Brands Vietnam 2023 Review: Nhìn lại 6 sự kiện “gây bão” trong năm
Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2023 chính thức khép lại, hãy cùng Brands Vietnam xem lại 6 sự kiện của các thương hiệu trong nước và quốc tế đã thu hút sự quan tâm của marketers trong năm vừa qua nhé!
1. ChatGPT và “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo
Vào cuối tháng 11/2022, sự xuất hiện của ChatGPT do OpenAI phát triển đã nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Trong năm 2023, những ông lớn công nghệ khác như Microsoft, Meta, Google, Amazon… cũng dấn thân vào lĩnh vực này và phát triển những chatbot của riêng họ. Các doanh nghiệp lớn nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn thế giới đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này, nhằm tối ưu quy trình làm việc, cũng như tiết kiệm chi phí vận hành.
Vậy đâu là lý do khiến ChatGPT được quan tâm nhiều như thế? Ở bài viết số 12.1 của series Deep Dive, Brands Vietnam đã có cơ hội thảo luận với anh Hồ Đông Thụ – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành tại Think Digital Việt Nam về vấn đề này. Theo nhận định của anh Thụ, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng từ những năm 1950, tuy nhiên khi đó sự phát triển của AI gặp nhiều thách thức do những hạn chế về phần cứng, phần mềm và dữ liệu.
Cho đến những năm gần đây, với sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến như máy học (machine learning), học sâu (deep learning) và dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo đã đạt được bước tiến vượt trội, và ChatGPT chính là một trong những kết quả rõ ràng nhất. Anh Thụ nói thêm, sự ra đời của ChatGPT được xem như là cột mốc đánh dấu sự chuyển giao khi những công nghệ phức tạp như máy học và dữ liệu lớn trở thành một giao diện chat quen thuộc với phần lớn người dùng internet.
Bên cạnh phần chia sẻ của anh Thụ, Brands Vietnam cũng có những bài viết đáng chú ý khác xoay quanh chủ đề trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như ứng dụng ChatGPT trong ngành marketing, những lo ngại của người dùng đối với AI, cũng như vì sao marketers nên nhìn nhận AI như một “digital intern”…
Xem thêm các bài viết nổi bật khác về chủ đề này:
2. Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy “gây bão” với màn trình diễn dưới mưa
Đầu tháng 6/2023, màn trình diễn dưới mưa của anh Trần Hùng Huy – Chủ tịch Ngân hàng ACB đã “viral” trên các nền tảng mạng xã hội. Theo số liệu do Buzzmetrics công bố, màn trình diễn này đã đứng vị trí thứ nhất trên BXH 10 sự kiện nổi bật trên social media tháng 06/2023.
Như vậy, vì sao cộng đồng mạng và giới marketing không ngừng bàn tán về chiến dịch này? Thương hiệu ACB đã và được gì sau khi anh Huy lộ diện với một “stereotype” (khuôn mẫu) khác hẳn với một Chủ tịch Ngân hàng “truyền thống”?
Ở bài viết số 15 của series Deep Dive, Brands Vietnam đã có dịp cùng anh Nguyễn Hải Minh – CEO Wisdom Agency – để nhìn lại toàn bộ chiến dịch của ACB, cũng như đưa ra nhận định về những thành tích ngân hàng này đã gặt hái được dưới góc nhìn của một chuyên gia trong ngành có nhiều năm kinh nghiệm.
Xem toàn bộ bài chia sẻ của anh Nguyễn Hải Minh tại đây.
3. Thương hiệu sữa quốc dân Vinamilk thay đổi bộ nhận diện
Vào ngày 06/07/2023, sau 47 năm thành lập, Vinamilk đã công bố nhận diện thương hiệu mới và nhanh chóng trở thành hiện tượng được cộng đồng mạng quan tâm. Theo đó, việc thay đổi bộ nhận diện giúp mang lại sự trẻ trung và tươi mới, nhằm tiếp cận nhóm người tiêu dùng trẻ dễ dàng hơn.
Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng marketers và các chuyên gia trong ngành, đồng thời dấy lên nhiều tranh luận trái chiều. Do đó, anh Trần Thanh Lâm – Co-Founder tại Strategy Coast – đã có bài chia sẻ trên Brands Vietnam xoay quanh những đánh giá khi một thương hiệu thay đổi brand identity dưới góc nhìn khoa học marketing. Marketers có thể đọc bài viết đầy đủ của anh Lâm tại đây nhé!
Ngoài ra, anh Hoàng Tùng – President tại CTCP Bảo Long cũng chia sẻ những góc nhìn thú vị xoay quanh việc vì sao một thương hiệu lại thay đổi logo, anh Hồ Đông Thụ cũng có bài phân tích chiến lược thương hiệu của Vinamilk đằng sau động thái thay đổi bộ nhận diện.
Đọc thêm hai bài viết của anh Hoàng Tùng và anh Hồ Đông Thụ tại:
4. Twitter đổi tên thành X, loại bỏ biểu tượng “chim xanh” huyền thoại
Sau khi mua lại mạng xã hội Twitter, ông Elon Musk lại một lần nữa khiến người dùng internet toàn cầu “chấn động” khi công bố đổi bộ nhận diện của Twitter.
Trước khi chính thức thay đổi bộ nhận diện, ông Musk đã thực hiện một khảo sát trên Twitter về việc đổi màu mặc định của nền tảng từ xanh lam sang màu đen vào ngày 23/07. Sau khi nhận được sự đồng tình từ 75% trong gần hai triệu người tham gia bình chọn, ngay vào ngày kế tiếp là 24/07/2023 thì mọi thứ của Twitter đã thay đổi toàn bộ từ màu sắc, biểu tượng cho đến tên miền. Theo đó, màu xanh huyền thoại đổi thành nền đen với chữ X màu trắng, tên Twitter cùng với biểu tượng “chim xanh” chính thức biến mất.
Mặc dù ông Musk và bà Linda Yaccarino – Giám đốc Điều hành Twitter đã đưa ra lý do thay đổi độ nhận diện, cũng như tầm nhìn và chiến lược dài hạn đầy tiềm năng, song không nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng marketers và các chuyên gia. Ông Mark Ritson – một trong những chuyên gia marketing có tiếng trên toàn cầu – thậm chí đã liệt kê đến 12 luận điểm chứng minh cho việc Twitter thay đổi bộ nhận diện là một sai lầm tai hại.
Thực tế cho thấy, nhận định của ông Ritson không hề sai. Theo Fortune đưa tin, giá trị thương hiệu (brand value) của mạng xã hội này sụt giảm đến 40 tỷ USD. Điều đó thể hiện rõ ràng qua việc lượt tải và lượt người dùng hoạt động hàng tuần của ứng dụng X liên tục sụt giảm.
Xem thêm hai bài viết nổi bật khác về chủ đề Twitter đổi tên thành X:
5. Meta ra mắt Threads với tham vọng thay thế Twitter
Ngày 06/07/2023, Threads – ứng dụng tích hợp cùng với Instagram và được xem là “kẻ thay thế” cho Twitter chính thức ra mắt và ghi nhận được hàng loạt thành tích đáng nể.
Chỉ trong vòng hai ngày kể từ khi ra mắt, Threads đã có 70 triệu người dùng và chính thức cán mốc 100 triệu người vào ngày 10/7 theo giờ Việt Nam (theo số liệu thống kê của Quiver Quantitative). Những nhân vật đình đám như Bill Gates, Jennifer Lopez hay Shakira… cũng nhanh chóng tạo tài khoản Threads và thu hút một lượng lớn người hâm mộ đăng ký tài khoản.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau thì sức hút của mạng xã hội này bắt đầu giảm dần. Theo số liệu từ Similarweb, chỉ sau một tuần sau khi đạt đỉnh về số người sử dụng kể từ ngày 07/07/2023, lượng tương tác và số người dùng chủ động của Threads liên tục suy giảm.
Không chỉ vậy, theo số liệu thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, cả Threads và X (trước đây là Twitter) đều gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân người dùng.
Xem bài viết thống kê số liệu chi tiết tại đây.
6. BAEMIN rút khỏi thị trường Việt Nam
Sáng ngày 24/11/2023, BAEMIN xác nhận rút khỏi thị trường Việt Nam từ 0h ngày 08/12/2023 sau 4 năm hoạt động. Theo công bố từ thương hiệu, quyết định này được đưa ra sau một thời gian công ty chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam.
Sự rời đi của BAEMIN đã khiến không ít marketer cảm thấy buồn bã và tiếc nuối. Điều này không quá khó hiểu khi mà thương hiệu giao đồ ăn này thường tạo ra những content đáng yêu, hài hước, giàu cảm xúc và giàu tính sáng tạo. Khi nhìn lại hành trình của BAEMIN tại Việt Nam, không khó để thấy rằng thương hiệu này có nhiều chiến dịch quảng cáo “viral” một cách tự nhiên và nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng marketers, cũng như người dùng mạng xã hội.
Dù vậy, dưới góc nhìn của chuyên gia, dù BAEMIN có chiến lược truyền thông thú vị và độc đáo, điều đó vẫn chưa đủ để quyết định sự thành công của một thương hiệu. Theo bài viết của anh Quyền Vũ – Founder tại Vũ Digital chia sẻ trên Brands Vietnam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của BAEMIN tại Việt Nam, mà vấn đề lớn nhất chính là BAEMIN đã không giữ được giá trị cốt lõi của thương hiệu.
Đọc bài viết phân tích chi tiết của anh Quyền Vũ tại đây.
Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam