Marketer Đặng Công Sang
Đặng Công Sang

Senior Journalist @ Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư

Bóc tách chi phí #8: Tiện lợi của người dùng – Chi phí của PayPal

Bóc tách chi phí #8: Tiện lợi của người dùng – Chi phí của PayPal

Bùng nổ số lượng người sử dụng nhờ sự tiện lợi nhưng đó cũng là chi phí lớn nhất mà PayPal phải chi trả hằng năm.

Trong bài viết “Bóc tách chi phí” số này, Brands Vietnam sẽ giới thiệu về “ông lớn” PayPal với mô hình kinh doanh Fintech.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại ProFin – Cộng đồng Chuyên nghiệp về Tài chính Doanh nghiệp và là một dự án của Brands Vietnam.

Bóc tách chi phí là chuỗi bài về cấu trúc chi phí theo từng mô hình kinh doanh với những đặc thù riêng, giúp nhà quản trị có thêm góc nhìn đa dạng về các loại chi phí và mức độ quan trọng của chúng theo từng giai đoạn tạo nên chuỗi giá trị.

Lịch sử PayPal

Thành lập năm 1998, PayPal lúc đầu là hệ thống chuyển tiền trực thuộc công ty Confinity. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của PayPal lúc đó là X.com do ông Elon Musk sở hữu. Mô hình chung của cả hai là dùng đồng USD làm tiền tệ trao đổi và email làm phương tiện chuyển tiền. Vào thời điểm đó, có thể nói phương thức này là cuộc cách mạng về sự tiện lợi nên ai cũng dễ dàng mở tài khoản trực tuyến để gửi, thanh toán tiền hoặc liên kết nó với thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng.

Người sử dụng thể lưu và truy cập thông tin chi tiết về thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng thông qua tài khoản PayPal và thanh toán tiền đơn giản khi mua sắm thông qua việc nhập ID và mật khẩu trên nền tảng PayPal. Bên cạnh đó, công nghệ PayPal cho phép người sử dụng lưu chi tiết đăng nhập trên thiết bị cá nhân của mình (thời điểm đó chủ yếu là máy tính). Có thể ví von PayPal là mô hình ví điện tử phiên bản website.

Không dừng lại ở đó, PayPal phát triển đồng thời các tính năng phục vụ doanh nghiệp và người dùng cuối. Họ cung cấp dịch vụ chuyển tiền đến hơn 200 quốc gia và hơn 100 loại tiền tệ, giao dịch gửi và nhận tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản PayPal. Khách hàng còn có thể mở thẻ ghi nợ PayPal (tương tự ngân hàng) để mua sắm; cung cấp tín dụng không tính lãi (từ 99 USD) nếu thanh toán trong vòng 6 tháng và khoản vay phải trả hằng ngày với mức phí thấp hơn so với ngân hàng.

Bóc tách chi phí #8: Tiện lợi của người dùng – Chi phí của PayPal

Nguồn: iStock

Với doanh nghiệp, công ty cung cấp dịch vụ cổng thanh toán. Chỉ trong vòng tám tháng, số lượng tài khoản đã tăng từ 12 nghìn lên 2,7 triệu tài khoản. Mùa hè năm 2001 là cột mốc đáng nhớ với PayPal khi họ đã có được 9 triệu người dùng và hơn 120.000 giao dịch được thực hiện mỗi ngày. Với những con số ấn tượng về hoạt động kinh doanh, PayPal chính thức lên sàn vào năm 2002 và được eBay mua lại không lâu sau đó.

PayPal Holdings, Inc. bao gồm nhiều bộ phận như PayPal Inc., PayPal Pte. Ltd, PayPal Payments Pte. Holdings, PayPal Payments Pte Limited và các công ty con như PayPal Braintree, Paydiant, Honey, Venmo, PayPal Credit, Xoom Corporation, Zettle và Tradera.

Doanh thu của PayPal

Trước khi đi vào chi tiết các nguồn doanh thu của PayPal, hãy cùng điểm qua chuỗi  giá trị mà công ty này cung cấp cho thị trường.

Bóc tách chi phí #8: Tiện lợi của người dùng – Chi phí của PayPal

Chuỗi giá trị của PayPal.
Nguồn: PayPal, tổng hợp bở ProFin

Nguồn thu từ các giao dịch phát sinh (chủ đạo) và dịch vụ hỗ trợ việc thanh toán

  • Phí giao dịch: Đối với cá nhân, PayPal tính phí thay đổi theo quốc gia, mỗi khi khách hàng gửi hoặc nhận tiền trực tuyến. Phí này được tính trên số tiền được gửi bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng  PayPal. Đối với tài khoản doanh nghiệp, người bán sử dụng PayPal để bán hàng trực tuyến phải trả khoản phí 2,9% trên số tiền họ nhận được và cộng thêm mức phí cố định 0,3 USD cho mỗi giao dịch. Lưu ý rằng khi nhận thanh toán từ các quốc gia khác nhau, PayPal tính phí bao gồm chi phí chuyển đổi tiền tệ bên cạnh phí thanh toán quốc tế – phí cũng khác nhau tùy theo loại tiền tệ.
  • Phí rút tiền: Khách hàng có thể nhận tiền thông qua một liên kết tùy chỉnh và chịu một khoản phí nhất định. Tại Mỹ, phí là 2,9% trên tổng số tiền nhận được và cộng thêm 0,3 USD trên mỗi giao dịch. Ngoài ra, công ty cũng tính phí cho mỗi lần người dùng rút tiền bằng thẻ ghi nợ của họ.
  • Payflow: Payflow là cổng mà tài khoản người bán có thể tích hợp vào trang web của họ. Đối với gói dịch vụ miễn phí, khách hàng nhập chi tiết thanh toán trên một trang do PayPal lưu trữ. Đối với tùy chọn cao cấp, người bán phải trả mức phí 25 USD mỗi tháng để thiết kế trang thanh toán theo mục đích riêng.
  • PayPal Here: Ứng dụng di động và đầu đọc thẻ của PayPal cho phép khách hàng nhận được thanh toán từ tất cả các loại thẻ.
  • Đầu tư: Số tiền được giữ trong tài khoản sẽ được PayPal gửi vào các khoản đầu tư thanh khoản, mang lại tiền lãi dưới dạng doanh thu.
  • Tín dụng: Khi người sử dụng dùng khoản tín dụng 99 USD trở lên, nếu thanh toán trong vòng 6 tháng sẽ không mất phí, còn không thì chịu phí 19,99% hằng năm, tính từ ngày vay.
  • Tài khoản doanh nghiệp/ thương nhân: Tài khoản thanh toán này cho phép doanh nghiệp tiếp cận một số tài nguyên và dịch vụ đặc biệt với chi phí là 30 USD mỗi tháng. Ngoài ra, PayPal tính phí 0,1 USD cho thanh toán bằng thẻ tín dụng và cung cấp các tính năng tùy chọn khác, chẳng hạn như chống gian lận, thanh toán định kỳ và xác thực người mua.

Nguồn thu thụ động

  • Kinh doanh liên kết: PayPal cung cấp một số giải pháp kết hợp với Xero và Woo Commerce và công ty kiếm được hoa hồng liên kết từ đó.
  • Từ công ty con: PayPal sở hữu các công ty khác, chẳng hạn như Braintree, Xoom và Venmo, giúp tăng thêm giá trị và nguồn doanh thu cho công ty.

Chi phí của PayPal

Không thể phủ nhận sự tiện lợi mà PayPal đem lại cho khách hàng nhưng cơ bản họ vẫn là cầu nối với các hệ thống tài chính hiện tại, chính vì thế, chi phí cho việc kết nối và duy trì chúng khá đắt đỏ. Dưới đây là các khoản chi phí khủng khiếp nhất mà PayPal phải gánh.

Chi phí giao dịch

Bóc tách chi phí #8: Tiện lợi của người dùng – Chi phí của PayPal

Chi phí giao dịch chủ yếu bao gồm các chi phí mà PayPal phải chịu để chấp nhận nguồn thanh toán của khách hàng.
Nguồn: Shutterstock

Chi phí giao dịch chủ yếu bao gồm các chi phí mà công ty phải chịu để chấp nhận nguồn thanh toán của khách hàng. Những chi phí này bao gồm phí trả cho bộ xử lý thanh toán và các tổ chức tài chính khác khi PayPal rút tiền từ thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, tài khoản ngân hàng hoặc nguồn tiền khác mà khách hàng đã lưu trữ trong ví kỹ thuật số của họ.

Việc thanh toán xuyên quốc gia cũng tạo nên một khoản chi phí lớn cho PayPal vì nó bị ảnh hưởng bởi khu vực địa lý hoặc quốc gia nơi xảy ra giao dịch và do chính sách công ty thường trả mức phí thấp hơn cho các giao dịch được tài trợ bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ bên ngoài Mỹ. Báo cáo tài chính năm 2022 của công ty cho thấy chi phí giao dịch đã tăng 1,9 tỷ USD, tương đương 18% so với năm 2021 do TPV (Total payment value – tổng giá trị thanh toán) tăng 9% và do các biến động về tỷ giá.

Lưu ý rằng càng chấp nhận nhiều thẻ giao dịch ngoài lãnh thổ Mỹ để tăng tính tiện lợi cho người dùng thì chi phí sẽ càng tăng cao. Ví dụ như năm 2022, tỷ lệ chi phí giao dịch tăng so với năm 2021 cũng là do tỷ lệ các giao dịch nói trên chiếm khá nhiều trong TPV của công ty (40%). Con số này đã tăng từ 35% từ năm 2020.

Chi phí công nghệ và phát triển

Chi phí công nghệ và phát triển bao gồm các chi phí phát sinh liên quan đến việc phát triển nền tảng thanh toán, sản phẩm mới và cải tiến các sản phẩm hiện có của công ty. Chi phí này có xu hướng tỷ lệ thuận với doanh thu, doanh thu càng tăng, chi phí phát triển và đầu tư cho công nghệ càng tăng. Ví dụ như năm 2022, chi phí này tăng 7% so với năm 2021 chủ yếu đến từ việc bổ sung nhân sự cho bộ phận lập trình và mở rộng chi phí sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.

Khoản lỗ giao dịch và tín dụng

Chi phí này phát sinh từ các chương trình bảo vệ khách hàng khỏi gian lận và các khoản bồi hoàn của PayPal. Ngoài ra, còn đến từ các khoản lỗ tín dụng dự kiến liên quan đến danh mục phải thu các khoản cho vay tiêu dùng và cho vay doanh nghiệp.

Điều kiện kinh tế bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tác động đến thói quen mua sắm là nguyên nhân chính dẫn đến chi phí này tăng lên vì chúng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ các khoản vay của người mua và các khoản tạm ứng của doanh nghiệp.

Để giải quyết, công ty phải trích lập quỹ dự phòng để ứng phó với các rủi ro từ các khoản vay khó đòi, là nguyên nhân chính dẫn đến việc khoản lỗ giao dịch và tín dụng tăng cao. Điều này cũng tác động đến lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2022. Dù doanh thu cao hơn năm 2021 (27 tỷ USD so với 25 tỷ USD) nhưng lợi nhuận sau thuế lại kém xa (1,6 tỷ USD so với 4,5 tỷ USD)

Về cơ bản, chi phí này còn xếp sau cả chi phí quản lý chung tuy nhiên nó có xu hướng tăng rất nhanh trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động. Lấy ví dụ trong năm 2020, chi phí này là 1,7 tỷ USD, đã giảm xuống hơn 1 tỷ USD vào năm 2021 và tăng hơn 1,5 tỷ USD kết thúc năm 2022.

Bóc tách chi phí #8: Tiện lợi của người dùng – Chi phí của PayPal

Cơ cấu chi phí/ doanh thu của PayPal.
Nguồn: PayPal, tổng hợp bởi ProFin

Kết

Có thể thấy với mô hình các dịch vụ “đứng” giữa người sử dụng và hệ thống tài chính hiện có như PayPal thì mỗi giao dịch phát sinh họ chỉ được phần nhỏ trong tổng số đó vì phải thanh toán cho các đối tác khác.

Để gia tăng tính tiện lợi cho người sử dụng, PayPal cung cấp thêm nhiều dịch vụ tài chính khác, vì thế đòi hỏi hệ thống bảo mật và khả năng chấm điểm tín dụng phải được đầu tư. Càng cung cấp nhiều sự tiện lợi cho người sử dụng, chi phí của PayPal càng tăng cao nhưng ở mặt tích cực cũng vì chi phí đầu tư quá lớn như vậy nên soán ngôi PayPal ở Mỹ không phải là việc có thể thực hiện trong ngắn hạn.

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Đặng Công Sang
* Nguồn: ProFin