Trung Quốc mở cửa biên giới, con đường nào cho các nhà bán hàng trung gian và SMEs?
Việc Trung Quốc thiết lập cửa khẩu tại biên giới với hàng loạt các kho hàng khổng lồ sẽ thúc đẩy hoạt động giao thương buôn bán trở nên nhanh chóng thuận lợi hơn, hàng hóa sẽ đến tay người dùng nhanh hơn. Tuy nhiên vai trò của những nhà bán hàng thương mại điện tử nhập hàng Trung Quốc về phân phối sẽ ra sao? Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thương hiệu, nhãn hàng nội địa Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? Họ sẽ cần thay đổi gì để giải quyết thách thức này? Hãy cùng Upbase.vn tìm kiếm câu trả lời thông qua bài viết dưới đây!
Trung Quốc đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới với 4 tổng kho tại các cửa khẩu lớn
Từ năm 2022, Trung Quốc đã trở thành nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 177,7 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này chứng tỏ thị trường Trung Quốc vẫn luôn có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nền kinh tế của nước ta. Điều này cũng tác động to lớn đến ngành thương mại điện tử Việt Nam, khi mà số lượng hàng hoá được nhập về từ Trung Quốc chiếm tỉ trọng khá lớn.
Ở 3 thành phố biên giới của nước bạn là Hà Khẩu (giáp Lào Cai), Bằng Tường (giáp Lạng Sơn), Đông Hưng (giáp Móng Cái), hàng loạt các kho hàng khổng lồ đang được xây dựng. Các nhà máy ở Trung Quốc sẽ đến đây thuê kho hàng, thuê nhân viên người Việt và sẽ giao hàng về Việt Nam ngay lập tức.
Trước khi Trung Quốc mở cửa, việc mua bán hàng nội địa Trung vẫn còn khó khăn với người tiêu dùng Việt Nam do hàng hoá khó thông quan, thời gian chờ lâu. Do đó, họ cần đến những nhà bán hàng trung gian, gom đơn và tiến hành mua hàng nội địa Trung rồi vận chuyển về Việt Nam và giao đến tay người mua. Mặc dù mẫu mã đa dạng, giá cả khá phải chăng nhưng do thời gian chờ lâu nên người tiêu dùng Việt, với cùng một sản phẩm, đôi khi vẫn có thể ưu tiên chọn mua từ các nhà bán hàng hay các thương hiệu trong nước hơn để nhận được hàng nhanh chóng.
Nhưng giờ đây, khi việc mua hàng hoá từ Trung Quốc sang Việt Nam đã trở nên nhanh chóng và dễ dàng như vậy, liệu người tiêu dùng Việt có còn cần đến những người gom đơn mua hàng trung gian? Liệu với cùng một ngành hàng, thậm chí là một mặt hàng, doanh nghiệp SMEs Việt Nam có cạnh tranh được với Trung Quốc khi họ có lợi thế về năng lực sản xuất hàng hoá đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dùng hơn với nhiều mẫu mã và công năng trên cùng một mức giá?
Nhà bán hàng sẽ gặp những thách thức nào?
Việc mở kinh doanh nhỏ lẻ trên các sàn thương mại điện tử với hình thức nhận gom order hàng nội địa Trung đang ngày càng phổ biến bởi nhu cầu khách hàng luôn luôn cao, không tốn nhiều chi phí vốn mà lại thu về lợi nhuận khá hấp dẫn.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở 4 tổng kho lớn tại 4 cửa khẩu biên giới Việt Nam sẽ giúp cho hàng hoá nội địa Trung tiếp cận người tiêu dùng Việt dễ dàng và nhanh chóng hơn. Khi đó, vai trò của những nhà bán hàng trung gian sẽ gần như không còn, bởi người mua hàng đã có thể tự mình mua đồ nội địa Trung dễ dàng với thời gian nhận nhanh hơn và mức chi phí có khi còn rẻ hơn.
Doanh nghiệp SMEs sẽ gặp những thách thức nào?
Trung Quốc được coi là “công xưởng của thế giới” bởi năng lực sản xuất và cung cấp hàng hoá của họ không chỉ phục vụ được thị trường tỷ dân của họ mà còn cạnh tranh được ở các thị trường lân cận như Việt Nam. Với việc mở 4 tổng kho ở 4 cửa khẩu Việt Nam, Trung Quốc sẽ thúc đẩy được thương mại điện tử xuyên biên giới bởi hàng hoá nội địa Trung sẽ được thông quan sang Việt Nam dễ dàng hơn, tiếp cận người tiêu dùng Việt dễ hơn.
Những mặt hàng từ Trung Quốc với giá cả hợp lý, mẫu mã và công năng đa dạng, sẽ khiến cho một số lượng không nhỏ người tiêu dùng lựa chọn mua sắm các sản phẩm này thay vì mua hàng sản xuất trong nước từ các doanh nghiệp SMEs.
Các sản phẩm hàng hoá từ những thương hiệu lớn, doanh nghiệp tập đoàn lớn đã có vị thế trong lòng người tiêu dùng Việt vẫn sẽ đứng vững được và gần như không chịu ảnh hưởng bởi làn sóng này. Nhưng những doanh nghiệp SMEs vẫn chưa có vị trí nhất định trong thị trường sẽ phải làm gì để giữ chân khách hàng, khi giờ đây cả về giá cả, sản phẩm lẫn thời gian vận chuyển họ đều không có lợi thế? Với cùng một mặt hàng, chất lượng sản phẩm tương đương, nhưng nếu hàng Trung Quốc có giá cả hợp lý và mẫu mã cũng như công năng đều đa dạng hấp dẫn hơn thì liệu người tiêu dùng có chọn mua hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước?
Nhà bán hàng và các doanh nghiệp SMEs sẽ cần thay đổi gì để không rời khỏi đường đua?
Sản xuất và đưa các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền lên kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử
Để tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh này thì doanh nghiệp cũng như các nhà bán hàng Việt Nam phải loại bỏ dần sự phụ thuộc bằng cách chuyển hướng sang những mặt hàng mà mình có thể tự sản xuất được hoặc ít nhất là không cần phải nhập từ Trung Quốc hay các nước khác về.
Mặc dù xét cả về năng lực tự sản xuất cũng như sự đa dạng về mặt hàng thì anh bạn Trung Quốc vẫn đang có phần nhỉnh hơn nước mình một chút. Tuy nhiên vẫn sẽ có những mặt hàng và ngành hàng mà Việt Nam mình có thể cạnh tranh được, tự cung tự cấp được cho người dùng trong nước và thậm chí xuất khẩu được sang Trung Quốc và các nước khác. Tiêu biểu là các mặt hàng nông sản, thuỷ hải sản đặc trưng mà bên mình có thế mạnh hơn. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc việc chuyển hướng sang các ngành hàng này để kinh doanh thương mại điện tử.
Ngành hàng này cũng đã có những trường hợp thành công như Thịt chua Trường Food. Họ đã bán rất thành công trên các sàn thương mại điện tử và trong các phiên livestream nhờ tự sản xuất được sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường Việt mà Trung Quốc lại khó cạnh tranh.
Tập trung phát triển sản phẩm chất lượng, có Unique Selling Point (USP) rõ ràng thay vì chỉ buôn bán những mặt hàng đại trà
Một sản phẩm đại trà được quá nhiều người cùng bán thì sự cạnh tranh sẽ trở nên càng khó khăn. Do đó để làm nổi bật mình lên giữa thị trường thì doanh nghiệp cần tập trung phát triển những sản phẩm có chất riêng hơn, có USP rõ ràng thay vì chỉ nhập hàng hay tự sản xuất những mặt hàng đại trà vốn đã tràn lan trên thị trường.
Hãy nghiên cứu thị trường và đưa ra chiến lược sản xuất và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng Việt, tạo ra được những thế mạnh và điểm khác biệt rõ ràng so với các đối thủ cùng ngành hàng, mặt hàng để có thể gia tăng sức cạnh tranh và đứng vững hơn trước những biến động thị trường này.
Tạo các chiến dịch co-branding với các doanh nghiệp địa phương để đẩy mạnh sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử
Để phủ sóng đến người tiêu dùng ở nhiều địa phương trên toàn quốc thì doanh nghiệp cần mở rộng các mặt hàng, các sản phẩm bằng cách tạo các chiến dịch co-branding với các doanh nghiệp địa phương có sản phẩm tương đồng hoặc phù hợp, có chung giá trị. Bằng cách co-branding với các doanh nghiệp địa phương để đẩy mạnh sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp SMEs sẽ có thể gia tăng thị phần và tăng hiệu quả bán hàng ở nhiều địa phương hơn. Đồng thời, sự hợp tác này cũng sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh của đối tác cho chiến dịch bán hàng, chiến dịch marketing của mình.
Không thể bỏ qua Influencer Marketing với KOC/KOL
Tăng thêm độ phủ sóng trên mặt trận truyền thông thông qua các KOC/KOL có tệp followers phù hợp với chân dung khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp cũng là một lựa chọn khôn ngoan để cạnh tranh tốt hơn. Hình thức tiếp thị liên kết thông qua các KOC/KOL sẽ hỗ trợ cho cả hoạt động branding và cả doanh thu bán hàng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không bị lu mờ hay mất hút trong môi trường truyền thông trực tuyến.
Kết luận
Với sự dịch chuyển không ngừng của thị trường và nền kinh tế nói chung, cùng vô vàn biến số bất ngờ, việc chủ động nắm bắt tình hình để thay đổi kịp thời là điều mà mọi nhà kinh doanh cần phải làm. Để làm được điều đó thì nhà bán hàng, doanh nghiệp sẽ cần thường xuyên cập nhật tin tức thị trường, tin tức kinh tế nói chung cũng như những thông tin mới trong lĩnh vực ngành hàng của mình; từ đó linh động đưa ra các chiến lược phù hợp và kịp thời để giải quyết những vấn đề, những thay đổi phát sinh. Và đặc biệt là luôn phải trong tâm thế sẵn sàng dịch chuyển khi cần thiết.
UpBase luôn hân hạnh được đồng hành cùng các nhà bán hàng, các quý doanh nghiệp trong hành trình đột phá doanh thu và phát triển bền vững trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hãy liên hệ với chúng tôi để được nhận tư vấn và hỗ trợ toàn diện!