường nước ngoài này.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
9. Du học Marketing #10: Nguyễn Hoàng Bảo @ Padova University – Gap-year và hành trình định hình bản thân tại Ý
Đa phần du học sinh sẽ cảm thấy sốc văn hoá trong thời gian đầu sinh sống nơi xứ người. Thế nhưng với anh Nguyễn Hoàng Bảo – cựu Account Manager của Ogilvy, Communications Manager của một ứng dụng công nghệ khu vực Đông Nam Á, và hiện đang du học Master of Entrepreneurship and Innovation tại Padova University (Ý), có một “cuộc chiến” tâm lý khác cũng rất cam go mà nhiều du học sinh dễ gặp phải là định hình cá tính và định hướng cuộc sống.
Anh chia sẻ: “Vô vàn câu hỏi ‘tại sao’ trong cuộc sống xuất hiện thường trực trong tâm trí tôi. Đến nay đã hơn nửa năm làm quen cuộc sống nơi xứ người, tôi vẫn thường xuyên gặp nhiều trăn trở tâm lý, nặng có, nhẹ có, xoay quanh các vấn đề trên. Và tôi biết chỉ có mình mới thấu hiểu, đối diện với hành trình này và tìm lời đáp cho những câu hỏi lớn về cuộc sống của chính mình”.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
10. The Brief #14: Trao nhau khoảnh khắc, ghi dấu một đời – PNJ đặt mục tiêu tạo lập thị trường, biến Valentine thành lễ hội cầu hôn
Qua khảo sát, PNJ đã ghi nhận con số 90% phụ nữ Việt không được cầu hôn trước khi kết hôn. Do đó, thương hiệu mong muốn lan tỏa giá trị, ý nghĩa của khoảnh khắc cầu hôn đến với đa dạng tệp shopper mục tiêu thông qua chuỗi chiến dịch True Love.
Với những thành công nhất định từ chuỗi chiến dịch True Love, PNJ đã dần xây dựng được sự gắn kết về mặt cảm xúc khá tốt với tệp khách hàng mục tiêu thông qua những thông điệp tình yêu tích cực, cởi mở.
Thông qua những chia sẻ chị Lê Thị Ngọc Huyền, hiện là Brand Manager tại PNJ, số podcast của The Brief lần này đã “vén màn” quá trình lên ý tưởng triển khai chiến dịch truyền thông đã giúp PNJ ghi điểm trong lòng người tiêu dùng.
Nghe đầy đủ podcast tại đây.
Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam