Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

Chắc hẳn đã không ít lần bạn muốn vuốt ve, âu yếm thậm chí bấu véo, cưng nựng khi nhìn thấy đôi má phúng phính của em bé, những chú cún con, mèo con, gấu bông hay những món đồ chơi xinh xắn, đáng yêu khác. Hiện tượng con người bị thu hút bởi những thứ dễ thương có thể được giải thích từ nhiều góc độ, bao gồm cả khía cạnh tâm lý, sinh học và xã hội. Hãy cùng Rubyk tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây!

Do tác động của “hormone tình yêu”

Những năm 1940, nhà động vật học Konrad Lorenz đã đưa ra giả thuyết mà ông gọi là “kinderschema”, hay đặc điểm thẩm mỹ trẻ con điển hình như đầu tròn, chân tay nhỏ xíu, đôi mắt to, cử chỉ ngây thơ... sẽ kích hoạt một kiểu “bản năng” làm cha mẹ ở người lớn. Phản ứng nuôi dưỡng này có thể giúp nâng cao khả năng sống sót của con cái và được mô tả như một chức năng cơ bản của nhận thức xã hội loài người. Các nghiên cứu gần đây đã mở rộng khái niệm về sự dễ thương sang các tín hiệu thính giác và khứu giác (tiếng cười hoặc mùi của em bé mới sinh) cũng gợi lên tình cảm và sự quan tâm.

Các nhà khoa học khác cũng đưa ra kết luận tương tự khi nghiên cứu về tâm lý học đằng sau sự dễ thương. Cụ thể, Varun Choudhary – một bác sĩ pháp y tâm thần – cho rằng: Việc nhìn thấy những con người hoặc động vật nhỏ bé, mắt to, đáng yêu sẽ giải phóng oxytocin – hay còn gọi là “hormone tình yêu” – có liên quan đến việc hình thành các mối liên kết tình cảm. Không chỉ oxytocin, khi nhìn thấy những thứ dễ thương, não bộ cũng sẽ giải phóng một hormone mang tên dopamin làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc.

Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

Nhìn thấy những thứ dễ thương sẽ làm cho chúng ta giải phóng những hormone tình yêu như oxytocin hay dopamin.

Các nghiên cứu còn chỉ ra một điểm khá thú vị – con người không chỉ coi những thứ nhỏ bé là dễ thương mà còn cho rằng những thứ dễ thương thường nhỏ hơn kích thước thực tế của chúng. Ví dụ, các bà mẹ thường nhìn đứa con út của mình thấp hơn, nhỏ bé hơn nhiều so với thực tế, “ảo tưởng” này dẫn đến việc họ dành nhiều sự chăm sóc, tâm tư, tình cảm hơn cho đứa con út của mình. 

Khơi gợi niềm vui, ký ức tuổi thơ

Ký ức tuổi thơ là nguồn an ủi, niềm vui và nỗi nhớ ngọt ngào của mỗi người. Tại đó, sẽ luôn có những đồ vật, hình ảnh dễ thương gắn liền với ký ức của chúng ta như búp bê, siêu nhân, quả bóng, Tom & Jerry, chuột Mickey... Mặc dù mọi người có thể có những phản ứng cảm xúc khác nhau đối với một đồ vật, tùy thuộc vào những cảm xúc in sâu với từng kí ức của họ, nhưng khi vô tình nhìn thấy hình ảnh này, họ như được quay trở về với những cảm xúc khi còn nhỏ.

Chẳng hạn như búp bê là món đồ chơi quen thuộc trong tuổi thơ của nhiều người. Những bộ đồ sặc sỡ, bộ tóc ỏng ả, mượt mà hay đôi mắt to tròn dễ thương khiến búp bê không chỉ là một đồ chơi đơn thuần mà còn trở thành niềm say mê vô tận của những người đam mê “bộ môn” đáng yêu này.

Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

Những đồ vật dễ thương như búp bê thường khơi gợi niềm vui và ký ức tuổi thơ của nhiều người.

Sự dễ thương mang đến cảm giác an toàn và vô hại

Những thứ dễ thương thường có kích thước nhỏ, điều này mang đến cảm giác an toàn và không tạo mối đe dọa với người nhìn. Theo Tiến sĩ, nhà tâm lý học Brian Wind, đây là một phần tạo nên sự hấp dẫn của những thứ dễ thương, bởi chúng ta thường có cảm giác có thể kiểm soát và có quyền lực cao hơn đối với những thứ có kích thước nhỏ. 

Những chú mèo con nhỏ nhắn với đôi mắt to tròn, bộ lông mềm mại luôn tạo cho người xem cảm giác muốn ôm ấp, vỗ về bởi chúng nhìn rất vô hại, không hề đáng sợ. Mặc dù những chú mèo nhỏ này vẫn có khả năng cào cấu, gây tổn thương cho những người muốn động vào nó, tuy nhiên, kích thước nhỏ bé của chúng tạo cho chúng ta cảm giác dễ dàng kiểm soát được những bé mèo này.

Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

Những thứ dễ thương thường có kích thước nhỏ, điều này mang đến cảm giác an toàn và không tạo mối đe dọa với người nhìn.

Thỏa mãn sự tò mò, thu hút người xem

Sự dễ thương còn mở rộng đến những đồ vật “vô tri” như búp bê, gấu bông, mô hình nhân vật… Màu sắc rực rỡ, biểu cảm dễ thương, ngoại hình nhỏ xíu đáng yêu là lý do khiến những món đồ này nhanh chóng “đánh cắp” ánh nhìn của người xem.

Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

Mỗi dịp Trung Thu, các gian hàng trên Hàng Mã lại được dịp “lên đồ” với những mô hình đèn lồng rực rỡ, mặt nạ đáng yêu, đồ chơi độc lạ.

Thử nghĩ xem, khi đi du lịch một địa điểm nào đó, bạn có từng một lần bị “lạc” trong những gian hàng đồ lưu niệm với rất nhiều mô hình kiến trúc, nhân vật dễ thương chưa?

Đôi khi, sự thu hút của những mô hình nhân vật hay một bộ sưu tập nào đó không chỉ đến từ sự dễ thương vốn có của nó, mà đó còn là đam mê và niềm vui của nhiều người.

Chẳng hạn như bộ sưu tập Sweety Hello Kitty, sản phẩm hợp tác giữa PNJ và Sanrio, mang màu sắc ngọt ngào của cô bé mèo Hello Kitty với gương mặt đáng yêu và chiếc nơ xinh xắn. Bộ sưu tập vừa ra mắt đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim của biết bao cô gái và trở thành bộ sưu tập trang sức bán chạy nhất tháng 5/2023 của PNJ.

Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

PNJ hợp tác với Sanrio cho ra mắt bộ sưu tập lấy cảm hứng từ Hello Kitty.

Tại sao nên ứng dụng sự dễ thương trong marketing?

Ứng dụng sự dễ thương trong marketing giúp thương hiệu tạo nên liên kết tích cực với khách hàng và tăng cường hiệu suất cho chiến lược tiếp thị. Dưới đây là những ưu điểm mà sự dễ thương có thể mang lại khi được sử dụng trong hoạt động marketing của doanh nghiệp. 

Xây dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện, gần gũi

Hình ảnh, quảng cáo hoặc nội dung dễ thương thường khiến người xem cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và thoải mái. Điều này giúp tạo nên ấn tượng tích cực về một thương hiệu thân thiện, gần gũi.

Chẳng hạn, một số lĩnh vực như tài chính – ngân hàng thường bị gắn mác cứng nhắc, khô khan. Tuy nhiên, thương hiệu hoàn toàn có thể “đập tan” định kiến này bằng cách sử dụng các yếu tố dễ thương trong hoạt động của mình. 

Với mong muốn xây dựng một hình ảnh gần gũi đồng thời khuyến khích khách hàng tương tác với thương hiệu, một bộ emoticon được Rubyk thiết kế riêng cho Finavi (ứng dụng tài chính mới ra mắt) với những biểu cảm đa dạng, đáng yêu và hài hước đã góp phần tạo nên một hình ảnh thương hiệu trẻ trung và thân thiện hơn với người dùng.

Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

Bộ emoticon với những biểu cảm đáng yêu, hài hước giúp mang thương hiệu đến gần hơn với khách hàng.

Tăng tương tác và khả năng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng

Mọi người yêu thích sự dễ thương bất kể lứa tuổi hay giới tính. Điều này đã được chứng minh thông qua nhiều nghiên cứu khoa học. Vì vậy, những nội dung mang tính chất dễ thương làm cho người tiêu dùng cảm thấy muốn tương tác nhiều hơn như chia sẻ, bình luận, thậm chí là tương tác trực tiếp với thương hiệu.

Kích thích cảm xúc tích cực từ khách hàng

Sự dễ thương có thể kích thích cảm xúc tích cực từ khách hàng bằng cách tạo ra một kết nối cảm xúc. Thông thường, sự dễ thương sẽ đi kèm với cách giao tiếp thân thiện, điều này khiến khách hàng cảm thấy được đối xử một cách vui vẻ, từ đó họ có xu hướng phản ứng tích cực hơn. 

Việc sử dụng các yếu tố dễ thương trong marketing không chỉ làm tăng nhận diện thương hiệu mà còn tạo ra một trải nghiệm tích cực, tăng cường giá trị thương hiệu và lòng trung thành từ khách hàng. Đồng thời, những nội dung dễ thương còn giúp thúc đẩy tương tác trên mạng xã hội và tạo ra một hiệu ứng lan truyền tích cực. Những cảm giác hạnh phúc và thoải mái kết hợp với sự dễ thương làm cho mỗi tương tác với thương hiệu trở nên đáng nhớ từ đó dần dần ghi dấu thương hiệu trong tâm trí của khách hàng.

Vì sao chúng ta bị thu hút bởi những thứ dễ thương?

Sự dễ thương có thể kích thích cảm xúc tích cực từ khách hàng bằng cách tạo ra một kết nối cảm xúc.

Tạo sự khác biệt với những thương hiệu khác

Trong môi trường tiếp thị cạnh tranh như hiện tại, sự dễ thương như một sự “xoa dịu” nhẹ nhàng mà thương hiệu mang đến cho khách hàng, tạo cho người xem cảm giác vui vẻ và gần gũi hơn so với các nội dung khác. Thông qua đó, giúp thương hiệu trở nên nổi bật và đặc biệt hơn. Hơn nữa, người tiêu dùng thường nhớ đến những thương hiệu mà họ cảm thấy đáng yêu và thoải mái hơn.

Kết

Mặc dù sự dễ thương không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi ngành hàng hay mọi mục tiêu đối tượng. Tuy nhiên, bằng cách khai thác những cảm xúc tích cực của con người về sự dễ thương, thương hiệu có thể “gặt hái” được nhiều thành công hơn trong tương lai.

* Nguồn: Rubyk Agency