Du học Marketing #15: Phạm Vũ Hoàng Giang @ Aarhus University – Không ngừng “xê dịch” để tìm thấy chiều sâu cuộc sống
“Vùng an toàn” là một khái niệm xa xỉ với một phóng viên ảnh tự do như anh Giang. Trong khi nhiều người lo lắng về cuộc sống freelance không ổn định, anh lại trân trọng những trải nghiệm mới mẻ này sau hành trình hai năm du học ở hai quốc gia Châu Âu.
Anh Phạm Vũ Hoàng Giang (hay Giang Phạm) là một phóng viên ảnh tự do với hơn 10 năm kinh nghiệm và từng theo học bậc Thạc sĩ chương trình Journalism, Media and Globalisation tại Aarhus University, Đan Mạch và Hamburg University, Đức. Anh từng tác nghiệp tại World Cup 2018 ở Nga, vòng loại World Cup 2022, cộng tác với nhiều cơ quan báo chí như SCMP, The Economist, VICE hay Mongabay… và tham gia các dự án phối hợp với British Council, CARE International, Rosa-Luxemburg-Stiftung, Saigoneer…
Lần đầu tiên tôi có cơ hội gặp anh Giang là trong một buổi anh chia sẻ về kỹ năng chụp ảnh. Với chiều sâu kiến thức và bề dày kinh nghiệm của anh, tôi thầm nghĩ anh ắt hẳn là một người học nhiếp ảnh chính chuyên từ đại học. Thế nên tôi không khỏi bất ngờ khi biết anh là cựu sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế nhưng lại theo đuổi con đường phóng viên ảnh tự do. Việc xây dựng portfolio chất lượng là một yếu tố quan trọng với công việc của anh, ấy vậy mà chỉ sau ba năm, dù đang tham gia nhiều dự án lớn nhỏ, anh quyết định dừng lại để đi du học. Phần vì hiếu kỳ, phần vì ngưỡng mộ, tôi liên hệ với anh để trò chuyện về quyết định này.
Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng, cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.
Du học để theo đuổi chiều sâu trong từng bức ảnh
* Vì sao anh quyết định du học Thạc sĩ ngành Báo chí dù đang trên con đường gom góp kinh nghiệm cho sự nghiệp phóng viên ảnh của mình?
Trong thời gian học đại học, mình có dịp chụp ảnh cho bạn bè và các sự kiện, dần dần mình nhận ra đam mê của bản thân với việc kể chuyện bằng hình ảnh. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp mình theo đuổi con đường phóng viên ảnh tự do, cộng tác với các báo trong và ngoài nước cũng như một số dự án với các tổ chức phát triển quốc tế.
Thời gian đi làm mình luôn quan sát các phóng viên ảnh nước ngoài làm việc cho tờ báo quốc tế. Bằng một cách nào đó, ảnh của họ luôn có chiều sâu và sự lớp lang về tầng ý nghĩa trong một bức ảnh. Không chỉ vậy, họ có đủ nền tảng kỹ thuật và phương pháp để truyền tải câu chuyện qua hình ảnh.
Thế là mình luôn tự vấn bản thân làm thế nào để đạt được “chiều sâu” đó. Sau 3 năm đi làm từ khi tốt nghiệp đại học, mình cảm thấy chững lại trong chính những gì đang làm và đó cũng là thời khắc mình quyết định phải đi học, phải hiểu về báo chí ở một góc độ toàn diện để mỗi bức ảnh mình chụp trở nên “sâu” hơn.
Lúc đó, trong tay mình chỉ có một số tiền dành dụm và cũng không có một danh sách mục tiêu rõ ràng cần hoàn thành sau khi đi học về. Dù còn đôi lúc phân vân vì vẫn đang đi làm, nhưng mình cảm giác được thôi thúc bởi hai chữ “phải học”.
* Có những lý do đặc biệt nào cho việc anh chọn học ở Đan Mạch hay không?
Đầu tiên, mình xem xét đến mức sống ở các khu vực khác nhau. Ví dụ, mức sống ở Mỹ khá đắt đỏ nên không phải là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai là về chương trình học phù hợp với bản thân nhất. Khi biết được sinh viên ngành Báo chí của Aarhus University, Đan Mạch có cơ hội trải nghiệm văn hóa ở hai quốc gia, mình quyết định theo học tại đây dù đã may mắn nhận được một học bổng khác ở Tây Ban Nha.
Dù không đủ điều kiện nhận học bổng đầu vào năm đó, nhưng vì được nhận vào học rồi nên mình chỉ nghĩ sẽ cố gắng vừa làm vừa học để xoay sở hoặc xin một ít “học bổng gia đình” (cười).
Du học để tìm ra con đường phù hợp với mình
* Anh hãy chia sẻ cụ thể hơn về chương trình học của mình cũng như việc “trải nghiệm tại hai quốc gia” anh đề cập ở trên?
Năm đầu tiên, chương trình học Báo chí của Aarhus yêu cầu mọi người học ở Đan Mạch. Sau đó sang năm 2, tùy vào chuyên ngành, mỗi sinh viên sẽ học ở một trong bốn nơi khác nhau, gồm: London, Xứ Wales, Hà Lan hoặc Đức. Trong đó, chuyên ngành Media Across Cultures (Báo chí xuyên văn hóa) của mình sẽ học ở Đức.
Chương trình học trong năm đầu xoay quanh các môn nền tảng của báo chí như cách đưa tin toàn cầu, phương pháp nghiên cứu khoa học, nghiên cứu báo chí, báo chí phân tích… Sau đó, năm 2 đi vào các môn chuyên ngành liên quan đến báo chí trong các văn hóa khác nhau: làm thế nào hiểu độc giả, cách phân loại các nền báo chí, nhà báo có vai trò gì trong từng nền văn hóa… Cuối cùng, sinh viên phải hoàn thành một đề tài luận văn ứng dụng kiến thức về nghiên cứu trong hai năm.
* Chương trình học chủ yếu về báo chí nói chung như vậy liệu có còn đúng với định hướng tìm hiểu sâu về chụp ảnh của anh lúc đầu không?
Cảm thấy chững lại trong chính những gì đang làm, mình quyết định phải đi học, phải hiểu về báo chí ở một góc độ toàn diện để mỗi bức ảnh chụp trở nên “sâu” hơn.
Mình yêu thích việc kể chuyện qua hình ảnh với niềm tin rằng một bức ảnh có thể tác động mạnh mẽ tới bất kỳ người xem nào. Nhưng khi phóng tầm nhìn ra xa hơn, mình cảm thấy vai trò của phóng viên viết và phóng viên ảnh thật ra đều là những người kể chuyện. Lúc này vấn đề là kể câu chuyện gì và kể như thế nào. Vậy nên học về nền tảng báo chí giúp mình hiểu nên tiếp cận câu chuyện của mỗi nhân vật ra sao, đó chính là “chiều sâu” mà một phóng viên ảnh tìm kiếm.
Song song với học, mình cộng tác ở một tờ báo của sinh viên trong khoa với vai trò phóng viên ảnh. Nếu việc học bổ trợ về tư duy và góc nhìn thì việc “thực chiến” giúp mình nâng cao những kỹ thuật nhiếp ảnh. Do đó, cơ hội và trải nghiệm du học mang lại vẫn đúng như những mong muốn ban đầu của mình.
* Về bài luận văn cuối chương trình học, anh đã chọn đề tài gì và thực hiện nó như thế nào?
Mình muốn thực hiện một dự án liên quan mật thiết đến những gì bản thân đang làm, cũng chính là ngành báo chí. Vậy nên mình chọn đề tài “Quan điểm và Thực hành của phóng viên ảnh tại Việt Nam” (Perception & Professional Practices). Cụ thể, nghiên cứu sẽ đào sâu những suy nghĩ của các phóng viên ảnh về chính bản thân họ và cách họ hành nghề. Bằng cách phỏng vấn sâu với một tệp phóng viên ảnh, mình phân tích các vấn đề như:
- Ảnh trong báo chí có vai trò như thế nào?
- Phóng viên ảnh tự nhìn nhận mình là ai?
- Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến cách họ thực hiện công việc trong môi trường báo chí mỗi ngày?
Thú vị là kết quả nghiên cứu giúp mình vẽ một bức tranh toàn cảnh về nghề báo ở Việt Nam. Bởi lẽ mỗi người phóng viên với những vai trò và bối cảnh khác nhau đều có một cách nhìn nhận khác nhau. Từ trong muôn vàn góc nhìn của người làm tự do, người làm toàn thời gian, người làm lâu hay người mới vào ngành, mình tìm ra được một hướng đi phù hợp với bản thân khi về nước sau này.
* Chỉ trong 2 năm, anh đã trải nghiệm hai nền văn hóa khác nhau là Đan Mạch và Đức. Đâu là những khó khăn anh gặp phải đối với việc thay đổi môi trường trong thời gian ngắn như vậy?
Du học là câu chuyện của thích nghi.
Mọi người thường nghĩ các quốc gia châu Âu sẽ tương đối giống nhau, nhưng về văn hóa và phương pháp giáo dục thì khác hoàn toàn. Khi học ở Đan Mạch, giảng viên thường chỉ rõ từng bước cần làm trong một môn học hay một dự án. Nhưng khi làm nghiên cứu ở Đức, giảng viên thường trao quyền nhiều hơn và sinh viên có thể chọn bất kỳ hướng đi nào miễn là hợp lý.
Chẳng hạn, nếu chọn quan điểm A thì dùng lý thuyết này còn hướng đi B thì dùng lý thuyết khác. Trong khoảng thời gian đầu, việc trao quyền này khiến mình bối rối vì không biết đâu là con đường đúng nhất. Dần dần, mình nhận ra chỉ cần chọn hướng đi phù hợp với giá trị và đức tin của bản thân.
Ngoài học tập, xoay sở chi phí cũng là một thử thách không nhỏ. Lúc đầu, mình làm phục vụ trong một nhà hàng châu Á để kiếm thêm thu nhập. Dù trang trải được tiền nhà và tiền ăn hàng tháng nhưng việc làm liên tục từ 5-10 giờ tối khiến mình mất năng lượng và phần nào ảnh hưởng học tập.
Vậy nên mình quyết định nghỉ làm để quay lại mục tiêu học tập ban đầu. Để xoay sở tài chính, mình chuyển sang tham gia cộng tác với tờ báo sinh viên của khoa như đã kể và được tham gia chụp ở nhiều dự án từ bảo tàng đến các giải thể thao lớn. Dù “nghèo” đi một chút nhưng đổi lại mình được trải nghiệm “trăm nghề” (có cả những nghề kỳ lạ như tình nguyện viên thử nghiệm cho những dự án nghiên cứu khoa học).
Một cách tích cực, khó khăn tài chính khiến mình học sống tiết kiệm nhiều hơn như tham gia mạng lưới chia sẻ đồ ăn giữa sinh viên với nhau. Cuối cùng, sau một năm “lăn lộn”, mình nhận được học bổng chính phủ Đức vào năm 2 dựa trên kết quả học tập tốt.
Du học để hiểu mình thích trải nghiệm mới mỗi ngày
* Trải nghiệm quý giá nhất của anh sau hành trình du học là gì?
Không chỉ về kiến thức, điều mình trân trọng nhất là cơ hội trải nghiệm nhiều nền văn hóa và quan điểm khác nhau. Những ngày đầu, mình nghĩ việc ở nơi không có cộng đồng người Việt là một khó khăn, nhưng không biết rằng điều đó giúp “đẩy” bản thân ra khỏi vùng an toàn.
Bây giờ, mình tận hưởng việc tự đi du lịch ở nước ngoài một mình (có lần còn tự đi tàu hỏa từ Latvia sang Nga) vì yêu cảm giác tìm tòi về con người mới và văn hóa mới. Có thể nói không chỉ ở cấp độ bản thân, những trải nghiệm còn đem lại cho mình sự thấu hiểu nhân vật và câu chuyện của họ với vai trò một phóng viên ảnh.
* Sau khi du học, anh vẫn tiếp tục định hướng công việc tự do. Liệu đó là kế hoạch của anh từ những ngày đầu đi làm hay trải nghiệm du học đã khiến anh thay đổi suy nghĩ?
Mình mơ hồ cảm nhận được từ trước khi đi du học nhưng chưa chắc chắn. Thời gian du học đã dần bồi đắp thêm cho mình suy nghĩ về việc tiếp tục cuộc sống phóng viên ảnh tự do.
Không chỉ để học đại học, du học là sống cuộc sống ở quốc gia đó, trải nghiệm nền văn hóa đó và mở rộng thế giới quan của bản thân.
Hiện tại, mình đã duy trì định hướng này 5 năm và quen với việc mỗi ngày đều là những trải nghiệm mới. Vì đã chắc chắn hơn với con đường này, mình luôn tập trung vào xây dựng bộ kỹ năng và những mối quan hệ để có thể phát triển sự nghiệp tự do trong dài hạn.
Cuối cùng, dành cho những bạn đang có dự định du học, câu chuyện của mình không đúng với tất cả. Thay vào đó, mình nghĩ mỗi người nên cân nhắc thật kỹ vì du học giống như sống một cuộc sống mới hoàn toàn. Không chỉ để học đại học, du học là sống cuộc sống ở quốc gia đó, trải nghiệm nền văn hóa đó và mở rộng thế giới quan của bản thân. Đổi lại, mọi người có thể đánh mất cơ hội thăng tiến hoặc những dự định trong sự nghiệp ở Việt Nam.
Vậy nên, mình nghĩ các bạn nên đặt những sự đánh đổi này lên bàn cân để có đáp án phù hợp nhất cho bản thân.
★★★
Có thể thấy, hành trình du học của anh Giang đã giúp anh bước ra khỏi vùng an toàn bấy lâu của bản thân. Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, anh vẫn hào hứng kể về các dự án văn hóa, xã hội dài hạn mà anh và team đã đầu tư từ concept đến từng tấm hình, con chữ. Tôi nghĩ đúng như anh chia sẻ, bước ra khỏi vùng an toàn rất khó nhưng nếu không làm vậy, anh sẽ không biết mình thích trải nghiệm, thích mỗi ngày đi một con đường mới như thế nào. Cảm ơn anh vì những chia sẻ chân thành.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam