Recap sự kiện VSMCamp & CSMOSummit 2023 – Ngày 1

Recap sự kiện VSMCamp & CSMOSummit 2023 – Ngày 1

Ngày 24/11/2023, tại Đại học Văn Lang, sự kiện VSMCamp & CSMOSummit 2023 đã diễn ra với các phiên hội thảo tập trung vào hai chủ đề nổi bật của năm: Trí tuệ nhân tạo (AI) và chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ 2 ngày (24-25/11), với khoảng 50 Keynote và phiên thảo luận, cùng sự góp mặt của hơn 70 diễn giả và 1.500 khách mời. Hãy cùng điểm qua các điểm chính của hai trong số các buổi thảo luận hữu ích tại sự kiện qua bài viết dưới đây. 

1. Thảo luận: Cuộc đua AI trong chiến lược tăng trưởng

  • Moderator: Ông Lê Quốc Vinh – Phó Chủ tịch CSMO Vietnam, Chủ tịch Le Bros
  • Panelists:
    • Ông Lê Trí Thông – CEO PNJ
    • Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT
    • Ông Đào Trung Thành – Chuyên gia Tư vấn Chiến lược CNTT

Trong phiên thảo luận này, các diễn giả thảo luận về các trăn trở của một người lãnh đạo doanh nghiệp trước sự phát triển tính bằng ngày của AI. Cùng một vấn đề nhưng ta sẽ nghe nhiều góc độ khai thác: của một người lãnh đạo doanh nghiệp, một người truyền cảm hứng và một chuyên gia công nghệ thông tin. 

Vấn đề đầu tiên được ông Quốc Vinh đặt ra là liệu AI sẽ được cho phép phát triển một cách tự do hay sẽ bị kiểm soát, và những yếu tố gì sẽ tác động đến lộ trình phát triển của AI. 

Trả lời vấn đề này, ông Nam Tiến đề cập đến lo ngại về khả năng AI mô phỏng cảm xúc con người, trong khi ông Trung Thành chia sẻ rằng việc này vẫn còn đang gây tranh cãi và trên thế giới đang chia làm hai phe: một bên để AI phát triển mọi tiềm năng của nó, một bên cho rằng AI chỉ nên phát triển theo hướng phục vụ cho con người. 

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT.
Nguồn: VSMCamp

Vấn đề thứ hai: Có nên xác định rõ lằn ranh đạo đức và pháp lý về việc sử dụng AI hay không, để không tạo hệ lụy cho xã hội?

Ông Trung Thành khẳng định rằng vấn đề này còn quá vĩ mô và chưa thể giải quyết được ở Việt Nam, phải để cả thế giới cùng giải quyết. Bởi vì các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ chỉ sử dụng AI như một công cụ, nên các lo ngại về việc AI hủy diệt thế giới sẽ không trở thành mối lo ngại. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có công việc yêu cầu tính chính xác hoàn toàn cao như luật, y tế, hành chính vẫn cần phải cẩn thận khi sử dụng AI, vì nó có một đặc tính là khả năng “bịa chuyện”, làm sai lệch thông tin.

Bổ sung vào đó, ông Trí Thông cho rằng các doanh nghiệp trước mắt chỉ cần tập trung vào việc biến AI thành công cụ. Nếu doanh nghiệp nào có thể “lướt” được cơn sóng này, thì có thể tiến về phía trước. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp của mình, ông chia sẻ rằng phía công ty PNJ vẫn còn đang quan sát xu thế AI chứ chưa có chiến lược nào.

Ông Đào Trung Thành, Chuyên gia tư vấn chiến lược CNTT.
Nguồn: VSMCamp

Tiếp tục chia sẻ về những trở ngại khi ứng dụng AI, ông Trí Thông nhấn mạnh rằng việc sử dụng AI phải có dữ liệu (data). Tùy mật độ data mà doanh nghiệp có cách tiếp cận khác nhau, ví dụ như PNJ sẽ không thu được data nhiều do một năm khách giao dịch chỉ một đến hai lần, trong khi một số doanh nghiệp như Grab thì khách mỗi ngày giao dịch vài lần. Nhưng dù là gì thì cách tiếp cận AI “all-in” sẽ không phù hợp với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại.

Ông Lê Trí Thông, CEO PNJ.
Nguồn: VSMCamp

Buổi thảo luận không kết luận rằng AI tiếp theo sẽ như thế nào hay được sử dụng như thế nào, vì AI sẽ vẫn còn thay đổi nhiều theo thời gian. 

2. Thảo luận bàn tròn: Chiến lược đột phá và tư duy bền vững

  • Moderator: Ông Trần Bằng Việt – CEO Đông A Solutions, Chủ tịch JCI Vietnam 2016
  • Panelists:
    • Bà Vưu Lệ Quyên – CEO, Biti’s
    • Ông Nguyễn Đình Thành – Chuyên gia Truyền thông Văn hóa, Đồng sáng lập Elite PR School
    • Ngọc Võ – CEO Yola Education
    • Ông Klaus Wehage – Managing Partner and Author of Global Class

Từ trái qua phải: Ông Trần Bằng Việt, bà Ngọc Võ, ông Klaus Wehage, bà Vưu Lệ Quyên, ông Nguyễn Đình Thành.
Nguồn: VSMCamp

Với sự dẫn dắt và “chặt chém” thú vị của ông Trần Bằng Việt, buổi thảo luận trở nên sôi nổi hơn khi khai thác hai vấn đề mang tầm vĩ mô: Chiến lược đột phá và tư duy bền vững. Panel đa dạng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đặt ra câu hỏi về yếu tố gì là cần thiết để doanh nghiệp bức phá và sau đó là bức phá một cách “bền vững”.

Nói về bức phá, ắt hẳn người làm marketing hầu như ai cũng biết về cú bức phá ngoạn mục và đã trở thành một case-study tiêu biểu của Biti’s: chiến dịch quảng cáo “Đi để trở về” năm 2017. Nhưng thành công này không chỉ đến từ Marketing hay có được qua một đêm. Thực tế, doanh nghiệp đã nghiên cứu về giày Sneaker 10 năm trước đó, liên tục nghiên cứu và đi học tập tại nước ngoài, và thử rồi thất bại nhiều lần. Những gì được viết trên case-study chỉ là lần thử sau cùng và đã thành công thôi. Bà Lệ Quyên cho rằng sự “lì đòn” của mình và Biti’s là yếu tố giúp cho những nỗ lực đưa thương hiệu chạm đến “bức phá” – vốn không dễ có được ngay từ lần đầu triển khai. 

Bà Vưu Lệ Quyên, CEO, Biti’s
Nguồn: VSMCamp

Tiếp lời, bà Ngọc Võ chia sẻ rằng có ba yếu tố giúp cho doanh nghiệp đột phá. Thứ nhất, phải có được tầm nhìn doanh nghiệp. Thứ hai là quyết tâm làm cho tới khi làm được (tất nhiên phải có làm các việc quan trọng và thực tiễn như phân tích thị trường, data, đánh giá...). Thứ ba là có ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tư duy trước để quyết định xem chọn công nghệ nào là phù hợp, khoan vội chạy theo các công nghệ mới hoặc đang xu hướng.

Bàn về việc làm thế nào để có thể đột phá không chỉ một lần mà còn có thể duy trì sự thành công về lâu dài, bà Ngọc Võ khẳng định doanh nghiệp phải nghĩ đến việc mình làm như thế nào để các lần tiếp theo sẽ hao tốn ít công sức hơn so với lần làm đầu tiên.

Từ quan điểm trong quyển sách của mình, tác giả Klaus nhắc nhở các chủ doanh nghiệp không chỉ tập trung cho doanh nghiệp bứt phá, mà còn phải lắng nghe khách hàng của mình.

Với vai trò của một người làm văn hóa, ông Đình Thành khẳng định rằng đột phá phải đến từ những người đứng đầu doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp có tầm nhìn to lớn, vượt ra khỏi những chỉ số về doanh thu, doanh nghiệp sẽ có cơ hội để bứt phá. Song song đó, bởi vì văn hóa là nền tảng của một thương hiệu, nên nếu muốn phát triển đột phá thì doanh nghiệp phải bắt đầu cùng với việc xây dựng và làm vững chắc văn hóa của mình. Doanh nghiệp có thể có nhiều hướng phát triển đột phá, nhưng những giá trị văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp vẫn sẽ giữ nguyên và đi cùng các giá trị nhân sinh. 

Ông Nguyễn Đình Thành – Chuyên gia Truyền thông Văn hóa; Đồng sáng lập Elite PR School.
Nguồn: VSMCamp

Kết lại

VSMCamp & CSMOSummit 2023 đã thành công trong việc nêu bật những khía cạnh quan trọng của trí tuệ nhân tạo và chiến lược phát triển doanh nghiệp, tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ kiến thức và trải nghiệm của họ. Buổi hội thảo không chỉ là nơi trao đổi ý kiến, mà còn là một cơ hội để xây dựng cầu nối giữa những người làm chính sách, doanh nghiệp và các chuyên gia, hướng tới một tương lai doanh nghiệp sáng tạo và phát triển.