Brands Vietnam 2023 Review: Top 20 bài viết do thành viên chia sẻ
Theo ghi nhận của ban biên tập, các bài viết quan điểm đào sâu những sự kiện nổi bật trong ngành là dạng bài thu hút sự quan tâm lớn của bạn đọc. Bên cạnh đó, độc giả của Brands Vietnam trong năm qua cũng dành nhiều sự chú ý cho những bài viết có tính chuyên môn cao, xoay quanh nhóm kiến thức và kỹ năng quan trọng của ngành. Hãy cùng nhìn lại Top 20 bài viết cộng đồng có lượt xem cao nhất năm 2023.
* Lưu ý: Kết quả được trích xuất từ Google Analytics và hệ thống dữ liệu của Brands Vietnam.
1. Kantar: 5 nhân tố tác động đến ngành hàng FMCG năm 2023 và gợi ý cho doanh nghiệp | Bởi Thảo Nguyên
Bài viết tổng hợp một số điểm nổi bật trong báo cáo “Những xu hướng tác động đến thị trường tiêu dùng nhanh tại Việt Nam năm 2023”, do Kantar phát hành đầu tháng 3/2023. Trước bối cảnh thị trường FMCG tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, báo cáo mang lại cái nhìn tổng quan về một số xu hướng đang tác động đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Theo Kantar, có 5 xu hướng chính đang diễn ra. Đầu tiên là sự chững lại của tốc độ tăng trưởng kênh trực tuyến và dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của kênh mua sắm hiện đại, truyền thống. Thứ hai, suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng siết chặt chi tiêu và cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi mua sắm. Thứ ba, social commerce trở thành động lực tăng trưởng của mua sắm trực tuyến với các xu hướng mới nổi như shoppertainment, trải nghiệm thực tế ảo… Thứ tư, đại dịch đã khiến người tiêu dùng theo đuổi lối sống hạnh phúc, khoẻ mạnh. Và cuối cùng, người tiêu dùng ngày một quan tâm đến chủ đề sống bền vững và nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường.
Mời bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về các xu hướng và một số gợi ý chiến lược mà Kantar dành cho doanh nghiệp tại đây.
2. Phân tích chiến lược thương hiệu đằng sau bộ nhận diện mới của Vinamilk | Bởi Hồ Đông Thụ
Vinamilk tái định vị thương hiệu là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2023. Nhân lúc sự kiện còn “nóng”, anh Hồ Đông Thụ – CEO Think Digital – đã có một số phân tích chiến lược về bộ nhận diện trẻ trung, mang nguồn năng lượng mới của một thương hiệu đã 47 năm tuổi. Theo anh, có 4 khía cạnh quan trọng mà Vinamilk hướng đến qua lần tái định vị này: (1) Tái định vị để phù hợp với thế hệ người tiêu dùng mới, (2) Tái định vị cho tầm nhìn “go global” – vươn xa toàn cầu, (3) Tái định vị để trở nên nổi bật và khác biệt, (4) Tái định vị là sự mạo hiểm cần thiết, vì sự thay đổi để tốt hơn.
Sau các phân tích, anh Thụ tiếp tục đưa ra một số dự đoán về hoạt động truyền thông tiếp theo của Vinamilk để phủ sóng hình ảnh mới đến người tiêu dùng. Cuối cùng, anh nhận định: “Thay đổi để tốt hơn, thay đổi để gần người tiêu dùng hơn là một xu hướng tất yếu của các nhãn hiệu trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, có lẽ, Vinamilk đang làm tốt điều này”.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về từng phân tích mà anh Thụ đưa ra, mời marketer xem tại đây.
3. 8 bài học kinh doanh từ Pizza 4P’s | Bởi Hoàng Tùng – Mr Pizza
Dưới góc nhìn và kinh nghiệm của một người cùng ngành, anh Hoàng Tùng – Founder & CEO Pizza Home – đã phân tích các yếu tố chính giúp Pizza 4P’s có được thành công lớn trong những năm qua. Một số yếu tố được anh đề cập là tầm nhìn xa của hai nhà sáng lập thương hiệu, định vị Fine dining với trải nghiệm dịch vụ vượt xa nhiều chuỗi pizza khác, năng lực quản lý chuỗi tốt và khả năng đổi mới sản phẩm để phù hợp với tính chất của từng kênh bán hàng…
Sau cùng, anh rút ra lưu ý quan trọng cho các thương hiệu F&B: (1) Luôn có ngách mới và người nhìn ra ngách mới thường là những người từ ngoài ngành; (2) Ăn offline trải nghiệm tại quán vẫn là nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng, nên Online và Offline luôn đi song song cùng nhau; (3) Kênh mới tạo dòng tiền mới và sản phẩm cần thay đổi cho phù hợp.
Xem chi tiết các 8 bài học kinh doanh từ Pizza 4P’s tại đây.
4. Customer Journey Map: Chìa khoá thấu hiểu khách hàng | Bởi Thảo Nguyên
Bài viết này thể hiện quan điểm của cô Alex Bischoff – Content Strategist tại Delighted – về vấn đề thiết lập sơ đồ hành trình khách hàng (customer journey). Bài viết sẽ giúp bạn đọc trả lời 4 câu hỏi chính: (1) Sơ đồ hành trình khách hàng là gì? (2) Sơ đồ hành trình khách hàng có thể giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng như thế nào? (3) Doanh nghiệp có thể bắt đầu xây dựng sơ đồ hành trình khách hàng từ đâu? (4) Vì sao khảo sát lại đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp phát triển sơ đồ hành trình khách hàng?
Từ những hiểu biết về việc thiết lập sơ hồ hành trình khách hàng, doanh nghiệp có thể gia tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng (customer retention) và khám phá những thông tin quan trọng giúp các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn.
Để hiểu hơn về hành trình khách hàng, mời bạn đọc theo dõi bài viết tại đây.
5. 4 cách sử dụng ChatGPT cho digital marketers | Bởi Tường Đặng
Cuối năm 2022 – đầu năm 2023, ChatGPT bắt đầu tạo nên cơn sốt trên toàn cầu và đẩy các cuộc thảo luận về làn sóng AI lên đến đỉnh điểm. Chatbot AI này nhanh chóng thể hiện sự hữu ích ở đa dạng ngành nghề, trong đó có Marketing.
Theo dòng sự kiện, tác giả Tường Đặng đã dành thời gian tìm hiểu và trải nghiệm ChatGPT để tìm ra một số phương pháp hữu ích mà các digital marketer có thể áp dụng nhằm đơn giản hoá quy trình làm việc hằng ngày. Trong bài viết, anh đề cập đến 4 cách sử dụng ChatGPT trong công việc, kèm theo hướng dẫn chi tiết và ví dụ cụ thể cho từng cách.
Marketer có thể tham khảo 4 cách sử dụng ChatGPT cho công việc tại đây.
6. Lập kế hoạch xây dựng kênh TikTok cho nhà sáng tạo nội dung mới | Bởi Lê Tịnh Minh
Anh Lê Tịnh Minh, Former Growth Marketing Lead tại PHIBIOUS Group, là một chuyên gia có kinh nghiệm đa dạng ở lĩnh vực Digital Marketing. Trong bài viết này, anh chia sẻ đến các nhà sáng tạo nội dung mới những gạch đầu dòng cơ bản nhưng quan trọng trong quá trình lập kế hoạch xây dựng kênh TikTok.
Bài viết sẽ dẫn dắt người đọc đi từ bước chọn định hướng nội dung (concept) và lĩnh vực (category) cho kênh, phân chia các phase và mục tiêu tương ứng, cho đến bước chuẩn bị launching sao cho hiệu quả. Dựa trên bản kế hoạch tổng quát này, các nhà sáng tạo nội dung mới có thể hình dung đầy đủ về những việc cần làm trong thời gian tới để xây dựng kênh TikTok.
Tham khảo bản kế hoạch xây dựng kênh TikTok tại đây.
7. Brand Marketing #16: Cách viết Brand Plan cô đọng (Kỳ 1) – Kế hoạch 1 năm và 5 năm | Bởi CASK Company
CASK Company, công ty chuyên thiết kế giải pháp chiến lược và thực thi cho doanh nghiệp, nhận định rằng một bản kế hoạch thương hiệu không đơn thuần là tập hồ sơ ghi nhận thông tin mà còn mang đến cho các nhà lãnh đạo cơ hội đưa ra quyết định kinh doanh lớn. Chính vì thế, viết kế hoạch thương hiệu cô đọng cũng là một kỹ năng quan trọng, giúp việc triển khai về sau thuận tiện và hiệu quả hơn.
