Là Copywriter, bạn đã áp dụng 5 “bí kíp” này để nâng cao chất lượng nội dung?
Theo thống kê về Digital Trends của Hootsuite, hiện nay có hơn 4,7 tỷ người đang sử dụng các trang mạng xã hội và trung bình mỗi người sẽ dành tầm 2 tiếng 28 phút mỗi ngày để kết nối với các nền tảng. Chính vì vậy, Facebook, Linkedin, Instagram… dần được các cá nhân và tổ chức tận dụng để phát triển nội dung và xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, trên thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay và số lượng bài viết được đăng tải mỗi ngày ngày càng tăng mạnh đã đặt ra bài toán làm sao để các bài social content của bạn có thể được lan toả rộng rãi và chính xác đến đúng đối tượng độc giả. Để câu trả lời cho vấn đề này, bạn có thể tham khảo những chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Bài viết social content là gì?
Social content thường được hiểu là những bài viết, nội dung được tạo ra để chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn, và nhiều nền tảng khác. Những bài viết này được sản xuất nhằm chia sẻ thông tin đến khán giả mục tiêu, tương tác, gắn kết với họ và xây dựng thương hiệu của cá nhân/ tổ chức.
Một số dạng bài viết bạn có thể hình dung đến như:
- Chia sẻ thông tin, dịch vụ
- Cung cấp thông tin hữu ích
- Chia sẻ câu chuyện cá nhân
- Tương tác với khán giả như câu hỏi, thăm dò ý kiến, giveaway và trò chơi
- Và còn rất nhiều dạng bài khác tuỳ vào mục đích xây dựng kênh của doanh nghiệp/ cá nhân
Bỏ túi 5 “bí kíp” tăng hiệu quả của các bài viết
Tuy mỗi nền tảng sẽ có những thuật toán để đánh giá chất lượng bài viết và nhân rộng đến đối tượng độc giả, nhưng để tạo ra một bài viết hoàn thiện, bạn có thể áp dụng 5 quy tắc “nhỏ mà có võ” được liệt kê dưới đây nhé.
1. Understand → Think → Deliver
Bước đầu tiên chính là hiểu. Bạn phải hiểu được giá trị, lợi ích của các sản phẩm, dịch vụ hoặc ý nghĩa câu chuyện bạn muốn lan toả đến người đọc. Từ việc hiểu đúng, bạn sẽ có cơ sở để suy nghĩ các ý tưởng sáng tạo và cách chia sẻ đến người đọc phù hợp. Khi đã hiểu đúng và có ý tưởng sáng tạo thì bạn có thể bắt tay thực hiện để tạo ra các bài viết hoàn chỉnh.
2. Content direction → Content pillar → Content angle
Bạn đã lần nào bí ý tưởng chưa?
Để mình chỉ bạn một cách giúp giải quyết bài toán này nha. Thông thường, khi xây dựng nội dung trên các nền tảng xã hội, mình sẽ thực hiện theo công thức Content direction → Content pillar → Content angle.
Content direction là định hướng phát triển nội dung trên nền tảng, bao gồm đối tượng mục tiêu, tone và giọng điệu, những nội dung chính, tần suất đăng bài, các dạng thiết kế hình ảnh, video và xác định các chỉ số đo lường mức độ thành công của trang.
Từ content direction, bạn sẽ xác định các chủ đề chính. Ví dụ, bạn muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của công ty trên nền tảng Facebook thì có thể phát triển nội dung theo các chủ đề như:
- Chia sẻ lợi ích của sản phẩm
- Chia sẻ lợi thế cạnh tranh của sản phẩm với các đối thủ trên thị trường
- Các báo cáo hữu ích liên quan đến dịch vụ bạn đang vận hành
- Văn hoá, giá trị của công ty
- Hoặc đăng tải các câu hỏi tương tác và trả lời các băn khoăn của người dùng
Những chủ đề trên được gọi là content pillar. Bạn có thể ví von content direction là nền nhà còn content pillar chính là cột nhà. Khi có content direction và content pillar thì bạn sẽ có khung sườn chắc chắn để xây dựng những bài viết chi tiết.
Với mỗi chủ đề, bạn có thể nghĩ theo nhiều hướng khác nhau để phát triển nội dung. Ví dụ, nếu muốn chia sẻ lợi ích của các dịch vụ, bạn có thể viết bài theo các angle như:
- Chia sẻ các đánh giá tích cực của những khách hàng đã sử dụng sản phẩm công ty
- Nhấn mạnh các nhu cầu/ vấn đề của người tiêu dùng từ đó đưa ra giải pháp
Nếu 2 angle trên vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của bạn thì bạn thử sử dụng các công cụ của AI để hỏi và nhờ AI gợi ý giúp nha.
(*) Những yếu tố không thể thiếu của bài viết
Biểu tượng (icon), hashtag, khoảng cách dòng và gắn thẻ người được đề cập trong bài viết là 4 yếu tố mình luôn tận dụng giúp bài viết dễ đọc hơn.
Đối với biểu tượng, các bạn có thể dùng từ 2 đến 3 loại cho mỗi bài nhé. Tuy nhiên, đối với các phần có tính lặp đi lặp lại như các câu kết của bài, mình hay dùng biểu tượng 👉 để giúp người đọc quen mắt hơn.
Ngoài ra, khi sử dụng biểu tượng mình sẽ cân nhắc sử dụng biểu tượng nào thể hiện gần giống với ý nghĩa câu mà mình đang nhắc đến. Ví dụ như khi câu đang đề cập đến ý tưởng mới, mình có thể sử dụng 💡 hoặc nếu nhắc đến mục tiêu kinh doanh thì mình có thể dùng ️🎯. Điểm này bạn có thể linh hoạt theo góc nhìn của mỗi người nha.
3. Right first, creative later
Thời gian đầu mình viết bài thì yếu tố sáng tạo luôn được ưu tiên hàng đầu. Khi bắt đầu bắt tay vào viết, mình sẽ cố gắng suy nghĩ những từ ví von, ẩn dụ hay tận dụng những ngôn ngữ “trendy”. Tuy nhiên, kết quả mình nhận được là bài viết không đạt yêu cầu. Lý do là vì bài chưa đáp ứng được các nội dung cần truyền đạt.
Để sửa được lỗi này, mình đã được một anh chuyên về copywriting hướng dẫn áp dụng công thức “right first, creative later”. Nghĩa là mọi bài viết của mình phải thể hiện được những nội dung cần truyền trải trước, sau đó, mình có thể chỉnh sửa lại câu và cách dùng từ sao cho sáng tạo hơn.
4. 80% thinking, 20% doing
Trước khi bắt tay vào viết bài, bạn hãy thử dùng 80% thời gian để suy nghĩ ý tưởng và sườn bài phù hợp. Và dành 20% thời gian còn lại để bắt đầu viết, chỉnh sửa và hoàn thiện bài.
Mình đã từng “nhảy” vào viết bài thẳng luôn. Tuy nhiên điều này gây ra một vấn đề là mình chưa định hướng được sẽ triển khai nội dung bài như thế nào và đôi khi bài viết cứ đi vào một lối mòn, khuôn mẫu của các bài trước giờ mình đã viết.
5. “Luôn để mắt” đến các đối thủ cạnh tranh
Tầm mỗi tuần một lần, mình sẽ ghé thăm các trang mạng xã hội của các đối thủ cạnh tranh. Lý do thứ nhất là để mình có thể cập nhật các chiến dịch Marketing mà đối thủ đang thực hiện, từ đó cung cấp thêm nhiều góc nhìn cho hoạt động Marketing hiện tại cho doanh nghiệp mình. Thứ hai là mình có thể học hỏi những điểm tốt từ họ cũng như rút ra những điểm cần cải thiện.
Thành công được thể hiện qua những con số
- Reach: Reach là số lượng độc giả đã thấy bài viết của bạn cũng như thể hiện mức độ lan truyền nội dung của bạn trên mạng xã hội.
- Impression: Impression là số lần bài viết xuất hiện trên màn hình người dùng. Ví dụ, một bài viết xuất hiện trên màn hình Facebook của bạn 2 lần thì số lượng impression là 2, tuy nhiên số lượng reach được tính là 1.
- Engagement: Engagement là chỉ số đo lường độ tương tác, sự tham gia và quan tâm của khán giả với nội dung được đăng tải. Thông thường, số lượng engagement sẽ được tính bằng tổng số lượt phản ứng như like, haha, wow, angry… số lượt nhấp chuột, chia sẻ và bình luận.
Engagement = Reactions + Clicks + Comments + Shares
Tuỳ dạng bài đăng để xác định các chỉ số quan trọng khác:
- Video: Thời lượng người xem video của bạn
- Blog/ Link sharing: Số lượng người xem trang web
- Các bài tương tác như đặt câu hỏi, chơi game: Số lượng người comment, số lượt người chơi
Đọc và viết nhiều hơn nữa
“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Ngôn ngữ tiếng Việt rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Để làm giàu thêm khả năng viết lách và truyền đạt ý tưởng, một trong những phương pháp mình đã được các thầy cô cấp 2 gợi ý chính là đọc nhiều sách hơn. Bạn lựa chọn sách gì cũng được, miễn là bạn cảm thấy thú vị và bạn có thể “bỏ túi” những từ ngữ hay ho để áp dụng cho các bài viết của mình.
Dưới đây là một số trang mình hay đọc để học hỏi cách dùng từ và nghệ thuật “bẻ lái” siêu đỉnh của các tác giả. Có những bài viết là để quảng cáo nhưng vì tác giả viết rất tinh tế nên đôi lúc chính mình cũng sẽ không nhận ra.
Và lời khuyên cuối cùng của mình đó chính là “practice makes perfect”. Đọc nhiều, viết nhiều sẽ giúp bạn linh hoạt vận dụng vốn từ ngữ và tài năng viết lách của mình. Theo mình nghĩ, để đạt được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào thì việc kiên trì luyện tập và thực hành đều đặn sẽ là một trong các yếu tố vô cùng quan trọng.
Tất cả những khía cạnh mình chia sẻ ở trên sẽ đến từ góc nhìn và trải nghiệm cá nhân. Nếu bạn có những kinh nghiệm thú vị khác, bạn có thể chia sẻ thêm cho mình và mọi người cùng biết và học hỏi thêm nha! Đừng quên theo dõi blog A Piece of Marketing để cập nhật thêm các kiến thức hữu ích về content marketing nói riêng và digital marketing nói chung nhé.
Nguồn: Blog A Piece of Marketing