“Lấy cảm hứng” và “Đạo nhái” - Câu chuyện muôn thuở về sự sáng tạo cần được phân định rõ

“Lấy cảm hứng” và “Đạo nhái” - Câu chuyện muôn thuở về sự sáng tạo cần được phân định rõ

Lằn ranh của chuyện “Lấy cảm hứng” và “Đạo nhái”, của “Sáng tạo” và “Tối tạo” vốn vẫn vô cùng mỏng manh và khó đoán, bởi nếu không cẩn thận, chúng ta có thể hoàn toàn bị hút vào vùng đất cấm của sự sáng tạo chân chính.

Phân biệt “Lấy cảm hứng” và “Đạo nhái” để tránh đi sai đường

Trước hết, hãy làm rõ một sự thật rằng: Trải qua hàng thế kỷ phát triển văn chương, âm nhạc, thiết kế hay nghệ thuật - sáng tạo, việc sáng tạo một thứ hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trong quá khứ đã trở thành mục tiêu quá khó để đạt được, thậm chí là bất khả thi với nhiều người. Dù là đạo nhái hay chỉ lấy cảm hứng, đa số chúng ta đều sẽ bắt đầu hành trình sáng tạo của mình bằng cách tham khảo một sản phẩm sáng tạo khác.

“Lấy cảm hứng” và “Đạo nhái” - Câu chuyện muôn thuở về sự sáng tạo cần được phân định rõ

Theo tác giả Hoàng Nguyễn cùng cuốn sách “Có Cách - Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách”, sẽ có tổng cộng 3 yếu tố giúp phân biệt hành vi “Lấy cảm hứng” và “Đạo nhái”, từ đó giúp chúng ta tránh tự biến mình thành “Người đi dây” - gạt bỏ sự mơ hồ giữa 2 thái cực đối nghịch này:

Cột mốc số 1: Ý định và nhận thức

Cùng một hoạt động tìm kiếm nguồn ý tưởng dồi dào có sẵn, tuy nhiên, sự khác biệt dẫn đến cách ta ứng dụng chúng như thế nào sẽ thể hiện rất rõ ở tầng nhận thức:

  • Người được truyền cảm hứng sẽ nhận thức rằng việc tham khảo có thể gây ra mối nguy hại, bởi nếu không cẩn thận rất dễ biến thành “ăn cắp ý tưởng”. Biết được điều này, họ sẽ chủ động biến đổi, nâng cấp sản phẩm sáng tạo tốt hơn bằng chất xám của bản thân.

  • Người đạo nhái có thể không nhận thức được điều này, hoặc thậm chí biết, nhưng vẫn làm vì sự thuận tiện, sự lười biếng, hoặc hy vọng có được sự công nhận nhanh chóng từ người khác.

  • Ý định tham khảo của người lấy cảm hứng có thể chỉ là vô tình, bởi ấn tượng với một tác phẩm nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, hoặc cuộc trò chuyện đơn giản, từ đó thổi bùng lên ý tưởng sáng tạo. Trong khi đó ý định tham khảo của người đạo nhái có thể là một sự chủ động - dù khá khó để khẳng định và chỉ người trong cuộc mới biết được sự thật.

Cột mốc số 2: Biến đổi và phát triển

Để được gọi là lấy cảm hứng thì sản phẩm sáng tạo cuối cùng bắt buộc phải có tính biến đổi, phát triển hơn so với ý tưởng gốc. Trên bản đồ sáng tạo hiển nhiên có vô số sản phẩm cùng được xây dựng dựa trên một “ý tưởng có sẵn”, tuy nhiên vẫn được chấp thuận là độc đáo, có tính đổi mới - ví dụ như:

  • Những bộ phim, những cuốn tiểu thuyết có cùng chung thông điệp, được truyền cảm hứng bởi nhiều thế hệ nhà văn, nhà làm phim vĩ đại trước đó, nhưng chúng vẫn được kể khác đi cho phù hợp với từng bối cảnh văn hoá, xã hội.

  • Xu hướng sáng tạo meme thời hiện đại, đôi khi người ta giữ nguyên hình ảnh mà chỉ thay đổi nội dung, ngữ cảnh cũng đã có thể tạo nên sản phẩm thú vị được lan truyền và công nhận bởi cộng đồng.

Đạo nhái, ngược lại, không có sự phát triển. Đây chỉ đơn giản là hành động lặp lại thành quả của người khác, mà không thêm giá trị hoặc một góc nhìn mới mang tính cá nhân.

Cột mốc số 3: Thái độ biết ơn với tư liệu tham khảo

Thái độ biết ơn với nguồn tư liệu sáng tạo luôn là một trong những giá trị tiêu biểu của người làm sáng tạo chân chính:

  • Người lấy cảm hứng sẽ không ngần ngại công nhận nguồn cảm hứng của họ, thậm chí còn thể hiện rõ sự tự hào khi nhắc về câu chuyện được truyền cảm hứng bởi ai, điều gì, ra sao…, chia sẻ hành trình kết hợp cái cũ và chất xám bản thân để cho ra sản phẩm mới mẻ cuối cùng.

  • Những người đạo nhái thường lảng tránh nhắc về nguồn gốc ý tưởng của họ, ví dụ như không muốn trả lời hoặc trả lời chung chung, không rõ ý. Hơn thế nữa, người đạo nhái còn có xu hướng tự nhận những sản phẩm đó là công lao sáng tạo vất vả của mình.

Làm thế nào để luôn giữ cho sự sáng tạo của bản thân được minh bạch?

“Lấy cảm hứng” và “Đạo nhái” - Câu chuyện muôn thuở về sự sáng tạo cần được phân định rõ

Thứ nhất, dù bạn đang sáng tạo để phục vụ bản thân, hay để giải quyết những vấn đề của người khác, hãy hướng đến việc tạo ra thêm những giá trị khác cho thành quả của mình. Hãy tự hỏi: “Liệu thật sự những điều mình đang làm có mang đến nhiều giá trị hơn so với những gì mà mình đã làm trước đấy không?”

Những giá trị cộng thêm luôn là thứ mà kẻ đạo nhái sẽ không bao giờ có trong sản phẩm của mình. Là một người lấy cảm hứng, hãy luôn nỗ lực làm mới ý tưởng, tự tin khẳng định chất xám đã tạo ra thành quả ấn tượng.

Thứ hai, khi so sánh giữa việc lấy ý tưởng hay đạo nhái, dù cách biểu hiện ra bên ngoài có thể giống nhau, tuy nhiên những động lực, nguyên nhân ẩn sâu bên trong lại trái ngược hoàn toàn.

Chẳng hạn cả bạn và tôi đều không thể nấu được món gà chiên nước mắm thật giòn, đậm, ngon. Nhưng có thể vấn đề của bạn đến từ nguyên nhân là không tìm được thịt gà ta nuôi vườn chất lượng, còn tôi thì có cả vườn gà đi bộ nhưng lại hoàn toàn không biết nấu ăn. Chính vì thế, bạn càng có thể làm rõ được nguyên nhân vấn đề bao nhiêu, thành quả sáng tạo của bạn càng phù hợp bấy nhiêu.

Cuối cùng, các nỗ lực sáng tạo của chúng ta nên bắt nguồn từ sự tôn trọng – cho chính chúng ta, khán giả của chúng ta, và những người đã đi trước chúng ta. Bạn cũng không cần áp lực với việc tạo ra một “bản gốc” (original) cho một điều gì đó, chỉ cần nó là một phiên bản “chân thực” (authentic) đến từ sự sáng tạo đặc trưng của bạn. Khi ấy, sản phẩm đó sẽ trở thành một điều tự hào đồng hành với bạn trên toàn bộ hành trình sáng tạo.

Vậy nên, “Sáng tạo” và “Tối tạo” - nghe có vẻ mập mờ đấy, nhưng bạn hoàn toàn có cách để phân định chúng, hướng đến hành trình làm nghề sáng tạo thật sự chân chính, tự tin thực hành và chia sẻ sản phẩm đậm đặc giá trị cá nhân. Hãy để cảm hứng là gió dưới đôi cánh để nâng bạn bay lên, không phải là gánh nặng kéo bạn xuống vào vùng nước đục của sự lừa dối.

Mời bạn tìm đọc cuốn sách “Có Cách – Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách” tại đây.