Bắt đầu với bộ 5 câu hỏi, cùng phương châm “gom mọi thứ thành nhóm 3” và loại bỏ các chi tiết thừa thãi, đội ngũ thiết kế thương hiệu có thể tự tin trình bày kế hoạch thương hiệu năm và lộ trình chiến lược thương hiệu 5 năm gói gọn trong 1 trang giấy.
Tham khảo ngay bí kíp viết Brand Plan cô đọng tại đây.
8. Chiến lược đến Thực thi #1: Đi tìm Ý nghĩa Thương hiệu (Brand Purpose) | Bởi Thann Auttanukune
Trong bài viết đầu tiên của chuỗi bài Chiến lược đến Thực thi, Thann Auttanukune – Vice President CP Vietnam Corporation, Serial Entrepreneur – đã bàn về một chủ đề quen thuộc nhưng vẫn có nhiều tranh luận xoay quanh: Brand Purpose (ý nghĩa thương hiệu).
Ông nhận định thiết lập ý nghĩa thương hiệu là một công việc đầy khó khăn nhưng cần thiết để có định hướng rõ ràng cho sự phát triển bền vững. Mỗi doanh nghiệp cần sở hữu riêng một “chòm sao Bắc Đẩu” rồi thực hiện dần những hiệu chỉnh cần thiết, thay vì tiến thẳng vào vùng biển cạnh tranh vô định. Và dựa trên những kinh nghiệm cá nhân, Thann gợi ý 8 bước xác định Brand Purpose cho thương hiệu, cùng các ví dụ thành công nhờ bám sát định hướng này.
Cùng Thann Auttanukune đi tìm ý nghĩa thương hiệu tại đây.
9. “I Do” – Bài học nâng tầm thương hiệu từ chiến lược hợp tác của Đức Phúc và 911 | Bởi ThS. Ds. Lê Phương Dung
ThS. DS. Lê Phương Dung đã viết bài này với những “cảm xúc dạt dào” sau khi chị được dịp lắng nghe Đức Phúc và 911 hát live tại Hà Nội. Dưới góc độ Marketing, chị nhận định chiến lược hợp tác thương hiệu (Brand Collaboration) thông minh này của Đức Phúc và ekip đã mang lại cho marketer nhiều bài học giá trị khi làm truyền thông thương hiệu.
Theo chị, xét dưới góc nhìn lý thuyết về Branding, màn hợp tác của Đức Phúc và 911 đã đảm bảo 3 tiêu chí cần có cho một chiến dịch Collab hiệu quả: Fit (sự phù hợp), Relevant (sự liên quan) và Added value (gia tăng giá trị).
Nhìn lại những yếu tố làm nên thành công của màn hợp tác giữa Đức Phúc và 911 tại đây.
10. Người Việt Nam thích đi du lịch đến thành phố nào trong nước? | Bởi Kurokawa Kengo
Sau COVID-19, số lượng người Việt Nam đi du lịch trong nước ngày càng tăng. Đây là dấu hiệu cho thấy đất nước đang phục hồi sau thời kỳ khó khăn vì đại dịch, dù cho nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những bất ổn trong nửa đầu năm 2023.
Bài viết của ông Kurokawa Kengo, Founder & CEO của Asia Plus Inc., điểm lại các thống kê nổi bật trong khảo sát của Q&Me về điểm đến yêu thích của du khách Việt Nam năm 2023. Theo đó, Top 5 thành phố được chọn là Đà Nẵng (43%), Phú Quốc (39%), Đà Lạt (37%), Sapa (29%), Hội An (27%).
Theo dõi những phân tích chi tiết về khảo sát này tại đây.
11. Lật ngược thế cờ: Case-study xử lý khủng hoảng truyền thông từ các thương hiệu nổi tiếng | Bởi AIM ACADEMY News
Bài viết này khám phá cách 3 thương hiệu nổi tiếng – KFC, Dove và Biti’s Hunter – chuyển bại thành thắng trong nghệ thuật xử lý khủng hoảng truyền thông. Từ việc đối mặt trực tiếp với vấn đề, đáp ứng nhu cầu/ thắc mắc của khách hàng và thể hiện giá trị cốt lõi, 3 case-study này có thể giúp marketer tập tư duy chiến lược để vượt qua các cuộc khủng hoảng truyền thông.
Tìm hiểu cách mà các thương hiệu “lật ngược thế cờ” tại đây.
12. Thế hệ lãnh đạo của tương lai | Bởi Steven Tran
Bài viết này được anh Steven Tran, Senior Growth Manager của Homebase, lược dịch từ tựa blog “The next type of leader the world needs” của tác giả Shane Snow, bàn về những phẩm chất cần có của thế hệ lãnh đạo tương lai.
Khi kinh tế – xã hội thay đổi, những người dẫn đầu cũng buộc phải thay đổi để thích nghi. Đã qua rồi cái thời mà những leader cần là những “Big Guy hừng hực máu chiến” hay những “kẻ luôn có mọi câu trả lời cho bạn”. Giữa thời đại nhiều biến động như hiện nay, câu trả lời cho câu hỏi “Chúng ta cần một leader như thế nào trong tương lai?” có thể được gói gọn trong các phẩm chất: Có tư duy hệ thống, trung thực và khiêm tốn về mặt trí thức, giàu sự cảm thông và lòng khoan dung.
Cùng hình dung về thế hệ lãnh đạo của tương lai tại đây.
13. Mối quan hệ “mập mờ” giữa Marketing, Branding, PR và Advertising | Bởi Trinh Đặng
Phân biệt Marketing, Branding, Public Relations (PR) và Advertising là một chủ đề quen thuộc nhưng vẫn luôn được các marketer “săn đón”, đặc biệt là đối với những “fresher” của lĩnh vực này. Tuy liên quan chặt chẽ đến nhau nhưng các thuật ngữ trên lại có sự khác biệt đáng kể về mục đích và cách thức thực hiện.
Trong bài viết này, chị Trinh Đặng – Founder Shecrets – đã so sánh Marketing với từng hoạt động, sau đó tổng hợp lại ở phần so sánh chung. Với cách này, marketer vừa thấy rõ sự khác nhau giữa từng mảng, vừa nhìn ra bức tranh tổng thể – nơi mà các hoạt động Marketing kết hợp lại với nhau cho một chiến lược lớn.
Để mối quan hệ giữa Marketing, Branding, PR và Advertising không còn “mập mờ”, mời marketer xem bài viết tại đây.
14. Marketing, giữa đại dương tẻ ngắt | Bởi Linh (Emily) Dam
Sau nhiều năm làm nghề, chị Linh Đàm – một marketer và advisor dày dặn kinh nghiệm – nhận ra rằng: Khi thị trường ngày càng khốc liệt, khi “vốn liếng” cho các câu chuyện dần cạn kiệt, khi cách tiếp cận làm nghề vẫn là cách tư duy và kỹ thuật cũ, khi câu chuyện của bạn cũng y hệt những người khác, thì một lần nữa, marketer đang tự nhấn chìm mình trong “đại dương tẻ ngắt” với mực nước biển đang ngày càng dâng cao.
Từ đây, chị tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khác biệt hoá trong tiếp thị hiện đại và chân thành chia sẻ đến marketer lối tư duy đúng đắn để có thể tiếp tục “keo”, tiếp tục “mặn” giữa đại dương tẻ ngắt.
Cùng chị Linh Đàm bơi ngược dòng đại dương tại đây.
15. Trào lưu “chiến thần” tại Việt Nam và cái kết! | Bởi Mai Anh Lê
Trong những năm gần đây, việc sử dụng các KOL/ KOC như một cách tiếp thị B2C đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Và người tiêu dùng, đôi khi, không chỉ trông chờ đến giờ livestream để mua sản phẩm mà còn trông chờ để xem “drama”.
Trong bài viết này, chị Mai Anh Lê đã đi sâu vào phân tích các mặt đúng/ sai của sự kiện ồn ào giữa dược phẩm Hoa Linh và KOL Võ Hà Linh trong chiến dịch push sale dịp 4.4. Từ đó, chị rút ra những bài học quan trọng cho thương hiệu trong việc lựa chọn KOL, xác định đúng vai trò của kênh phân phối, cũng như xây dựng kịch bản truyền thông và kịch bản livestream phù hợp.
Cùng nhìn lại case-study thú vị này tại đây.
16. Người tiêu dùng hiện đại muốn gì? Và insights cho thị trường Việt Nam | Bởi Lavender Nguyen
Theo tác giả Vân Anh (Lavender Nguyen), việc hiểu về hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng là không hề dễ dàng. Đặc biệt là khi sự thay đổi của xã hội, sự phát triển của công nghệ và chất lượng cuộc sống đã khiến nhu cầu, mong đợi và hành vi của họ ngày một phức tạp hơn. Từ đây, tác giả vận dụng quan sát và kinh nghiệm thực chiến của bản thân, kèm theo các số liệu cụ thể đến từ IBM và McKinsey, để đi sâu vào bản chất hành vi của người tiêu dùng hiện đại.
Để hiểu rõ hơn về insight của người tiêu dùng hiện đại, hãy theo dõi bài viết tại đây.
17. Brief và các yếu tố cốt lõi mở đầu cho một campaign thành công | Bởi Phan Đông Giang
Trong bài viết này, anh Phan Đông Giang – Media Planner tại Omega Media – đã chia sẻ “tất tần tật” về những điều mà Account và Sales cần nắm rõ khi thu thập thông tin brief. Theo anh, đây là bước đầu tiên và là bước quyết định xem team có cơ hội “win” hợp đồng hay không.
Anh Giang đã đi từ các yếu tố cơ bản về brief như mục tiêu khi tiếp nhận brief, các key cần và đủ cho brief… cho đến cách đặt câu hỏi để đào sâu brief. Dựa vào kiến thức này, team Account và Sales có thể tự tin thu thập đầy đủ thông tin chiến dịch truyền thông và bước đầu xây dựng lòng tin với khách hàng.
Khám phá các yếu tố cốt lõi của brief và quy trình tiếp nhận brief tại đây.
18. Vấn đề gì lộ ra khi chúng ta bàn luận về Brand Identity mới của một thương hiệu? | Bởi Trần Thanh Lâm
Bài viết là một góc nhìn khác của anh Trần Thanh Lâm – Co-Founder StrategyCoast – về brand identity mới của một thương hiệu, nhân sự kiện Vinamilk tái định vị. Anh nhận thấy cách mà công chúng bàn luận về bộ nhận diện mới của một thương hiệu đã chỉ ra vấn đề lớn hơn của ngành: Chúng ta đang đánh giá dựa theo lập luận cá nhân, theo “common sense” và “logic”. Nghĩa là, thị trường vẫn đang xem Marketing – Thương hiệu là ART (Nghệ thuật), không phải SCIENCE (Khoa học).
Theo anh, khi đánh giá bộ nhận diện mới của thương hiệu, vấn đề không nên nằm ở khen – chê, mà nằm ở cách tiếp cận khen – chê: “Chúng ta đánh giá dựa theo lý thuyết nào của Khoa học Marketing?”.
Để hiểu rõ hơn về các trường phái Khoa học Marketing này, mời bạn đọc bài viết tại đây.
19. Giải đáp 3 câu hỏi thường gặp về vai trò của Content Manager | Bởi Nguyễn Thị Thu Hảo
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hảo, COO của GIGAN Training Center, Content Manager cần nắm vững kiến thức về Marketing, cùng những chuyên môn bổ trợ khác để làm tốt hơn vai trò của mình chứ không đơn giản chỉ gồm có ý tưởng và con chữ. Từ góc nhìn này, chị giải đáp cụ thể 3 câu hỏi thường gặp về vai trò của Content Manager: (1) Làm Content Manager là làm gì? (2) Vai trò của Content Manager thể hiện rõ nhất ở khâu nào? (3) Vậy để lên được định hướng nội dung tốt, Content Manager cần có những kiến thức bổ trợ nào?
Cùng chị Hảo giải đáp thắc mắc về Content Manager tại đây.
20. Bức tranh toàn cảnh thị trường CDP Việt Nam năm 2024 | Bởi Ngo Thai Hoang Tuan
Khái niệm CDP tại Việt Nam đã không còn xa lạ trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như một số nhà phát triển trong nước, đã nghiên cứu phát triển thành công CDP và đánh dấu những bước tiến nhất định trên thị trường. Tuy nhiên, theo quan sát của anh Ngô Thái Hoàng Tuấn – Mobile Marketing Expert tại Vietravel, CDP trên thế giới có khoảng 300 nhà cung cấp, nhưng chỉ có khoảng 10 cái tên từng đổ bộ vào Việt Nam. Đến quý IV/2023, các CDP thực sự tồn tại được Việt Nam có lẽ là dưới 5.
Vậy điều gì đang xảy ra? Và bức tranh chung về CDP tại Việt Nam đang có màu sắc như thế nào?
Cùng anh Tuấn tìm hiểu chi tiết toàn cảnh thị trường CDP Việt Nam tại đây.
Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam