Marketer Cao Bảo Vy
Cao Bảo Vy

Chuyên gia đào tạo và tư vấn Tiếp thị Truyền thông Thương hiệu

Product Branding B2C ngành ngân hàng: Đâu là yếu tố marketers cần lưu ý?

Product Branding B2C ngành ngân hàng: Đâu là yếu tố marketers cần lưu ý?

bài viết trước, tôi đã chia sẻ về các hoạt động product branding của ngân hàng dành cho nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Với bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về cách triển khai hoạt động product branding dành cho một nhóm đối tượng cũng quan trọng không kém, đó là những khách hàng cá nhân.

Sản phẩm thẻ

Đối với khách hàng cá nhân, một trong những sản phẩm chủ đạo là các loại thẻ. Có ba điểm chính mà marketers trong lĩnh vực ngân hàng cần lưu ý để dễ dàng tiếp cận với người dùng, đó là sự tiện lợi, những ưu đãi và cá tính người dùng.

Product Branding B2C ngành ngân hàng: Đâu là yếu tố marketers cần lưu ý?

Sự tiện lợi thể hiện ở việc thủ tục mở thẻ đơn giản, nhanh chóng, đồng thời tích hợp nhiều chức năng để khách hàng không cần tạo quá nhiều thẻ cho từng mục đích khác nhau.

Kế đến, marketers cũng cần triển khai những chương trình ưu đãi hoặc giảm giá, chẳng hạn như mua một tặng một khi họ thanh toán tại các khu vui chơi, trung tâm thương mại, khu du lịch… Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nên tạo tính năng tích điểm khi sử dụng thẻ thanh toán hoá đơn và sau đó là được hoàn tiền hoặc tặng quà.

Thông thường, khi một khách hàng cá nhân vừa mới thẻ sẽ được miễn phí thường niên năm đầu, hoặc nhận quà chào mừng từ ngân hàng. Một ưu đãi khác được nhiều khách hàng yêu thích là trả góp với lãi suất 0%, vì đây là một giải pháp tài chính khá tiện lợi.

Sản phẩm thẻ cũng cần có tính cá nhân hoá, nhằm thể hiện được tính cách độc đáo của người sở hữu. Thông thường, các bạn trẻ thường thích sử dụng những thứ thể hiện được cá tính của họ, chẳng hạn như sự trẻ trung, sành điệu, đẳng cấp…

Product Branding B2C ngành ngân hàng: Đâu là yếu tố marketers cần lưu ý?

Bộ sưu tập thẻ MB Hi Visa của MBBank.
Nguồn: MBBank

Một ngân hàng thường chỉ tập trung vào một trong ba điểm này, bởi vì thông điệp chính (key message) của một sản phẩm không thể nào quá dài và quá nhiều. Do vậy, marketers chỉ nên chọn một đặc điểm chính và những điểm còn lại chỉ nên dùng để diễn giải và bổ sung thêm.

Cũng chính vì vậy, hình ảnh đi kèm thông điệp (key visual) chỉ có thể nói về một trong ba điểm này, sau khi đi vào chi tiết thì mới đề cập thêm những yếu tố khác. Tuỳ vào đặc điểm của từng dòng thẻ, cũng như định hướng thương hiệu của ngân hàng mà họ sẽ lựa chọn một trong ba điểm trên để làm key visual thu hút người dùng.

Bởi vì mỗi ngân hàng có rất nhiều dòng thẻ và dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế, tuỳ chiến lược xây dựng thương hiệu, cũng như insight của từng đối tượng khách hàng mà mỗi dòng thẻ sẽ dựa trên sự kết hợp của một hoặc nhiều đặc điểm trên.

Ví dụ, ngân hàng Shinhan có dòng thẻ Hi-Point với câu tagline là “trải nghiệm tính năng tích điểm và ưu đãi vượt trội”. “Hi” là viết tắt của từ “High” trong tiếng Anh, có nghĩa là cao. Như vậy, với sản phẩm này thì Shinhan nhấn mạnh vào sự ưu đãi, nghĩa là khách hàng sử dụng dòng thẻ này sẽ được tích điểm và có nhiều ưu đãi khi mua sắm các loại hàng hoá — dịch vụ.

Product Branding B2C ngành ngân hàng: Đâu là yếu tố marketers cần lưu ý?

Dòng thẻ Hi-Point của ngân hàng Shinhan.
Nguồn: Shinhan

Ngân hàng số

Ngoài ra, một sản phẩm khác dành cho khách hàng cá nhân đang được ưa chuộng là tài khoản ngân hàng số. Với dòng sản phẩm này thì vẫn có ba điểm chính mà marketers cần tập trung.

Đầu tiên vẫn là sự tiện lợi, bởi vì đó là lý do hàng đầu mà khách hàng cá nhân tìm đến dịch vụ này. Sự tiện lợi thể hiện qua việc có thể sử dụng được mọi lúc mọi nơi, cùng với nhiều chức năng được tích hợp.

Tiếp theo là sự bảo mật, bởi vì khi giao dịch trực tuyến thì mọi người thường lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra. Khi thực hiện giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, sự an toàn và bảo mật cũng được đảm bảo hơn do thấy được khuôn mặt và kiểm tra giấy tờ tùy thân. Trong khi đó, các giao dịch trực tuyến dễ phát sinh các rủi ro như mất điện thoại, quên mật khẩu, hoặc bị kẻ gian đánh cắp tài khoản… Vì thế, ngân hàng cần xây dựng hệ thống bảo mật nhiều lớp hoặc có tính năng M-OTP, nhằm xây dựng được độ tin cậy của khách hàng về sự bảo mật của ngân hàng.

Thứ ba là sự thân thiện với người dùng. Điều này có nghĩa là giao diện phải đơn giản và dễ sử dụng, chẳng hạn như đăng nhập tài khoản bằng sinh trắc học như khuôn mặt hoặc vân tay…

Cũng như các sản phẩm thẻ truyền thống, ngân hàng số cũng sẽ lựa chọn một trong ba đặc điểm trên để tập trung xây dựng thương hiệu.

Product Branding B2C ngành ngân hàng: Đâu là yếu tố marketers cần lưu ý?

Sản phẩm tín dụng

Với dòng sản phẩm này, có hai yếu tố quan trọng mà marketers cần chú ý.

Thứ nhất là lãi suất ưu đãi và ổn định. Mức lãi suất của ngân hàng đưa ra không nên có sự biến động quá lớn so với thị trường. Do đó, các ngân hàng có xu hướng phát hành những gói lãi suất ổn định trong vòng 3 — 5 năm, nhằm tập trung vào tính ổn định của sản phẩm.

Thứ hai là thủ tục vay nhanh chóng và đơn giản. Dẫu vậy, những ngân hàng có lãi suất ưu đãi và ổn định thì thủ tục sẽ có phần phức tạp chứ không đơn giản. Nguyên nhân là vì khi lãi suất ưu đãi và ổn định thì lợi nhuận mà ngân hàng thu được không cao, vậy nên họ phải duyệt hồ sơ cẩn thận để giảm tỷ lệ nợ xấu.

Ngoài ra, có một số yếu tố khác cũng thu hút sự quan tâm của khách hàng khi triển khai hoạt động product branding cho sản phẩm tín dụng như sau:

  • Thời hạn vay ngắn hoặc dài.
  • Tỷ lệ thế chấp và tín chấp: Tỷ lệ thế chấp là cho vay 70% hoặc 80% tài sản đảm bảo, còn tín chấp là vay tối đa dựa trên thu nhập.
  • Khoản phạt thanh toán nợ trước hạn: Nếu khách hàng có tiền trả nợ sớm thì sẽ phải đóng phạt một khoản dựa trên tỷ lệ phần trăm dư nợ mà khách trả nợ.
  • Cùng với một số lưu ý khác trong quá trình vay.

Product Branding B2C ngành ngân hàng: Đâu là yếu tố marketers cần lưu ý?

Sản phẩm tiền gửi

Với sản phẩm này, marketers cũng cần lưu ý để hai yếu tố dưới đây.

Đầu tiên là lãi suất ưu đãi và kỳ hạn linh hoạt, tức là mức lãi suất tiết kiệm, cùng với nhiều kỳ hạn khác nhau, chẳng hạn như 1 tháng, 2 tháng hoặc 3 tháng…

Kế đến là các tiện ích đi kèm, ví dụ như miễn phí chuyển tiền, tài khoản số đẹp (khách hàng được chọn số tài khoản theo ý thích), chương trình rút thăm trúng thưởng… Đó là những lợi ích nhỏ để khuyến khích khách hàng gửi tiền.

Product Branding B2C ngành ngân hàng: Đâu là yếu tố marketers cần lưu ý?

Sản phẩm dành cho khách hàng ưu tiên

Đối với phân khúc khách hàng này, hai yếu tố quan trọng nhất marketers cần tập trung là quyền lợiđẳng cấp. Cụ thể hơn, đó là những quyền lợi dành riêng cho nhóm đối tượng này, chẳng hạn như họ sẽ có một quầy giao dịch sang trọng, được phục vụ tận tình và chu đáo hơn so với nhóm khách hàng thông thường.

Tôi xin đưa ra ví dụ về thẻ tín dụng Shinhan Visa Signature – dòng thẻ tín dụng cao cấp nhất của Shinhan dành cho khách hàng ưu tiên. Do vậy thẻ này có thiết kế đặc biệt, đi cùng màu đồng, khác biệt với màu xanh cho các dòng thẻ thông thường. Thẻ này còn có cẩm nang hướng dẫn về thương hiệu (brand guideline), cùng với nhiều ưu đãi khác biệt như đi ăn uống tại nhà hàng Michelin hoặc nghỉ dưỡng tại các khách sạn 5 sao.

Kết

Hy vọng qua bài viết này, marketers có thể hiểu hơn về sự khác nhau của các sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân. Từ đó, việc hoạch định và triển khai kế hoạch marketing dành cho nhóm đối tượng này sẽ dễ dàng hơn.

Đừng quên đón xem bài viết tiếp theo của tôi về chủ đề Corporate Branding – xây dựng thương hiệu tổ chức cho ngân hàng ở bài viết sau nhé. Ngoài ra, nếu có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn, marketers có thể ghé thăm khóa học “Brand Strategy in Finance and Banking: Chiến lược Thương hiệu trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng” của tôi nhé!